Gia Minh
Xin được phép thưa với các vị một câu: các vị đều là những nhà khoa học, nhà kỹ thuật dày kinh nghiệm, có lương tâm, có trách nhiệm với nghề nghiệp, và có lòng yêu nước. Các vị trao đổi với nhau nhưng cũng là ngầm đối thoại với một phía nào đấy mà các vị có lòng tin rằng họ cũng có mặt bằng tri thức ngang mình, quan trọng hơn có lòng yêu nước như mình. Chúng tôi e rằng các vị đã nhầm mất rồi. Bé cái nhầm rồi đấy. Nếu thật tâm yêu nước thì ở Việt Nam đã không có những công trình, dự án thua lỗ triền miên ngay từ khi mới thực hiện cho đến hôm nay (xin nói rằng tất cả những nhà máy công nhiệp nặng quốc doanh đều thua lỗ, không sót một cái nào, thậm chí thua lỗ suốt 60 năm qua mà hiện vẫn cứ ỳ ạch… vận hành?!) Có đời thuở nào là người yêu nước mà u mê tăm tối đến vậy! Chẳng lẽ yêu nước để dắt díu cả dân tộc này xuống vực thẳm hay sao? Cho nên, như chúng tôi đã viết mấy lời mào đầu trong một bài đăng tải cách đây vài hôm, rằng phải xem xét bối cảnh địa-chính trị của mảnh đất Việt Nam ở thời điểm hiện tại thì mới hiểu thấu “tim đen” của những con người đang muốn làm các dự án chỉ mới nghe đã kinh hãi như ông chủ Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cũng như những ai trong các cấp chính quyền đang quyết tâm dang tay nâng đỡ cho các dự án loại đó. Cái nhìn địa-chính trị sẽ không cho phép chúng ta bỏ qua không để mắt tới nhất cử nhất động của ông bạn láng giềng khổng lồ phương Bắc, dù chúng ta không dễ dàng rơi vào các thứ “thuyết âm mưu” đã được nghe quá nhiều. Vậy thì, nhắc lại mấy lời vừa “viết chưa ráo mực” – có bổ sung chút ít – tưởng cũng không đến nỗi nhàm: “Trên thế giới không có thế lực nào ranh khôn quỷ quyệt hơn Tàu cộng. Trong các thể chế cộng sản hiện còn ngoe nguẩy, không có đám quan chức nào tham vặt hơn Việt cộng – “ăn không từ thứ gì”. Hai cái đó gặp nhau tất đẻ ra những dự án khủng mà vừa thi công đã chết dí, những dây chuyền công nghệ “quy mô” vừa lắp ráp đã bung ra từng mảng, những nhà máy vừa xây dựng xong đã nằm bẹp, hoặc chạy cà rịch cà tàng và cứ thế lỗ từ đầu đến cuối. Đó là “4 tốt và 16 chữ vàng” mà đàn anh Giang, Hồ, Tập chân thành hảo hảo trao cho đàn em Việt Nam – thông qua tay chân đủ loại đủ cỡ của chúng, để đàn em vừa có miếng bỏ miệng vừa có thêm phương tiện ra sức bần cùng hóa dân đen, và cũng là sự thực hiện chu tất việc phong tỏa, bao vây, đầu độc đất nước, đúng theo kế hoạch bài bản của Thiên triều”. Bauxite Việt Nam |
Sơ đồ và vị trí xây dựng dự án khu liên hợp nhà máy thép Cà Ná tại Ninh Thuận. Courtesy photo
Thông tin về dự án thép do Tập đoàn Tôn Hoa Sen Việt Nam tại Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục gây bão dư luận tại Việt Nam.
Đa số ý kiến đều phản đối cho rằng thảm họa do Nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh vẫn không biết khi nào mới giải quyết xong thì nay lại nghe Bộ Công thương công bố đưa dự án thép Tôn Hoa Sen vào qui hoạch tại ven biển tỉnh Ninh Thuận.
