Bắn ba người vì đất đai: ‘Con đường nguy hiểm’

clip_image001

Tranh chấp đất đai ở Đắk Nông đã dẫn đến nhiều vụ xô xát giữa người dân và các công ty liên quan. Image copyright HOANG DINH NAM

Vụ bắn chết ba người tại tỉnh Đắk Nông cũng giống vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng khi người dân phải “chọn con đường nguy hiểm” để bảo vệ đất đai, một luật sư nói.

Đêm 27/10, nghi phạm Đặng Văn Hiến bị truy nã vì vụ xô xát đã được sự hỗ trợ của luật sư và tờ báo Dân Việt ra làm thủ tục đầu thú.

Vụ việc xảy ra ngày 23/10, khi công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Long Sơn san ủi mặt bằng và xô xát với người dân.

Một số người dùng súng tự chế bắn trong cuộc xô xát và làm ba người chết, 16 người bị thương.

Ông Phạm Công Út từ Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhận định vụ án “giống như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng trước đây, ông Vươn cũng phải chọn con đường nguy hiểm cho mình khi chấp nhận mang án giết người cũng chỉ nhằm để bảo vệ đất đai của mình. Ở đây là các hộ dân bị “cướp đất” theo cách hiểu của họ, nên họ là những người bảo vệ từng tấc đất của mình, trong đó có nghi can Đặng Văn Hiến”.

Ông Phạm Công Út cùng với luật sư Nguyễn Kiều Hưng và một nhóm các luật sư nhận bảo vệ cho ông Đặng Văn Hiến và nhóm người dân có xung đột với Công ty Long Sơn.

“Là những luật sư theo dõi những vụ án có liên quan đến Công ty Long Sơn, và cũng là một trong những luật sư tham gia bảo vệ người dân ở đây, chúng tôi thấy rằng, ông Đặng Văn Hiến và những người dân ở đây chỉ là nạn nhân”.

Ông nhận định vụ bắn súng là “hành vi chống trả dẫn đến chết và bị thương nhiều người đó là phòng vệ chính đáng” vì “họ [người dân] đã bị giết, bị chết cũng có, bị thương đến 90% tỷ lệ thương tật cũng có, khiến nạn nhân là người dân phải sống đời sống thực vật, sau đó là đất đai của họ bị san phẳng. Như thế, họ chỉ là nạn nhân chứ không thể là hung thủ”.

Vụ án được cho là vì “tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm”, giữa Công ty Long Sơn, người dân và chính quyền địa phương.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một luật sư, Nguyễn Văn Quynh, cho rằng “các tranh chấp đất đai tại hai xã Đắk Ngo và Quảng Trực hết sức phức tạp, dù vậy việc thu hồi đất cũng phải làm theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật”.

Theo Ủy ban huyện Tuy Đức, tháng 4/2008, Công ty Long Sơn được giao 1.079ha đất (hơn 507ha là đất rừng) để thực hiện dự án nông lâm, tờ Tuổi Trẻ cho biết.

Từ sau đó, nhiều mâu thuẫn phát sinh giữa người dân địa phương và công ty này.

Tranh chấp đất

Nói với BBC, luật sư Phạm Công Út cho rằng: “Địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông là địa phương có rất nhiều vụ tranh chấp đất đai, không chỉ giữa người dân với chính quyền xã, chính quyền huyện và chính quyền tỉnh, mà còn có sự tranh chấp đất đai giữa người dân với một số doanh nghiệp được tỉnh Đắc Nông giao quyền sử dụng với hàng nghìn héc ta đất sau thời kỳ chia tách tỉnh”.

“Trong đó, người dân bị ‘cướp đất’ đã phải chọn phương án nguy hiểm nhất cho mình, là việc chống trả bằng vũ khí với phía mà họ cho là cướp đất của họ, thủ phạm mà họ xác định là Công ty Long Sơn”.

“Tôi cho rằng, chính quyền đã sai khi không nghe lời kêu cứu của người dân, xã đùn đẩy lên huyện, huyện đùn đẩy lên tỉnh, tỉnh im lặng như không nghe tiếng dân kêu,” vị luật sư này nhận định về vai trò của chính quyền địa phương trong tranh chấp đất đai giữa người dân làm rẫy và Công ty Long Sơn trong vụ việc kéo dài nhiều năm.

Giải thích với BBC vì lý do nhóm luật sư nhận bảo vệ nghi can Đặng Văn Hiệp, ông Phạm Công Út nói: “Trước đây, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, là nạn nhân của Công ty Long Sơn nên chúng tôi nắm bắt được sự việc. Bây giờ, chúng tôi tiếp tục bào chữa cho nạn nhân bị truy cứu với vai trò bị can, bị cáo”.

Nghi can Đặng Văn Hiệp bị truy nã sau vụ nổ súng làm chết ba người.

Ngay sau khi vụ xô xát xảy ra, Ủy ban tỉnh Đăk Nông nói đây là “sự việc đặc biệt nghiêm trọng” và “công an tỉnh đã khẩn trương triển khai lực lượng truy bắt thủ phạm”, báo Pháp Luật tường thuật.

Khi BBC hỏi về tính chất vụ án, luật sư Út cho biết: “Khác với vụ án Đoàn Văn Vươn là vụ ấy chỉ có người bị thương, không có người bị chết, còn ở đây đã chết trong trận chiến này những 3 người, bị thương 15 hoặc 16 người.

“Chủ thể của người bị thương vong ở vụ Đoàn Văn Vươn là cán bộ, chiến sĩ thuộc biên chế nhà nước; Còn ở đây, người bị chết hoặc bị thương đều thuộc biên chế của một doanh nghiệp tư nhân”.

Trong khi đó, nói với BBC, luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy -Trinh (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Điều đáng nói là trong những đợt cưỡng chế luôn có lực lượng chính quyền, công an tham gia trợ’giúp”.

“Tổ chức cưỡng chế xong, họ lấy lí do rừng đã bị phá để xin Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển đổi mục đích sang trồng cao su kiếm lời hoặc bán lại cho người khác”.

“Tuy nhiên, khi người dân nhận thấy bất công họ không chịu giao đất và thế là vùng này trở thành vùng đất nóng”.

“Họ cho rằng họ cũng là người dân nước Việt sao lại bị đối xử bất bình đẳng trong khi các nhóm lợi ích chiếm được vô số đất đai”.

“Họ đặt câu hỏi tại sao chính quyền không giao khoán rừng cho dân để họ có cơ hội kiếm sống mà lại giao cho doanh nghiệp tư nhân,” luật sư Bình nói.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-37797027

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.