Vũ Kim Hạnh
Lần đầu tiên chúng ta được biết đến hai câu chuyện, Việt Nam đi học trồng lúa nước. Ô hay, kinh nghiệm ngàn đời, chuyên môn đi dạy trồng lúa, hạng 2 thế giới về xuất khẩu gạo mà chịu đi học. Xem kỹ thì thấy đúng là chuyện phải học khi thời thế đổi thay.
Thầy Võ Tòng Xuân đi học trồng lúa ở Campuchia
Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nhà nông học Việt Nam, ông thầy của nhiều thế hệ nhà khoa học và cả nông dân tri điền Việt Nam, đã đi Campuchia học cách trồng lúa và làm thương hiệu gạo của họ. Nghe giá họ bán gạo hữu cơ của họ mà “ghiền”: 1.475 USD/tấn, gấp hơn ba lần giá gạo mình vẫn đang xuất bán sang Philippines (rẻ vậy mà giờ cũng bán không được). Tiến sĩ Võ Tòng Xuân ghi nhận bài học đầu tiên: chọn giống tốt ngay từ đầu. Xong mở diện tích gieo trồng giống tốt nhất, đưa đi đấu xảo, quảng bá thế giới. Ba năm liền họ đoạt giải “gạo ngon nhất thế giới” (tức về chất, ngược với số lượng, thành tích xuất nhiều thứ nhì thế giới của ta). Họ làm chỉ một vụ, kiên quyết không tăng vụ, nên cũng không cần dùng hóa chất (phân thuốc). Dùng con thiên địch trừ sâu, kiểm soát sinh học. Khuyến khích trồng lúa hữu cơ, hiện nay, đã có 100.000 hộ nông dân Campuchia canh tác theo phương pháp hữu cơ với diện tích 50.000 ha. Năng suất chỉ có 2 tấn hay 2,5 tấn/ha.
Một đoàn đi học nữa do công ty phân bón Bình Điền tổ chức, đi Thái Lan học trồng lúa thích ứng biến đổi khí hậu, có tới 80 người toàn là cán bộ khuyến nông lành nghề, nhà khoa học và nông dân giỏi Tây Nam Bộ. Thái Lan có diện tích trồng lúa gấp đôi Việt Nam và đội ngũ khuyến nông đông đảo. Họ đầu tư cho công tác khuyến nông đậm: chi trung bình 6 triệu cho một hộ nông dân trong khi Việt Nam chi mỗi hộ chỉ có 50.000 đồng/năm. Công việc chính của cán bộ khuyến nông Thái là kiểm soát sinh học, hướng dẫn, giám sát trồng lúa an toàn (trong khi cán bộ khuyến nông hay bạn của nông dân của chúng ta là chuyên hướng dẫn dùng phân hóa chất, thuốc trừ sâu, hay đi tiếp thị thuốc trừ sâu). Họ đẩy mạnh nuôi con thiên địch để trừ sâu và khác ta ở chỗ diệt dịch xong vẫn theo dõi lâu dài tránh tái dịch thay vì phủi tay xong ít lâu lại chống dịch nữa. Về giống lúa, tại Thaifex, kỹ sư Hồ Quang Cua nổi tiếng về giống có tên ST và tiến sĩ Võ Tòng Xuân xác nhận, người Thái cũng công nhận giống ST của Việt Nam ngon hơn họ do nhà nghiên cứu giống Việt Nam kiên trì lai tạo giống (nhưng diện tích trồng ST cũng còn của một địa phương). Nhưng vì sao phải đi học họ? Chỉ vì một nguồn cơn: họ làm lúa ngon, an toàn, còn ta vẫn mải miết làm lúa năng suất cao, sản lượng nhiều và dĩ nhiên hoá chất… cũng nhiều.
Bài học của ta: bất chấp thị trường
Ngẫm sâu cả hai chuyến đi học, bài học vẫn là: ta không lắng nghe thị trường, bất chấp người tiêu dùng. Thị trường thế giới giờ đòi hỏi gạo có chất lượng, an toàn, ngon, không có dư lượng hóa chất. Gạo ngậm hóa chất vẫn bán được, nhưng lao đao bị ép đủ bề và càng bán càng đuối về giá trị. Mà cũng lạ, sau tiếng chuông cảnh báo rất nghiêm trọng của mùa hạn hán và nhiễm mặn khủng khiếp vì biến đổi khí hậu ở ĐBSCL vừa rồi, Việt Nam vẫn đang miệt mài với chỉ tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo năm 2016 và đang than phiền đến tháng 10 rồi mà mới xuất được hơn 4 triệu tấn, chắc năm nay không đạt chỉ tiêu!
Nói theo tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ thì: Việt Nam đang bao cấp lúa gạo cho thế giới trong điều kiện phải chịu biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất và cũng trong tình hình thị trường thế giới lắc đầu quầy quậy, không cần gạo hóa chất, không cần!
Lạ lùng Nghị định 109, nay thành luật
Mấy hôm nay, chúng ta vẫn nghe lời kêu gào thiết tha, hãy tháo gỡ Nghị định 109 hạn chế kinh doanh xuất khẩu gạo. Xuất khẩu gạo đang xua đuổi những công ty kinh doanh gạo ngon và sạch chạy khỏi đất nước, đi lập công ty ở nước ngoài chỉ để bán gạo Việt. Sau bao nhiêu bài báo, bao nhiêu kiến nghị, vận động, dự là nghị định này sẽ đường hoàng biến thành luật. Đó thật là tin khó tin.
Doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu gạo ở Việt Nam phải đạt mấy con số này: 5.000 tấn (kho), 10 tấn/giờ (xay xát lúa) và 10.000 tấn gạo/năm.
