Một số vấn đề về người Hoa ở Việt Nam

Trần Quang Ninh

Lịch sử lục địa Đông Á không phải là lịch sử của chỉ riêng tộc người Hoa, người Hạ (sau hợp nhất thành tộc Hoa Hạ, từ thời nhà Hán được gọi là người Hán) mà là lịch sử của cả các tộc thuộc Bách Việt và các tộc người khác. Ngày nay ta nói đền nền văn minh Trung Hoa, nhưng có lẽ nên gọi đó là nền văn minh Đông Á. Đó không phải là nền văn minh của chỉ tộc người Hán mà còn là nền văn minh của các tộc người khác, đặc biệt là của các tộc thuộc Bách Việt.

Trước thời Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), Trung Hoa chưa thể được xem là một quốc gia mà đó là một tập hợp bao gồm một số quốc gia ở lưu vực sông Hoàng Hà. Quá trình hình thành Trung Hoa là sự bành trướng ra xung quanh, thôn tính và sát nhập dần các nước. Trong lịch sử hàng ngàn năm, không phải lúc nào Trung Hoa cũng là một thực thể thống nhất và không phải luôn do tộc người Hán cai trị. Thuật ngữ “người Trung Hoa” không đồng nghĩa với thuật ngữ “người Hán”. “Trung Hoa” là danh từ chỉ một quốc gia, “người Trung Hoa” là để chỉ những người sinh sống trên lãnh thổ quốc gia này. Còn “Hán” là danh từ chỉ một tộc người.

Yong-Gang Yao và các đồng nghiệp cho rằng “The formation of the Han people was a process of continuous expansion by integration of numerous tribes or ethnic groups” – Sự hình thành người Hán là một tiến trình liên tục bành trướng bằng cách sát nhập nhiều bộ lạc và chủng tộc vào người Hán…” (Phylogeographic Differentiation of Mitochondrial DNA in Han Chinese – Am J Hum Genet. 2002 Mar;70(3):635-51. Epub 2002 Feb 8). Hiện nay, người Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến,… là người Trung Hoa nhưng phần đông trong số họ không phải người Hán mà là những tộc người thuộc Bách Việt (Đông Việt, Mân Việt,…). Một bộ phận trong các tộc thuộc Bách Việt nay định cư trên lãnh thổ Trung Hoa tuy không bị Hán hóa hoàn toàn nhưng trở thành các dân tộc thiểu số.

Theo diễn tiến của lịch sử, lãnh thổ các nước không đồng nhất với lãnh thổ cư trú của các tộc người. Trong suốt tiến trình lịch sử đã ghi nhận việc xuất hiện hoặc diệt vong của nhiều nước, sự hợp nhất hoặc phân chia các nước, sự mở rộng hoặc thu hẹp lãnh thổ của các nước. Nhưng địa bàn cư trú của các tộc người không hoàn toàn thay đổi theo những điều này. Trong mỗi nước có sự đan xen, hòa trộn của các tộc người và văn hóa của họ. Ngay Trung Hoa cũng bao gồm sự hòa trộn tộc người Hán với các tộc thuộc Bách Việt và cả từ sự tràn vào để chinh phục Trung Nguyên của những tộc người Tây Tạng, Đột Quyết, Mông cổ, Mãn Châu,…

1. Người Việt

Vùng Lĩnh Nam (phía nam dãy Ngũ Lĩnh) thuộc lãnh thổ của các quốc gia của người Việt (Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt). Đến năm 111TCN, Hán Vũ Đế diệt Nam Việt, toàn bộ vùng này trong đó có Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Việt Nam rơi vào tay nhà Hán. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 – 43) diễn ra 150 năm sau đó trong khắp vùng Lĩnh Nam (chứ không phải chỉ vùng Bắc Việt Nam) nhằm khôi phục lãnh thổ cũ của người Việt.

Sự di dân xuống phía nam trong ngàn năm Bắc thuộc thực chất là từ một nước hoặc một địa phương nào đó nay thuộc Trung Hoa tới một địa phương nào đó nay thuộc Việt Nam. Mặc dù ở dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, nhưng do văn hóa của các tộc thuộc Bách Việt rất rực rỡ và giàu bản sắc cho nên ngược lại cũng diễn ra quá trình “Việt hóa” hay đồng hóa thành người Việt đối với những người di dân và hậu duệ của họ. Đến thời Tùy, Đường, văn hoá Bắc Việt Nam và toàn vùng Lĩnh Nam vẫn rất gần gũi với nhau và khác xa văn hoá của người Hán.

