Những mối đe dọa của Đồng bằng sông Cửu Long (Bài 3):

Thiên nhiên và thủy điện không chỉ là vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long

(Mother nature and a hydropower onslaught aren’t the Mekong Delta only problems)

David Brown

Bình Yên Đông lược dịch

13 tháng 10 năm 2016

clip_image002 [Hinh 31]

Đây là bài thứ hai trong loạt bài của David Brown, một viên chức ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ Sài Gòn trước năm 1975, phân tích về những mối đe dọa mà Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam đang đối mặt.  Những mối đe dọa này – dù có thể đã thấy hiển hiện trước mắt (những dự án phát triển thủy điện và thủy nông ở thượng nguồn sông Mekong) hay chỉ mới là những suy đoán còn khá “lờ mờ” cho nhiều thập niên trong tương lai (ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, sự sụt giảm nghiêm trọng của nguồn nước, nguồn lợi thủy sản, cây trồng, mực nước biển dâng…), hoặc nữa xuất phát từ chính những hạn chế chủ quan (chính sách phát triển sai lầm và thiển cận của chế độ CS kể từ sau chiến thắng 1975) – thì đều là có thật và rất cần có những giải pháp cấp thời và hữu hiệu để cứu vãn “vựa lúa của cả nước”. 

Tuy là một nhà ngoại giao, những ý kiến của tác giả khá trung thực và chính xác về mặt khoa học, rất đáng để những người có trách nhiệm hiện nay – trong phạm vi vùng miền nhất là phạm vi quốc gia – suy ngẫm thật nghiêm túc, nhằm xây dựng sớm một chiến lược quy mô và sát thực để kịp thời đối phó với những nguy cơ trước mắt cũng như lâu dài mà giới khoa học và cư dân bản địa đều hiểu là hiểm họa khôn lường cho một vùng đất quan trọng của Việt Nam.

Bài dịch do bạn Bình Yên Đông, thành viên BVN thực hiện.

Bauxite Việt Nam

Vài nét chấm phá

Thay đổi khí hậu và đập trên thượng nguồn đang đe dọa sự thành công của vùng trọng điểm. Phải chăng những vấn đề lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do chính Việt Nam gây ra?

  • ĐBSCL, nơi cư trú của gần 20 triệu người, là một trong những môi trường nông nghiệp trù phú nhất trên thế giới, một phần nhờ vào hệ thống kênh dẫn nước, đê, cống và kênh thoát nước phức tạp.
  • Dựa vào sức mạnh nông nghiệp của ĐBSCL, Việt Nam đi từ một quốc gia nhập cảng gạo triền miên thành một quốc gia xuất khẩu quan trọng.
  • Nhưng nông dân trong vùng chỉ trích chánh sách an toàn lương thực của chính phủ, dành hầu hết đất đai của ĐBSCL cho việc sản xuất lúa. Và nhiều người đã có biện pháp để làm hỏng những luật lệ đó, bằng cách không thân thiện với môi trường.
  • Đó là một thí dụ cho thấy chánh sách thủy lợi và sử dụng đất ở ĐBSCL đang làm xói mòn những nỗ lực bảo vệ vùng đất dễ bị tổn thương đối với thay đổi khí hậu và việc phát triển ở thượng nguồn.

Đây là bài thứ ba trong một loạt bốn bài phân tích chi tiết nhằm tìm hiểu những mối đe dọa đối với ĐBSCL và làm thế nào để đối phó.

Hồi đầu năm, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã thất bại trong việc đối phó với trận hạn hán không tiền khoáng hậu tồi tệ nhất từ năm 1926. Có phải trận hạn hán là dấu hiệu của thay đổi khí hậu? Có thể, nhưng chắc chắn đó là chỉ dấu của El Niño. Một hiện tượng làm ấm đại dương sau cùng đã mang mưa từ Phi Châu, Ấn Độ và Đông Nam Á đến nhà tôi ở California.

Những trận mưa mùa nhẹ trong năm 2015, và giảm sớm. Mặc dù thế, khi họ thu hoạch vụ mùa thu, nông dân ĐBSCL vội vàng gieo giống cho vụ đông-xuân. Họ không nghĩ đến đợt xâm nhập chưa từng thấy của nước mặn vào 9 cửa sông Mekong. Thông thường, nước mặn chỉ xâm nhập vào đất liền khoảng 40 đến 60 km. Năm nay, nó chỉ gặp sự chống đối yếu ớt của dòng sông. Ở một nồng độ chết người, 4 gram muối trong 1 lít nước hay nhiều hơn, nước lợ xâm nhập vào đất liền xa hơn bình thường 50%, làm cháy rụi đồng lúa ở Sóc Trăng và Bạc Liêu và giết chết cây ăn trái ở Kiến Hòa và Gò Công.

