Truyền thông của Úc vừa công bố thêm những thông tin liên quan đến vụ Công ty Securency hối lộ các quan chức ngân hàng trung ương một số quốc gia ở châu Phi, châu Á và Việt Nam để giành những hợp đồng in tiền polymer.
Cảnh sát Úc bỏ qua khiếu nại của nhân viên
Trước đây, theo hệ thống truyền thông Úc, Securency đã hối lộ một số quan chức Việt Nam khoản tiền 12 triệu đô la Úc để được chọn làm nhà thầu in tiền polymer cho Việt Nam.
Mới đây, hệ thống truyền thông Úc vừa loan báo, một cựu nhân viên của Securency lên tiếng cáo buộc Cảnh sát Liên bang Úc đã bỏ qua một khiếu nại có liên quan đến vụ tham nhũng và đưa hối lộ của Securency.
Securency International là một công ty thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Úc. Công ty này từng bị cáo buộc đã hối lộ quan chức nước ngoài, nhằm giành các hợp đồng in tiền polymer cho một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Lên tiếng trong chương trình Four Corners của đài truyền ABC ở Úc, cựu nhân viên này tiết lộ rằng, tháng 4 năm 2008, ông đã từng gặp Cảnh sát Liên bang Úc để bày tỏ sự lo ngại về các khoản tiền hoa hồng rất lớn mà Securency đã chi.
Những khoản tiền này đã được trả cho một số cá nhân làm môi giới ở châu Phi và châu Á, để những người này giúp Securency giành các hợp đồng in tiền polymer từ các ngân hàng trung ương, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cựu nhân viên này nói rằng Cảnh sát Liên bang Úc đã không quan tâm tới các thông tin mà ông cung cấp và không có hành động nào để xử lý những thông tin này. Ông nói: Tôi rất ngạc nhiên khi một vấn đề nghiêm trọng như thế và những tác động nghiêm trọng liên quan đến những người tham gia vào các hoạt động này bị loại bỏ khá dễ dàng.
Họ luôn luôn nói rằng: ‘À, chúng tôi đang làm việc khác’ hoặc ‘Tôi đang ở nước ngoài, chúng tôi sẽ quay lại vấn đề của ông’. Rồi không liên lạc gì cả”.
Một năm sau lời cáo giác của cựu nhân viên này, Cảnh sát Liên bang Úc mới tiến hành điều tra vụ Securency, do họ được yêu cầu kiểm tra các thông tin đã đăng trên báo The Age, về các khoản thanh toán của Securency cho những người môi giới ở châu Phi và châu Á.
Tôi rất ngạc nhiên khi một vấn đề nghiêm trọng như thế và những tác động nghiêm trọng liên quan đến những người tham gia vào các hoạt động này, bị loại bỏ khá dễ dàng. Họ luôn luôn nói rằng: ‘À, chúng tôi đang làm việc khác’ hoặc ‘Tôi đang ở nước ngoài, chúng tôi sẽ quay lại vấn đề của ông’.
Cựu nhân viên của Securency
Có lẽ cũng nên nhắc thêm rằng, từ năm 1999, Úc đã ban hành một bộ luật xem việc hối lộ các quan chức nước ngoài là tội hình sự, từ đó đến nay, Úc chưa hề truy tố vụ hối lộ quan chức nước ngoài nào. Trong khi đó, Mỹ và Anh đã truy tố một số vụ bê bối nổi tiếng liên quan đến việc các công ty của họ hối lộ quan chức nước ngoài.
Cảnh sát Liên bang Úc đã từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến việc tại sao họ không điều tra những tố giác của cựu nhân viên Securency. Cảnh sát Úc bảo rằng, bất kỳ bình luận nào trong lúc này, cũng có thể gây nguy hiểm cho công cuộc điều tra.
Hối lộ bằng gái mại dâm
Ông Bob Brown, Thượng Nghị sĩ Úc
Theo tin từ báo The Age, Ông Bob Brown, Thượng Nghị sĩ và là lãnh đạo của Đảng Xanh ở Úc cho biết, ông sẽ tìm câu trả lời từ Cảnh sát Liên bang Úc, về việc vì sao họ đã không sử dụng thông tin của cựu nhân viên Securency, trong khi ông này là một nhân chứng quan trọng. Ông Brown cũng nói rằng, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy Thượng viện tiến hành cuộc điều tra về vụ bê bối liên quan tới Securency.
