“Cánh Buồm” đã hoàn tất bước cuối cùng

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

clip_image001

Từ lớp 6 đến lớp 9 – một phần của bộ sách Văn và Tiếng Việt của nhóm Cánh Buồm. Courtesy canhbuom.edu.vn

Sau 7 năm nghiên cứu và thực hiện bộ sách hướng dẫn học sinh từ lớp 1 cho tới lớp 9, nhóm Cánh Buồm đã chính thức hoàn thành công trình giáo dục đầy tham vọng và sẽ ra mắt vào thời gian rất ngắn sắp tới. Mặc Lâm có cuộc trao đổi ngắn với nhà giáo Phạm Toàn người hướng dẫn và chịu trách nhiệm về công trình này để biết thêm mục tiêu mà nhóm Cánh Buồm từng theo đuổi.

Cần những người tự do và trách nhiệm

Mặc Lâm: Trước tiên nhà giáo Phạm Toàn cho biết sơ lược con đường mà nhóm Cánh Buồm đã chọn từ nhiều năm qua:

Phạm Toàn: Trước hết, phải nói những việc mà tôi đã làm trong 7 năm nay với nhóm Cánh Buồm thì tôi đã làm cách đây 40 năm. Tôi đã thử cùng với giáo sư Hồ Ngọc Đại rất nhiều việc thì GS mời tôi về cộng tác vào năm 1978, giao cho tôi nhiệm vụ là tổ chức dạy các môn học giáo dục phổ thông làm thế nào cho trẻ con mà mình không giảng và tổ chức cho nó làm việc thì nó tự tìm ra kiến thức.

Không được giảng giải áp đặt tức là chỉ tổ chức việc làm cho học sinh nó làm do đó tôi về làm việc với GS Hồ Ngọc Đại trong hơn 35 năm tôi được cái quyền nghiên cứu các môn khó nhất là dạy tiếng Việt và môn Văn. Ngoài ra tôi là cố vấn của nhiều tổ, riêng cái tổ Toán Tin thì tôi làm tổ viên trong 7 năm tôi đưa những bài tập tiếng Việt thành bài tập trên máy tính. Từ năm 2008 đến giờ thì tôi nghĩ mình phải làm việc gì đó cho nó nhanh hơn vì tuổi tôi đã nhiều, tôi mới tập hợp anh em trong nhóm Cánh Buồm, sau một cuộc huấn luyện sư phạm cho các em thì chúng tôi làm bộ sách “Tiếng Việt” để làm cách nào có cách học hiệu quả từ lớp 1 tới lớp 9.

Mặc Lâm: Xin ông cho biết nhóm Cánh Buồn có triết lý giáo dục hay không và nếu có thì nó là gì?

Phạm Toàn: Cái triết lý giáo dục của bọn tôi là thế này, là thế nào để thanh thiếu niên của toàn dân tộc thông qua nhà trường phổ thông trở thành con người tự lập tự sống, tự phát triển được. Chúng tôi có cái cuộc hội thảo cách đây 4-5 năm về tự học, tự giáo dục. Thế và sau cuộc hội thảo có tên là “Em biết cách học” tức là làm thế nào cho chúng biết cách học, từ cách biết cách học thì nó sẽ sống tự lập được. Chúng tôi muốn có những con người tự do và trách nhiệm.

Mặc Lâm: Xin nhà giáo thêm một chút chi tiết hơn về triết lý giáo dục mà chương trình theo đuổi liệu nó xem trọng tính chất xây dựng con người trước hay bồi đắp kiến thức cho các em là quan trọng hơn?

clip_image002

Sách dạy Tiếng Việt do nhóm Cánh Buồm biên soạn. Courtesy canhbuom.edu.vn

Phạm Toàn: Chúng tôi hướng dẫn cho các em có triết lý sống từ tiết thứ nhất của lớp 1. Tức là chúng ta học nhưng không bắt buộc phải học thuộc lòng và bắt buộc phải tìm đến kiến thức bằng những thao tác mà chúng tôi đã nghiên cứu rồi. Bằng những thao tác, việc làm giao cho các em thực hiện. Khi học văn chẳng hạn chúng tôi cho phép các em làm lại thao tác của một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ chân chính thì trước hết phải có một tấm lòng đồng cảm với con người. Văn từ cấp I chúng tôi hướng phải đồng cảm. Nguyễn Du là đồng cảm với dân. Nguyễn Bỉnh Khiêm là đồng cảm với dân. Victor Hugo là đồng cảm với dân. Không đồng cảm thì không có nghệ thuật được phải học đồng cảm ngay từ lớp 1 khi các em học văn thì đồng thời các em học được tính nhân văn của con người. Các em phải học sống với cộng đồng sống với lại mọi người cho nên chúng tôi có cái môn được gọi là môn “Lối sống” nhưng không có môn đạo đức.

Môn lối sống chúng tôi dạy các em sống đồng thuận. Đồng thuận tức là cùng lao động, hai là tôn trọng các giá trị tinh thần văn hóa của nhau. Anh muốn theo đạo gì anh theo, anh muốn theo chủ nghĩa gì thì cứ theo nhưng mà chúng ta tôn trọng nhau.