Phóng viên Đinh Tuyên, người phụ trách mục nông nghiệp cho một nhật báo hàng đầu ở Việt Nam nói: “Hạn hán và xâm nhập của nước mặn là một đột biến cần thiết. Nó cho thấy chúng ta phải cảnh giác với thay đổi khí hậu và tìm cách để thích ứng với nó.”

Anh nói tiếp “Năm 2010 cũng có hạn hán, El Niño trước, nhưng không tệ như thế này.”

clip_image004

Lúa đông-xuân bị nước mặn tàn phá. Ảnh: Dinh Tuyen, Thanh Nien Daily News

Lãnh vực kiến tạo cao

Khi sông Mekong chảy đến biên giới Việt Nam, cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia 115 km về phía hạ lưu, nó chia làm hai nhánh, chảy thêm 200 km về phía Đông Nam rồi thoát ra Biển Đông qua 9 cửa. Trong các trận lụt hàng năm, phần lớn nước sông Mekong tràn qua những vùng đất ngập nước để chảy vào Vịnh Thái Lan, khoảng 60 km về phía Tây Nam.

Ở biên giới Việt Nam – Campuchia, sông cao hơn mực nước biển 3,5 m. Ngoại trừ một vài ngọn đồi đá, đất đai tương đối bằng phẳng, một cánh đồng sũng nước bao la màu mỡ.

clip_image005

Châu Đốc, thị trấn của Việt Nam gần biên giới Cambodia. Ảnh: Vyacheslav Argenberg/Flickr.

Nhìn từ một ngôi chùa trên đỉnh của một ngọn đồi – Núi Sam, cao 284 m – biên giới thật rõ rệt. Đất đai về phía Việt Nam được canh tác rậm rạp, được bao bọc bởi một hệ thống kênh dẫn nước, đê, cống và kênh tháo nước phức tạp. Về phía Tây, bên đất Campuchia, cơ sở hạ tầng thủy lợi thì khiêm tốn. Có thể tưởng tượng ĐBSCL như thế nào khoảng 30 hay 50 năm trước: một quang cảnh được lũ lụt hàng năm làm phong phú, thích hợp để trồng các loại “lúa nổi” có thể mọc đủ nhanh để lá và hạt cao hơn mực nước lụt.

Lúa nổi là loại lúa chính của vùng châu thổ cho đến khi những nhà nghiên cứu Philippines phát triển các giống lúa oryza lùn và chắc cho nhiều hạt nếu nước được kiểm soát chặt chẽ. Cái gọi là “lúa thần nông” được chính phủ Sài Gòn du nhập vào nhiều vùng ở ĐBSCL vào cuối thập niên 1960s. Cộng với phân bón và thuốc trừ sâu, nông dân có thể thu hoạch gấp nhiều lần hơn lúa nổi.

Sau khi Sài Gòn thất thủ vào năm 1975, chuyên viên từ miền Bắc thay thế các cố vấn nông nghiệp Hoa Kỳ. Dưới sự chỉ đạo cấp thiết để gia tăng sản xuất lương thực, những cán bộ này đã huy động nông dân ĐBSCL xây đê dọc theo sông ở khắp nơi. Bằng cách uốn nắn lũ lụt hàng năm, hệ thống đê có thể giúp thu hoạch hai hay ba vụ một năm trong những vùng đất ngập nước trước đây, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Và, khi kinh tế thị trường và ruộng cá nhân được tái tục vào năm 1986, đó chính là cái mà nông dân ĐBSCL đã thực hiện. Những đổi mới châm ngòi cho Việt Nam tiến hóa từ một quốc gia nhập cảng gạo triền miên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới. Từ 4,5 triệu tấn năm 1976, sản lượng gạo của ĐBSCL đạt gần 25 triệu tấn trong năm 2013.

clip_image007

Hình trái: Sông Mekong và lưu vực. Sông bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Hoa, có tên là Lan Thương (Lancang); nó chảy qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Hình phải: Hạ lưu vực sông Mekong. Ảnh: Wikipedia and Penprapa Wut/Wikimedia Commons.