Trong chuyên mục Khoa học – Môi trường kỳ này mời quí vị theo dõi thông tin liên quan và ý kiến của chuyên gia Việt Nam đang ở nước ngoài bàn về dự án gây tranh cãi của Tôn Hoa Sen.
Cơ sở phản đối
Ngành thép Việt Nam vào giữa năm nay có văn bản gửi hai Bộ Công thương và Tài chính ở Hà Nội nêu rõ đến hết năm 2015, các doanh nghiệp thép trên cả nước chỉ vận hành được gần 60% công suất lắp đặt.
Các sản phẩm thép đều dư thừa, ngoại trừ gang là sản xuất chưa đạt mục tiêu đề ra. Đơn cử sản lượng thép năm 2015 là 1 triệu 700 ngàn tấn trong khi công suất lắp đặt là 2 triệu 700 ngàn tấn. Ngành thép căn cứ trên những con số thực tế cho biết đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về các loại sản phấm thép xây dựng, phôi thép, cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm của họ ra nước ngoài.
Theo giới chuyên môn nhà máy luyện thép cần lượng nước dồi dào phục vụ quá trình sản xuất; tuy nhiên Cà Ná, Ninh Thuận lâu nay nổi tiếng là vùng nóng nhất Việt Nam, nguồn nước ngọt ít ỏi.
Chính Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, ông Phạm Văn Hậu, trong trả lời phỏng vấn mạng báo luật thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 9 vừa qua nói rõ Nhà máy nước Phước Nam tại địa phương này với công suất 30 ngàn mét khối/ngày chỉ đủ đáp ứng chừng 13% nhu cầu của nhà máy thép mà công suất thiết kế được nói là 16 triệu tấn thép mỗi năm.
Cách đây hơn chục năm liên doanh giữa Vinashin và Lyon Group của Malaysia cũng có một dự án thép với vốn đăng ký hàng tỷ đô la Mỹ đầu tư vào Ninh Thuận; nhưng rồi sau đó bị rút.
Đối với dự án nhà máy thép với tổng vốn được nói là 10 tỷ đô la Mỹ của Tôn Hoa Sen đã có nhiều vấn đề được công luận nêu ra: chưa có hồ sơ cụ thể về dự án, tư vấn vẫn chưa có, dây chuyền công nghệ nào được chọn cho nhà máy…
Kỹ sư Nguyễn Minh Quang, một chuyên gia về môi trường ở Hoa Kỳ cũng nêu ra một số thắc mắc khi nghe về dự án thép tại Cà Ná, Ninh Thuận:
Tôi thấy có hai điểm: thứ nhất theo môn địa lý tôi học trước đây thì không thấy ở vùng Ninh Thuận có quặng sắt nào hết, nay nghe nói là nhà máy thép 16 triệu tấn/năm thì cần rất nhiều quặng – Kỹ sư Nguyễn Minh Quang
“Tôi thấy có hai điểm: thứ nhất theo môn địa lý tôi học trước đây thì không thấy ở vùng Ninh Thuận có quặng sắt nào hết, nay nghe nói là nhà máy thép 16 triệu tấn/năm thì cần rất nhiều quặng.
Tôi không rõ họ dùng quặng từ đâu, hoặc họ sẽ nhập cảng quặng sắt từ nước ngoài? Điều đó tôi không rõ.
Thứ hai nữa làm thép cần nhiều điện; nhưng hiện nay ở Ninh Thuận chưa có nhà máy [điện] nào lớn hết, ngoại trừ nhà máy gần nhất mà tôi biết là nhà máy thủy điện Đa Nhim. Có thể sử dụng nguồn điện Đa Nhim nhưng không biết có đủ để cung cấp cho nhà máy thép ở Ninh Thuận hay không?
Một điểm nữa là vùng Ninh Thuận ít mưa nhất Việt Nam. Khi làm thép thì tôi không rõ phải dùng nước ở đâu cho việc luyện thép.
Đó là 3 câu hỏi rất lớn mà nếu muốn làm thép thì phải trả lời 3 câu hỏi đó.