Và yếu tố thức ba rất quan trọng nữa tức là cùng nhau “tháo ngòi xung đột”. Tháo ngòi xung đột là cái để dạy cho các nguyên thủ quốc gia, để dạy cho các người đứng đầu các nước nhưng mình không dạy được họ thì mình hy vọng dạy các em nhỏ của một dân tộc khi nó lớn nó sẽ thành những con người biết sống đồng thuận, biết cùng lao động, tôn trọng nhau và cùng tháo ngòi xung đột.

Chúng tôi làm việc gì cũng có nguyên lý của nó cả.

Phải cải cách người làm cải cách giáo dục

Mặc Lâm: Chương trình có chú ý tới những em khó khăn về kinh tế lẫn khả năng tiếp thu để hướng các em vào các mục tiêu khác chẳng hạn như hướng nghiệp hay bồi bổ kiến thức phổ thông để các em có thể tự mưu sinh nếu không theo học hết chương trình hay không?

Phạm Toàn: Chúng tôi có khuynh hướng chứ. Chúng tôi không bao giờ hướng tới đại học cả. Chúng tôi đề nghị hệ thống giáo dục hết lớp 9 thì các em có thể vào đời được.

Khi hết lớp 9 vào đời bằng một trong ba con đường. Một là lao động để kiếm sống. Cái thứ hai là đi học nghề thêm một hai năm để kiếm sống ung dung hơn, đàng hoàng hơn, đầy đủ hơn và thứ ba những em nào có điều kiện cả về kinh tế và trí tuệ nữa thì tiếp tục con đường học trung học bên trên nữa.

Bậc trung học này chúng tôi đề nghị nó là bậc dự bị đại học luôn, giai đoạn ấy chúng tôi gọi là giai đoạn tập nghiên cứu vì lên đại học là cái bậc nghiên cứu và bậc trên đại học nữa là bậc độc lập nghiên cứu. Mình phải định nghĩa được từng bậc học, định nghĩa được nền giáo dục và các việc làm từ bậc một như vậy là cải cách nền giáo dục.

Muốn cải cách phải định nghĩa được lại các khái niệm và tôi còn nhấn mạnh nữa là muốn cải cách bây giờ phải trước hết cải cách cái người làm cải cách giáo dục bởi vì những người ấy chưa chắc đã có năng lực đủ để làm cải cách giáo dục.

Mặc Lâm: Xin được phép một câu hỏi chót, nhóm Cánh Buồm bỏ công rất nhiều cho chương trình đầy tham vọng này nhưng khi áp dụng vào thực tế thì khả năng nào có thể hiện thực hóa chương trình một cách rộng khắp trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo gần như sẽ khó chấp nhận đưa nó vào chương trình giảng dạy hiện nay?

Phạm Toàn: Vâng chúng tôi rất biết thân! Nhưng nó ra đời vào cái thời đại có một công cụ vô cùng ghê gớm là Internet, cho nên sau đây độ nửa tháng quý vị sẽ thấy bộ sách tôi đưa hết lên mạng thành dạng open book và mọi người tự do lấy xuống dùng cho gia đình mình, cho lớp học mình cho trường của mình. Ai cấm thì cứ cấm, ai cho phép thì cứ cho phép. Mình cứ tự cho phép mình bởi vì thời đại này đã có Internet mà chúng tôi lại không cần nhuận bút, chúng tôi không cần bản quyền chúng tôi chỉ cần người dân thấy có ích cho mình rồi cùng dùng.

Thời đại bây giờ nó cho phép mọi người ở mọi nơi có thể tự do làm việc tự do đóng góp, tự do hết sức mình với một tinh thần trách nhiệm. Trong vòng ít hôm nữa chúng tôi sẽ giới thiệu trên mạng mà chúng tôi chủ trương, mạng Cánh Buồm (canhbuom.edu.vn) nơi đây sẽ giới thiệu cách vào Open book đấy để sau một cái nhấp chuột thôi là anh có sách rồi.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà giáo Phạm Toàn.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-sail-group-has-completed-the-final-step-ml-11222016115920.html

Một số hình ảnh buổi Hội thảo “Hành trình trí tuệ – Từ Mầm non đến Lớp 9” do nhóm Cánh Buồm tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, Hà Nội, hồi 18g thứ Bảy, ngày 19/11/2016:

clip_image004

Toàn cảnh Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace trong buổi Hội thảo.

clip_image006

Nhà giáo Phạm Toàn đại diện cho nhóm Cánh Buồm thuyết trình.

clip_image008

Một số cuốn sách của nhóm Cánh Buồm giới thiệu tại Hội thảo.

clip_image010

PGS.TS. Mạc Văn Trang, Nhà giáo Phạm Toàn, GS. Chu Hảo và một số thành viên nhớm Cánh Buồm chụp ảnh lưu niệm cuối buổi Hội thảo.

(Ảnh chụp từ thành viên BBT BVN)

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.