Một sự khước từ ghê gớm đối với giới lao động da trắng nghèo và bị bỏ lại đằng sau tại Mỹ

Jefferson Cowie, Foreign Affairs ngày 17/10/2016

Trần Ngọc Cư dịch

Chúng tôi xin trích dịch, từ tiểu luận điểm sách của Giáo sư Jefferson Cowie trên Foreign Affairs, Nov-Dec 2016, những đoạn mô tả tình trạng nghiệt ngã của người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt có ý nghĩa vào thời điểm cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 diễn ra. Bài điểm sách xuất hiện trước khi Donald Trump đoạt chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng cung ứng một cách lý giải khá thuyết phục cho hiện tượng “ngựa về ngược” trong một cuộc sống mái chính trị đầy xú uế giữa Donald Trump và Hillary Clinton. – Dịch giả

JEFFERSON COWIE là Giáo sư Sử học tại Đại học Vanderbilt.

clip_image002

Đa số người Mỹ lạc quan về tương lai của mình – nhưng những người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân thì không cảm thấy như vậy. Theo một phân tích gần đây được Viện Nghiên cứu Brookings công bố, người Mỹ nghèo gốc châu Mỹ La tinh [Hispanics] khi nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn, mức độ lạc quan của họ cao hơn người da trắng nghèo khoảng 33 phần trăm. Và người Mỹ nghèo gốc châu Phi – mặc dù có tỉ lệ tù tội và thất nghiệp cao hơn hai nhóm kia rất nhiều và thường xuyên là nạn nhân của các tội phạm bạo hành và sự tàn ác của cảnh sát – vẫn lạc quan hơn người da trắng nghèo gần ba lần. Kinh tế gia Carol Graham, người giám sát bản phân tích này, kết luận rằng người da trắng nghèo đau khổ trực tiếp vì thiếu thốn vật chất thì ít, mà đau khổ vì những vấn đề vô hình nhưng sâu sắc như “thiếu hạnh phúc, căng thẳng tinh thần, và vô vọng” thì nhiều. Điều này có thể giải thích tại sao khẩu hiệu của ứng viên Cộng hòa Donald Trump – “Làm cho nước Mỹ vĩ đại như trước” – nghe rất êm tai đối với nhiều người da trắng nghèo.

Một sự đảo lộn kinh hoàng trong vận may của người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân bắt đầu diễn ra trong thập niên 1970, khi nước Mỹ giã từ công nghiệp hóa để đi vào thời kỳ tự động hóa, toàn cầu hóa và phát triển công nghệ cao và các khu vực dịch vụ; những biến chuyển này đã thay hình đổi dạng nền kinh tế Mỹ. Trong những thập niên sau đó, nhiều công ăn việc làm của người lao động biến mất, đồng lương của người Mỹ có trình độ văn hóa thấp đứng yên một chỗ, trong khi của cải ngày càng tích lũy ở nấc cao nhất của chiếc thang kinh tế và sự thăng tiến xã hội của người dân ngày càng khó thực hiện. Những phát kiến công nghệ và tài chánh đã nuôi dưỡng sự sinh động kinh tế và xã hội tại những trung tâm đô thị trên hai bờ đại dương. Nhưng những thay đổi này không đem lợi lộc bao nhiêu cho những vùng công nghiệp trước đây như Miền Nam và vùng Trung Tây. Khi sự suy thoái kinh tế khoét rỗng nội dung của sinh hoạt công dân và cuộc tranh luận chính trị quốc gia tập trung vào những vấn đề khác, nhiều người tại các bang nằm giữa nước Mỹ [“flyover country”] đã tìm niềm an ủi trong nghiện ngập ma túy [opioids và methamphetamine]; một số khác bày tỏ sự phẫn nộ của mình bằng cách theo đuổi chủ nghĩa dân tộc da trắng [white nationalism]. Khi người da trắng sắp trở thành là một trong những đa số tại Mỹ (hay một “thiểu số da trắng”, theo thuật ngữ của những người đa nghi hơn), nhiều người da trắng bắt đầu nghe theo tiếng gọi của chủ nghĩa văn hóa bản địa [nativism] hay xu thế bất dung [bigotry] đối với các sắc dân khác cũng như tin vào những hứa hẹn khá lộ liễu về việc bảo vệ đặc quyền chủng tộc đang lâm nguy của họ: hãy nghĩ đến lời hứa của Trump về việc xây một bức tường thành trên biên giới Mỹ-Mehico và việc ông gợi lại dù không nói rõ một thời đại đã trôi vào quá khứ khi nước Mỹ còn là “vĩ đại,” điều mà nhiều người ủng hộ Trump có vẻ nhận ra là thời đại trong đó người da trắng cảm thấy mình ở vị trí trung tâm của các sinh hoạt công dân và kinh tế.

