Đài truyền hình Việt Nam (VTV) phát tin người dân Cà Ná, Phước Diêm ủng hộ dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen.
Và đây là thứ Hữu có được khi đến nơi này. Còn rất nhiều câu chuyện khác sẽ kể vào tối nay.
Chẳng hạn như, 8 năm trước – 2008, người dân ở hai xã này từng đội đơn ra Hà Nội phản ứng dự án thép của Vinashin-Lion.
Ghi chép ở Cà Ná!
(Kỳ I)
Phước Diêm, Cà Ná là hai xã có phần đất nằm trong thuộc dự án thép Cà Ná của tập đoàn Hoa Sen. Hai tuần nay, đã ba lần người dân kéo nhau lên UBND xã, họ không muốn gì khác, họ chỉ muốn xã họp lấy ý kiến của dân về dự án thép. Đáng tiếc, lãnh đạo xã từ chối.
Họ về soạn đơn kiến nghị gửi lãnh đạo Tỉnh và Chính phủ, lá đơn đầy lỗi chính tả. Tràn mặt sau lá đơn là chữ ký của người dân. Họ bức xúc, họ cáu giận, họ khóc. Dường như, nước mắt là những gì dư thừa ở thời điểm hiện tại.
Cách Cà Ná, Phước Diêm khoảng 10 km là cụm nhà máy nhiệt điện. Từ hôm nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động, biển Cà Ná đói. Không biết những tấm tôn phủ đen gỉ sắt có ảnh hưởng đến nguồn lợi cá tôm không, chỉ biết rằng Trần Quanh đang bế tắc.
Trần Quanh là chủ hãng nước mắm có 40 hồ, thương hiệu Nam Dương. Truyền đời theo nghề nước mắm. Hơn hai năm nay, Trần Quanh bỏ 38 hồ, chỉ còn làm hai hồ để cầm cự. Con cá cơm tăng giá nhanh quá, lại khan hiếm quá, từ dưới 5 nghìn/kg đã lên đến 15 nghìn/kg.
Bạn thuyền ở Cà Ná, Phước Diêm giờ đi cá, phải sang Phú Quốc hoặc ký hợp đồng với Cambodia, sang đó mới còn cá. Biển khánh kiệt.
Cà Ná, Phước Diêm thuộc huyện Thuận Nam. Mấy năm trước, chính quyền huyện Thuận Nam đồng ý cho Tổng công ty muối, sau là công ty Hạ Long hút nước biển về làm ruộng muối ở đầu nguồn nước. Cả một vùng chết trong ngập mặn.
Người dân Cà Ná, Phước Diêm họ đã hiểu thế nào là môi trường, thế nào là phát triển bền vững. Họ không cần mức lương 10 triệu đồng/tháng cho lao động tại dự án thép như ông Lê Phước Vũ từng hứa, họ cần một cuộc sống ấm êm như đã từng thụ hưởng.
Họ nói, “Nếu đây là dự án của Nhà nước, chúng tôi vì lợi ích chung sẽ cố chịu. Nhưng đây là dự án của tư nhân mà, làm sao chính quyền lại gạt chúng tôi ra, không cho chúng tôi có ý kiến”.
Họ sẽ phản ứng dự án đến cùng, nếu cần họ sống chết, họ bảo vậy.
Lúc tôi về, họ thủ thỉ, “Chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ chọn dân”.
Mà cũng cần phải nhấn mạnh, dự án thép Hoa Sen – Cà Ná, cách cụm dân cư hai xã này chưa đầy 300 m.
Ghi chép ở Cà Ná!
(Kỳ II)
Người dân miền biển có những cái tên rất ngộ, như: Ngang, Quạ, Dắn, Quanh… Họ nói, nghe cái tên các cô chú là Hữu biết mấy cô chú như thế nào rồi, phải không?
Trên tay người phụ nữ tên Ngang, là lá đơn kiến nghị gửi UBND Xã, Huyện, Tỉnh… Bạn có thể click vào hình để đọc, chắc tôi không cần phải chép lại. Ngày mai, thứ Hai, 19-9-2016, những người dân sẽ gửi lá đơn này ra xã, huyện và Tỉnh. Họ sẽ gửi thêm ra Hà Nội.
Từ ngày thành lập xã Cà Ná (Sau tách thành hai xã Cà Ná và Phước Diêm), cả một vùng dân cư không có trường Phổ thông Trung học. Học xong bậc Trung học Cơ sở, muốn học tiếp thì con em người dân phải đi xe buýt tháng lên xã Phước Minh hoặc ra Thành phố Phan Rang. Chắc là xa xôi cách trở, nên thiếu niên ở hai xã này nghỉ học nhiều. Nghỉ học, lại ở nhà theo cha mẹ đi biển.
Cuộc sống của số ít người dân nơi đây những năm biển chưa đói, đều có một hình ảnh tương tự nhau: cha đi thuyền, mẹ đi hấp cá thuê, con làm ruột cá mướn. Vun vén thì ấm êm, cũng không đến nỗi túng bấn.
Trong làng Cá Ná có rất nhiều người khá giả, đó là những chủ ghe. Đường làng đổ bê-tông, hào nhoáng. Tiếc rằng khi thi công con đường này, không hiểu vì lý do gì UBND Xã không đặt cống thoát nước, nên cứ mưa là ngập, ngập rất nặng. Dân kiến nghị nhiều lần, đâu lại hoàn đấy. Cũng không có gì là khó hiểu, khi trời đổ mưa thì dân lại lôi lãnh đạo xã ra mắng.
Sẽ không quá lời nếu cho rằng, Cà Ná là một trong những làng giàu nhất Ninh Thuận.