Nghĩa là phải có kho chuyên dụng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn, có ít nhất một cơ cở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ; phải xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn gạo/năm, nếu không, bị rút giấy phép kinh doanh.
Đó vẫn là điều kiện của một nền sản xuất, xuất khẩu gạo đua sản lượng, ngậm hóa chất bất chấp thị trường thế giới, và dĩ nhiên, bất chấp sức khỏe của nông dân, người tiêu dùng, bất chấp sức nặng của biến đổi khí hậu và thất bại trong kinh doanh. Muốn thay đổi không phải dễ, phải nhiều công, nhiều năm, tiền bạc sức người, sức của nhưng đâu còn thời gian nữa? Không thay đổi thì hậu quả đã thấy trước. Nói gạo đấy nhưng là nói về chuyển đổi mô hình kinh tế, phải thay đổi cái đầu và con mắt nhìn, nhìn thị trường thế giới, cách ăn gạo của người tiêu dùng thế giới.
Nhà nông học Võ Tòng Xuân cùng kỹ sư “vua lai tạo giống” Hồ Quang Cua đi học Campuchia làm lúa nước.
Ruộng nứt toác vậy mà vẫn đua sản lượng, chưa “quan niệm” lại cách làm lúa thích hợp hơn
V. K. H.
Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh
GS. Võ Tòng Xuân: ‘Nên bỏ một số điều kiện kinh doanh trong xuất khẩu gạo’
Hoàng Long
GS. Võ Tòng Xuân
Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, trong đó siết chặt hơn đối với xuất khẩu gạo. Điều này được dự đoán sẽ khiến việc xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp nhỏ trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo lập luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xuất khẩu gạo là một ngành đặc thù, liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, việc xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường gạo quốc tế nên phải áp dụng điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề này. Hơn nữa, cơ quan này cho rằng, để đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất lúa với doanh nghiệp xuất khẩu thì xuất khẩu gạo cần phải được quản lý chặt chẽ.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, việc đưa xuất khẩu gạo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là điều nên làm để giữ uy tín của hạt gạo trong tình trạng mạnh ai nấy bán như hiện nay. Tuy nhiên, trong đó chỉ nên giữ những điều kiện về chất lượng, về vùng nguyên liệu, về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… còn một số điều kiện như kho chứa 5.000 tấn, năng suất xay xát 10 tấn/giờ thì nên bỏ để thuận lợi hơn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong một cuộc hội thảo cách đây không lâu, ông Đinh Minh Tâm, phụ trách mảng sản xuất và chế biến gạo của doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) cho hay, theo Nghị định 109, để được cấp phép xuất khẩu gạo công ty phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Với điều kiện quá cao này không có mấy công ty đáp ứng được.
Do đó, công ty phải ủy thác xuất khẩu qua một công ty lớn tại Cần Thơ với chi phí 40 đồng/kg gạo. Ngoài ra, phải lập một công ty nhập khẩu Cỏ May ở Singapore để nhập chính gạo của Cỏ May qua đơn vị được ủy thác. Rồi từ công ty “con” tại Singapore, các sản phẩm gạo của Cỏ May được chuyển vào các kênh bán lẻ tại nước này.
Đồng tình với ý kiến này, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, đối với gạo chất lượng cao, việc xuất khẩu đi cũng chỉ vài trăm tấn nên khó có thể đáp ứng được những yêu cầu Nghị định 109 đưa ra. Nếu doanh nghiệp sản xuất gạo ngon, có giá trị cao, cạnh tranh thì không nên áp dụng các điều kiện trên.
Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị bỏ “kinh doanh xuất khẩu gạo” ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Lý do, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nên nguy cơ mất an ninh lương thực là không lớn. Hơn nữa, pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc phòng và các lợi ích công cộng liên quan đến sản phẩm gạo.
Do đó, yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để đảm bảo cho lợi ích công cộng là chưa phù hợp, nhất là những quy định về quy mô của doanh nghiệp như như có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, 1 cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ…
Theo GS. Võ Tòng Xuân, để có thể xuất khẩu được, gạo Việt cần phải có chất lượng cao, muốn thế cần phải đảm bảo được vùng nguyên liệu để chứng minh xuất xứ. Trong khi hiện nay, phần lớn các công ty xuất khẩu gạo, kể cả Vinafood đều không có vùng nguyên liệu. Điều này dẫn đến gạo hay lẫn tạp chất, dư thừa hóa chất bởi doanh nghiệp mua của thương lái, thương lái mua lại của người nông dân trong khi không biết nông dân đã phun những loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Do đó, gần đây gạo Việt Nam hay bị trả về.
Theo số liệu của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tính từ năm 2012 đến tháng 8.2016, có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bán sang thị trường này bị trả về với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo bị trả về. Điều này là tiếng chuông báo động đối với gạo Việt Nam, nếu không cẩn trọng rất có thể sẽ mất đường vào thị trường Mỹ.
Do đó, cần phải liên kết “4 nhà”, phải làm theo chuỗi giá trị để cùng sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, tuân thủ quy trình VietGAP, có doanh nghiệp đầu ra…
Theo chuyên gia này, gạo Việt Nam sẽ dần nâng cao được chất lượng. Ví dụ như Campuchia, họ có liên đoàn nhà máy gạo và liên đoàn phân phối. Nhà máy nào không đạt yêu cầu thì đề nghị nhà nước cho được vay vốn ưu đãi để nâng cấp lên. Do đó, họ tiến bộ rất nhanh chóng mà hiện nay Campuchia còn thắng cả Thái Lan trong việc sản xuất gạo ngon ra nước ngoài.
H.L.