Ám ảnh “an toàn lương thực” của Hà Nội

Ngay cả khi những cải cách thị trường cho phép nông dân sản xuất một số lúa gạo thặng dư to lớn, “an toàn lương thực” vẫn là ưu tiên hàng đầu của chế độ cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, khi lợi tức của người dân tăng trong thập niên 1990, mức tiêu thụ lúa gạo cho mỗi đầu người giảm. Năm 1997, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới. Năm 2012 – một năm trước khi Việt Nam tạm thời vượt qua Thái Lan để đứng hạng 1 – Hà Nội quyết định giữ đủ đất để trồng lúa trong tương lai, khoảng 3,8 triệu ha, 58% diện tích đất có thể canh tác của quốc gia. Trong số đó, 3,2 triệu ha dự trù cho hai vụ mùa.

Điều đó có nghĩa là khoảng ½ nông dân ĐBSCL bị khóa chặt vào việc canh tác lúa, mặc dù lợi nhuận có thể kiếm được từ việc trồng rau, trái cây, hay nuôi tôm cá có thể cao hơn rất nhiều. Trên nguyên tắc, họ được bảo đảm một lợi nhuận vừa phải cho mỗi kg lúa, nhưng Công ty Lương thực miền Nam làm đủ mọi cách để cho giá lúa không tăng trên mức có thể gây khó khăn cho việc xuất khẩu.

Liên hiệp Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (International Union for the Conservation of Nature (IUCN)) hoài nghi về ám ảnh an toàn lương thực triền miên của chính phủ. Jake Brunner là phối trí viên các dự án Mekong của tổ chức. Ông giải thích, những con đê cao có thể giúp làm ba vụ mùa nhưng ngăn chận nước lũ bồi đắp phù sa vào ruộng lúa; do đó, nông dân phải sử dụng phân bón nhiều hơn. Việc sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu và diệt cỏ cũng cần thiết để tối đa năng suất của các giống lúa ngắn ngày mới. Khi các chi phí kiến tạo và môi trường của việc thâm canh lúa ở ĐBSCL được cộng vào, IUCN ước tính, chỉ có các công ty xây cất và bảo trì cơ sở hạ tầng và các công ty quốc doanh xuất khẩu số lượng lớn gạo là có lợi nhuận hấp dẫn. Nông dân trong vùng chỉ sống chật vật.

clip_image009

Quảng cáo thuốc trừ sâu trên cánh đồng kiểu mẫu ở ĐBSCL. Ảnh: David Brown.

Võ Tòng Xuân đồng ý. Nguyên Hiệu trưởng Đại học An Giang được biết như là “Tiến sĩ Lúa” của Việt Nam. Ông Xuân nói: “Mức xuất khẩu gạo của chúng ta gia tăng nhưng không cải thiện được cuộc sống của người dân. Mỗi năm, chính phủ chi tiêu hàng tỉ để xây cất và nạo vét, nhưng các chi phí này không được tính vào chi phí sản xuất gạo.”

Tuy nhiên, nhiều nông dân ĐBSCL ưa thích tính dễ đoán trước của việc trồng lúa. Giáo sư Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Trưởng Khoa Phát triển Nông thôn của Đại học Cần Thơ giải thích: “Điều đó dễ hiểu. Trồng lúa thì ít nguy hiểm hơn là trồng, thí dụ, dưa hấu và rồi thất bại vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm, hay rớt giá vì số cung quá nhiều.”

Những nông dân khác chỉ trích đòi hỏi của viên chức địa phương về số lượng thay vì phẩm chất. Trần Minh Hải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giới thiệu tôi với một nông dân trong vùng trồng lúa ba mùa. Ông nói ông và láng giềng muốn trồng rau trong mùa khô. “Nó làm cho đất tốt hơn và có tiền nhiều hơn, nhưng chính phủ kiểm soát nguồn nước và đất không bao giờ khô.”

Người nông dân cho biết ông là người sớm thích ứng và muốn biết kiến thức mới. “Tôi phát triển một loại nếp mới rất thích hợp ở đây. Tôi đang cố tìm cách để làng này có thể bán ra thị trường như một đặc sản. Tôi có cảm tưởng đụng phải chân tường: Tôi không thể bán ra thị trường nếu không được kiểm chứng và chi phí cho việc đó không cho phép.”