Trong sự hòa trộn về tộc người thì sự “thuần nhất” của người Việt không phải là “thuần nhất về tộc người” mà cao hơn thế là “thuần nhất về văn hóa” dù đương nhiên có ảnh hưởng qua lại với văn hóa của người Hán. Dựa trên sự thuần nhất về văn hóa, từ mấy ngàn năm nay đã hình thành một cộng đồng dân tộc thuần nhất là dân tộc Việt Nam. Chính sự thuần nhất về văn hóa là sức mạnh trường tồn của dân tộc này. Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết:

Duy ngã Đại Việt chi quốc,

Thực vi văn hiến chi bang.

Sơn xuyên chi phong vực ký thù

Nam bắc chi phong tục diệc dị.

Nghĩa là:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Năm 938, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, tái lập quốc gia của người Việt nhưng lãnh thổ chỉ gồm Bắc Việt Nam và trên lãnh thổ này diễn ra sự “giải Hán hóa” trên nhiều lĩnh vực. Phần còn lại của Lĩnh Nam thuộc quyền kiểm soát của các triều đại Trung Hoa, tiếp nhận những cuộc di dân ồ ạt của người Hán và bị Hán hoá với tốc độ nhanh hơn và kéo dài cho đến nay.

Từ thời điểm này, tất cả cư dân trên lãnh thổ Bắc Việt bao gồm chủ thể là người Lạc Việt và các tộc khác thuộc Bách Việt với bộ phận người gốc Hán đã tự đồng hóa đều là thần dân của Đại Việt và đại đa số những người này đến nay được gọi là “người Kinh”. Ngay cả đối với những người lập nghiệp ở Việt Nam sau đó cũng vậy. Có thể điểm qua một số dòng họ:

– Ông tổ của họ Vũ làng Mộ Trạch (Hải Dương) là Vũ Hồn (804 – 853) vốn là người làng Mã Kỳ, huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến. Ghi chép của họ Vũ làng Mộ Trạch viết “Họ Vũ ở làng Mộ Trạch huyện Đường An xứ Hải Dương, xưa tiên tổ Vũ Hồn là người bên Bắc Quốc, vào thời Đường Kính Tông (826-827) làm Thứ sử Giao Châu. Ông yêu thích phong thuỷ vùng này xinh đẹp, có mạch đất từ Bắc Quốc chạy chìm xuống đến tận giếng làng Mộ Trạch, ắt hẳn văn phong sẽ phấn phát, nên tìm đến sinh sống ơ’ đây. Nhân đó tên huyện được đặt là Đường An, tên làng được đặt là Mộ Trạch”..

– Thế phả họ Mạc ở Hải Dương ghi một trong những viễn tổ là Mạc Tuyên Khanh đỗ Trạng nguyên năm Đại Trung thứ 5 (851) triều Đường Tuyên Tông. Đến đời Mạc Đại Luân, tự là Đôn Nhân đã từ Quảng Đông đến lập nghiệp tại Bắc Bộ Việt Nam. Dòng họ Mạc có nhiều vị là danh nhân của Việt Nam như Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi,… và lập ra vương triều Mạc ở Việt Nam.

– Tổ tiên của họ Hồ là Hồ Hưng Dật nguyên là người Chiết Giang, di cư sang Giao Châu vào đời Ngũ Quý (907-959). Hồ tông thế phả viết ”Đức Nguyên Tổ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, người Vũ Lâm – Tích Giang – Phúc Kiến thời Ngũ Đại còn gọi là Ngũ Quý hậu Hán Ẩn Đế là nho thần sang nước ta thời hậu Ngô làm Thái thú lộ Diễn Châu, đến thời nước ta có loạn 12 sứ quân, Ngài lui về làm trại chủ hương Bào Đột (Bào Trạch) nay là Bào Giang. Về sau các chi phái phồn thịnh, các người họ Hồ trong châu đều là con cháu của Ngài…”. Dòng dõi họ Hồ có những nhân vật như Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng và anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (nguyên từ họ Hồ đổi sang họ Nguyễn).

Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Trần viết “Trước kia, tổ tiên vua [Trần Thái Tông] là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường”. Họ Trần đã lập ra một vương triều rực rỡ và 3 lần lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại sự xâm lăng từ phương Bắc.

Các dòng họ ở Việt Nam từ lâu đời như Vũ, Mạc, Hồ, Trần,… đều hoàn toàn là người Việt Nam dù tổ tiên của họ gốc gác từ một nước hay một địa phương nào đó nay thuộc Trung Hoa. Họ đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và chống lại những triều đại Trung Hoa để bảo vệ Tổ quốc của mình.

