Trước Quốc hội ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận: Tình trạng ô nhiễm môi trường nước ta “đã đến ngưỡng không chịu thêm được nữa“.
Những con số ớn lạnh
Có thể nghĩ ngay đến báo cáo chính thức của Bộ TNMT tại Hội nghị toàn quốc ngày 24/8/2016:
Hàng năm, cả nước “xài” hơn 100.000 tấn thuốc trừ sâu, phải xử lý hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại khác. Cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày, có 615 cụm công nghiệp mà chỉ có 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Có 5.000 doanh nghiệp khai khoáng, 13.500 đơn vị y tế với hàng chục tấn chất thải và hàng trăm nghìn mét khối nước thải mỗi ngày…
Mà hãy nghiêm túc nhìn xu hướng các dự án đầu tư mới vào Việt Nam: Các dự án nước ngoài đầu tư hiện nay, do sự “khuyến khích” từ các loại ưu đãi của chính sách Việt Nam, do bị xua đuổi vì chủ trương bảo vệ môi trường của tất cả các nước khác, đang ùn ùn đổ về Việt Nam: luyện kim, khai khoáng, dệt may da giày, sửa chữa tàu biển…
Đó là những con số báo cáo. Những con số của đời sống còn “rùng rợn” hơn. 15 nhà máy nhiệt điện rải khắp miền Nam, đe dọa không khí, nước, môi trường sống. Mỗi ngày có 300 người Việt Nam qua đời vì ung thư. Người dân miền Trung bị tai họa từ Formosa, đang bắt đầu ngấm đòn bởi đủ khó khăn…
Vậy mà, các Bộ ngành vẫn đang bảo vệ rất nhiều những…
Quy định bảo vệ môi trường hay bóp cổ doanh nghiệp?
Một ví dụ trong vô số những quy định tưởng rất nghiêm mà rút cuộc chỉ là… nhũng nhiễu doanh nghiệp (luôn đặt họ trước nguy cơ bị xử phạt vì vi phạm) là quy định về chỉ tiêu nước thải của ngành chăn nuôi (QĐ kèm Thông tư 47/2011/TT-BTNMT), yêu cầu chất lượng nước thải chăn nuôi phải đạt giá trị A, tương đương nước uống được. Theo đánh giá của chuyên gia nông nghiệp từ Nhật, chỉ tiêu này cao hơn Thái Lan, và cũng cao hơn cả… Nhật Bản. Muốn tuân thủ, doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại và các địa phương, chưa doanh nghiệp nào đáp ứng yêu cầu này. Tôi nhớ lại, chính tai mình nghe bà Mai Kiều Liên kêu trời về quy định này (trong cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng với doanh nghiệp), đang chi phối các trại nuôi bò của Vinamilk, chịu không thấu, huống gì các trại chăn nuôi khác của các doanh nghiệp chăn nuôi, Vậy là nguy cơ nhũng nhiễu được hợp pháp hóa bằng quy định rõ ràng?
Giải pháp, nói cho vui hay phải sống chết thực hiện?
Giờ hóa giải nỗi lo ô nhiễm môi trường như thế nào?
Có 2 giải pháp:
Giải pháp trước mắt, đó là kéo giảm và chấm dứt các nguồn phát tán ô nhiễm đang ngày đêm đầu độc môi trường. Giải pháp lâu dài là không để phát sinh dự án, nhà máy… là nguồn gây ô nhiễm.
Xử lý thì cần vốn và công nghệ và… quyết tâm. Còn ngăn chặn những dự án nguy cơ gây ô nhiễm? Thực tế là đang có tình hình, tỉnh này từ chối dự án ô nhiễm, nhưng tỉnh khác lại nhận. Vì vậy, cần QUI TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN LÃNH ĐẠO các cấp trong việc phê duyệt cũng như xử lý các dự án gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh, cần xiết thêm các quy định thu hút đầu tư, các yêu cầu về công nghệ, loại bỏ những dự án chỉ tận dụng tài nguyên và có tiêu chuẩn môi trường thấp…
Và quan trọng hơn, đưa vào thật rõ, trong CHỈ TIÊU THÀNH TÍCH ĐỊA PHƯƠNG có CHỈ TIÊU XỬ LÝ Ô NHIỄM (phải hứa với dân, thông qua Hội đồng nhân dân) và xử lý thích đáng cán bộ phê duyệt dự án ô nhiễm.
Khó quá? (Nói theo Thủ tướng là…vô vọng?) Có lẽ thế thật, dù không xử lý và ngăn ngừa ngay thảm họa môi trường là vô cùng nguy hiểm. Hãy chỉ cho tôi, có bao nhiêu tỉnh không mê dự án ngoại, mê thành tích tăng GDP, tăng tính hoành tráng, mà những loại dự án này luôn hứa hẹn “HOA HỒNG”. Còn hậu quả nợ ngất trời hay ô nhiễm chết người cũng là chuyện… nhiệm kỳ sau.
Ảnh:
Cảnh làng chài Hà Tĩnh hậu Formosa.
Lũ miền Trung, cảnh lữ khách cô đơn với chiếc xe đạp đẹp lãng mạn đến đứt ruột.
Nguồn: https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10154795305526122?pnref=story