Mưa nhân tạo: giả tưởng hay hiện thực?

Tô Văn Trường

Đầu tư nghiên cứu làm mưa nhân tạo hiện nay ở Việt Nam là lãng phí vì chắc chắn là không có hiệu quả. Hay nói cách khác, xin đừng lấy tiền thuế của dân ném “lên trời gọi mưa” rất viển vông trong khi đất nước đang có nguy cơ “vỡ trận tài chính”!

Tô Văn Trường

Thứ quái quỷ gì đang diễn ra trên quê hương tôi vậy?

Định làm Nữ Oa vá trời hay sao?

Học hành không đến nơi đến chốn là thế này đây. Chủ nghĩa Marx Lenin là ánh sáng soi đường, vậy mà không làm mưa được luôn, để phải tốn kém đến 5.000 tỷ trong khi dân tình đang đói khổ?

LS Lê Văn Luân

FB Luân Lê

Ngân sách đang cạn trơ đáy, thưa ông Tổng giám đốc ASX. Dẫu ông có giỏi vẽ vời, nói ngọt đến đâu, trong tình hình này xoay được ông Thủ tướng cấp cho 5.000 tỷ hoàn toàn không dễ, không phải như dưới thời ông Ba X cứ điềm nhiên vung tay quá trán được nữa. Không phải ông Nguyễn Xuân Phúc thì biết thương dân hơn ông X. Không! Chúng tôi đồ chừng lòng thương của các ông ấy đều là lòng thương… cộng sản, một tấc đến CNXH như nhau cả thôi. Có điều, ông trước đã trót vung vãi mất rồi. Ông sau mà không ghìm lại, cứ phát 5.000 tỷ cho ông, thì phát xong một cái là toàn bộ bộ máy, nào đảng, nào Quốc hội, nào chính quyền, nào mặt trận, đều có nguy cơ… sụm đấy. Bởi thế, theo chúng tôi, ông hãy nói khó với mấy Bộ mà ông Thủ tướng phân công làm “quân sư” cho ông, là đành nuốt nước bọt vậy nhé. Bởi chính ông cũng chưa chắc đã có… gì đâu.

Bauxite Việt Nam

 

Cơ chế vật lý của mưa nhân tạo là đúng nhưng không tạo được trạng thái khí quyển như mong muốn của con người. Nguyên lý làm mưa nhân tạo chỉ được coi là thành công nếu thỏa mãn ba điều kiện: (1) Giải thích được cơ chế vật lý của việc tăng lượng mưa do tác động làm mưa nhân tạo; (2) Các kết quả phải đảm bảo độ tin cậy thống kê; (3) Kết quả làm mưa nhân tạo phải được lặp lại với các điều kiện mây và tác động tương tự như nhau, hay nói cách khác, công nghệ được nghiên cứu và phát triển tại vùng này phải áp dụng được một cách hiệu quả tại các vùng khác.

Cho đến tận bây giờ, cả lý thuyết và thực tiễn trên thế giới làm “mưa nhân tạo” chỉ mới đạt được những thành tựu vô cùng nhỏ nhoi mang tính thí nghiệm là chủ yếu.

Không nên chống lại khoa học viễn tưởng, song làm việc gì cũng phải liệu sức mình. Cổ nhân ta có câu: “Liệu cơm gắp mắm”! Lúc này, đất nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, nợ công, nợ xấu đại vấn đề, thu không đủ chi, lòng dân bất an, lại bỏ hàng nghìn tỷ đồng làm khoa học viễn tưởng “hô phong hoán vũ” là hoàn toàn không nên.

Theo báo Dân trí cho biết Công ty cổ phần Khoa học công nghệ An Sinh Xanh đề xuất dự án “Lên trời gọi mưa” có thể giảm mây bay, điều tiết mưa đúng nơi, đúng lúc, giảm ngập lụt tắc đường, và đề nghị Chính phủ xin tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1. Tôi không biết báo Dân trí phản ánh có chuẩn xác không, vì sao có đến 7 Bộ cùng tham gia, xem xét đánh giá đề xuất nói trên!?

Ước mơ của con người

Từ khi con người biết tư duy, qua bao thế hệ gắn bó với thiên nhiên để sản xuất và tồn tại, loài người luôn khát vọng về nhiều vần đề khoa học sát sườn với nhân loại, trong đó có ước mơ đến cháy bỏng “kêu được nắng, lôi được gió và gọi được mưa” đảm bảo cho “thiên thời địa lợi” phục vụ sản xuất và đời sống quanh năm suốt tháng theo đúng yêu cầu của cây trồng, vật nuôi và con người.