2. Người Hoa

Vào thế kỷ 17, sự sụp đổ của nhà Minh dẫn đến làn sóng những người không thần phục nhà Thanh bỏ quê hương di dân sang vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cộng đồng những người này được gọi là Minh Hương (明香) có nghĩa là hương hỏa nhà Minh. Số đông người Minh Hương chạy sang Việt Nam là từ Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Tây, Quảng Đông đến lập nghiệp ở Hội An và chiếm cứ, khai phá đất Nam Bộ. Đến năm 1827, vua Minh Mạng đổi chữ “香” sang chữ “鄉” nghĩa là “làng”, từ đó “明鄉” có nghĩa là “làng của người Minh”.

Người Minh Hương có vai trò quan trọng trong việc sáp nhập Nam Bộ vào lãnh thổ Việt Nam, gắn với nhiều sự kiện lịch sử, đóng góp to lớn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa. Nhiều người gốc Minh Hương là những người nổi danh như Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức, Phan Thanh Giản . . . và gần đây như Hồ Dzếnh (Hà Anh), Vương Hồng Sển (Vương Hồng Thạnh), Trịnh Công Sơn,…

Thời nhà Thanh và sau đó (đặc biệt trong khoảng từ năm 1935 đến năm 1950 – thời kỳ ở Trung Hoa có nhiều biến động), tiếp tục có nhiều người từ Trung Hoa di cư sang Việt Nam. Theo cuốn Người Hoa tại Việt Nam (University of Michigan, 1963), Luong Nhi Ky cho biết dân số người Minh Hương và người di cư từ Trung Hoa hoặc từ các nước khác sang Việt Nam tăng lên gấp đôi trong khoảng từ năm 1889 đến 1906. Từ năm 1910 đến 1952 tăng đến 1,5 triệu người (chiếm 6% trong tổng dân số toàn quốc) trong số đó khoảng 400.000 người sinh ra ở ngoài Việt Nam.

Chỉ những người Minh Hương và những người từ Trung Hoa hoặc các nước khác nhưng có “quê tổ” tại Trung Hoa sang Việt Nam làm ăn sau này mới được gọi là người Hoa.

Xin nêu một ví dụ để minh họa cho sự phân biệt về khái niệm: Dòng họ Mạc ở Hải Dương được xem là một dòng họ lớn của Việt Nam. Trong khi đó, sau thất bại của nhà Minh, Mạc Cửu (1655 – 1735) vốn quê tại Quảng Đông xuống vùng Hà Tiên (khi đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của Chân Lạp) và mở rộng quyền kiểm soát ra các vùng lân cận, sau đó thần phục chúa Nguyễn. Con cháu của Mạc Cửu được xem là người Minh Hương và do đó là người Hoa.

3. Vấn đề quốc tịch và ảnh hưởng của người Hoa tại Việt Nam

a. Trước năm 1954

Nhà Nguyễn phân biệt người Minh Hương với những người từ Trung Hoa vào thời nhà Thanh sang sinh sống tại Việt Nam. Người Minh Hương bị cấm không được theo phong tục của nhà Thanh, không được lui tới những nơi có đông người Trung Hoa (thời nhà Thanh) cư ngụ. Đến đời Tự Đức, người Minh Hương được coi hoàn toàn là người Việt Nam.

Sau này, danh từ Minh Hương bao gồm cả những người mang hai dòng máu Việt – Hoa hay những trẻ em của Hoa kiều sinh ra tại Việt Nam. Sau đó, người Minh Hương và con cháu những người có “quê tổ” tại Trung Hoa từ Trung Hoa hoặc các nước khác sang sinh sống tại Việt Nam đều được gọi chung là người Hoa.

Thời kỳ đó, triều đình chưa có sự rõ ràng về vấn đề quốc tịch và việc quản lý kiều dân cũng chưa trở thành hệ thống. Người Hoa phát triển thương mại, khá giả nhưng vẫn tự phân biệt và bị phân biệt với người Việt Nam.

Thời Pháp thuộc, người Hoa giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động thương mại. Thập niên 1880, chính quyền Pháp đã thất bại trong việc đánh thuế nặng vào các hoạt động này của người Hoa vì họ đã đồng loạt bỏ Việt Nam đi nơi khác, gây ra khủng hoảng về kinh tế.

Cho đến năm 1933, người Pháp vẫn giữ các quy định có từ đời vua Minh Mạng. Theo các quy định này, con trai của người Hoa có vợ Việt được xem là người Hoa, được hưởng ưu đãi về thuế khóa và một số quyền hạn đặc biệt ở giữa người khách trú (foreign Asians) và dân đinh Việt Nam. Những người này và mẹ (người Việt) phải mặc quần áo Việt và không được rời khỏi Việt Nam. Con của những người này với phụ nữ Việt được xem hoàn toàn là người Việt.

