Đằng sau ‘phê phán trước toàn dân’ là gì?

Trúc Giang

Việc loay hoay kiểu “phê phán trước toàn dân” cho thấy đây chỉ là câu chuyện kiểu đánh bùn sang ao.

clip_image002

“Phê phán trước toàn dân” đối với ông Vũ Huy Hoàng có phải cụm từ chỉ đạo mang đặc thù rất “tuyên giáo” của Tổng Bí thư Trọng?

Ông Vũ Huy Hoàng phạm lỗi ‘quy hoạch cán bộ’ nên phải chịu mức kỷ luật “cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016”. Tuy nhiên, đến nay kỷ luật đảng vẫn chưa có quy định nào về hình thức “phê phán trước toàn dân”. Hệ thống pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam cũng không có điều luật nào về xử phạt theo hình thức “phê phán”.

Nếu là Nhà nước pháp quyền…

Một câu nói thường nghe: “Công dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Ai cũng biết đó là một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng pháp luật của một nhà nước pháp quyền. Nếu quốc gia nào muốn đưa nguyên tắc này vào thì chỉ có thể đưa vào Hiến Pháp.

Tuy nhiên ở Việt Nam thì nguyên tắc này chưa được minh định trong Hiến Pháp, nên đôi khi vẫn còn tranh luận khi diễn giải và áp dụng các văn bản pháp luật cụ thể. Rõ thấy nhất đó là các quyền của công dân mà pháp luật chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Khi đó công dân được thực hiện quyền của mình hay không? Bên ủng hộ nguyên tắc này thì bảo vì pháp luật không cấm nên công dân được phép làm. Bên chưa đồng ý thì bảo công dân chỉ được làm khi có quy định pháp luật cụ thể.

Cá nhân người viết nghĩ rằng đến khi nào Việt Nam đưa nguyên tắc này vào trong Hiến pháp, thì khi đó người ta mới có thể vui mừng là Việt Nam đã tương đối hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình, còn bây giờ thì chưa. Sở dĩ có thể nói như vậy vì vào chiều ngày 23 tháng 12, báo chí đưa tin với tít rất giựt rằng: “Ông Vũ Huy Hoàng chính thức bị phê phán trước toàn dân”.

Trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, không có điều khoản này nói về mức xử phạt gọi là “phê phán”, chứ chưa vội nói đến chuyện thế nào là “trước toàn dân”. Như vậy, câu “cơ quan công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”, chỉ mới dừng lại ở ngữ nghĩa của một khẩu hiệu đẹp!

Thật ra các thông tin mà báo chí đăng tải vào chiều ngày 23 tháng 12, chỉ là nhắc lại một nội dung mà hôm sáng 18-11-2016, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội nói với báo chí, nguyên văn thế này: “Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mắc khuyết điểm trong thời gian trước, thì Quốc hội giờ đã tuyên bố phê phán trước quốc dân đồng bào trong một phiên truyền hình trực tiếp. Giờ đi đâu người ta cũng biết ông Hoàng có hành vi vi phạm như vậy rồi”.

Trong Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, mà ông Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra vào chiều ngày 23-12 có phần nội dung liên quan đến ông Vũ Huy Hoàng, như sau: “Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016, trước Quốc hội, cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn.

Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”.

Vi phạm công tác tổ chức cán bộ: tên gọi khác của tham nhũng chính sách?

Trở lại với cụm từ “phê phán trước toàn dân”. Tạm thời cho rằng ở Việt Nam tôn trọng nguyên tắc cơ quan công quyền là pháp nhân có chức năng, quyền hạn riêng và chỉ thực hiện trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình do pháp luật quy định về thẩm quyền, trình tự và thủ tục.

Theo cách hành xử đó, nếu như cáo buộc rằng ông Vũ Huy Hoàng “đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn” (trích Nghị quyết số 33/2016/QH14), thì xét về mặt ‘uy tín Đảng’, ông Vũ Huy Hoàng phải chịu sự điều chỉnh của Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, văn bản số 181-QĐ/TW, do ông Lê Hồng Anh ký ban hành ngày 30 tháng 03 năm 2013.

Về vấn đề này, cơ bản đã giải quyết bằng việc Ban Bí thư thống nhất 100% quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với ông Hoàng. Nói là cơ bản, vì cho đến nay vẫn chưa rõ là ông Vũ Huy Hoàng chịu mức kỷ luật đảng do những sai phạm vào những điều nào, nội dung cụ thể gì ở văn bản số 181-QĐ/TW nói trên.