Ở một vùng khác mà tôi thăm viếng với Hải, một vài nông dân đào rãnh và đấp bờ trong ruộng lúa. Những rãnh đầy nước sống động với cá; trên bờ, bắp cao ngang thắt lưng. Hải giải thích: “Họ kiểm soát nguồn nước của họ. Cái những nông dân này đang làm thì không hợp pháp về mặt kỹ thuật, nhưng có lẽ vài viên chức địa phương nháy mắt ra hiệu khi nói chuyện với họ.”

GS Đệ nói: “Thật là ngớ ngẩn để duy trì mục tiêu sản xuất gạo của ĐBSCL ở mức 25 triệu tấn mỗi năm. Thị trường “gạo thơm” của Thái Lan và thị trường “gạo bastami” của Pakistan, họ bán với giá gấp đôi gạo thông thường của Việt Nam. Chúng ta có thể “thương hiệu hóa” gạo của chúng ta để có lợi nhuận cao hơn, nhưng điều đó không dễ dàng.”

Thị trường gạo có phẩm chất cao đã có ở trong nước. Khuynh hướng của giới tiêu thụ ở thành thị đang chộp lấy những bao gạo hữu cơ hiệu Hoa Sữa của công ty Viễn Phú. Một nhân viên của công ty giải thích: “Vấn đề của chúng tôi là không hội đủ điều kiện để có giấy phép xuất khẩu, thứ giấy phép thiên vị các công ty thương mại nhằm buôn bán với số lượng lớn nhưng không cần phẩm chất.”

Lợi tức nuôi cá giảm vì giá thức ăn tăng

Châu Thi Đa là trưởng Khoa Thủy sản ở Đại học An Giang. Ông nói với tôi rằng dự trữ cá thiên nhiên tan vỡ năm 1995, khi nông dân bắt đầu nuôi cá tra để xuất khẩu. Lúc ban đầu, các loại cá sông khác được thu hoạch để nuôi cá tra, nhưng trong vài năm, chúng trở nên khan hiếm. Nhưng kinh doanh vẫn còn tốt. Xuất khẩu cá sông từ ĐBSCL nay thu cho Việt Nam $2 tỉ mỗi năm. Nông dân nuôi cá phải dùng cá biển và thử dùng hột đậu nành của Hoa Kỳ.

Vì thế, ông Đa nói, ngay cả trước khi việc xây cất đập khởi sự ở Lào trên thượng nguồn, dự trữ “cá trắng (whitefish)” của nhiều vùng ở hạ lưu Mekong đã bị quét sạch. Không biết chúng có phục hồi được không, ông giải thích. Việc xây cất đập Xayaburi ở Lào sẽ ngăn chận 64 trong số 100 loại di ngư của sông Mekong đi về nơi sinh đẻ của chúng. Nền công nghiệp nuôi cá tra ở ĐBSCL hiện nay tùy thuộc vào thức ăn nhân tạo.

clip_image011

Nhà sàn trên đồng lúa ngập nước ở ĐBSCL. Ảnh: Daniel Hoherd/Flickr.

Gần bờ biển, thừa muối

Ở Hệ thống Quan sát Toàn cầu và Nghiên cứu Châu thổ (Delta Research and Global Observation Network (DRAGON) của Đại học Cần Thơ, xâm nhập của nước mặn được xem như sự kiện hệ trọng của nền nông nghiệp ĐBSCL.

Mức nước biển dâng 1 m được dự đoán từ nay cho đến 2100 sẽ đặt 38% ĐBSCL ngang hoặc dưới mực nước biển, giám đốc DRAGON Lê Công Trí nói. Mặc dù Bộ Nông nghiệp Việt Nam đã đề nghị nới rộng và tăng cường hệ thống đê biển, hầu hết các nhà phân tích tin rằng nước biển dâng cuối cùng sẽ buộc phải tháo lui đến vùng đất cao hơn. Và đó là giả thuyết chính của bản thảo Kế hoạch ĐBSCL (Mekong Delta Plan (MDP)) đang được chính phủ Việt Nam nghiên cứu.

Trong 30 năm qua, mực nước biển trung bình ở duyên hải miền Nam tăng khoảng 6 cm; trong khi đó, lượng phù sa được sông bồi đắp hàng năm giảm rõ rệt, từ 160 triệu tấn trong năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn trong năm 2014. Các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ cũng cho biết lượng mưa trên ĐBSCL cũng giảm. Bằng cách ngoại suy khuynh hướng quan sát được trong thập niên 1980, họ dự đoán rằng lượng mưa hàng năm trong thập niên 2030 sẽ giảm khoảng 20%.

clip_image013

Ảnh ĐBSCL do vệ tinh của NASA chụp.

