Thuỵ Nguyễn
Xin chào TS Tô Văn Trường,
Tôi đã đọc “Bài viết theo yêu cầu của báo Thanh Niên về dự án thép Ninh Thuận” của TS, cũng như đã đọc “bài nói về nỗi băn khoăn với dự án luyện thép Cà Ná” của bà Phạm Chi Lan đăng trên BVN. Tôi rất cảm phục khi thấy những người tâm huyết ở trong nước như TS, như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, GS Nguyễn Đình Cống, nhà báo HNC, anh phóng viên trẻ Nguyễn Chí Nhân của báo Thanh Niên… dám lên tiếng phản biện một cách mạnh mẽ về các vấn đề trọng đại của đất nước chứ không sợ hãi né tránh trách nhiệm. Tôi rất vui khi đọc ở email mà TS gửi copy cho tôi, có lời gửi gắm của PGS Đoàn Văn Cánh: “Nhờ anh Trường thay mặt các nhà Địa chất thủy văn phản bác mạnh mẽ dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận. Hãy để cho dải ven biển Việt Nam an lành như tự nhiên đã ban tặng. Hãy đưa tất cả những thằng có ý đồ ngông cuồng phá hủy thiên nhiên vào nhà đá, nhốt chúng lại. Việt Nam mình không cần thép và không cần bọn chúng nữa. Cám ơn anh”.
Rất đồng ý với quan điểm nêu trên của PGS ĐVC. Để đóng góp vào việc ‘nhốt lũ điên cuồng này lại’ tôi cũng xin góp một vài ý kiến về các yếu tố cơ bản phải xem xét khi làm các tính toán về chuyện có nên đầu tư hay không vào các dự án xây dựng nhà máy sản xuất thép.
Thực ra thì bài của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đã trình bày một cách khá đầy đủ rồi, tôi chỉ xin thêm một số chi tiết ở khâu về nhu cầu điện: Do nhà máy thép ngốn rất nhiều điện nên việc cần biết số lượng điện cần để sản xuất một tấn thép cũng như giá cả của một “Mwh” điện là bao nhiêu là rất quan trọng. Ví dụ như theo một so sánh của EAA (European Association Aluminium) thì vào những năm 1990, vì công nghệ lạc hậu nên để sản xuất một tấn nhôm loại nguyên thủy (primary Aluminium) công nghệ của Nga phải cần từ 15,0 đến 17,0 Mwh điện so với từ 13,3 đến 13,5 Mwh điện của công nghệ tiên tiến lúc đó của Châu Âu (chủ yếu dùng lò loại mà nhiên liệu được nung trước vì thế mà được gọi là “pre-bake smelter”). Nhưng ngược lại, giá của một “Mwh” điện của Nga lại rẻ hơn nhờ thủy điện, vì ở vùng Siberia chủ yếu dùng nước làm nhiên liệu, đó là của trời cho không phải mua, trong khi bên Châu Âu phần lớn là dùng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đốt.
Tiểu bang Qc bên Canada là nơi có nguồn thủy điện dồi dào, do đó giá điện rẻ nhất Bắc Mỹ, vì thế được các công ty lớn sản xuất aluminium chọn vào đầu tư. Khi xưa hãng Pechiney của Pháp muốn vào đầu tư có đặt điều kiện là công ty điện lực của chánh phủ tiểu bang phải cho giá đặc biệt. CP Québec đồng ý, nhưng với điều kiện là phải tùy thuộc giá nhôm trên thị trường, tức lúc giá xuống thì cho giá rẻ để khỏi bị lỗ phải đóng cửa, nhưng nếu giá nhôm tăng ở một mức độ nào đó thì giá điện cũng phải được tính lại để hai bên cùng hưởng, cách này gọi là “win-win”, chứ đâu có chuyện ký hợp đồng loại cứng ngắc khóa trong vòng sáu mươi chín năm như UBND tỉnh Ninh Thuận đã hứa với “Hoa Sen” (trích thông tin của TS TVT): “…nghe nói tỉnh Ninh Thuận đã quyết giành nơi đây cho tập đoàn thép Hoa Sen rồi, đồng ý cấp 1.400 ha, cung cấp 300.000 m3 nước/ngày đêm và đảm bảo đủ điện cho sản xuất 12 (hay 16) triệu tấn thép mỗi năm, kiến nghị mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm đời dự án và giảm 50 % thuế thu nhập cá nhân cho người làm việc tại đại dự án thép này, miễn thuế nhập khẩu máy móc-thiết bị-vật liệu cho sản xuất. Tỉnh còn hứa xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến tận hàng rào nhà máy”(!).
