Dương Khôi
(Cựu giảng viên Sư phạm Hải)
Ngày 20-09-1956 tờ báo “Nhân Văn” số 1 ra đời, chủ nhiệm Phan Khôi, thư ký tòa soạn Trần Duy. Trong số đó có một bài ngắn tựa đề “Ý kiến của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, giáo sư đại học” trình bày yêu cầu mở rộng tự do và dân chủ. Tiếp đó là bài “Phải hiểu, phải yêu, phải quý trọng con người”, đòi văn nghệ sĩ phải được tự do sáng tác…
“Nhân Văn” được nô nức đón đọc, đặc biệt là giới học sinh- sinh viên. Báo ra được 5 số, số 6 nhà in đã lên khuôn thì bị đình bản. Sau đó những người tham gia vào trào lưu Nhân Văn Giai Phẩm bị trừng trị rất thảm khốc. Bà Thụy An, chẳng dính dáng gì đến “Nhân Văn” cũng bị ghép tội và bị đưa ra xử trong “Vụ án gián điệp” cùng ông Nguyên Hữu Đang. Uất ức quá, bà dùng cây viết tự chọc mù mắt. Ông Trần Thiếu Bảo (Nhà xuất bản Minh Đức) và hai ông Phan Tại, Lê Nguyên Chi bị coi là tòng phạm. Bà Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang mỗi người bị 15 năm tù ngồi, bị tịch thu gia sản. Hai ông tòng phạm mỗi ông lĩnh án 5 năm tù ngồi.
Không phải chỉ các ông Phùng Cung, Trần Duy, Hoàng Công Khanh, Tuân Nguyễn …âm thầm ngồi tù biệt giam 12 năm, nhà văn Phan Khôi cùng các giáo sư đại học Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh… đều bị cách chức, bị bao vây kinh tế và quản thúc cho đến cuối đời. Và, trong suốt 30 năm nhiều văn nghệ sĩ rất tài hoa bị đưa đi “lao động cải tạo”, bị cô lập, bị treo bút. Không một tác phẩm nào của Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Hữu Loan, Quang Dũng… được phép ấn hành. Hàng loạt người có cảm tình với Nhân Văn khắp nơi từng ủng hộ, bênh vực, chuyền tay, thậm chí chỉ đọc hay lưu giữ báo “Nhân Văn” đều bị công an địa phương ghi sổ đen, khốn khổ đến hết đời.
Đúng 50 năm sau khi “Nhân Văn” bị khai tử, ngày 15 tháng 9 năm 2006, tập san “Tổ Quốc” với danh xưng “Tiếng nói từ suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam” ra đời. Phải chăng đây là tờ “Nhân Văn” phục sinh?
Như là tuyên ngôn, “Thư tòa soạn” đăng trên số 1 viết: “Tập san này mang tên Tổ Quốc. Hiểu theo Voltaire: “Tổ Quốc đó là cái tên vừa êm ái nhất, vừa vĩ đại nhất có thể làm vang dội tai chúng ta. Ở đó nó ca ngợi tình yêu, sự cuồng nhiệt sự hy sinh và danh dự”,
“Ở đây Tổ Quốc là tiếng nói từ suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam. Ước vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam ngày nay là đất nước có tự do dân chủ để tiến tới mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh”
“Tổ Quốc không đăng tải ý tưởng cực đoan, quá khích, cổ vũ bạo lực, kêu gọi bạo loạn, lật đổ, những chỉ trích phê phán quá gay gắt, nặng nề”.
“Hy vọng với sự đóng góp nhiệt thành của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước,Tổ Quốc sẽ thực sự là tiếng nói suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam và sẽ được trân quý đón nhận”.
Cơ cấu nhân sự ban đầu của tập san gồm:
Hội đồng Cố vấn: Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Hộ, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín;
Thường trực Tòa soạn: Trương Nhân Tuấn, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Thanh Giang, Phan Thế Hải, Nguyễn Chính Kết
Ban biên tập: Nguyễn Phương Anh, Phạm Hồng Đức, Phan Thế Hải, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Chính Kết, Trần Lâm, Tuệ Minh, Lê Chí Quang, Vũ Cao Quận, Trương Nhân Tuấn, Đặng Văn Việt, Phạm Việt Vinh.
