Nguyễn Huệ Chi Về cơ bản tôi tán thành quan điểm của PGS TS Đoàn Lê Giang (xem Phụ lục I), của Chu Mộng Long (xem Phụ lục II), và không tán thành hết mọi ý kiến trong bài trả lời phỏng vấn của PGS Phan Trọng Đạt (xem Phụ lục III). Như đã viết trên FB, tôi nhớ năm 1990, GS PL xây dựng một dự án “về sự ra đời của chữ quốc ngữ trong xu thế phát triển của văn học VN hiện đại” để xin tài trợ của Nhật, tôi là một thành viên Viện Văn học được cử đến trao đổi với chuyên gia văn hóa Nhật Bản. Không ngờ bị họ phản bác rất mạnh. Cả mấy học giả Nhật đều lập luận: Việt Nam bỏ học chữ Hán và chữ Nôm là sai lầm, trẻ em sẽ không còn biết gì về văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của đất nước mình. Khi chúng lớn lên, người Việt Nam thế nào cũng lâm tình trạng mất gốc dù nhiều hay ít. Ở Nhật, trẻ em vẫn phải học 3.000 chữ Hán cổ. Và đó không phải là học văn hóa Trung Quốc mà học cho văn hóa Nhật Bản. Chúng tôi cãi không lại họ và cuối cùng dự án của PL bị từ khước. Tôi nghĩ, vào năm 1932 cụ Phan Khôi phản đối dạy chữ Hán ở trường tiểu học Pháp – Việt (trong bài Đánh đổ cái thuyết dạy tiểu học bằng chữ Nho), đó là cụ quan niệm dạy chữ Hán thay cho tiếng Việt như một ngôn ngữ phụ, và học chữ Hán theo cách hiểu của cụ là học đạo lý, còn chúng ta đề xuất dạy chữ Hán cho các em hôm nay là dạy xen một số giờ chữ Hán, bên cạnh tiếng Việt là ngôn ngữ chủ thể và tiếng Anh đứng thứ hai, thì rất nên. Không những nên mà còn cần thiết, bởi hoàn cảnh lịch sử đã đẩy Việt Nam vào khu vực văn hóa Đông Á kể từ trước thiên niên kỷ I – cùng với Nhật Bản, Triều Tiên – khiến cho tiếng Hán trở nên gắn bó lâu dài, khăng khít cũng như chiếm một tỷ trọng không hề nhỏ trong tiếng Việt hiện đại. Mà tiếng nói – ngôn ngữ – vốn là một trong những thành tố hệ trọng góp phần quyết định sự tồn vong của một dân tộc, thì lại là một chân lý hiển nhiên, đã được minh chứng trên khắp các châu lục từ xưa đến nay (Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”). Vì nhu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thậm chí giữ cho kho từ vựng tiếng Việt trải mấy nghìn năm không bị mai một, suy thoái, để dân tộc không rơi vào mất gốc mà bắt buộc dạy chữ Hán trong trường học phổ thông với một liều lượng nào đấy, không phải là điều phi lý. Tất nhiên học chữ hay nói như PGS Đạt là học từ, không thể nghĩ đơn giản chỉ học ký âm theo tiếng Latinh là đủ, mà phải bao gồm cả học cách viết chữ Hán cổ cùng với âm đọc chữ Hán của người Việt (Hán Việt), vì lẽ trong ngôn ngữ học, đã nói đến ký hiệu thì có cả phần chữ và phần âm, và học như thế cũng tức là học cả cái nội hàm văn hóa tích hợp trong mỗi chữ. Nói cách khác, đem chữ Hán vào trường học là một cách để các thế hệ trẻ người Việt nhập tâm, thâu hóa vốn liếng văn hóa cha ông ta nhiều đời tích lũy được, khác hẳn việc bảo lưu ngôn ngữ Hán Việt trong từ điển, do chỗ từ điển chỉ là một kho chứa thuần túy, không thể nào làm cho nội hàm văn hóa của từ ngữ sống dậy, tiến kịp với hành trình của dân tộc. Học chữ Hán rõ ràng không phải là học ngoại ngữ. Dưới thời Pháp thuộc, Nha học chính Đông Pháp chẳng phải đã tổ chức thành công bộ sách Hán văn tân giáo khoa thư, 6 tập, do Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi