2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP. Image copyright REUTERS
Nợ công là một trong những chủ đề được bàn tới tại kế hoạch tài chính 5 năm do Bộ trưởng Tài chính Việt Nam trình bày tại Quốc hội hôm 1/11.
Ông Đinh Tiến Dũng được truyền thông trong nước dẫn lời nói rằng vấn đề “trước hết do tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch”.
Ông Dũng nói về điều ông gọi là giá trị tuyệt đối của GDP cũng không đạt như dự toán và là yếu tố quan trọng làm cho tỷ lệ nợ công/GDP tăng.
Theo ông Dũng hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế (đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp) không đạt yêu cầu.
Trả lời phỏng vấn với BBC tiếng Việt hôm 01/11, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nói ông nghĩ rằng người ta vẫn chưa nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề nợ công ở Việt Nam.
“Người ta vẫn loay hoay đổ lỗi cho tăng trưởng kinh tế thấp dẫn đến nợ công tăng cao.
“Theo tôi hoàn toàn không phải là như thế. Cốt lõi vấn đề nợ công Việt Nam hiện nay là việc tăng chi quá nhanh, mà ở đây là tăng chi thường xuyên. Chi cho bộ máy hành chính, chi cho đoàn thể quá lớn.
“Cấp trung ương hô hào cắt giảm chi thường xuyên, thu gọn bộ máy nhưng thực tế là bộ máy lại càng ngày càng phình to ra. Số thứ trưởng, vụ trưởng vụ phó ngày càng nhiều lên và có xu hướng ngày càng thành lập thêm các cơ quan mới, với việc bổ nhiệm nhân sự mới.
“Kỷ luật ngân sách ngày càng bị phá vỡ và các cơ chế về ngân sách hiện nay làm cho các địa phương ngày càng muốn chi nhiều để giành được miếng bánh ngân sách càng lớn thay vì tự cắt giảm.
“Những chi phí tốn kém có thể nói tới là xây dựng tượng đài, công viên, bảo tàng lãng phí hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng mà các địa phương đua nhau xin ngân sách trung ương,” PGS.TS Phạm Thế Anh nói.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước. Image copyright REUTERS
Theo ông, thực sự là việc phân bổ ngân sách cho các ngành các bộ thì đó lại không phải là vai trò của Bộ Tài chính.
“Bộ Tài chính chỉ là nơi tham mưu như các bộ ngành khác và có chức năng tổng hợp thông tin là nhiều. Và qui trình phân bổ ngân sách như ngày này hay địa phương kia được bao nhiêu là rất phức tạp và trải qua rất nhiều khâu. Chỉ tiêu phân bổ ngân sách không minh bạch.
“Từ dự toán cấp địa phương, trình chính phủ rồi Bộ Tài chính thẩm định, rồi thảo luận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rồi đưa trình Quốc hội, trình Ủy ban Ngân sách và con số mỗi nơi được bao nhiêu là nó chưa được minh bạch và chưa dựa trên cở sở vững chắc nào và vẫn nặng do cơ chế “xin cho”.
“Ông tỉnh thuyết phục được tôi thì tôi cấp cho ông và cơ chế xin cho dễ nảy sinh tham nhũng,” PGS.TS Phạm Thế Anh nói thêm.
Ông cho rằng bất kể trần nợ công là bao nhiêu chăng nữa thì với mức độ tăng về thâm hụt ngân sách cũng như nợ công tăng trong những năm vừa qua thì sớm muộn các mức cảnh báo đó hay trần đó sẽ bị phá vỡ. Chẳng hạn dư nợ chính phủ là 53.1% GDP, vượt mức trần đưa ra là 50% GDP. Tức là đã phá ngưỡng đưa ra.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng chia sẻ về quan ngại nợ công tại Việt Nam là do mức chi thường xuyên ngày càng bành trướng.
“Việt Nam vẫn ở trong trạng thái này nhiều năm nay rồi, nó là kinh niên rồi.
“Giải pháp là phải kiểm soát được ngân sách, phải đưa thâm hụt ngân sách về con số nhỏ và tiến tới việc cân bằng được ngân sách, hoặc nếu thâm hụt thì cũng chỉ thâm hụt dưới 3% GDP thôi.
Người ta kỳ vọng Hiệp định TPP đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Image copyright GETTY IMAGES
“Thế nhưng để kiểm soát được ngân sách thì đó là cả một câu chuyện mà ai cũng biết. Đó là câu chuyện mang tính chất chính trị và mô hình về tài chính công và tăng trưởng hiện nay.
“Mô hình phát triển kinh tế, mô hình ra quyết định, mô hình nhà nước… đều là không hiệu quả trong việc kiểm soát tất cả mọi thứ chứ không chỉ có vấn đề về kiểm soát ngân sách. Thì đó là cái thất bại của chúng ta trong việc có được sự kiểm soát về những cái này và nhiều việc khác trong xã hội.
“Hệ quả của việc chúng ta có mô hình kém tất yếu dẫn tới không kiểm soát được nợ công”, Tiến sỹ Thành, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế học, chủ biên của chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, nói với BBC.