(Tại Ninh Thuận) có nắng và gió nhưng khả năng của nó đến đâu thì tôi không được rõ lắm! Nhưng nếu làm thép theo tôi nghĩ thì đối với điện cần phải có dự phòng rất lớn. Ví dụ như nhà máy về mặt trời thì cần nguồn năng lượng dự trữ để chứa như pin rất lớn để tích điện ban ngày cho sử dụng vào ban đêm.
Đó là vấn đề không thuận lợi cho công nghiệp nhất là công nghiệp luyện thép vì chúng ta cần phải luyện 24/24 giờ đồng hồ; lúc nào cũng cần một lượng điện như nhau!”
Điều kiện cần có
Kỹ sư Tư vấn Đặng Đình Cung, hiện sống tại Pháp và có nhiều bài viết về tình hình ô nhiễm, sản xuất công nghiệp và ô nhiễm tại Việt Nam cho rằng vẫn có thể tiến hành dự án thép nhưng cần phải đạt cho được những điều kiện mà theo ông này như sau:
“Điều kiện thứ nhất là không lỗ lã vì (lỗ) thì kinh doanh làm gì!
Thứ hai là không gây hại cho an toàn người dân và sự ‘toàn vẹn’ môi trường. Nếu môi trường không toàn vẹn thì đương nhiên an toàn của người dân không được bảo đảm.
Báo cáo về tác động môi trường được gọi là ‘Report on Safety and Integrity’ cần có những điểm như sau:
– Đã có những biện pháp ngăn ngừa rủi ro thành hiện thực.
– Đã có những biện pháp đối phó nếu rủi ro trở nên hiện thực.
– Có biện pháp kiểm tra định kỳ các biện pháp ngăn ngừa một cách liên tục, hữu hiệu.
– Có qui trình kiểm tra định kỳ các biện pháp đối phó liên tục, sẵn sàng can thiệp nếu tại nạn tiềm tang xảy ra.
– Nhân viên có trách nhiệm ngăn ngừa, đối phó và kiểm tra được đào tạo thích nghi và có kỹ năng nghiệp vụ được rèn luyện qua thao luyện định kỳ.
– Các thiết bị ngăn ngừa, đối phó, kiểm tra có chức năng thích nghi được kiểm tra theo định kỳ cho thấy vẫn còn tốt, sẵn sàng cho việc sử dụng khi cần đến.
– Các qui trình ngăn ngừa, đối phó và kiểm tra được rà soát theo định kỳ để có chỉnh sửa thích hợp với những thay đổi của cơ sở sản xuất hay công trường xây dựng cũng như tiến bộ của công nghệ.
Phải có tất cả những điều kiện vừa nêu để xem có quyết định nên làm hay không”.
Bài học giám sát
Đặc khu kinh tế Vũng Áng của Formosa, là một tập đoàn có 100% vốn của Đài Loan nằm tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh chụp hôm 3/12/2015.
Một điểm yếu tại Việt Nam lâu nay là công tác giám sát, chế tài những vi phạm qui định mà luật pháp đề ra.
Kỹ sư Đặng Đình Cung cho biết nhận xét của ông về công tác giám sát, xử phạt ở Việt Nam và thực tế công tác này ở Pháp nơi ông từng công tác:
“Tối thấy cứ nói đã làm đúng qui trình nhưng đến khi bị hạch tội thì nói nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm và có người nói sẽ xử lý nghiêm.
Tôi đọc trên mạng thấy hết dự án này đến dự án kia cứ như vậy, chừng 6-7 tháng lại có một chuyện như vậy.
Những điều kiện mà tôi vừa nêu lên ở Pháp người ta thi hành rồi.
Dĩ nhiên không thể tránh được tai nạn, vì thế người ta có những qui trình để đối phó với một tai nạn tiềm tàng: ví dụ như một đập thủy điện vỡ, một nhà máy lọc dầu nổ, hay ‘nói dại’ một nhà máy điện nguyên tử có lõi bị nung chảy.
Người ta có sẵn kế hoạch rồi, nếu như tai nạn xảy ra thì mỗi một người biết nhiệm vụ phải làm như thế nào rồi!”