soạn, cùng với bộ Quốc văn giáo khoa thư, 6 tập, do nhóm Trần Trọng Kim soạn, được dùng cho cấp tiểu học cho đến tận 1945 đấy là gì. Người Pháp thực dân hẳn phải đánh giá lịch sử văn hóa văn minh của dân tộc chúng ta như thế nào sau khi đã lắng nghe nhiều kiến nghị của trí thức bản xứ, mới chấp nhận một chương trình giảng dạy có thêm hai phần như đã nói vào chương trình giáo dục Pháp – Việt ở bậc học 6 năm đầu tiên trong đời đi học của trẻ em người Việt. Hai bộ sách ấy hiện vẫn còn lưu dấu trong ký ức nhiều bậc cao tuổi, và thực tế cho thấy, những thế hệ được học hai chương trình đó từ tuổi còn rất nhỏ, sau này ra gánh vác việc đời dù ở cương vị nào, phần lớn đều có được cái nhìn nhân văn, có cách khu xử thấu đáo, chuẩn mực, và có tầm viễn kiến, ít để lại những hệ lụy đáng lo ngại như những gì mà hầu hết lớp người cầm chịch hiện nay đang hành xử. Cần nhắc lại lần nữa, khi ta nói dạy chữ Hán trong nhà trường là dạy chữ Hán Việt Nam, tức là chữ Hán đọc theo âm Hán Việt và dùng theo nghĩa của người Việt, không phải là dạy Trung văn. Do chữ Hán từ một công cụ hành chính của quốc gia phong kiến buổi đầu, sau nhiều đời đã thấm vào lời ăn tiếng nói của nhân dân, lại được trải nghiệm, tích hợp trong bối cảnh đặc thù của lịch sử Việt Nam, nên tư duy Hán ngữ của người Việt, kể cả tầng lớp nho sĩ, không còn nhất nhất rập khuôn tư duy Hán ngữ của người Tàu, mà có dịch chuyển dần dà cả về sắc thái ngữ nghĩa cũng như đôi nét cá biệt về ngữ pháp. Chính vì thế mà Lương Khải Siêu khi đọc Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu (1905) có chỗ đã không hiểu được dụng ý dùng chữ của cụ Phan, phải than thở: chữ Hán hình như chưa tinh tường lắm (1). Kỳ thực cụ Phan là người Việt, cụ không đúc khuôn cách thức biểu đạt ngôn ngữ răm rắp theo Trung Quốc (điều này khi tôi sang TQ và khi PGS Trần Thị Băng Thanh sang Trung Quốc đều nghiệm thấy khá rõ. Cả trong chú giải Liêu trai chí dị, một bộ sách văn ngôn vào loại khó, của học giả Trương Hữu Hạc – được coi là nhà Liêu trai học hàng đầu – chúng tôi vẫn nhận ra có những chỗ ông ta chấm câu khác cách chấm câu của giới Hán học Việt Nam. Những kết quả lâu dài tạo nên sự khu biệt nói trên phải coi là thành quả của văn hóa chúng ta, nếu không truyền lại cho lớp trẻ thì chắc chắn sẽ tiêu tán, thất lạc dần đi. Tôi nhớ năm 1992, trong Hội thảo khoa học về núi Bài Thơ tại Quảng Ninh (2) – Hoàng đế Lê Thánh Tông cho khắc trên núi này bài ký điều động đội thủy quân hùng hậu đi tuần hành vùng Đông Hải kèm với bài thơ của ông, ngay từ năm 1468, rồi các đời sau còn nhiều danh sĩ đến vãng cảnh khắc thêm thơ văn, như chúa Trịnh Cương năm 1729; nhưng có lẽ đến giữa thế kỷ XX, do chữ Hán lần lần mất ý nghĩa trong đại chúng nên di tích bị xâm hại – nhân tình trạng xuống cấp của một cụm di tích quý, GS Hà Văn Tấn có bàn với tôi và GS Phan Huy Lê cùng nhau làm một kiến nghị gửi Bộ GD đề nghị bổ sung thêm một vài tiết học chữ Hán vào chương trình tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, tuy vậy khi trao đổi thì thấy chương trình đã quá nặng nên đành xếp lại. Phải nói thuở ấy, di tích-di sản lịch sử và văn hóa đã bị phá hoại rất nhiều nhưng trong đời sống ngôn ngữ – trên