Cùng với tờ “Tự do Ngôn luận”, bán nguyệt san “Tổ Quốc” là một trong hai tờ báo đầu tiên của Phong trào Dân chủ Việt Nam sau Nhân Văn Giai phẩm. Ít năm sau đó nở rộ những “Ba Sàm”, “Bauxite Việt Nam”, “Tễu”, “Phạm Viết Đào”, “Trương Duy Nhất”, “Bùi Văn Bồng”, “Bà Đầm Xòe”, “Văn Việt”, “Việt Nam Thời báo” …
Từ số 1, số 2 Tập san Tổ Quốc chỉ có 12 trang A4, đến số 22 có 20 trang rồi đến 32 trang. Có những số đặc biệt như số 71 ngày 15-09-2009 kỷ niệm 3 năm ngày thành lập có tới 60 trang.
“Tổ Quốc” được bạn đọc đánh giá rất cao. Nhà văn- nhà báo Khương Thế Hà ở Nghệ An viết:
“Tập san “Tổ Quốc” ra đời đã đáp ứng đúng nhu cầu hiểu biết nắm bắt thông tin đa chiều, giúp bạn đọc nhận thức được thực trạng, bản chất, thực chất của nhiều vấn đề chính trị, xã hội đời sống đang nổi cộm, đang đặt ra bức bách, đang nóng bỏng đòi hỏi phải được tháo gỡ, những vấn đề mà từ lâu cho tới nay những người cầm quyền vẫn tìm đủ cách bưng bít vì những mục đích chính trị.
“Tổ Quốc” đã đề cập đến những vấn đề liên quan mật thiết đến vận mệnh, đời sống, tiền đồ của đất nước, của mỗi người dân, của các thế hệ như: vai trò của đảng cầm quyền, nhà nước pháp quyền; xã hội dân sự; cải cách Hiến pháp; kinh tế thị trường định hướng XHCN; tự do dân chủ, nhân quyền; chính sách đất đai; suy thoái và khủng hoảng kinh tế; thực trạng nền giáo dục; các quan hệ quốc tế, v.v. “Tổ Quốc” đúng là tiếng nói của Suy tư và Ước vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước.
“Tổ Quốc” qua 46 số ra mắt bạn đọc, thấy nổi lên khá nhiều bài viết có giá trị của những tác giả như Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín, Trương Nhân Tuấn, Như Hà, Hà Sỹ Phu, Vi Đức Hồi, … Ở mỗi góc nhìn khác nhau, trên những bình diện khác nhau và ở những trình độ khác nhau. Nhìn chung cũng như xét từng bài, thấy đó là những bài viết khá công phu, có luận cứ minh xác, có nhận định khoa học có tư liệu cụ thể, rõ ràng, ý kiến có sức thuyết phục. Những bài báo đó cho thấy các tác giả theo rõi khá chặt chẽ diễn biến của thời sự, giúp người đọc thức tỉnh, đổi mới tư duy, bồi dưỡng khả năng độc lập suy nghĩ, nâng cao năng lực quan sát, cảm nhận để từ đó có thái độ đúng, có hướng sống tích cực hơn.
Tuy nhiên, “Tổ Quốc” cũng còn những hạn chế cần được sớm khắc phục: Một số bài viết chưa thực sự có chất lượng, ý kiến chung chung, sơ lược, lặp lại mình, thiếu tìm tòi khám phá, chưa có những nhận định xác đáng, thiếu sự phân tích khách quan khoa học; hoặc dài dòng, dàn trải, sức khái quát yếu. Tập san in ấn chưa đẹp, chưa chững chạc, khá nhiều số bị nhoè bẩn. Nên chăng, trong điều kiện có thể, Tập san có thể cải tiến khuôn mẫu, khổ giấy, trình bày. Bạn đọc có cảm tưởng như “Tổ Quốc” là một tài liệu bí mật thời xưa. Cần nghiên cứu suy nghĩ làm thế nào để tờ “Tổ Quốc” có một chỗ đứng vững chắc trên bình diện công khai, thực sự bình đẳng với nhiều tờ báo hiện nay được Đảng bảo hộ như tờ Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, Văn Nghệ, Đại đoàn Kết, v.v. Điều này không dễ, còn tuỳ thuộc vào tiến trình dân chủ phát triển đến đâu. Dù sao “Tổ Quốc” cũng phải phấn đấu thể theo nguyện vọng bức thiết của nhân dân. Tin rằng “Tổ Quốc” sẽ phát triển tốt và nhất định sẽ khẳng định được vị trí của nó”.