Tuy nhiên, về phía Trung Hoa thì Luật Quốc tịch Trung Hoa năm 1909 đặt trên nguyên tắc huyết thống (jus sanguinis), con của đàn ông người Hoa là công dân Trung Hoa bất kể người đó có quốc tịch khác ở nước ngoài. Như vậy, Luật này xem tất cả người Hoa là công dân Trung Hoa.

Sau năm 1933, chính quyền Pháp xem người Hoa không có quốc tịch nước khác là người Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam. Người Hoa đã có quốc tịch khác và sinh trong khoảng từ 1883 đến 1933 được quyền xin quốc tịch khác. Người Hoa có quyền cư trú, di chuyển, quyền hoạt động trong thương mại, kỹ nghệ, quyền sở hữu đất đai và các tài sản khác, quyền mở trường học, không bị phân biệt đối xử về mặt tài chánh, hay bị đánh thuế nặng. Trong khi đó Bắc Kinh muốn người Hoa mang quốc tịch Trung Hoa.

Chính quyền Pháp không quá quan tâm đến việc hòa nhập người Hoa vào cộng đồng chung. Mối quan tâm chủ yếu của chính quyền lúc đó chỉ là về đóng góp kinh tế của người Hoa và miễn sao người Hoa không chống đối.

Với Hòa ước Trùng Khánh 1946, chính quyền Pháp cho người Hoa được hưởng đặc quyền và miễn trừ y như dân Pháp, hơn hẳn người Việt Nam sở tại. Hơn thế nữa, với Hòa ước này, Trung Hoa Dân Quốc có quyền đối với những ngưỡi lãnh đạo các bang hội người Hoa tại Việt Nam. Bang hội người Hoa được quyền xây dựng và quản lý trường học, đền chùa, bệnh viện, nghĩa trang riêng. Tất cả những điều này làm cho người Hoa thành bộ phận càng tách biệt, hướng về cánh tay bảo trợ của Trung Hoa Dân Quốc.

Trước năm 1949, phần đông người Hoa vẫn giữ quốc tịch Trung Hoa. Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố rằng tất cả người Hoa ở nước ngoài đều là công dân của họ, rằng Trung Hoa Dân Quốc có quyền can thiệp vào các quốc gia khác để bảo vệ công dân của mình. Với nguồn tài lực lớn mạnh, một hệ thống quản lý gần như riêng biệt, cộng đồng người Hoa không khác gì “một quốc gia trong một quốc gia” tại Việt Nam.

b. Từ năm 1954 đến năm 1975

Sau năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành 2 miền. Vấn đề người Hoa là quan ngại của chính quyền của cả hai miền nam, bắc Việt Nam. Điều này càng trở nên phức tạp với ảnh hưởng của cả 2 chế độ đối nghịch là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở lục địa và Đài Loan Trung Quốc và sự khác biệt về chính sách với người Hoa của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa. Các động thái tác động đến người Hoa không những có thể bị sự phản ứng từ ngay người Hoa ở Việt Nam, có khả năng đưa đến xáo trộn sinh hoạt kinh tế mà còn có thể dẫn đến phản đối chính trị từ cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc. Khoảng 85% của 1,2 triệu người Hoa sinh sống ở miền nam nên vấn đề về người Hoa đối với chính quyền Việt Nam Cộng hòa là khó khăn hơn rất nhiều và trong nhiều sự việc còn vấp phải phản đối không chỉ từ Đài Loan Trung Quốc mà còn từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với sự “ủng hộ” từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1955 chính quyền Việt Nam Cộng hòa dùng cách giải quyết của triều đình Việt Nam trước thời Pháp thuộc nhằm hội nhập người Hoa vào cộng đồng người Việt, xác định tất cả con cái sinh ra từ các cuộc hôn nhân Hoa – Việt đều có quốc tịch Việt Nam và không có quyền từ bỏ quốc tịch Việt Nam.

Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành một loạt Sắc luật tác động đến người Hoa. Sắc luật số 48 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa quy định tất cả người Hoa sinh tại Việt Nam đều là người Việt Nam bất kể nguồn gốc của cha mẹ và ý muốn của chính đương sự. Tất cả những người Hoa khách trú, phải làm đơn xin thường trú tại Việt Nam theo kỳ hạn, phải đóng thuế cư trú để được quyền sinh sống tại Việt Nam. Sắc luật bổ túc số 52 còn quy định tất cả công dân Việt Nam phải lấy tên tiếng Việt trong thời hạn 6 tháng. Sắc luật số 53 cấm người nước ngoài hoạt động trong 11 nghành nghề, kể cả buôn gạo và bán hàng tạp hóa – là những ngành mà người Hoa chiếm ưu thế. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng bắt đầu Việt Nam hóa các trường học của người Hoa trong vùng Sài Gòn − Chợ Lớn, bổ nhiệm các Hiệu trưởng là người Việt Nam, quy định dùng tiếng Việt trong giảng dạy.

Năm 1957 chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra lệnh hủy bỏ tất cả thẻ thường trú nhân đã cấp cho con cái người Hoa đã sinh tại Việt Nam và yêu cầu họ lấy thẻ căn cước Việt Nam, hạn cuối là ngày 9 tháng 5 năm 1957.

Đài Loan Trung Quốc phản đối các quyết định trên nhưng Việt Nam Cộng hòa cho đây là chuyện nội bộ giữa người Việt Nam. Ngày 3 tháng 5 năm 1957, Đài Loan Trung Quốc tuyên bố giúp tái định cư tất cả người Hoa không muốn nhập tịch Việt Nam.

Ngày 20 tháng 5 năm 1957, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lên tiếng cho rằng quyết định của Việt Nam Cộng hòa là “đơn phương và không hợp lý, không phải chỉ là một xâm phạm thô bạo đến các quyền hợp pháp của người Hoa ở nước ngoài tại nam Việt Nam, mà còn là một hành động vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật quốc tế”.

Ngày 23 tháng 5 năm 1957, tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam đăng nguyên văn lời phản đối của Bắc Kinh và ngày hôm sau, Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố ủng hộ quan điểm của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Khi sắp hết thời hạn đổi quốc tịch và quốc hữu hóa hoạt động kinh tế, người Hoa xuống đường biểu tình, phản đối chính sách của Việt Nam Cộng hòa. Họ đóng cửa gần hết trường học, hoạt động thương mại và rút tiền ra khỏi ngân hàng. Khoảng 800 triệu đến 1,5 tỉ đồng Việt Nam tức gần 17% tiền tệ đang lưu hành biến mất khỏi thị trường khiến cho thương mại ngưng trệ, đồng tiền của Việt Nam Cộng hòa mất giá nặng nề. Theo ước tính, đến khoảng giữa tháng 5 năm 1957, có khoảng 6000 cửa hàng của người Hoa đóng cửa, 200.000 người mất công ăn việc làm. Nền kinh tế miền nam Việt Nam gần như sụp đổ.

Tình thế khó khăn khiến cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải ngưng chương trình ghi danh cho người Hoa muốn tái định cư ở Đài Loan. Người Hoa được quyền đăng ký cửa hàng kinh doanh bằng tên của bà con sinh tại Việt Nam, hoặc nhập tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản. Hiệu trưởng các trường học có thể là người Hoa sinh tại Việt Nam. Tiếng Hoa được sử dụng lại trong trường học trừ các môn lịch sử, địa lý và Việt văn. Chương trình quốc hữu hóa được nới lỏng. Rút cục chỉ có khoảng 3.000 người đã ghi danh tái định cư tại Đài Loan và tính đến ngày 15 tháng 6 năm 1957 chỉ có khoảng 3500 người Hoa sinh tại Việt Nam nhập quốc tịch, lấy thẻ căn cước Việt Nam. Cuối năm 1957, theo tài liệu của Viện Thống kê Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn công nhận đến 400.000 người Hoa cư trú tại Việt Nam không có quốc tịch Việt Nam.

Ước tính, đến 1961, 80% vốn đầu tư trong các dịch vụ buôn bán lẻ và khoảng 75% sinh hoạt thương mại trong nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa do người Hoa kiểm soát.

Trong những năm tiếp theo, ở miền nam Việt Nam, người Hoa được tự trị, tự quản về nhiều mặt. Tỉ lệ người Hoa ủng hộ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tăng lên từ sau 1965, nhất là sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 thì tỉ lệ này lên đến 75 – 80%. Do những lý do thực dụng, phần lớn người Hoa sau đó nhập quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, họ cũng đã góp phần không nhỏ vào tình trạng tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, trốn quân dịch gây bất ổn định chính trị trong xã hội.