báo chí hàng ngày cũng như trong văn chương sách vở – cách dùng tiếng Hán Việt vẫn còn khá chuẩn, chưa đến nỗi lệch lạc và tùy tiện như ngày nay. Vì thế, nếu đến giờ phút này mà người phụ trách ngành giáo dục vẫn còn nhẩn nha, chưa quyết tâm đem chữ Hán vào trường học, thì sự tuột dốc của sinh hoạt ngôn ngữ – cả ngôn ngữ khoa bảng và ngôn ngữ đời sống – chưa biết thế nào mà nói trước. Hãy cố gắng động não nhằm bỏ bớt những phần học vô bổ cho chương trình bớt nặng – hẳn không khó lọc ra nếu các vị lãnh đạo thành tâm muốn vậy – thì chắc chắn có thể dạy thêm môn học Hán Nôm. Còn nói như PGS Đạt: bắt học sinh học chữ tượng hình là đi ngược quy luật ngôn ngữ hiện đại thì tôi không thể hiểu. Một nhà triết học nổi tiếng của Pháp hình như là Jacques Derrida (1930-2004) thì phải (có thể tôi nhớ không chính xác), trong các công trình giải cấu trúc luận của mình, khi phản bác ký hiệu học cổ điển coi trọng phần âm mà coi nhẹ phần chữ, đã từng lưu ý rằng chữ tượng hình là thứ ngôn ngữ chứa đựng trong từng chữ cả một kho tư tưởng, khác với chữ ký âm, đọc vào chỉ là đọc con chữ hời hợt và không thu nhận được một chút tư tưởng gì. Hay nói như nhà ngôn ngữ học phương Đông người Pháp Jean-François Champollion (1790-1832): “Chữ tượng hình là một hệ thống phức hợp, một thứ văn tự mang cùng lúc cả tính tượng hình, tính tượng trưng, cả năng lượng ngữ âm, ngay trong một văn bản, trong một câu, thậm chí gần như trong cùng một từ” (L’écriture hiéroglyphique est un système complexe, une écriture tout à la fois figurative, symbolique et phonétique, dans un même texte, une même phrase, je dirais presque un même mot). Thế thì giúp các em thêm một hình thức tư duy tổng hợp cho đầu óc tưởng tượng mở mang phong phú thêm, có gì mà đi ngược quy luật? Trái lại là khác. Ông Đạt lại nói học tử ngữ sẽ không tốt cho việc học sinh ngữ. Tôi cũng không hiểu. Thế người đi học trường Pháp trước đây vào Ban Triết thì phải học tiếng Latinh thì cũng là tử ngữ đấy chứ, mà có ai tồi tiếng Pháp và tiếng Anh đâu. Chỉ có chúng ta được đào tạo trong nhà trường XHCN chủ trương bỏ ngoại ngữ suốt mấy chục năm (1952-1975), rồi sau 1975 mới cho dạy lại, nhưng phương pháp dạy đại trà, ít có thầy cô giỏi, thì sinh ngữ mới kém cỏi thôi. Cứ so sánh trình độ ngoại ngữ của học sinh sinh viên giữa hai miền Nam Bắc trong thời gian 1955-1975 thì đủ rõ. N.H.C. (FB Trần Quang Đức, có bổ sung) (1) Điều rất lạ kỳ là trong bộ Ẩm Băng thất văn tập飲 冰 室 文 集 do Quảng Trí thư cục Thượng Hải in năm 1905 và Trung Hoa thư cục Bắc Kinh tái bản năm 1916, Lương Khải Siêu lại đem cả Việt Nam vong quốc sử 越 南 亡 國 史 của Phan Bội Châu vào đấy, nghiễm nhiên coi như một tác phẩm của mình (?!!). (2) Hội thảo do Tỉnh ủy QN tổ chức, mời Ban Văn học Cổ cận đại VVH chủ trì.
|
Phụ lục I
Cần khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường
PGS TS Đoàn Lê Giang
PGS Đoàn Lê Giang phát biểu tại Hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại. Ảnh: Lê Văn/VNN
TTCT – LTS: Cần có chủ trương đối với chữ Hán là một trong các kiến nghị được Hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” đưa ra cuối tuần qua. Chúng tôi giới thiệu bài viết của PGS.TS Đoàn Lê Giang cho TTCT về kiến nghị này.
Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếng Việt đang bị dùng sai một cách khủng khiếp. Chỉ có mấy từ dùng sai mà sửa mãi vẫn không hết: yếu điểm được dùng như điểm yếu, cứu cánh được dùng như cứu giúp, thậm chí có nhà văn nọ còn dùng từ khiếm nhã như là trang nhã…
Sinh viên ngay cả ngành khoa học xã hội và nhân văn mà vốn từ hết sức nghèo nàn, nhiều người trong số họ không có khả năng hiểu được những từ gắn với nhà trường như: học phong, môn phong, đồng song, đồng môn…
Những sai lầm yếu kém trên sẽ không có nếu học sinh được học chữ Hán, có thói quen tra từ điển Hán – Việt và tiếng Việt. Nếu như 50 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là do lo ngại tình trạng lạm dụng từ gốc Hán, như thay vì sân bay thì nói phi trường, núi lửa thì nói hỏa diệm sơn, tàu ngầm thì nói tiềm thủy đĩnh…, nhưng với tình hình giáo dục như hiện nay thì lấy đâu ra người hiểu được chữ diệm là cái sáng, cái nóng trên ngọn lửa, tiềm thủy là ẩn dưới nước…
Vì vậy bây giờ nói đến việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt chính lại là phải học chữ Hán.
100 năm – một chủ trương bỏ dở
Trong luận văn nổi tiếng Luận về chính học cùng tà thuyết của Ngô Đức Kế, nhà chí sĩ đã phê phán một cách mạnh mẽ tình trạng học thuật đương thời: “Âu học vẫn chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cả cội rễ”.
Ông vẫn mơ ước dân tộc ta có một nền quốc học sâu sắc để làm cơ sở tiếp thu nền văn minh hiện đại từ phương Tây. Thế nên Trường Đông Kinh nghĩa thục của các chí sĩ duy tân thành lập năm 1907, bên cạnh đề cao thực học, đề cao tự do trình bày tư tưởng, cổ động việc học chữ quốc ngữ Latin để thay cho chữ Nôm, trường vẫn tổ chức học một cách nghiêm túc hai ngoại ngữ bắt buộc: tiếng Pháp và tiếng Hán.
Trước năm 1945 ở nước ta, sau khi thực dân Pháp bỏ các kỳ thi chữ Hán thì chữ Hán vẫn được giảng dạy trong nhà trường, mỗi tuần 1-2 tiết. Tuy số tiết học rất ít ỏi nhưng cũng đủ cho người học hiểu được chữ Hán, không dùng sai, viết sai tiếng Việt và để tinh thần truyền thống qua thứ chữ ấy góp phần tạo nên cốt cách con người.
Ở miền Nam trước năm 1975 từng tổ chức một chương trình dạy tiếng Hán cho học sinh từ trung học đệ nhất cấp với bộ sách giáo khoa khá tốt: Hán văn khóa bản, học 1 giờ/tuần bên cạnh hai ngoại ngữ bắt buộc: tiếng Anh và tiếng Pháp.
Dạy chữ Hán trong nhà trường như thế nào?
Nhìn ra các nước Đông Á, không có nước nào dám đoạn tuyệt với chữ Hán. Người Trung Quốc trước kia trong cơn sùng bái phương Tây và đổ lỗi sự lạc hậu của dân tộc mình cho chữ Hán, từng mơ Latin hóa chữ viết của mình, nhưng rồi họ đành bằng lòng quay về với việc dùng chữ Hán giản thể và dạy cho học sinh phổ thông biết tối thiểu khoảng 3.000 chữ Hán.