Uy tín của “Tổ Quốc” càng cao thì sự đàn áp của chính quyền càng khốc liệt. Tất cả những người có tên trong danh sách nhân sự nêu trên đều bị câu lưu, tra vấn, truy xét, vợ con bị hăm dọa. Người sáng lập – tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang càng là đối tượng bị nhà cầm quyền tập trung truy bức, hãm hại bằng rất nhiều thủ đoạn dã man, tàn bạo. Mấy trích đoạn trả lời phỏng vấn các đài RFI, RFA … sau đây của Tiến sỹ phản ánh phần nào những diễn tiến đó:
“Họ tổ chức những chiến dịch ghê gớm lắm, với ba, bốn, năm cánh quân. Cánh quân công an thứ nhất họ xộc đến nhà những người mà họ biết là dự định sẽ đến đây, họ ngăn cấm ngay. Không phải chỉ là anh em trẻ, kể cả những bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa. Cánh quân thứ hai, họ ếm ở bên Ủy ban xã Trung Văn, tức là ngay đối diện nhà tôi. Ở đấy cũng phải hàng chục người, với xe cộ. Cánh quân thứ ba là những tốp ở đầu ngõ vào nhà tôi. Có những người bị đuổi về, người thì họ bắt đi…. Còn có một người lọt lưới vào được đến cổng nhà tôi, thì người nhà tôi vừa ra mở, thì bị chỉ mặt: “Cấm không được mở cổng!”. Và họ điệu người khách của tôi đí. Còn cánh quân ở trong nhà tôi, vừa làm nhiệm vụ thẩm vấn tôi, vừa làm nhiệm vụ ếm quân ở đấy không cho ai vào”.
“Công an đang bao vây quanh nhà tôi. Ai từ nhà tôi đi ra đều bị lôi vào trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Trung Văn để khám xét. Sáng hôm kia, luật sư Trần Lâm, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, 85 tuổi từ nhà tôi đi ra cũng bị hơn chục công an lôi vào khám xét, tịch thu mấy chục tờ tập san Tổ Quốc số 80. Sáng hôm qua là nhà báo Lê Phú Khải và nhà văn Phạm Đình Trọng và mấy người khác.
Thân phận tôi sẽ ra sao?
Đã một lần bị bỏ tù (1999), gần chục lần bị lục soát khám xét nhà cửa tanh bành và bắt đi thẩm vấn. Ngắn là vài buổi, dài là mươi ngày. Rồi bị đem ra phường đấu tố, rồi bị người ta thuê côn đồ mang danh thương binh xông vào nhà chửi bới và đe dọa hành hung …. ’
“Nếu rồi đây họ còn tiếp tục xúc phạm tôi thì e tôi không còn có thể chịu đựng nổi nữa. Cảm ơn các đấng anh linh đã cho tôi hưởng đến nay đã 74 tuổi trời. Tôi không còn ân hận, cũng không nuối tiếc gì nhiều nữa mà sẵn sàng tự đốt mình cháy lên ngọn lửa căm phẫn ngất trời để mọi người nhanh chóng nhìn rõ những bộ mặt, những tâm địa xảo trá bất lương cuả những kẻ bất chấp công lý, đạo lý, đày đọa mãi nhân dân tôi trong những nối đắng cay, oan khuất trường cửu”.
Mười năm mưa dập gió vùi, may sao “Tổ Quốc” vẫn còn đó để đến nay chúng tôi vẫn được hồi hộp và háo hức dón chờ từng số từng số mới. Nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn”. Chúng tôi nói: “Tổ Quốc” còn, tiếng nói của lương tri, trí tuệ của nhân dân Việt Nam còn”.
Bán nguyệt san “Tổ Quốc” ra đời đã diểm một dấu son không phai trong lịch sử báo chí Việt Nam. Cầu chúc “Tổ Quốc” trường tồn. Giữa ngổn ngang bừa bộn báo Đảng. “Tổ Quốc” hãy cứ như đóa hoa vàng rực rỡ trên bãi cỏ xanh, như viên kim cương lóng lánh trên triền cát.
Hà Nội ngày 6 tháng 9 năm 2016
D. K.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang gửi BVN.