Trump còn khoái chí nhắc nhở các nhóm thính giả của mình rằng họ là nạn nhân của một hệ thống chính trị “gian lận” [a rigged political system] đã củng cố quyền lực cho các giới tinh hoa bất chấp quyền lợi của người da trắng nghèo. Về điểm này, Trump “nói có sách, mách có chứng”. Chẳng hạn, ta có thể xét đến những điều tìm thấy trong một nghiên cứu năm 2104, được trích dẫn rộng rãi, của hai nhà khoa học chính trị Martin Gilens và Benjamin Page; những vị này đã nghiên cứu công luận liên quan đến 1.800 đề xuất chính sách (căn cứ trên các cuộc thăm dò từ năm 1981 đến năm 2002) và họ nhận thấy rằng chỉ có những ý kiến nào được chấp nhận bởi 10 phần trăm giàu nhất trong dân số mới có thể trở thành luật. Việc các giới tinh hoa kinh tế khống chế chính trị Mỹ trên thực tế đã tước đoạt quyền công dân của mọi người khác – hẳn nhiên, đây là một cảm thức nặng nề đè lên 90 phần trăm dân số còn lại, nhưng có lẽ được cảm nhận thấm thía nhất bởi những người tụt hậu xa nhất.

Đối với những người Mỹ da trắng nghèo và người Mỹ da trắng thuộc giai cấp công nhân, những thay đổi sâu rộng của vài thập niên qua đã thật sự mang lại hậu quả chết người: kể từ khoảng năm 1999, tuổi thọ – trước đó từng gia tăng ngoạn mục cho tất cả mọi người Mỹ trong Thế kỷ 20 – bắt đầu sút giảm trong giới da trắng trung lưu ít học. Angus Deaton, kinh tế gia được giải Nobel người đã phát hiện xu thế này cùng với vợ cũng là người cộng sự, kinh tế gia Anne Case, phỏng đoán rằng nhóm dân số này “rất dễ lâm vào tâm trạng vô vọng” vì họ đã “đánh mất lẽ sống của mình”.

clip_image004

TỪ OBAMA ĐẾN TRUMP

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thích đổ lỗi cho nhau về tình cảnh nghiệt ngã của người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân. Thực tế cho thấy cả hai đảng đều không quan tâm chăm sóc những nhóm này, như Barack Obama đã vạch ra khi ra tranh cử Tổng thống năm 2008:

Nếu bạn đi vào một số thị xã tại Pennsylvania cũng như nhiều thị xã ở vùng Trung Tây, bạn sẽ thấy rằng công ăn việc làm ở đây đã biến mất trong vòng 25 năm qua, mà không có gì thay thế. Việc làm [jobs] biến mất dưới chính quyền Clinton và chính quyền Bush, và mỗi chính quyền tiếp nối đều tuyên bố rằng bằng cách này hay cách khác các cộng đồng này sẽ được hồi sinh, nhưng chúng vẫn chưa hồi sinh được.

Phần kế tiếp của bài phát biểu đã đưa Obama vào một rắc rối chính trị: “Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên, khi người dân ở đây trở nên cay cú – họ bám vào súng ống, hoặc tôn giáo hoặc có ác cảm với những người không giống họ, hoặc có tinh thần chống dân nhập cư, hoặc tinh thần chống tự do mậu dịch, coi đó như một cách lý giải những bức xúc của mình”. Đoạn phát biểu này nghe có vẻ trịch thượng và báo hiệu Obama sẽ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực cầu thân với người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân khi ông làm Tổng thống, thậm chí cả khi các chính sách của ông rõ ràng tìm cách mang lại lợi ích cho họ. Gạt các ý định của ông qua một bên, những nhóm này chẳng trở nên khấm khá hơn bao nhiêu dưới hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Trong khi đó, sự tăng trưởng của khối cử tri không phải da trắng [nonwhite] đã cho phép Đảng Dân chủ thắng tại các bang “màu xanh” đáng tin cậy mà không cần xông xáo kiếm phiếu của những cử tri da trắng ít học. Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm nay đã trình diễn một hoạt cảnh đa văn hóa ngoạn mục [a beautiful multicultural tableau]. Nhưng ở một số thời điểm trong sự kiện chính trị này, một số khán giả có lẽ đã cảm nhận cái nội dung không thể nói ra là: “Chúng ta đã hoàn toàn từ bỏ những thằng da trắng”.