Chưa hết. Nơi nào nước mặn xâm nhập nhiều nhất, các giếng sâu được khoan vào các tầng nước ngầm cỗ để lấy nước ngọt. Các con đê cao giúp trồng hai hay ba vụ mùa mỗi năm ngăn chận việc bổ sung nước cho các tầng nước ngầm. Do đó, đặc biệt là ở Cà Mau, tỉnh tận cùng của Việt Nam, mặt đất đang lún dần, khoảng 2 mm mỗi năm. Điều đó giúp cho nước mặn dễ xâm nhập vào các sông, rạch và kênh đào khi thủy triều lên và tràn qua đê và bờ để chảy vào ruộng lúa và vườn tược.

Từ năm 1975, cống ngăn mặn là biện pháp phòng thủ được ưa chuộng để chống lại sự xâm nhập của thủy triều; chúng được đóng trong mùa khô, khi nước sông thấp, và mở khi lũ lụt hàng năm nâng cao mực nước. Giải pháp kiến tạo để chống mặn này gây nhiều tranh cãi. Khi mưa mùa bắt đầu ra trò trong năm nay, tôi lái xe ngang qua một vùng phía Nam Cần Thơ với Hải, giảng dạy ở Đại học Cần Thơ trước khi vào Bộ Nông nghiệp. Anh hoài nghi về giá trị của các rào chận này. Chúng tôi ngừng ở nhiều kênh đào được khóa để chận nước biển. Tất cả đều tù đọng và hôi thối. Lục bình xâm lấn sen, một loại hoa màu có giá trị.

Ở một nơi khác, chúng tôi quan sát những vũng nước đục màu sữa. Hải giải thích: “Đó là phèn.” Đất ở vùng này có độ acid rất cao. Lúc hạn hán, đất khô và nứt nẻ, khiến cho aluminum và sắt bị oxy hóa. Nay, bắt đầu mùa mưa, kim loại bị chắt ra khỏi đất. “Anh nói: “Đất này khó để trồng lúa. Cho đến khi nào muối acid được nước lụt rửa sạch, nó không thể trồng trọt được.”

Ở tỉnh Bến Tre, Tiến sĩ Hải nói với tôi, cống ngăn mặn khổng lồ Ba Lai chận một trong những cửa nhỏ của sông Mekong. Nó được đưa vào hoạt động trong năm 2004 để “ngọt hóa” sông ở thượng lưu. Cống ngăn mặn này không được xem như một đầu tư tốt vì nó không thể tống ô nhiễm trong năm. Vào mùa khô, nước sông Ba Lai ở phía trên cống rất mặn nên không thể dùng tưới rau hay cây ăn trái. Tuy nhiên, Cục Đê điều của Bộ Nông nghiệp có giải pháp: xây nhiều cống ngăn mặn hơn. Họ lập luận rằng, vấn đề của Ba Lai là ở thượng nguồn của cống: nước mặn xâm nhập từ các nhánh sông Mekong chưa có cống.

Hướng về tôm

clip_image015

Tôm của vùng ĐBSCL. Ảnh: Lam Thuy Vo.

Gần duyên hải Biển Đông về phía Đông và Vịnh Thái Lan về phía Tây, nước ngầm ở nhiều làng là nước lợ tự nhiên. Ở đó – như ở Ba Lai – hàng chục ngàn nông dân kết luận rằng việc trồng lúa không còn cho một cuộc sống có thể sống được bằng việc nuôi tôm. Tuy nhiên, họ bị trói buộc nếu đất do chính phủ cấp cho họ là đất trồng lúa, và họ bị cấm trồng các loại hoa màu khác. Dĩ nhiên, ngoại trừ các viên chức địa phương sẵn sàng ngó lơ để nông dân mở cống, việc thay đổi chánh sách chắc còn rất lâu.

Nuôi tôm trở nên ngành kinh doanh lớn trong nhiều năm ở nhiều vùng của Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và một số tỉnh duyên hải khác. Trong năm 2013-15, Việt Nam xuất khẩu hàng năm $2,7 tỉ đô la tôm sú (Penaeus monodon) và tôm trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vanamei). Khoảng 580.000 ha đất duyên hải được đào ao nuôi tôm. Ở những nơi mưa nhiều đẩy lùi nước mặn, tôm là vụ mùa khô, và lúa trồng trong những tháng mưa.