Theo các nguồn tài liệu khoa học, thí nghiệm đầu tiên về tác động lên mây đã được thực hiện vào cuối những năm 1940 của Thế kỷ XX. Vào những năm 50 của thế kỷ này, nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và Liên Xô, sau đó là Nga đã tập trung nghiên cứu về vấn đề này. Khi đó, người ta đã nghĩ tới 1 ngày nào đó có thể bấm 1 nút vào buổi sáng để quyết định ngày hôm đó mưa hay nắng và con người có thể điều khiển được thiên nhiên. Ước mơ vẫn chỉ là ước mơ, khát vọng cũng dừng lại ở khát vọng mà thôi.

Nguyên lý làm mưa nhân tạo và lực Assimet

Nguyên lý làm mưa nhân tạo dù là của Nga, hay Pháp, Đức, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc… đều phải dựa trên nguyên lý cơ bản là tận dụng hướng gió tự nhiên, tức là tận dụng các luồng gió khí quyển tự nhiên có mang ít nhiều hơi nước kết hợp với tác động nhân tạo, tức là phun các loại hóa chất thích hợp hay còn gọi là dùng các kỹ thuật tạo hạt nhân ngưng kết và đông lạnh vào không khí làm ngưng kết hơi nước lại hình thành các đám mây. Các đám mây đó là tập hợp các hạt nước nhỏ li ti, có kích thước khác nhau. Để có thể hình thành mưa, các hạt nước này phải kết hợp được với nhau, lớn dần và nặng hơn đủ để rơi xuống tận mặt đất. Có thể hiểu nhờ hướng gió và sức gió mà liên kết lại thành các đám mây to dần, nặng dần và thấp dần rồi sinh ra mưa.

Hay nói cách khác, những đám mây này có phát triển được hay không phụ thuộc vào phân tầng khí quyển (phân bố thẳng đứng của nhiệt độ khí quyển). Nếu phân tầng khí quyển là bất ổn định, lực Assimet dương, khối mây phát triển tạo ra mưa, nếu phân tầng là ổn định, lực Assimet âm, thì khối mây không thể phát triển, không hy vọng có mưa. Khi thời tiết khô hạn thì khí quyển là ổn định, trời quang mây hoặc có màn mây mỏng, việc làm mưa nhân tạo là cực kỳ khó khăn. Nếu có làm cũng chỉ nhận được lượng mưa không đáng kể mà chi phí lại quá lớn.

Khi khí quyển bất ổn định lớn, có mưa lớn kéo dài muốn dừng mưa cũng khó như làm mưa. Để làm thí nghiệm, người ta chọn các trạng thái trung hòa kích động một chút có thể chuyển trạng thái. Trạng thái trung hòa này không phải lúc nào cũng có và nếu nó có thì lại ở chỗ ta không cần làm mưa. Tương tự vấn đề tăng kích thước hạt nước, tạo nhân ngưng kết đều gặp muôn vàn khó khăn và tốn kém nên vấn đề làm mưa nhân tạo chỉ là các thử nghiệm khoa học chứ chưa thể xem là bài toán kinh tế được.

Tuy nhiên, quá trình này lại còn phụ thuộc rất nhiều vào các đặc trưng của luồng không khí đó như độ ẩm, lượng hơi nước, nhiệt độ, độ cao, tốc độ gió, độ sạch của khối khí, hướng di chuyển của khối khí, quy mô diện tích và bề dày của khối khí, mật độ không khí, mà chúng ta phải biết được nhờ quan trắc hoặc tính toán được trước khi quyết định thực hành quá trình tác động vào khối khí để tạo ra mưa nhân tạo.

Tốc độ gió, hướng gió, nhiệt độ, lượng ẩm trong khí quyển, nơi mà con người muốn tác động vào để gây mưa là những nhân tố quyết định sự thành công của một trận mưa nhân tạo có giá trị thương mại cho một vùng hay một khu vực nào đó đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống. Đáng tiếc là “sức người có hạn”, chúng ta khó có thể hiểu biết đầy đủ về bản chất của các khí đoàn theo cả phương ngang, phương thẳng đứng và theo cả thời gian. Vì vậy, giả dụ có thể tạo được mưa thì chưa chắc mưa đã rơi vào đúng nơi mà con người mong muốn.

Nghiên cứu mưa nhân tạo ở Việt Nam

Phải nói rằng công việc nghiên cứu tạo mưa nhân tạo là hết sức khó khăn về lý thuyết và vô cùng phức tạp về điều khiển, thực hành, cực kỳ tốn kém về kinh phí, vật tư, vật liệu, hiệu quả kinh tế không nhiều và rất phập phù.

