Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Công nhân đang cuộn những thanh thép cho một công trình xây dựng ở Hà Nội. – AFP photo
Ngày 13 tháng 9 một chỉ thị của Ban Tuyên giáo Trung ương được ông Phó Ban Tuyên giáo Phạm Văn Linh chỉ đạo 7 điểm cho báo chí không được tham gia viết, đăng tải bài phản biện. Trong đó điểm thứ 2 yêu cầu dừng phản biện đưa tin về dự án thép của Tôn Hoa Sen. Trong thời điểm dư luận hết sức bức xúc trước thảm họa Formosa việc ngăn cản báo chí đưa tin phản biện dự án Tôn Hoa Sen không những đi ngược lại quyền tự do thông tin của người dân mà còn cho thấy sự quyết tâm khó giải thích của chính quyền đối với Tôn Hoa Sen.
Chỉ thị ngưng đưa tin
Kể từ khi Tôn Hoa Sen công khai thừa nhận sẽ đầu tư cho dự án nhà máy liên hợp thép tại Cà Ná, Ninh Thuận báo chí đã nhanh chóng nhập cuộc đưa ra mọi bằng chứng, luận điểm yếu kém của doanh nghiệp này trước một dự án mà ai cũng biết tập đoàn Hoa sen khó đáp ứng nhu cầu vốn, kỹ thuật lẫn kinh nghiệm về môi trường.
Báo chí đưa cả thông tin về cá nhân ông Lê Phước Vũ cũng như tình trạng nợ của Hoa Sen với mục đích giúp cho Chính phủ cái nhìn chi tiết hơn về tập đoàn này trước khi nghiên cứu tỉ mỉ hồ sơ của Tôn Hoa Sen cũng như những dự toán mà nó sẽ thực hiện trong tương lai.
Rất nhiều nhà báo phê phán việc Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh chỉ thị yêu cầu báo chí ngưng đăng tin, phản biện về Tôn Hoa Sen là một động thái vi phạm nguyên tắc dân chủ mặc dù việc này không phải là lần đầu tiên xảy ra đối với báo chí Việt Nam.
Đối với người làm báo, việc đưa tin phản biện trước một dự án quá nhiều rủi ro như Tôn Hoa Sen là một công việc hiển nhiên bởi chức năng truyền thông của báo chí là đưa tin trung thực và hướng dẫn dư luận về một dự án có tầm cỡ quốc gia, để từ đó người dân tham gia quan sát những động thái của Chính phủ. Đối với một tờ báo Đảng thì việc này càng phải nên làm vì Đảng chưa khi nào ngưng cổ vũ cho sự minh bạch cần có trong thông tin.
Ngày 25 tháng 4, trả lời phóng viên Lan Anh trên Kênh VTC14 về thắc mắc của ngư dân đối với Công ty Formosa về hệ thống xử lý nước xả thải, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh cho rằng phải biết chấp nhận mất mát vì không thể có được hai điều cùng một lúc. Hoặc cá hoặc là nhà máy thép.
Lời thú nhận của ông Chu Xuân Phàm hướng cho dư luận thấy sự yếu kém của tỉnh Hà Tĩnh khi cho phép nhà máy Vũng Áng hoạt động bất kể môi trường bị phá hủy. Chính phủ được báo chí đánh động qua những điều mà ông Phàm thừa nhận đã cho thấy sự tích cực của báo chí trước các vấn đề môi trường mà doanh nghiệp luôn luôn che dấu.
Nhà báo Đại tá Bùi Văn Bồng nguyên trưởng đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long phản ứng khi nghe chỉ thị của Ban Tuyên giáo Trung ương về dự án Tôn Hoa Sen:
“Chỉ thị của Ban Tuyên giáo Trung ương là một chỉ thị mang tính chất chỉ đạo báo chí toàn quốc, các cơ quan tuyên truyền toàn quốc để mà nói về vấn đề gì đó định hướng xã hội. Nhưng nếu chỉ đạo của tuyên giáo đi vào chỉ đạo cụ thể để ngăn chặn như thế là vi phạm quyền thông tin của người dân. Quyền được thông tin và thông tin trở lại cũng như quyền được phản biện với Đảng và Nhà nước, Chính phủ những điều mà họ cần biết.
Điều đó đi ngược lại với quan điểm tự do ngôn luận lẫn tự do báo chí của Đảng ta đấy là cái thứ nhất. Cái thứ hai khi những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống trong sản xuất, trong phát triển kinh tế xã hội mà đất nước mình đã nhiều lần chấp nhận những dự án, xây dựng các công trình mà không khảo sát, không nghiên cứu kỹ nhưng đưa những ý kiến đề xuất chủ quan của một người nào, một nhóm nào đó đó để làm công trình hoặc là chấp nhận một dự án nào đó và sau này gây hậu quả thiệt hại thì chúng ta đã lãnh nhiều rồi.
Bây giờ khi dư luận đang nói nhiều thì chính là lúc Đảng và Nhà nước phải nghiên cứu cho nó rõ cho nó kỹ để mà quyết định làm hay là không làm. Còn nếu mà những ý kiến phản biện, phê bình hoặc đóng góp ngược lại của những vị đứng ra để chịu trách nhiệm chỉ đạo và lãnh đạo, phối hợp giữa bên A bên B để gây dựng một dự án gì đó mà có hại lâu dài về nhiều mặt tất nhiên kể cả mội trường và hiệu quả kinh tế xã hội mà ra quy định là chặn thì đó là vi phạm rất lớn, kể cả vi phạm đường lối quan điểm và tư tưởng của Đảng”.
Vai trò của báo chí
Báo chí Việt Nam.