Tại văn bản số 181-QĐ/TW, ở “Điều 10. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ”, cho biết ông Vũ Huy Hoàng chỉ phải chịu mức kỷ luật “cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016”, nếu như trước đó ông Vũ Huy Hoàng từng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, nhưng sau đó vẫn ‘chứng nào tật nấy’, thì mới chuyển sang mức kỷ luật ‘cách chức’.

Cho đến thời điểm chiều ngày 23-12-2016, chưa có văn bản từ cơ quan Đảng thông báo về các hành vi vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng, nằm trong nội dung nào của quy định tại Điều 10.1: “a) Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, thi nâng ngạch, đi nước ngoài trái quy định; nhờ, thuê người khác hoặc nhận và thực hiện thi thuê, thi hộ, học hộ, học thuê. b) Chỉ đạo hoặc yêu cầu đề bạt, bổ nhiệm người có vi phạm, chưa hết thời hiệu bị kỷ luật hoặc đang là đối tượng điều tra, thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa được kết luận. c) Thực hiện không đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình về công tác cán bộ; không chấp hành quy định về công tác cán bộ; làm sai lệch hoặc tự ý sửa chữa tài liệu, hồ sơ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhận xét, đánh giá cán bộ không có căn cứ, thiếu trung thực, không khách quan.

d) Cố ý không chấp hành quyết định điều động, luân chuyển, phân công công tác, nghỉ chế độ, chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định; không chấp hành quyết định kỳ luật đối với mình khi được tổ chức Đảng có thẩm quyền công bố và trao quyết định. đ) Chỉ đạo hoặc thực hiện tuyển dụng, cho thi nâng ngạch, đi học, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại người thân (bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột) không đúng quy hoạch, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. e) Chỉ đạo hoặc thực hiện việc tuyển dụng, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật không đúng nguyên tắc, quy trình, quy định; quy hoạch, đào tạo, cử người đi công tác nước ngoài không đủ tiêu chuẩn, điều kiện”.

Ai là đồng phạm với ông Vũ Huy Hoàng?

Công tác tổ chức cán bộ như nêu ở Điều 10 của Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, cho thấy một mình cá nhân ông Vũ Huy Hoàng hoàn toàn không thể ‘một tay che trời’.

Đơn cử về công tác luân chuyển cán bộ, theo quy định của Bộ Chính trị, trước khi tổ chức luân chuyển cần phải xin ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng về sự cần thiết. Tiếp đó xây dựng các tiêu chí có liên quan, ví dụ như cán bộ diện luân chuyển phải có độ tuổi trẻ, từ vụ trưởng trở lên, trong quy hoạch phát triển lên cấp cao hơn… Sau khi làm kỹ các công việc này, việc luân chuyển được thông báo tới các ban ngành trung ương với các nội dung cụ thể, ban ngành nào có yêu cầu, có điều kiện theo hướng dẫn đã nêu thì lên danh sách.

Ban Tổ chức Trung ương sẽ tập hợp danh sách, ai không đảm bảo các điều kiện thì không nhận. Danh sách nhân sự dự kiến luân chuyển được tập hợp và được gửi đi nhiều nơi có liên quan, từ Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, địa phương… Dự kiến nhân sự nào về địa phương nào sẽ trao đổi với địa phương đó, khi địa phương đồng ý mới báo cáo với Ban Bí thư quyết định danh sách. Trên lý thuyết thì trường hợp trung ương đồng ý rồi mà địa phương không đồng ý cũng không được.

Ban Tổ chức Trung ương còn giữ trách nhiệm tổng hợp, thẩm định nhân sự trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, điều động công tác các ủy viên Trung ương Đảng; bổ nhiệm, chỉ định, chuẩn y, giới thiệu bầu bổ sung các bí thư tỉnh ủy, thành ủy; phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; trưởng, phó ban Đảng; thứ trưởng và tương đương. Ban này còn tham mưu thẩm định, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc phong, thăng quân hàm cấp tướng đối với sĩ quan quân đội và công an; bổ nhiệm đại sứ.

Như vậy, dù trên cương vị Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng không thể một mình để vấp sai phạm các nội dung ở Điều 10 của Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Tuy nhiên để có kết luận thuyết phục về những sai phạm nếu có của ông Vũ Huy Hoàng trong thời gian làm bộ trưởng Bộ Công thương, thì đây phải là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Việc loay hoay kiểu “phê phán trước toàn dân” cho thấy đây chỉ là câu chuyện kiểu đánh bùn sang ao.

T.G.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/12/vntb-ang-sau-phe-phan-truoc-toan-dan-la.html

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.