Ở Việt Nam, theo tôi biết từ rất lâu rồi đã có các nhà khoa học nghiên cứu về làm mưa nhân tạo như của GSTS Lê Đình Quang và nhóm cộng sự (Tổng cục Khí tượng thủy văn), và đặc biệt là đề tài nghiên cứu khoa học của PGS Vũ Thanh Ca – Bộ Tài nguyên & Môi trường tiêu đề “Nghiên cứu cơ sở khoa học để làm mưa nhân tạo tại Việt Nam”.

Theo PGS Vũ Thanh Ca cho biết vào thời điểm năm 2005, Nga đang cực kỳ tự tin về những nghiên cứu của mình về mưa nhân tạo. Ngoài Nga, một số nhóm khoa học tại Mỹ và Israel cũng công bố những phương pháp và công nghệ mới để tác động lên mây làm mưa nhân tạo. Cạnh ta thì có Trung Quốc, Thái Lan cũng đầu tư rất lớn cho những nghiên cứu và trên thực tế đã triển khai nhiều dự án làm mưa nhân tạo để chống hạn, làm sạch không khí và nhiều mục đích khác nhau.

Đề tài của PGS Vũ Thanh Ca đã mời được nhiều chuyên gia nổi tiếng nhất thế giới về tác động lên mây và làm mưa nhân tạo từ Mỹ, Nga sang Việt Nam phối hợp nghiên cứu, tổ chức hội thảo về làm mưa nhân tạo ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu cũng đi Nga, Thái Lan và Trung Quốc để học tập kinh nghiệm làm mưa nhân tạo. Ủy ban nhà nước Nga về Khí tượng Thủy văn và Cục Khí tượng Trung Quốc đã bố trí cho đoàn tới các viện nghiên cứu, các cơ sở quan trắc khí tượng và các cơ sở làm mưa nhân tạo hiện trường, tổ chức một số buổi giảng lý thuyết, các cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về các quá trình vi vật lý mây, các công nghệ cụ thể để tác động lên mây.

Các công nghệ của các nhà khoa học Israel về mô hình số trị mã nguồn mở về mô phỏng rất chi tiết các quá trình vi vật lý mây và tác động lên mây để làm mưa nhân tạo, mô hình số trị dự báo thời tiết với thời hạn cực ngắn (2 đến 3 giờ) với độ chính xác cao sử dụng các số liệu của ra-đa số hóa để phục vụ nghiên cứu và tác nghiệp làm mưa nhân tạo cũng như để cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm của Mỹ chuyển giao cho Việt Nam đều không thể áp dụng được vào thực tế vì không giải thích rõ được cơ chế tăng lượng mưa tới mức thương mại khi tác động.

Ngay cả nghiên cứu của Thái Lan công nghệ có thể tạo mây trong điều kiện trời không mây và tác động tiếp để đám mây phát triển và gây mưa nhưng tác động làm mưa nhân tạo tại một quy mô rất nhỏ, không thể huy động đủ lượng ẩm để tạo ra một trận mưa để làm thay đổi đáng kể tình trạng khô hạn. Hay nói một cách khác, có thể tạo mưa từ tác động, nhưng lượng mưa tạo được không hiệu quả về mặt kinh tế.

Lời kết

Nhiều người có thẩm quyền “hô phong hoán vũ” nên đất nước ta mới lâm vào cảnh bế tắc về đường hướng phát triển, nợ công, nợ xấu đại vấn đề, thu không đủ chi, lòng dân bất an, mong các nhà khoa học cần tỉnh táo đừng “đổ thêm dầu vào lửa!”

Qua theo dõi các tạp chí khoa học quốc tế cho đến tận ngày hôm nay cũng không thấy có sáng chế nào tin cậy được áp dụng để “hô phong hoán vũ” cho nên ngay các nước tiên tiến, giàu có trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, v.v… vẫn phải chịu cảnh cháy rừng, ngập lụt do thời tiết.

Đầu tư nghiên cứu làm mưa nhân tạo hiện nay ở Việt Nam là lãng phí vì chắc chắn là không có hiệu quả. Hay nói cách khác, xin đừng lấy tiền thuế của dân ném “lên trời gọi mưa” rất viển vông trong khi đất nước đang có nguy cơ “vỡ trận tài chính”!

T.V.T.

Tác giả gửi BVN.

