Nam Nguyên, phóng viên RFA
Phía Trung Quốc bao sân gần như hầu hết các dự án điện, dầu khí, hóa chất, xi măng, khai khoáng và dệt kim. Nhà thầu Trung Quốc có lúc thực hiện tới 30 dự án trọng điểm quốc gia.
Những dự án với công nghệ kỹ thuật và thiết bị Trung Quốc đầy tai tiếng phải kể tới hai dự án bauxite Tây Nguyên là Tân Rai Lâm Đồng và Nhân cơ Đak Nông mà các nhà phản biện từng cảnh báo rất nhiều. Các thí dụ khác phải kể tới dự án gang thép Thái Nguyên và phân bón Hà Bắc. Báo điện tử Tuổi Trẻ, bản tin trên mạng ngày 16/11/2015, từng mô tả dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên tiêu tốn 8.100 tỉ đồng nhưng đắp chiếu trở thành đống sắt gỉ.
Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng ký thỏa thuận hợp tác tại Bắc Kinh, ngày 24 tháng 12 năm 2015. AFP photo
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố hôm 11/9/2016 ở Quảng Tây Hoa Lục là Công nghệ Trung Quốc nếu tốt và sạch thì Việt Nam chào đón. Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mang ý nghĩa gì, trong bối cảnh 90% dự án công nghiệp nặng như điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm. Nam Nguyên trình bày một số khía cạnh liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vẻ muốn chuyển một thông điệp tới cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, sau khi ông hứa hẹn với người dân Việt Nam là phải chấm dứt thời kỳ đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Trả lời chúng tôi vào tối 13/9/2016, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
Tuyên bố này là một tuyên bố ngoại giao, còn thực thi đối với việc nhập khẩu này là phải do các bộ, các ngành người ta đặt hàng.
– GSTS Vũ Văn Hóa
“Chúng tôi cho rằng bây giờ thì Trung Quốc cũng có những tiến bộ nhất định, đối với những ngành thích hợp thì cần phải kiểm tra kỹ lưỡng mới có thể nhập được. Tuyên bố này là một tuyên bố ngoại giao, còn thực thi đối với việc nhập khẩu này là phải do các bộ, các ngành người ta đặt hàng. Nhưng bây giờ các bộ các ngành đặt hàng đấy là phần lớn các doanh nghiệp cổ phần hóa có tính chất tư nhân thì cái quyền lại thuộc về của họ, không phải là quyền thuộc về Thủ tướng nữa. Cho nên đặt ra vấn đề quan hệ ngoại giao như thế nhưng còn việc thực thi chính sách nhập khẩu cụ thể thì lại do các công ty thực hiện.”
Trên thực tế các nhà môi trường ví von Việt Nam đang trở thành bãi rác công nghệ phế thải, đặc biệt từ kỹ thuật và máy móc thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo thống kê công bố vào tháng 4/2014 của Viện Nghiên cứu cơ khí thuộc Bộ Công thương, thì vào thời điểm đó Trung Quốc làm tổng thầu 15 công trình trong tổng số 20 dự án nhiệt điện. Tài liệu trước đó của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội từng cho thấy có đến 90% các dự án tổng thầu EPC bao gồm tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm. Phía Trung Quốc bao sân gần như hầu hết các dự án điện, dầu khí, hóa chất, xi măng, khai khoáng và dệt kim. Nhà thầu Trung Quốc có lúc thực hiện tới 30 dự án trọng điểm quốc gia.
Những dự án với công nghệ kỹ thuật và thiết bị Trung Quốc đầy tai tiếng phải kể tới hai dự án bauxite Tây Nguyên là Tân Rai Lâm Đồng và Nhân cơ Đak Nông mà các nhà phản biện từng cảnh báo rất nhiều. Các thí dụ khác phải kể tới dự án gang thép Thái Nguyên và phân bón Hà Bắc. Báo điện tử Tuổi Trẻ, bản tin trên mạng ngày 16/11/2015, từng mô tả dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên tiêu tốn 8.100 tỉ đồng nhưng đắp chiếu trở thành đống sắt gỉ.