Ở miền bắc Việt Nam, năm 1955 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã có những thỏa thuận giải quyết vấn đề người Hoa. Người Hoa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được hưởng mọi quyền hạn như người Việt Nam, họ có thể tự do nhập quốc tịch Việt Nam sau một thời gian “được kiên nhẫn thuyết phục và được giáo dục về ý thức hệ”.

c. Sau năm 1975

Ngay sau khi thống nhất đất nước ngày 30/4/1975, quan hệ giữa Việt Nam với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu và mỗi lúc càng xấu đi.

Nhận thấy tiềm lực kinh tế tư nhân nói chung và của người Hoa nói riêng có thể lũng đoạn nền kinh tế theo hướng quốc doanh và tập thể, từ tháng 7 năm 1975, Việt Nam bắt đầu tiến hành chiến dịch đánh tư sản mại bản. Trên nguyên tắc giới tư sản cả người Việt và người Hoa đều là đích nhắm của chiến dịch này nhưng trên thực tế, người Hoa chịu nhiều thiệt hại hơn. Nhiều công xưởng của người Hoa bị kiểm kê, nhiều người Hoa là chủ các công ty bột ngọt, đồ sắt, bột mì, rạp chiếu bóng, xuất nhập cảng, vải may mặc, giấy, nhà hàng,… bị bắt. Tài sản của những người Hoa đã di tản bị tịch thu.

Một số nhà lãnh đạo các bang hội người Hoa rời khỏi Việt Nam từ trước 30/4/1975, những người khác cũng ra đi sau đó. Vì vậy, giới lãnh đạo người Hoa ở Việt Nam xem như không còn. Chính quyền chiếm các cơ sở tổng hội quán người Hoa, đóng cửa 11 tờ báo tiếng Hoa, tiếp thu bệnh viện Sùng Chính và 5 bệnh viện khác của 5 bang hội người Hoa vào tháng 1 năm 1978.

Ngày 21 tháng 9 năm 1975, Việt Nam thực hiện đợt đổi tiền đầu tiên chỉ ở miền Nam nhằm chuyển từ tiền của chế độ cũ sang tiền của chế độ mới. Tuy nhiên, hệ quả không chỉ có vậy, đa số những người Hoa giàu có đã mất gần hết tài sản chỉ sau một đêm. Đối với số tiền phải gửi vào ngân hàng thì gần 6 tháng sau, họ mới bắt đẩu chỉ được phép rút 30 đồng mỗi tháng và đến tháng 12 năm 1976 thì không được phép rút tiền khỏi ngân hàng nữa. Ngay sau khi đổi tiền, chính quyền cũng buộc người Việt Nam và người nước ngoài phải khai báo và gửi vào ngân hàng số ngoại tệ đang có. Ngày 3 tháng 5 năm 1978, Việt Nam thực hiện đợt đổi tiền lần thứ hai trong phạm vi toàn quốc nhằm thống nhất tiền tệ. Một lần nữa, kịch bản lại tái diễn nhưng để ngăn ngừa việc “tẩu tán tiền” bằng cách mua các vật dụng, chính quyền tịch thu cả tiền chưa đổi được và các vật dụng như tủ lạnh, TV,… của nhiều người. Phần lớn người Hoa (và cả người Việt) đã trắng tay sau ngày này.

Tháng 1 năm 1976, chính phủ yêu cầu người Hoa đăng ký quốc tịch. Đa số người Hoa đã chọn quốc tịch Trung Hoa, trong đó có nhiều người từ những năm 1956-1957 thời Việt Nam Cộng hòa đã chuyển sang quốc tịch Việt Nam. Tháng 2 năm đó, chính phủ yêu cầu người Hoa phải đăng kí lại theo quốc tịch đã nhận thời Việt Nam Cộng hòa. Nhưng phần đông vẫn tiếp tục chọn quốc tịch Trung Hoa.

Vào tháng Sáu năm 1976, một Nghị định quy định việc đánh thuế rất nặng đối với tất cả các hàng quán, thương nghiệp có lợi nhuận trên 10% được ban hành. Theo tờ New York Times ấn hành ngày 26/8/1976, mục tiêu của quyết định này “nhằm vào khối tiểu thương, nhưng cái đích thực sự của chính quyền cộng sản là khoảng 1 triệu người Hoa ở vùng Sài Gòn – Chợ lớn”. Với kế hoạch này, tài sản của người Hoa gần như bị vét sạch.

Bắt đầu từ đầu năm 1977, chính quyền thực hiện chương trình phát triển vùng kinh tế mới với mục tiêu tái phân phối lao động và tạo dựng khu kinh tế sản xuất thực phẩm. Số người phải đi “vùng kinh tế mới” bao gồm cả người Việt và người Hoa, trong đó theo số liệu của các báo cáo ở Hong Kong và tại Mỹ thì tới tháng 5/1978 có khoảng 300.000 đến 350.000 người Hoa.