Kỹ sư Nguyễn Minh Quang cũng trình bày về công tác này tại Hoa Kỳ:
Hiện tại vẫn còn có tranh luận vì khi khai thác một quặng thì đương nhiên có ảnh hưởng đến môi trường – ít hay nhiều mà thôi, chứ không thể nào tránh chuyện ảnh hưởng môi trường – Kỹ sư Nguyễn Minh Quang
“Hiện tại vẫn còn có tranh luận vì khi khai thác một quặng thì đương nhiên có ảnh hưởng đến môi trường – ít hay nhiều mà thôi, chứ không thể nào tránh chuyện ảnh hưởng môi trường.
Đơn cử việc khai quặng lộ thiên sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường vì phải phá rừng, phá cảnh quan.
Do đó vấn đề là làm thế nào để giảm thiểu ảnh hưởng về môi trường. Đó là điều cần thiết.
Ở Mỹ, họ có những luật lệ rất nghiêm ngặt để kiểm soát chất thải khí, nước thải, hay chất thải rắn… Họ kiểm soát những thứ đó rất chặt chẽ nên giảm thiểu được ảnh hưởng đến môi trường”.
Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, mạng Bauxite Vietnam đăng thư của Tiến sĩ Trần Văn Bình gửi từ Cộng hòa Liên bang Đức gửi đến ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Tôn Hoa Sen bàn về dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận.
Tiến sĩ Trần Văn Bình cho biết ông là chuyên viên cao cấp lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Trong thư, sau khi nêu ra những hệ quả rõ ràng nếu như triển khai dự án thép tại Cà Ná, Ninh Thuận, Tiến sĩ Trần Văn Bình đề nghị ông Lê Phước Vũ thay vì đầu tư xây dựng nhà máy luyện thép ở Cà Ná, Ninh Thuận hãy nhanh chóng chuyển đổi mục đích sang xây dựng khu công nghiệp năng lượng xanh, trong đó có trung tâm năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Tiến sĩ Trần Văn Bình nêu ra những tiềm năng của tỉnh Ninh Thuận đầy nắng, gió ven bờ biển xanh, đó là hai dạng năng lượng tái tạo gió và năng lượng mặt trời.
Vị Tiến sĩ này dẫn nguồn của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỉnh Ninh Thuận là nơi có tốc độ gió vào hạng nhất, nhì của Việt Nam, trung bình 7,10 mét/giây ở độ cao 65 mét. Ở độ cao 85 mét còn tốt hơn nữa cho các động cơ gió thuộc loại hiện đại nhất. Mật độ gió là từ 400 đến 500 W/m2. Vận tốc gió mạnh nhất trong năm có tháng đạt đến 18-20m/s. Vùng gió tiềm năm của Ninh Thuận ghi nhận được là 18 vùng với tổng diện tích khoảng 8 ngàn héc ta.
Điểm đáng lưu ý là Ninh Thuận có lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng theo vận tốc đều trong cả năm là từ 6,4 đến 9,6 m/s, bảo đảm cho turbine gió phát điện ổn định.
Về năng lượng mặt trời thì Ninh Thuận có lượng chiếu sáng mặt trời rất cao, đều suốt nhiều tháng trong năm. Lượng bức xạ mặt trời mà tỉnh Ninh Thuận hấp thu được rất lớn trên 230kcal/cm2. Trung bình cả năm có khoảng từ 2600 đến 2800 h nắng. Tiềm năng năng lượng mặt trời của Ninh Thuận là lớn nhất Việt Nam với tổng qui mô lắp đặt khoảng 1500MW.
Tuy nhiên theo những chuyên gia ngành điện thì hiện nay giá thành điện gió và điện mặt trời vẫn còn cao so với những dạng năng lượng điện khác. Giới cổ xúy cho năng lượng tái tạo lập luận là xu thế này phải là tất yếu và các nhà khoa học đang cố phát minh ra những công nghệ cao hơn giúp giảm giá thành cho các loại năng lượng tái tạo.
Mục Khoa học – Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.
G.M.