Một thí dụ điển hình về vai trò của báo chí góp phần tích cực phản biện trong các dự án mà an toàn môi trường là câu hỏi không có lời giải, đó là nhà máy thép của tập đoàn Posco tại vịnh Vân Phong.
Vào năm 2008 dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong tại tỉnh Khánh Hòa bị hoãn đột ngột, đáng lẽ khởi công theo kế hoạch vào ngày 25 tháng Giêng. Đây là một cảng quốc tế đã được quy hoạch cấp quốc gia, được Quốc hội thông qua nhưng bị ngưng lại để dành cho một dự án khác đó là nhà máy thép Vân Phong do tập đoàn Posco của Hàn Quốc làm chủ đầu tư.
Nhà báo Võ Văn Tạo là người trực tiếp tham gia cùng với nhiều tờ báo lớn nhỏ trong vụ này kể lại:
“Thời gian đó tôi cộng tác hơn một chục tờ báo lớn nhỏ đồng thời tôi có rất nhiều đồng nghiệp thân thiết khi họ đến Nha Trang tác nghiệp tôi đã tạo điều kiện giúp dỡ cho họ phương tiện hay liên lạc với giới chức… lúc đó tôi là phóng viên thường trú của báo Nông thôn ngày nay và tôi đã phát tiếng súng đầu tiên của dự án thép Posco với hai giác độ một là giữ lại cảng trung chuyển cho hàng hải Việt Nam thứ hai nữa là bảo vệ môi trường rất trong lành của vịnh Vân Phong được rất nhiều người ca ngợi, có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, nghỉ mát dưỡng bệnh… Đồng thời lúc đó tôi cũng liên lạc với báo Tuổi Trẻ, báo Kinh tế Sài gòn, phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam VTV.
Tôi biết rằng những dư luận đó mà phản ứng mạnh trên báo chí thì chắc chắn rằng Ban Bí thư luôn luôn ghi nhận các ý kiến của xã hội như thế. Thực tế thì có rất nhiều trường hợp rất khó khăn thí dụ như báo Nhân Dân lúc đó là ông Đinh Thế Huynh làm Tổng biên tập và ổng yêu cầu anh em trong tờ báo đó không loan tải về dự án đó bởi vì sau này khi ông Nguyễn Tấn Dũng ra nước ngoài có tiết lộ cho lãnh đạo tỉnh và báo chí biết rằng dự án Posco trước đó hai đời Tổng bí thư và hai đời Thủ tướng trong đó có bản thân ông Nguyễn Tấn Dũng sang trụ sở của Posco bên Hàn Quốc mời gọi đầu tư cho nên ông Đinh Thế Huynh ông ấy biết và ngăn cản chuyện đó.
Nhưng lúc đó có những bài báo thật tốt vẫn đưa trên báo Nhân Dân khi ông Đinh Thế Huynh đi vắng khỏi tòa soạn thì anh Phó Tổng biên tập đã đưa bài báo đó lên. Có những bài trên báo Sài gòn Giải phóng cũng bị nghẹn lại nhưng cuối cùng do tác động báo Sài gòn Giải phóng cũng đăng. Sau mấy tháng như thế cuối cùng đến tháng 11 thì ông Hoàng Trung Hải có công văn cho tỉnh Khánh Hòa chính thức từ chối dự án Posco. Đó là một trong những lần báo chí phản biện thành công nhất đối với dự án rất lớn đã có ý đồ gần như 100% tại vịnh Vân Phong của Khánh Hòa”.
Đối với Tôn Hoa Sen bên cạnh dư luận từ quần chúng, Đại tá Bùi Văn Bồng cũng đặt câu hỏi về thái độ của Ban Tuyên giáo trung ương có thể bị nhóm lợi ích mua chuộc hay thuộc dạng sân sau của tập đoàn Tôn Hoa Sen:
“Trong vấn đề này tôi thấy rằng ông Phó Ban Tuyên giáo Trung ương đó liệu có phải vì động cơ nào đó hay ý định cá nhân, phe nhóm nào đó mà đi ủng hộ cho cái dự án này cho bằng được thì như thế là anh ủng hộ nhà đầu tư một cách cực đoan và anh phớt lờ, bỏ qua ý kiến dân chủ của nhân dân và của các nhà khoa học”.
Ngày 15 tháng 9, hai ngày sau khi Ban Tuyên giáo Trung ương ra chỉ chị, Sở Truyền thông và thông tin tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ra văn bản yêu cầu mọi cơ quan ban ngành trong tỉnh tiếp tay tuyên truyền cho khu liên hợp thép của Tôn Hoa Sen tại Cà Ná.
Sau ngày 13 tháng 9 người dân không còn thấy một thông tin gì về Tôn Hoa Sen hay dự án Cà Ná trên báo chí nữa. Thế nhưng một tuần sau phóng sự “có một sự thật khác ở Cà Ná” trên báo Hội Nông dân Việt Nam đã ghi nhận về người dân tại Cà Ná cho thấy cuốc sống ở đây đang xáo động bởi thép Hoa sen.
Bà Nguyễn Thị Răng, một phụ nữ sống tại thôn Lạc Nghiệp, xã Cà Ná cho biết “Chỉ có những người ăn không ngồi rồi mới mong dự án thép để có tiền đền bù đất. Đất ở đây từ khi có dự án làm muối thì đâu trồng được cây cối nên đâu làm được gì. Những người đó sung sướng thì chúng tôi đau khổ. Chúng tôi sống bằng nghề biển nên mong các ngành các cấp đừng cho tập đoàn Hoa Sen về làm thép ở đây”
Không riêng gì Cà Ná dân chúng khắp nơi lo lắng cho bữa cơm gia đình cũng đặt câu hỏi, Tôn Hoa Sen mạnh đến đâu để được Ban Tuyên giáo ủng hộ hết mình như vậy?
M.L.