Trước khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979, nhiều người Hoa ở cả 2 miền đã theo đường biển chạy sang các nước khác. Ở các tỉnh phía bắc, nhiều người theo đường bộ chạy về Trung Hoa trong số đó có nhiều người không còn biết “quê cha, đất tổ” của họ là ở đâu, họ hàng của họ là ai bên đất Trung Hoa. Thậm chí, vào thời kỳ đó nhiều người Việt Nam bị gán là “người Hoa” chỉ vì mang họ “có vẻ Trung Hoa” dù những người này chỉ biết tiếng Việt và tổ tiên của họ đã ở Việt Nam từ rất lâu đời. Theo tính toán của Ramses Amer thì “con số người Hoa ra đi cụ thể từ tháng 4-1978 đến cuối tháng 12-1979 là khoảng trên dưới 25 vạn người” (Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung – Việt, Kuals Lumpur, 1991, tr.46).

Từ sau khi “bình thường hóa” quan hệ Việt – Trung, tình hình người Hoa lắng dịu lại. Theo tổng điều tra dân số năm 2009, người Hoa ở Việt Nam có dân số 823.071 người, có mặt tại tất cả các tỉnh của Việt Nam, đông nhất là tại: thành phố Hồ Chí Minh (414.045 người), Đồng Nai (95.162 người), Sóc Trăng (64.910 người), Kiên Giang (29.850 người), Bạc Liêu (20.082 người), Bình Dương (18.783 người), Bắc Giang (18.539 người).

4. Nhìn lại vấn đề người Hoa

Người Hoa là ai?, sự hòa nhập của họ vào cộng đồng, sự trung thành của họ đối với các nhà nước Việt Nam là vấn đề phức tạp trong lịch sử.

Danh từ “người Hoa” không có nghĩa là họ thuộc tộc người Hoa – một bộ phận cấu thành của tộc người Hoa Hạ (sau đổi thành người Hán). Họ thuộc nhiều dân tộc trong đó có những dân tộc thuộc các tộc Bách Việt cổ xưa nay là các dân tộc thiểu số ở Trung Hoa, không chỉ là người Hán.

Theo Danh mục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 02 tháng 3 năm 1979, người Hoa được giải thích là người Hán, Minh Hương, Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Khách Gia (Hakka), Xạ Phạng,… Bản thân việc giải thích này về góc độ “dân tộc” là mơ hồ, không nhất quán: Hán, Khách Gia, Xạ Phạng là tên các dân tộc, trong khi Minh Hương là những người từ nhiều dân tộc sang Việt Nam sau thất bại của nhà Minh, còn Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam lại là các địa danh.

Theo các quy định hiện hành, người Hoa vẫn đang được xem là một dân tộc. Điều này liên quan đến việc thực hiện các chế độ đối với người dân tộc thiểu số. Chẳng hạn trong tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng thì theo Quy chế ban hành theo Quyết định số 08/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì “Công dân Việt Nam không phải là người dân tộc thiểu số (người Kinh, Hoa) có hộ khẩu thưởng trú 36 tháng trở lên, tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu khu vực 1” được xem là thuộc đối tượng 01. Với quy định này, người Hoa không phải dân tộc thiểu số vì vậy không được cộng điểm ưu tiên. Nhưng theo Nghị định 05/2011/NĐ-CP của chính phủ Việt Nam năm 2011 thì người Hoa được xem là dân tộc thiểu số nên từ các kỳ tuyển sinh năm 2011 đến nay, thí sinh là người Hoa được cộng thêm 2.0 hoặc 1.0 điểm tùy theo hộ khẩu của họ mặc dù khả năng kinh tế, điều kiện sống và học tập của họ không thua gì người Kinh.

Thực ra không thể xem người Hoa là một dân tộc mà họ là một cộng đồng người thuộc nhiều dân tộc khác nhau trong đó có những dân tộc thuộc các tộc Bách Việt cổ xưa,chứ không phải chỉ là người Hán. Danh từ “người Hoa” chỉ hàm nghĩa rằng “quê tổ” của họ tại Trung Hoa chứ không mang ý nghĩa “dân tộc”.