Trái lại, Đảng Cộng hòa – hay chí ít tập hợp con [subset] của đảng này đã hậu thuẫn cho Trump trở thành ứng viên chính thức – không có vẻ hấp dẫn đối với bất cứ sắc dân nào ngoài người da trắng. Trong một phân tích so sánh các số liệu dân số ở cấp quận hạt [county-level demographic data] với kết quả trong các kỳ bầu cử sơ bộ Đảng Cộng hòa 2016, Neil Irwin và Josh Katz của tờ The New York Times nhận thấy rằng mức hậu thuẫn cho Trump tại mọi quận hạt đều tương ứng mạnh mẽ với tỉ lệ bách phân các cư dân da trắng chưa xong trung học, với tỉ lệ dân số đã khai tổ tiên là “người Mỹ” trên mẫu kiểm kê dân số, với tỉ lệ bách phân những người sống trong nhà lưu động [mobile homes], với tỉ lệ bách phân những người theo đạo Tin lành [evangelical Christian], và với tỉ lệ bách phân những người hậu thuẫn ứng cử viên chủ trương phân chủng George Wallace trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống 1968. Nhưng hậu thuẫn cho Trump cũng tương ứng mạnh mẽ với mức độ lệ thuộc cao vào các công việc trong “nền kinh tế cũ” và với mức độ tham dự thấp vào lực lượng lao động. Đấy là lý do vì sao ban vận động tranh cử của Trump còn đề cao các yếu tố của chủ nghĩa dân túy kinh tế [agrarian populism], đặt trọng tâm ở chế độ bảo hộ mậu dịch và cam kết bảo vệ các chương trình về quyền hưởng lợi ích liên bang [federal entitlement programs] như An sinh Xã hội – một nghị trình mà Trump hứa hẹn sẽ mang lại cho người da trắng thuộc giai cấp công nhân sự an toàn và thịnh vượng mà cha ông họ đã thừa hưởng trong thời kỳ hậu chiến.

Cho dù Trump có thất cử, cuộc vận động của ông dường như có khả năng tác động sâu sắc lên Đảng Cộng hòa. “Năm, 10 năm nữa – một đảng hoàn toàn khác,” Trump trầm ngâm suy nghĩ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Business vào tháng Năm. “Các bạn sẽ có một đảng công nhân. Một đảng của những người suốt 18 năm không được tăng lương, thật đáng phẫn nộ”. Trump đã tuyên bố một số điều kỳ quặc, nhưng có thể ông rất đúng về điều này. Các chính khách tự do – bình đẳng, cùng với nhiều chính khách bảo thủ, coi chủ nghĩa Trump [Trumpism] như một căn bệnh gây nhức nhối cho thể chế chính trị Mỹ. Trên thực tế nó là một triệu chứng của một bệnh lý sâu sắc hơn, có gốc rễ ngược dòng lịch sử Mỹ, như sách của Isenberg cho thấy. Cuộc vận động của Trump đang lấp đầy một khoảng trống có từ lâu đời trong chính trị Mỹ: cái không gian mà các lợi ích của người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân từng hiện hữu. Bản thân Trump có thể biến mất từ sân khấu chính trị. Nhưng chủ nghĩa Trump vẫn còn tồn tại cho đến khi một hay cả hai đảng tìm ra một đường lối để giải quyết các vấn đề mà người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân đang đối diện.

J. C.

Dịch giả gửi BVN.

Toàn văn bản dịch đầy đủ:

http://vandoanviet.blogspot.com/2016/11/mot-su-khuoc-tu-ghe-gom-oi-voi-gioi-lao.html

This entry was posted in Hoa Kỳ. Bookmark the permalink.