Người Nhật Bản cũng từng thử nghiệm dùng chữ Romaji (chữ Latin) nhưng không thành, thế là quay lại sử dụng chữ Kana mà dân tộc họ đã sáng tạo từ hơn 10 thế kỷ trước, bên cạnh đó vẫn bắt buộc học sinh tốt nghiệp trung học phải biết thuần thục 1.945 chữ Hán. Người Hàn Quốc chính thức sử dụng chữ Hangul được tạo ra từ thế kỷ 15.
Trong văn bản tiếng Hàn thông thường hiện nay hầu như không còn chữ Hán nữa, nhưng những văn bản cổ hơn hay tài liệu khoa học thì dùng khá nhiều. Vì vậy chương trình giáo dục của Hàn Quốc vẫn dạy chữ Hán cho học sinh: cấp II dạy 900 chữ, cấp III dạy 900 chữ, tổng cộng là 1.800 chữ.
Ở Việt Nam, nếu đưa chữ Hán vào dạy trong trường phổ thông chắc chắn sẽ gây phản ứng từ nhiều phía. Nhưng chừng nào chúng ta còn dùng tiếng Việt, chừng nào chúng ta còn coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, chừng nào chúng ta còn nhìn các nước Đông Á như những cái mốc cần phải đuổi kịp thì chừng ấy chúng ta còn cần phải dạy chữ Hán.
Hiện nay vẫn có nhiều giảng viên các khoa ngữ văn, lịch sử ở những đại học lớn biết chữ Hán. Chúng ta bắt đầu từ việc dạy đại trà cho sinh viên ngữ văn ở các đại học, từ đó đưa họ ra dạy thí điểm ở một số trường phổ thông. Sau đó rút kinh nghiệm, dạy chữ Hán cho học sinh trung học cơ sở, dần dần mở rộng ra học sinh chuyên ban khoa học xã hội ở trung học phổ thông. Cuối cùng mới tính đến việc dạy cho tất cả học sinh ở các ban khác.
Chỉ cần dạy cho học sinh khoảng 1.000 chữ Hán để biết chữ nghĩa căn bản, biết cách tra từ điển, biết cách tự học. Sau này khi có điều kiện tốt hơn, có thể dạy khoảng 2.000 chữ Hán như người Nhật, người Hàn Quốc.
Nếu chúng ta kiên quyết, kiên trì đưa chữ Hán vào chương trình phổ thông, tiếng Việt của chúng ta sẽ giàu có hơn, trong sáng hơn, ít bị sai hơn. Chúng ta sẽ có được thế hệ người Việt Nam mới: hiện đại, giàu có, mạnh mẽ, nhưng cũng uyên thâm cổ học, biết cắm rễ tri thức của mình vào nguồn mạch phương Đông và dân tộc, biết sống thung dung theo đạo học phương Đông và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đ.L.G.
Phụ lục II
Học chữ Hán – Sao lại không?
Chu Mộng Long
Không chỉ chữ Hán, mà theo tôi, những ngôn ngữ của những nền văn hóa lớn đều rất cần phải học nếu có điều kiện: như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hindi…
Nhưng vì sao PGS Đoàn Lê Giang đặt vấn đề phải đưa chữ Hán vào trong chương trình phổ thông? Và vì sao ý kiến này bị phản đối đông hơn là được ủng hộ?
Do bài viết của PGS Đoàn Lê Giang không nói rõ, chữ Hán như là tiếng Việt được sử dụng cả mấy ngàn năm, trước khi chúng ta sử dụng chữ Latin thay thế, chứ không phải là một ngoại ngữ (tiếng Trung) như có người hiểu nhầm.
Chữ Hán hiện nay không chỉ tồn tại như một công cụ để giao tiếp hàng ngày (giúp người ta dùng đúng một số lượng khổng lồ từ và ngữ Hán – Việt) mà còn là công cụ để hiểu biết toàn bộ di sản văn hóa của cha ông. Nói cách khác, nó cũng là công cụ giao tiếp, nhưng là giao tiếp lớn hơn nhu cầu thực dụng: giao tiếp giữa xưa và nay, giữa con cháu với cha ông.