TS Nguyễn Quang A nhà phản biện độc lập, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội, từng nhiều lần cảnh báo về việc các dự án công nghiệp nặng sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, tưởng rẻ nhưng cuối cùng là quá đắt. Ông nói:
“Thí dụ như Dự án Khu Gang thép Thái Nguyên, không những là vấn đề ô nhiễm môi trường mà là chuyện hậu quả kinh tế, là một chuyện sờ sờ ra đấy…thực sự những chuyên gia như chúng tôi đã cảnh báo từ thời cách đây 20 năm rồi là đối với những trường hợp như thế không bao giờ nên tiếp tục mở rộng với công nghệ như vậy. Tôi có quen Tổng Giám đốc của Nhà máy Phân đạm Hà Bắc cách đây khoảng 26 năm, anh ấy nói rằng nếu mà Trung Quốc có cho không công nghệ mở rộng, anh ấy cũng không lấy và các chuyên gia chúng tôi đã cảnh báo kể cả với các cá nhân… nhưng rất đáng tiếc phân đạm Hà Bắc cũng mở rộng, Gang thép Thái Nguyên cũng mở rộng và đến bây giờ những thiệt hại về kinh tế chưa nói gì đến môi trường đã chình ình ra đấy rồi…”.
Khi Trung Quốc là chủ thầu
Trong chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên trong cương vị Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký vay Trung Quốc thêm 250 triệu USD để giải quyết chuyện dự án đường sắt trên cao Cát linh-Hà Đông bị đội vốn từ mức tổng vốn đầu tư 552 triệu USD tăng lên 868 triệu USD. Báo chí Việt Nam từng mô tả đây là một dự án bê bối, nhiều tai nạn lao động và làm đau đầu Chính phủ. Dự án bị chậm tiến độ là do Việt Nam lệ thuộc vốn vay Trung Quốc, nên bị tổng thầu Trung Quốc trì hoãn công việc và đòi nâng giá thực hiện.
Dự án đường sắt trên cao Cát linh Hà Đông là một thí dụ điển hình về việc sử dụng công nghệ thiết bị Trung Quốc và giao cho phía Trung Quốc làm tổng thầu. GSTS Vũ Văn Hóa nhận định:
Việc này khó tránh, đây là một dự án mà bây giờ không thể phá đi được mà bây giờ biết chắc chắn nó là loại thiết bị lạc hậu rồi.
– GSTS Vũ Văn Hóa
“Việc này khó tránh, đây là một dự án mà bây giờ không thể phá đi được mà bây giờ biết chắc chắn nó là loại thiết bị lạc hậu rồi. Bây giờ cũng phải xem xét nhập các toa xe và các thiết bị còn lại thì phải xem lại. Tôi nghĩ là các ông ấy nói như thế thì Chính phủ cũng phải giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Đường sắt để khai thác và sử dụng thì bây giờ phải làm thế nào nhập cho nó những máy hiện đại. Cũng phải chờ đợi thôi dù biết chắc chắn nó là chậm tiến độ, nó là đội vốn lên… cái đó không phải chỉ Chính phủ biết mà dân chúng đều biết cả… bây giờ khắc phục như thế nào thì là trách nhiệm của Chính phủ cũng như các đơn vị thực hiện dự án đó.”
Có thể xem Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhân vật đầu tiên của thuộc hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản hứa hẹn chấm dứt thời kỳ phát triển kinh tế bằng mọi giá xem nhẹ việc bảo vệ môi trường. Nhưng giới chuyên gia nói rằng, cho dù Việt Nam làm được điều bất khả thi là ngừng nhập khẩu công nghệ và thiết bị máy móc giá rẻ từ Trung Quốc, thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dù có tại vị 2 nhiệm kỳ 10 năm cũng chưa đủ thời gian để giải quyết hậu quả môi trường và dọn sạch bãi rác công nghệ lạc hậu xuất xứ Trung Quốc.
N.N.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-vn-escape-cn-technologies-nn-09152016131444.html