Ông Brown cho biết thêm, ông đã yêu cầu ông Glenn Stevens, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Trung ương Úc ra điều trần trước Ủy ban Kinh tế của Thượng viện vào tuần tới, để trả lời các cáo buộc hối lộ liên quan đến công ty Securency, liên doanh giữa Úc và Anh, mà Ngân hàng Dự trữ Úc sở hữu một nửa tài sản.
Ông Brown nói: “Đây là những cáo buộc nghiêm trọng một cách bất thường và một lần nữa lại xuất hiện trên các trang nhất của báo chí Úc. Quốc hội không thể đứng ở ngoài và nói rằng Ngân hàng Dự trữ cũng như các công ty con của ngân hàng này nằm bên ngoài sự giám sát của Quốc hội”.
Theo tố giác của cựu nhân viên Securency với Cảnh sát Liên bang Úc, Securency không chỉ hối lộ bằng tiền mà còn mua chuộc bằng gái mại dâm để giành các hợp đồng in tiền.
Cựu nhân viên này nói với ông Nick McKenzie, phóng viên điều tra của báo The Age và là một trong những nhà báo phanh phui vụ bê bối này rằng, một người môi giới đã được Securency thuê để giúp giành các hợp đồng từ các chính phủ nước ngoài, từng nói với cựu nhân viên Securency là ông ta có ý định hối lộ một Thống đốc Ngân hàng Trung ương của một quốc gia ở châu Á.
Đến nay, phóng viên báo The Age chưa tiết lộ danh tính viên Thống đốc ngân hàng đó.
Nhân chứng yêu cầu ẩn danh còn cho các điều tra viên xem nhật ký của ông ta. Trong đó ông ghi lại lời của người môi giới, nói với ông hồi năm 2007 rằng, viên Thống đốc đó “sẽ rất hài lòng nếu khoản hoa hồng được tăng lên”.
Nhân chứng này cũng đã tiết lộ một thông tin rất quan trọng. Đó là một trong những quản lý cao cấp nhất của Securency đã yêu cầu ông ta tìm gái mại dâm người châu Á cho Phó Thống đốc của một Ngân hàng Trung ương nước ngoài.
Lên tiếng trong chương trình Four Corners của đài truyền hình ABC, cựu nhân viên Securency cho biết: “Khi quan chức này đến, tôi đã được người ta bảo tôi tìm cho ông ta một vệ sĩ… Một loại vệ sĩ đặc biệt, một phụ nữ châu Á. Ông ta đề nghị tôi tìm một gái mại dâm cho một trong những quan chức ngân hàng trung ương trong chuyến viếng thăm của ông ta tới Melbourne”.
Khi quan chức này đến, tôi đã được người ta bảo tôi tìm cho ông ta một vệ sĩ… Một loại vệ sĩ đặc biệt, một phụ nữ châu Á. Ông ta đề nghị tôi tìm một gái mại dâm cho một trong những quan chức ngân hàng trung ương trong chuyến viếng thăm của ông ta tới Melbourne
Cựu nhân viên Securency
Thế nhưng, nhân chứng đã không đáp ứng yêu cầu vừa nêu. Song ông ta tin rằng các nhân viên khác đã tìm gái mại dâm cho quan chức kia. Nhân chứng này cũng không đề cập danh tính quan chức đó làm việc cho Ngân hàng Trung ương của quốc gia nào.
Cựu nhân viên giấu tên cũng đã giữ lại cuốn nhật ký, trong đó ghi các chi tiết liên quan đến vụ bê bối Securency. Trong cuốn nhật ký ấy, còn ghi lại lời của một nhân viên tư vấn, làm việc cho Ủy ban Thương mại Úc (Austrade) ở châu Á. Người này từng nói với ông ta rằng, để giành được các hợp đồng, Securency cần phải thuê ai đó hối lộ cho các quan chức nước ngoài. Ủy ban Thương mại Úc cũng đã xác nhận, hồi năm 2008, cựu nhân viên Securency đã báo cho Đại sứ Úc ở một nước châu Á những tin tức liên quan đến vụ bê bối của Securency. Thế nhưng những tin tức ấy không được Ủy ban Thương mại Úc chú ý.
Vụ Securency chắc chắn chưa dừng ở đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin khi có diễn biến mới.
NT
Nguồn: RFA, 26-5-2010