Ở các nước Đông Á, mối liên hệ “huyết thống”, “gốc gác” có ý nghĩa “nặng” hơn các khu vực khác trên thế giới. Nhiều người Hoa dù đã định cư ở Việt Nam nhiều đời, có quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn “mơ hồ” về việc đâu là Tổ quốc của mình. Nhiều người Việt Nam cũng có những “mơ hồ” như vậy khi nhìn nhận về người Hoa. Sau hơn 200 năm, ngày nay chắc không có người Mỹ gốc Anh nào còn băn khoăn liệu mình có ràng buộc nào với nước Anh hay không. Nhưng sau 300 – 400 năm, đôi khi một số người Hoa (và cả người Việt) thậm chí vẫn băn khoăn rằng người Minh Hương có ràng buộc với Trung Hoa. Do nhìn theo góc độ “huyết thống”, “gốc gác” nên đôi khi nhiều người không phân biệt rõ lắm giữa các khái niệm người Hoa và Hoa kiều. Nhiều người Trung Hoa sang sinh sống ở Việt Nam, không có quốc tịch Việt Nam vẫn bị nhiều người nhầm lẫn gọi chung là người Hoa.

Mối liên hệ “huyết thống”, “gốc gác” này được các nhà nước của Trung Hoa sử dụng để vươn cánh tay của mình, can thiệp vào nội bộ các nước khác. Một thời gian khá dài, các chính quyền Trung Hoa xem con của đàn ông người Hoa là công dân Trung Hoa bất kể người đó có quốc tịch khác ở nước ngoài.

Tổ quốc của mỗi người là nơi người ta sinh sống, xây dựng, bảo vệ nó từ nhiều đời chứ không phải từ nguồn gốc tộc người của họ. Nếu gọi những người thuộc các tộc người khác nhau (trong đó có các tộc người thuộc Bách Việt) đang sinh sống tại Trung Hoa là người Trung Hoa thì cũng vậy các danh từ dân tộc Việt Nam hay người Việt Nam là những danh từ chung để chỉ những người thuộc các dân tộc khác nhau sống trên lãnh thổ Việt Nam từ lâu đời, mang quốc tịch Việt Nam. Vì vậy người Hoa ở Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam phải được xem là người Việt Nam. Những người không nhập quốc tịch Việt Nam phải xem là ngoại kiều mà không được hưởng các chính sách như người Việt Nam.

Trong Chỉ thị số 62-CT/TW ngày 8/11/1995 của Đảng Cộng sản Việt Nam, khái niệm người Hoa và Hoa Kiều được giải thích rõ ràng hơn “Người Hoa bao gồm những người gốc Hán và những người thuộc dân tộc ít người ở Trung Quốc đã Hán hoá di cư sang Việt Nam và con cháu của họ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, đã nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn còn giữ những đặc trưng văn hoá, chủ yếu là ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân tộc Hán và tự nhận mình là người Hoa”.

Và “Hoa kiều là những người có cùng nguồn gốc dân tộc với người Hoa, nhưng không nhập quốc tịch Việt Nam”.

Việc hòa nhập cộng đồng người Hoa không đơn giản chỉ là vấn đề quốc tịch mà còn là không làm cho họ trở thành một cộng đồng tách biệt.

Thời Pháp thuộc, vì chỉ quan tâm tới lợi ích kinh tế thu được từ người Hoa là chính, miễn sao họ không chống đối nên chính quyền đã cho họ khá nhiều quyền lợi, thậm chí có lúc người Hoa được hưởng đặc quyền và miễn trừ y như dân Pháp, hơn hẳn người Việt Nam sở tại. Trong các thập kỷ 1960, 1970 chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho người Hoa khá nhiều quyền tự quản, tự trị và đặc quyền. Điều này cùng với sở trường về thương mại của người Hoa đã tạo điều kiện thuận lợi cho họ trở thành một thế lực lớn có khả năng lũng đoạn về kinh tế, góp phần không nhỏ vào tình trạng tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, trốn quân dịch gây bất ổn định chính trị trong xã hội.

Trong khi đó, ở giai đoạn 1975 – 1979, người Hoa phần nào bị kỳ thị, là đối tượng được chú ý trong các chiến dịch đánh tư sản mại bản, đổi tiền, xây dựng vùng kinh tế mới.

Cả hai thái cực tạo đặc quyền, đặc lợi hay kỳ thị đều không giúp hòa nhập cộng đồng người Hoa, đều tạo ra hố ngăn cách giữa họ với phần còn lại trong xã hội Việt Nam. Điều này cùng với tính thực dụng của người Hoa và sự “mập mờ” về khái niệm Tổ quốc, dân tộc, “quê tổ”, dòng họ,… khiến cho vấn đề quốc tịch nói riêng và sự hòa nhập nói chung của người Hoa thêm phức tạp, tạo cơ hội cho các chính quyền Trung Hoa can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, phục vụ mưu đồ bành trướng.

T.Q.N.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.