Nam Nguyên, phóng viên RFA
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bộ trưởng Trần Đại Quang (trái) tại lễ bế mạc Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Chiến dịch làm trong sạch Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động hay còn gọi là “đả hổ diệt ruồi” phiên bản Việt Nam có vẻ không được suôn sẻ, khi nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, người bị xem là con ruồi bị đập đã có những phản ứng khác thường. Nhân vật này ẩn mặt suốt tháng qua và chủ động xin ra khỏi Đảng. Việc này làm cho đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tỏ ra vừa chậm trễ vừa lúng túng.
Ông Trịnh Xuân Thanh đang bị điều tra về những sai phạm, liên quan tới trách nhiệm quản lý nhà nước qua vụ làm lỗ 3.300 tỉ đồng, khi là lãnh đạo PVC Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí. Lúc đó nhiều người khác bị truy tố, nhưng ông Thanh lại được điều chuyển về Bộ Công thương giữ vị trí cao cấp và sau đó tiếp tục được điều chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Dĩ nhiên đây là sự chậm trễ của tổ chức đảng, đúng ra sau khi có ý kiến của Tổng Bí thư thì phải đình chỉ tư cách đảng viên của ông ấy đi, rồi sau này xử lý.
– Luật sư Trần Quốc Thuận
Trả lời chúng tôi vào tối 8/9/2016, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:
“Dĩ nhiên đây là sự chậm trễ của tổ chức đảng, đúng ra sau khi có ý kiến của Tổng Bí thư thì phải đình chỉ tư cách đảng viên của ông ấy đi, rồi sau này xử lý. Hoặc là sau khi Hội đồng Bầu cử tước danh hiệu đại biểu Quốc hội của ông ấy thì có thể người ta tổ chức kiểm điểm và khai trừ đi. Sự chậm chạp của tổ chức đảng là điều đáng tiếc.”
Khá chậm chạp, ngày 8/9/2016 Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính thức đề nghị khai trừ Đảng ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Tuy báo chí đồng loạt đưa tin này, nhưng từ hôm 6/9 ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động gọi điện thoại cho báo Thanh Niên và cho biết ông đã nạp đơn xin ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau mấy ngày không xác nhận sự kiện vừa nêu, nhưng đến chiều 8/9 Tỉnh Ủy Hậu Giang đã ra Thông báo xác nhận việc ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng. Theo Thanh Niên Online, Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang đã nhận được văn bản gửi qua đường bưu điện. Trong văn bản được photocopy, ông Trịnh Xuân Thanh giải trình một số vấn đề mà Đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương đặt ra, đồng thời xin ra khỏi Đảng. Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang cũng có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để báo cáo những vấn đề vừa nêu. Ông Thanh đã hết thời gian nghỉ phép vào ngày 3/9 vừa qua, nhưng chưa trở lại Hậu Giang.
Dao mổ trâu đập ruồi
Trước đó trên mạng xã hội lan tràn hình chụp bản báo cáo gởi Ủy ban Kiểm tra Trung ương được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh. Trong đó người ký tên Trịnh Xuân Thanh nêu lý do xin bỏ Đảng là vì không còn tin vào sự chỉ đạo của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra đương sự còn chỉ trích Đảng về điều gọi là, áp lực cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật và sử dụng truyền thông báo chí nói sai sự thật để quy trách nhiệm cho đương sự.
Ngược dòng thời gian, thời sự có vẻ như được sắp đặt có lớp lang, trước tiên một tờ báo nhỏ đưa tin vụ xe Lexus đắt tiền được ông Trịnh Xuân Thanh gắn biển số công trái quy định. Cả tháng trời dư luận chẳng để ý gì đến thông tin này, cho đến khi tờ báo nhiều độc giả là Thanh Niên vào cuộc và lôi kéo được cả làng báo làm náo động vụ xe tư đắt tiền lại mang biển số công.
Từ đó báo chí phanh phui tiểu sử của chủ xe là ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cũng như quá khứ của ông này khi lãnh đạo Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC và làm lỗ lã hơn 3.000 tỷ đồng, rồi vụ hạ cánh an toàn ở Bộ Công thương làm vụ trưởng dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và sau đó điều chuyển về làm lãnh đạo ở Hậu Giang.
Điều khá ngạc nhiên là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mau lẹ liên tiếp ra chỉ đạo huy động các tổ chức Đảng và cơ quan chính phủ phải điều tra làm rõ vụ xe tư biển số công và sự dính líu của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, trong quá trình điều chuyển ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vụ con trai ông này là Vũ Quang Hải được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo ở Tổng Công ty bia rượu và nước giải khát Saigon Sabeco.
Ông Trịnh Xuân Thanh. Photo courtesy of vietnamnet.vn
TS Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập, người tranh đấu cho quyền tự do biểu đạt từng đưa ra nhận định về điều gọi là sự sắp xếp các diễn biến thời sự. Ông nói:
“Tôi cho rằng việc điều tra ông Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt là ông Vũ Huy Hoàng đã được tổ chức trước, được sự lên tiếng đồng loạt của một số tờ báo, đánh giá về vụ chiếc xe Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh, về vụ ông Vũ Quang Hải là con ông Vũ Huy Hoàng và liên quan tới một số vụ việc nữa của ông Vũ Huy Hoàng. Nếu không được chuẩn bị tài liệu từ trước, thì các báo chắc chắn đã không có những tư liệu đó, không có những câu hỏi sắp sẵn và không có những dàn bài được sắp sẵn để tung ra tại thời điểm này.”