Hơn hẳn việc trồng lúa, nuôi tôm nước lợ là một kinh doanh rắc rối; nó đòi hỏi một sự quản lý kỹ lưỡng phẩm chất nước, độ mặn, hóa chất của đất và các yếu tố khác. Và, trong lúc nhà nước bảo đảm cho nông dân một lợi nhuận tuy nhỏ nhưng đáng tin cậy, nông dân nuôi tôm nhờ ơn huệ của tình hình thị trường.

IUCN: Những vấn đề ở ĐBSCL hầu hết “chế tạo tại Việt Nam”

Khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, những nhà hoạch định trung ương của chế độ chiến thắng Hà Nội dành ưu tiên cao trong việc đẩy mạnh sản xuất lương thực ở ĐBSCL. Sau những thụt lùi ban đầu, họ thành công đáng kể. Sự gia tăng nhanh chóng của sản lượng cá, tôm, trái cây và đặc biệt lúa gạo châm ngòi cho một sự bùng nổ xuất khẩu, báo trước và hỗ trợ cho việc phát triển rộng rãi hơn của nền kinh tế quốc gia.

Nhưng những thành công này không phải không tốn kém. Ngày nay nó không chỉ là những ảnh hưởng của chuỗi đập khổng lồ và tiềm năng chuyển nước ở thượng nguồn, của mực nước biển dâng và của sự thay đổi lượng mưa mà những nhà hoạch định phải liệu trước. Jake Brunner của IUCN nói: “Đại đa số những vấn đề ở ĐBSCL được ‘chế tạo tại Việt Nam.’ Chúng có thể đổ lỗi cho các chánh sách thủy lợi và sử dụng đất ở ĐBSCL.”

Cố gắng của Việt Nam để ĐBSCL sản xuất nhiều hơn đã đụng chân tường. Những chánh sách áp dụng trong 40 năm qua làm giảm màu mỡ của đất và làm tổn thương nghiêm trọng hệ sinh thái của ĐBSCL. Mực nước biển dâng, sự thay đổi lượng mưa và can thiệp của con người ở thượng nguồn đang giáng thêm áp lực đối với nền kinh tế nông thôn.

Đầu năm nay, ở Hà Nội xa xôi, chế độ tái xác định trên nguyên tắc chánh sách an toàn lương thực xưa cũ của Việt Nam (3,76 triệu ha sẽ được tiếp tục dành cho việc “trồng lúa”) nhưng trên thực tế thì thụt lùi (trong số này, khoảng 400.000 ha ruộng có thể bị nước mặn xâm nhập có thể dùng cho các loại hoa màu khác miễn là “điều kiện để trồng lúa được bảo tồn.”). Nói trắng ra, chính phủ cho phép nông dân trồng các loại hoa màu có nhiều lợi hơn trên đất khó trồng lúa.

Đối với những người nói chuyện với tôi ở ĐBSCL trong tháng 6, hầu hết là giới khoa bảng và một vài “nông dân điển hình,” quyết định của Hà Nội thật đáng hoan nghênh. Nó báo hiệu rằng lãnh đạo Việt Nam am hiểu là thích ứng với những tình huống luôn thay đổi đã trở nên cấp thiết. Nhưng, khi có quá nhiều người vẫn còn quyến luyến với hiện trạng, liệu hành động táo bạo có thể xảy ra hay không?

D. B.

Sơ lược về tác giả

clip_image017

David Brown là viên chức ngoại giao từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau đó, ông là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ ở một loạt nước Đông Nam Á khác. Ông rời nhiệm sở năm 1997 và nay được đánh giá là một chuyên gia về Đông Á cũng như những vấn đề năng lượng quốc tế. David Brown từng trở lại Việt Nam triển khai các dự án giáo dục, bảo tồn môi trường trong nửa cuối của thập niên trước và hiện vẫn đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài viết phân tích về tình hình Biển Đông và về vấn đề thời sự ở Việt Nam trên tờ báo Asia Times, Asia Sentinel, East Asia Forum, China Economic Quarterly, Asianomics, Foreign AffairsYale Global.

Dịch giả gửi BVN.

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.