Hội nhập và Nhập hội

FB Mạnh Kim

Việc Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được giới kinh tế phân tích ý nghĩa và tác động của nó đối với Việt Nam. Nhiều người tin rằng Việt Nam sẽ mất đi một cơ hội hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu. TPP, bị xóa sổ với sự rút lui của Mỹ hay vẫn tiếp tục được các nước còn lại quyết tâm thực hiện, sẽ chẳng bao giờ là cây đũa thần giúp vực dậy kinh tế Việt Nam.

Vấn đề của Việt Nam không phải là hội nhập. Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới từ năm 2006 bằng việc trở thành thành viên WTO. Khi Việt Nam gia nhập WTO, giới phân tích đã phác họa một viễn cảnh tươi sáng. WTO được vẽ ra như một đường băng giúp Việt Nam cất cánh lên bầu trời toàn cầu. WTO sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội Việt Nam. Công-nông dân sẽ khấm khá hơn. Bây giờ, sau 10 năm, đời sống công-nông dân đã được “lột xác”, trơ trụi.

Họ trở thành những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của một nền kinh tế “hội nhập quốc tế theo định hướng XHCN”. Không có trách nhiệm gây ra nhưng họ phải đồng gánh chịu một tỷ lệ nợ công khổng lồ. Giải trình trước Quốc hội ngày 1-11-2016, ông Bộ trưởng Tài chính cho biết, năm 2001, nợ công chiếm 36,5% GDP năm 2005; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 là 62,2% GDP. Năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001…

Vấn đề của Việt Nam không phải là hội nhập. Việt Nam đã “hội nhập” từ trước WTO. Năm 2015, nhân dịp 70 năm thành lập ngành ngoại giao, báo Tuổi Trẻ nhắc lại rằng Việt Nam đã “thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới”. Trang web Chính phủ cho biết thêm: “Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới”.

Tuy nhiên, Việt Nam “NHẬP HỘI” chứ không phải “HỘI NHẬP”.

Việt Nam chẳng đứng ở đâu trong ngôi làng toàn cầu, ngay cả trong “thế giới phẳng khu vực”. Việt Nam cung cấp một “nguồn” tiến sĩ khổng lồ nhưng giới “trí thức tinh hoa” ấy không có đóng góp nào cho đất nước, huống hồ một công trình nghiên cứu được chú ý ở khu vực. Sự xuất hiện ào ạt tiến sĩ Việt Nam chẳng khác gì Trung Quốc xuất xưởng hàng loạt búp bê. Một thứ đồ chơi rẻ tiền.

“Hội nhập” không làm cho Việt Nam được tôn trọng hơn. Trong tiến trình “hội nhập”, Việt Nam khiến các quốc gia khu vực ngày càng e ngại bởi hiện tượng ăn cắp tràn lan. Khi “hội nhập”, giới quan chức Việt Nam dường như không học được gì về văn hóa hội nhập. Công du nước ngoài, họ như những đứa trẻ ít học và thiếu giáo dục. Trong phòng họp với Tổng thống Ý mới đây, một ông quan quân đội đã thản nhiên móc lược ra chải đầu. Đó là hình ảnh điển hình của một sự lùi lại thê thảm của nền văn hóa dân tộc, chứ không chỉ văn hóa ngoại giao.

Cơn lốc đô thị hóa bùng nổ dữ dội. Người ta bỏ làng ra thành để sống. Tuy nhiên, văn hóa đi theo chiều ngược lại: từ tỉnh thành trở về làng quê. Văn hóa và lối sống văn hóa bị đẩy lui về với thời sinh hoạt hang động. Đó không phải là vấn đề của TPP hay WTO. Đó là vấn đề nội tại mà dù có hội nhập thế nào đi nữa thì cũng chẳng khá hơn được vì nó nằm ở giáo dục và chính sách giáo dục. Nhân vị, bác ái, vị tha được thay bằng thô lỗ, ác độc và tàn nhẫn. Khi “trồng người”, người ta đã không gieo bằng hạt giống nhân bản. Họ cấy vào não một chủ nghĩa vỗ tay tập thể một cách vô thức. Trong một nền giáo dục được “điều hành” và “quản lý” bởi một tay bộ trưởng nói tiếng Việt không chuẩn thì đòi hỏi gì ở những chuẩn mực phát triển cho văn hóa giáo dục?

Vấn đề Việt Nam không phải là vấn đề hội nhập và tham gia các định chế kinh tế thế giới. Vấn đề Việt Nam là vấn đề của tham nhũng. Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (2006) đến nay, Việt Nam chưa bao giờ vượt lên khỏi thứ hạng 100 trong danh sách khảo sát tham nhũng toàn cầu của Transparency International:

2006 – hạng 111 trong 163 quốc gia

2007 – 123/179

2008 – 121/180

2009 – 120/180

2010 – 116/178

2011 – 112/183

2012 – 123/176

2013 – 116/177

2014 – 119/175

2015 – 112/168

Vấn đề của Việt Nam không phải là hội nhập. Không phải là vấn đề của TPP, WTO hay bất kỳ định chế hoặc tổ chức thế giới nào. Còn tồn tại những phi lý nội tại không giải quyết được thì dù có tham gia vào ngôi làng toàn cầu, Việt Nam cũng chỉ là một khán giả được cho vào sân bằng chiếc vé vào cửa hạng bét. Việt Nam sẽ tiếp tục lùi lại và bị giẫm đạp bởi chính sách hội nhập chưa thật sự tôn trọng “nguyên tắc phẳng”. Việt Nam sẽ vĩnh viễn thụt lại phía sau và những thân phận cùng khổ của đất nước này sẽ ngày càng bế tắc trong mưu sinh với tỷ lệ mỗi lúc mỗi nhiều, nếu họ tiếp tục bị đẩy giạt ra bên lề “cơn lốc phát triển” dựa trên “nền tảng” của những bất hợp lý trong các chính sách vốn luôn bị bọn quan chức tham nhũng ngồi xổm lên đầu.

Chỉ có một bằng chứng Việt Nam “tham gia” vào thế giới phẳng một cách “hiệu quả”: đám quan chức và những người cầm thẻ Đảng đang bằng mọi giá chuyển tài sản và đưa con cái họ ra nước ngoài. Welcome to US! “Chúc mừng” họ đã đến được một thế giới mà trong đó họ không còn thấp thỏm nỗi lo thực phẩm bẩn, nỗi sợ môi trường không trong sạch và nỗi kinh hãi một nền giáo dục tồi tệ. Với họ, TPP, WTO hay tương lai quốc gia, chẳng giá trị gì cả. Họ đã không còn là một phần của đất nước này. Những người còn lại cũng chẳng là một phần của đất nước này. Đất nước này đã không còn là của chúng ta.

M.K.

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10155108282109796

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.