Phụ lục

Xin tạm ứng “khẩn” 5000 tỷ đồng cho dự án… “Lên trời gọi mưa”!

Bên cạnh việc đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 bộ để bàn riêng về dự án “Lên trời gọi mưa” thì “cha đẻ” của dự án có tên gọi khác lạ này cũng xin tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10 tới.

“Lên trời gọi mưa”, đây là tên dự án đang được một doanh nghiệp là Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh đề xuất lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ ngành liên quan nhằm mục đích chống nắng hạn trong chu kỳ El Nino.

Được biết, về đề xuất trên, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị 7 bộ cùng tham gia. Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có công văn chỉ đạo Công ty An Sinh Xanh liên hệ với 7 bộ để triển khai theo 7 lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Ông Phan Đình Phương, Tổng giám đốc Công ty An Sinh Xanh cho biết, mới đây, doanh nghiệp này đã tiếp tục “khẩn trương nghiên cứu” nâng cấp dự án trên theo hướng lập 1.000 trạm điều tiết mưa trong bối cảnh mưa bão hoành hành gây ngập lụt từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh thành khi vừa mới bước vào chu kỳ La Nina (ngược với El Nino khô hạn).

clip_image001

Khoản tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng được đề nghị Thủ tướng cho tạm ứng khẩn với dự án “Lên trời gọi mưa”

Dự án nâng cấp được miêu tả như sau: Khi gió đưa quá nhiều mây từ biển vào đất liền thì 100 trạm chủ động đón mây gây mưa ngay trên vịnh Bắc Bộ để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt tắc đường cho các thành phố”.

Ngoài ra, còn có 400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp. 500 trạm còn lại trên hàng ngàn sông suối và hồ thủy điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa; tạo lập hệ thống đề kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thủy điện thủy lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam Bộ, ổn định đời sống, giữ vững an ninh lương thực, quốc phòng và quốc gia.

Như vậy, theo như “bản vẽ” được Công ty An Sinh Xanh phác thảo, nếu được thông qua thì đây là lần đầu tiên Việt Nam tác động vào thiên nhiên để điều chỉnh thời tiết liên quan đến đa ngành, đa luật lệ.

Để “khởi sự đúng tầm của dự án” như đánh giá của chính đơn vị đề xuất, trong văn bản trình Thủ tướng, phía An Sinh Xanh đã đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 bộ và công ty này để giới thiệu dự án, thống nhất mục tiêu và phương thức triển khai.

Công ty còn đề xuất, trong cuộc họp này sẽ thành lập Bộ chỉ huy Dự án cấp quốc gia và “tạo cơ chế thông thoáng đặc cách” để quản lý theo hình thức khoán gọn bằng kết quả cuối cùng và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu kịp thời đối phó thực sự hiệu quả với thời tiết.

Theo như đề xuất được công ty đưa ra thì thời gian họp do Chính phủ chủ trì nhưng dự kiến sẽ trong khoảng từ ngày 15 đến ngày 25/9.

Mặc dù cuộc họp này chưa diễn ra và cũng chưa có chủ trương nào từ Chính phủ, tuy nhiên, trong văn bản trình Thủ tướng, đơn vị đề xuất dự án đã rất mạnh dạn đưa ra đề nghị với Chính phủ có hình thức cho dự án tạm ứng khẩn 5.000 tỷ đồng.

Số tiền này nhằm kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10/2016 tại Đà Nẵng và có vốn để tiếp tục triển khai trong năm 2016 và 2017.

Con số tổng thể chưa được công ty đề cập do một mình công ty “chưa thể nào tính đúng, tính đủ chi phí với đa phần thiết bị bay phải nhập ngoại”.

Dù vậy, ông Phan Đình Phương tự tin “sẽ đem hết trí lực cùng Chính phủ và 7 bộ thực hiện thắng lợi dự án, hiện thực hóa sự nghiệp cải tạo thiên nhiên, bình ổn khí hậu với hiệu quả kinh tế và nhân văn toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho đất nước và nhân dân”.

Hiện tại, chưa rõ ý kiến của Thủ tướng về đề xuất trên của Công ty An Sinh Xanh như thế nào, nhưng nếu quả thực dự án này có thể “giảm mây bay”, “điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc”, “giảm ngập lụt tắc đường” – đại ý là có thể “hô phong hoán vũ”… như khẳng định của ông Phan Đình Phương thì đây đích thực là một dự án rất đáng để chờ đợi!

(Theo Dân trí)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/326754/xin-tam-ung-khan-5000-ty-dong-cho-du-an-len-troi-goi-mua.html

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.