Ba tuần này, dân ở hai xã Cà Ná và Phước Diêm lâm vào cơn đại khủng hoảng khi nghe tin dự án thép Hoa Sen – Cà Ná có nguy cơ trở thành hiện thực.
Tám năm trước, 2008, họ đã đấu tranh rất quyết liệt để phản đối dự án thép Vinashin – Lion. Họ viết đơn, rồng rắn kéo nhau ra Hà Nội. Họ đưa đơn tận Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương… và cả Văn phòng Chính phủ. Nếu viết, họ đã có kinh nghiệm chống lại dự án nhà máy thép chắc không có gì là phóng đại.
Họ tin, những kiến nghị của họ khiến dự án thép Vinashin-Lion không được thông qua, nhẽ đâu, tôi lại nỡ nào nói, “Dự án ấy không được thông qua là vì hụt vốn”. Họ buồn lắm rồi, và tôi không đủ kiên nhẫn để thấy họ buồn thêm.
Họ kể, mấy hôm trước nghe tin ông Lê Phước Vũ về xã Cà Ná tặng xe đạp cho học sinh. Họ biết trễ quá, chứ nếu biết sớm họ đã kéo nhau về xã để đối chất với ông Vũ. Mà người miệt biển đối chất, ba câu thì mặt đỏ, năm câu đã vung tay lên.
Trong điện thoại của tôi, có nhiều clip họ đứng giữa cảng cá uất hận thét lên như thế nào, cũng có cả nước mắt như thế nào.
Buổi trưa ở Cà Ná, nắng chan chát và gió đậm mùi muối biển.
Ghi chép ở Cà Ná!
(Kỳ III)
Loại trái cây mang tên là cóc đá ăn rất thú vị, bé hơn đầu ngón tay út một chút, chua chua ngọt ngọt, cơm dính chặt vào hạt, cắn mạnh hạt vỡ ra, vị chua đậm hơn. Tối ấy, uống một chút bia.
Dân Cà Ná đặc trưng vùng biển, da sạm đen và vai to. Ở làng có nhiều người giàu, họ là chủ ghe, chủ thuyền. Cái làng nhỏ xíu, đầy quán bán đồ ăn vặt.
Ông Chín Dắn, nói “Đọc tin về cái Formosa là sợ lắm rồi, giờ mình lấy mấy tỷ tiền đền bù xài là hết rồi con cháu mình làm sao”.
Ông Chín Dắn kể xưa là trinh sát bộ đội, không ngán ai đâu, cười hiền khô. Mấy anh ngồi cùng nói Chín Dắn dân chơi, chủ mấy cái ghe, tiền không phải nghĩ. Chín Dắn gắt, “Giỡn hoài, ngủ đi”.
Gắt xong ông lo lo, hỏi “Giờ phản đối sao cho cái Dự án thép Hoa Sen – Cà Ná không thành hiện thực”. Mình thưa, “Chủ yếu vẫn là bà con địa phương quyết tâm thôi. Sáng giờ cháu tiếp xúc nhiều, thấy bà con đang quyết tâm lắm. Nói phải củ cải cũng nghe”.
Ông Chín Dắn gật gật, “Ừ, phải quyết tâm đến cùng chứ, ô nhiễm môi trường không giỡn được đâu”.
Cô Mười ở xã Phước Diêm đang ở nhà trông cháu ngoại, nghe nói có nhà báo đến, gửi cháu ngoại cho hàng xóm rồi tất tả tìm.
Cô Mười hay hay, viện dẫn luật, viện dẫn tình đủ cả. Mấy cô chủ ghe, mấy cô thu mua cá vây quanh lấy cô Mười, xem như thủ lĩnh.
Cô Mười kể, “Tui còn mấy cái clip quay cảnh ông Vũ ngông nghênh làm sao. Tui không cho ai đâu, tui để hôm nào họp dân, tui công bố trên màn ảnh rộng cho họ biết rõ về ông này. Dân đang yên đang lành, hết hôm nay nói về dự án thép, ngày mai lại nói nữa. Ngay như cái xã Phước Diêm, dân giờ không đủ nước xài, nước mưa cũng ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện, thì lấy đâu ra nước làm thép”.
Bà cụ Nguyễn Thị Mài mang mắt kính dầy cộm, đội nón lá. Sáu lăm tuổi rồi, mấy đời gắn bó với vùng biển Cà Ná, bà cũng là người soạn đơn kiến nghị gửi UBND để phản đối dự án thép Hoa Sen – Cà Ná. Đơn soạn theo kiểu, nhiều người nhóm lại, mỗi người kiến nghị một câu.
Tiếp xúc với người dân hai xã Phước Diêm, Cà Nà, tôi tin rằng nếu Dự án thép Hoa Sen – Cà Ná vẫn được thông qua bất chấp sự phản ứng của nhân dân, thì cái giá phải trả cho lòng dân hoang mang lẫn sự hỗn loạn bằng hành động là điều không thể tránh khỏi.
Tôi biết người dân vùng biển có thể hiền nhưng chưa hèn bao giờ.
Cho đến lúc này, họ vẫn một mực tin vào Chính phủ, họ vẫn khẳng định “Nếu đây là dự án thép của Nhà nước họ sẽ hy sinh quyền lợi của họ, nhưng đây là dự án thép của tư nhân, họ không chấp nhận bị gạt ra ngoài lề và chịu những nguy cơ ô nhiễm vì lợi ích của một nhóm cá nhân nào đó”.
Khắp vùng nhà nào cũng có wi-fi, ai cũng nói về thế giới internet, về facebook. Thời điểm này, không phải là những năm xưa.
Chẳng biết sao cả, chỉ mong Chính phủ chịu lắng nghe những người dân nơi đây, một lần!
N.N.H.