Trong những dịp trò chuyện với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng với kinh nghiệm phân tích thông tin tình báo chính trị đã thể hiện cách nhìn của ông, về điều gọi là thử thách đối với sự phân hóa quyền lực của đảng Cộng sản Việt Nam.
“Một trong những nguồn cơn chính của những xung đột chính trị là lợi ích, nhóm quyền lực cũ hiện nay vẫn còn giữ một mảng thị phần rất lớn, những thị trường màu mỡ làm ăn đa ngành và những nhóm lợi ích mới, những nhóm quyền lực mới đương nhiên phải chú ý chuyện đó…thực chất đây không phải là sự xung đột chỉ về mặt quyền lực mà còn vì lợi ích kinh tế.”
Thông tin về việc ông Trịnh Xuân Thanh chủ động xin ra khỏi Đảng được báo chí giật tít lớn. Giữa khi đó mạng xã hội rộ tin đồn ông Trịnh Xuân Thanh đang ở nước ngoài, kể từ khi ông này xin nghỉ phép 1 tháng để chữa bệnh. Báo chí nhà nước nói không thể liên lạc được với ông Trịnh Xuân Thanh qua điện thoại, tuy vậy báo Tuổi Trẻ Online ngày 8/9 đưa tin cho tới thời điểm này, ông Trịnh Xuân Thanh chưa bị cấm xuất cảnh.
Tờ báo cho biết, ở thời điểm 8/9/2016 trên hệ thống của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công An chưa thấy có dữ liệu về việc cấm xuất cảnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an TP.HCM cũng chưa nhận được văn bản nào từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng về việc cấm xuất cảnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Một trong những nguồn cơn chính của những xung đột chính trị là lợi ích, nhóm quyền lực cũ hiện nay vẫn còn giữ một mảng thị phần rất lớn … thực chất đây không phải là sự xung đột chỉ về mặt quyền lực mà còn vì lợi ích kinh tế.
– TS Phạm Chí Dũng
Trả lời chúng tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng, rất ít khả năng về việc ông Trịnh Xuân Thanh bỏ chạy ra nước ngoài như thông tin trên mạng xã hội. Ông nói:
“…Tới bây giờ chắc chưa chạy đâu…Ủy ban Kiểm tra mới vừa họp công bố kỷ luật khai trừ đảng ông ấy. Ông này cương vị Phó Chủ tịch tỉnh thuộc diện cán bộ của Trung ương quản lý…không ai để cho ông ấy chạy đâu, chắc là các cơ quan trách nhiệm họ có cách. Đến bây giờ chưa thấy dấu hiệu gì, người ta chỉ đồn rùm như thế, đâu có gì cho thấy ông này bỏ chạy đâu…nếu chạy thì phải truy bắt cho được, Việt Nam là thành viên của Interpol, nếu cần họ sẽ truy lùng bắt về như trước đây đã có một người như vậy.”
Bên cạnh câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh chủ động xin ra khỏi Đảng vài ngày trước khi bị Đảng đề nghị khai trừ, báo chí trong nước còn rộ tin Bà Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc Hội khóa 13 khai báo với cơ quan điều tra là đã bỏ ra 30 tỷ đồng tương đương 1,5 triệu USD để được đưa vào danh sách ứng cử và được trúng cử Quốc hội khóa đó. Bà Nga từng bị bãi miễn, bị bắt và truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ tháng 1/2015.
Phản ứng về nguồn tin vừa nêu, Báo điện tử VietnamNet trích lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội nói rằng phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc Hội, vì câu chuyện này quá động trời.
Quốc Hội Việt Nam vừa qua xảy ra nhiều chuyện cũng không kém giật gân, như chuyện ông Trịnh Xuân Thanh đắc cử Quốc hội khóa 14 nhưng không được chấp thuận tư cách đại biểu Quốc hội vì nghi án chạy chức. Một trường hợp khác cũng bị bác tư cách đại biểu Quốc hội là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì có hộ chiếu nước Malta.
Bầu cử ở Việt Nam được mô tả là theo hình thức Đảng cử dân bầu, với việc gạt bỏ những ứng cử viên độc lập mà nhiều người trong đó là những tên tuổi lớn nhiều uy tín. Tuy là Đảng cử dân bầu nhưng xem ra bộ máy cử tuyển cán bộ nhân tài của Đảng đã thể hiện những góc khuất tệ hại.
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 nêu lên vấn đề sống còn của Đảng, đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái, biến chất, tham nhũng kể cả cán bộ quản lý nhà nước. Nhưng cuối cùng cả một khóa 5 năm mà Trung ương Đảng cũng không tìm ra được một bộ phận không nhỏ đó.
N. N.