Điện cần cho việc tăng trưởng bình thường của nền kinh tế VN còn không biết lấy từ đâu ra và còn đang phải tính cả chuyện xây dựng nhà máy chạy bằng nguyên tử rất là nguy hiểm trong bối cảnh một nước chậm tiến, trình độ khoa học thấp kém như VN, vậy mà một UBND tỉnh dám hứa là sẽ bảo đảm việc cung cấp điện cho dự án thép Ninh Thuận, nhưng không nói là với giá một Mwh điện là bao nhiêu, cũng như công ty “Hoa Sen” không nói sẽ dùng loại lò (smelter) phải cần bao nhiêu Mwh điện để sản xuất một tấn thép (đây là yếu tố quan trọng để biết là công nghệ thuộc loại tiên tiến hay lạc hậu), thì cũng như hứa cuội trên mây. Thủy điện bên mình thì đã kiệt, năng lượng mặt trời thì quá đắt không thể dùng quy mô được, thành chỉ còn loại nhà máy nhiệt điện chạy bằng than là khả thi, nhưng nếu dùng loại nhà máy phế thải của Trung Quốc thì cũng như lại rước thêm họa về cho đất nước mà thôi.
Chính TQ cũng đang trong quá trình trang bị công nghệ mới, chẳng hạn như trước đây kim loại đồng ở dạng “cô đọng” (concentrate) sản xuất bởi các nhà máy lỗi thời của Chile được xuất cảng sang TQ, nhưng nay TQ không mua loại này nữa, vì công nghệ mới của họ để làm hợp kim biến chế không dùng nhiên liệu loại có chứa nhiều “arsenic” gây tổn hại môi trường, làm cho Chile phải cải tiến công nghệ của mình, như được trình bày trong bài báo Copper giant tackles smelting problems at ancient operations.
Trình bày như trên để cho thấy nếu nhà máy của Hoa Sen muốn đạt tiêu chuẩn không làm ô nhiễm môi trường, cũng như muốn có hiệu quả để có thể cạnh tranh thì không những phải dùng công nghệ tiên tiến ở khâu luyện kim mà còn cả ở khâu nhà máy nhiệt điện tiên tiến loại gọi là Supercritical mass mà tôi đã có dịp trình bày cùng TS trong một trao đổi đã đăng trên mạng BVN (nhưng tên tôi bị biên sai là Thùy thay vì là Thụy) [https://boxitvn.online/bai/44332].
Ngay như ở khâu nhà máy nhiệt điện, dù là tiên tiến hiệu quả hơn loại công nghệ lạc hậu thì các công ty Âu Mỹ cũng tránh, vì phải mua nhiên liệu than để đốt và phải mua loại cao cấp trong đó “soufre” [lưu huỳnh] đã được khử (với giá cả trên thị trường trồi sụt không biết đâu mà lường), vì thế mà họ chỉ đầu tư xây dựng nhà máy thép nếu có thủy điện.
Tóm lại là dự án nhà máy thép của Hoa Sen không có gì khả thi hết, thành ra tôi rất đồng ý khi TS cho rằng (trích): “Hay có ai “chống lưng” cho dự án để đổi lại cái gì đây?”. Đúng vậy, sợ rằng đây chỉ là bình phong che mắt của Trung cộng để lấy đất lập căn cứ ở cứ điểm chiến lược của ta. Cái nhà máy Formosa không thôi nếu muốn đóng cửa, phải tháo gỡ nó ra thì cũng phải mất cả bạc tỷ Mỹ Kim rồi, đó là chưa kể các vấn đề cấp bách khác về làm sạch môi trường cũng như các hệ lụy kinh tế phải giải quyết, không lẽ là chưa đủ hay sao? Đúng là ‘một lũ ngu, điếc không sợ súng’!
T.N.
Tác giả gửi BVN