Một thực tế là số lượng người hiểu biết chữ Hán ngày càng ít đi và các di sản quá khứ ngày càng mai một nếu chỉ còn bảo tồn cái vỏ vật chất. Ngôn ngữ là một công cụ hữu hiệu, chuyển những di sản vật chất thành tinh thần, bởi vì chỉ nhờ nó mới lưu giữ đầy đủ những gì mà các di sản vật chất không thể lưu giữ trường tồn được.
Tôi hiểu những người phản đối PGS. Đoàn Lê Giang là những người mang định kiến ghét Tàu. Họ cực đoan đến mức, những gì có liên quan đến Trung Quốc đều nên tẩy chay. Và vì định kiến, nên tai hại thay là rất nhiều người trên mạng xã hội đã vội vàng chụp mũ PGS Đoàn Lê Giang là “tay sai của Tàu”, âm mưu “Hán hóa người Việt lần nữa”?! Họ không cần biết PGS Đoàn Lê Giang là ai, sẵn sàng ném đá cho hả giận để chứng tỏ mình yêu nước, yêu giống nòi!
Biểu đồ ủng hộ và phản đối học chữ Hán (Báo Tuổi trẻ)
Yêu nước, yêu giống nòi gắn liền với ý thức độc lập, tự chủ là đúng rồi. Nhưng yêu nước, yêu giống nòi lại càng không thể đoạn tuyệt với ngàn năm văn hiến của tổ tiên.
Học một ngôn ngữ khác không đồng nghĩa với bị nô dịch. Thiếu hiểu biết mới đi đến nguy cơ bị nô dịch.
Cá nhân tôi đã từng phản đối sự phục hưng Nho giáo, ở sự lợi dụng, biến tấu một học thuyết toàn trị của quá khứ để phục vụ cho một nhóm người hiện tại có quyền lực (cả trong gia đình lẫn xã hội) lúc nào cũng nhân danh Lễ trị để thống trị kẻ khác. Nhưng tôi cũng không bao giờ phản đối văn hóa Hán (rộng hơn văn hóa Nho giáo) với những tinh hoa mà dân tộc đã từng và buộc phải chịu ảnh hưởng, trong đó có chữ Hán. Cần và nên đưa vào trường học, ngay ở giáo dục phổ thông là đúng. Còn liều lượng thế nào phải bàn thêm.
Chẳng hạn, có thể không nhất thiết học chữ Hán như một môn học riêng (dễ bị hiểu nhầm là ngoại ngữ bắt buộc) mà tích hợp vào trong phần học văn bản ngữ văn Trung đại do giáo viên ngữ văn đảm nhiệm. Thay bằng học bản dịch với những nội dung tán sáo tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước… đến nhàm chán như hiện nay là yêu cầu tiếp cận nguyên tác. Có một thực tế là sinh viên ngành ngữ văn có học Hán Nôm với dung lượng không ít, học tốt chứ không hẳn hoàn toàn khó học, nhưng khi ra trường lại không hề sử dụng. Mà ngôn ngữ không được mang ra sử dụng thì, hoặc là ngay tại trường đại học, việc dạy và học hoàn toàn đối phó, khi ra trường vốn chữ từng được học bị rơi rớt dần, cuối cùng là sự lãng phí đáng tiếc trong đào tạo.
Mục đích quan trọng của việc học chữ Hán ở phổ thông là tạo hứng thú cho người học, từ đó tìm kiếm, phát hiện những năng lực nghiên cứu văn hóa cổ để đào tạo chuyên sâu và nâng cao thành chuyên ngành về sau.
Nhân chuyện hiểu nhầm xem chữ Hán là một ngoại ngữ, tại Trường Đại học Quy Nhơn vừa rồi cũng đã từng xảy ra một cuộc tranh cãi tương tự. Đúng ra là một vụ kiện tụng về bằng cấp chuyên ngành của một giảng viên dạy Hán Nôm. Nguyên đơn cho rằng, người này không đảm bảo yêu cầu về bằng cấp chuyên môn để có thể dạy môn học này, vì không có bằng Thạc sĩ, hay Tiến sĩ Hán Nôm. Tổ thanh tra lại kết luận nội dung tố cáo này là đúng, với lí do xem đó như là một ngoại ngữ! Tôi phải gặp Hiệu trưởng yêu cầu thu hồi ngay lập tức bản kết luận thiếu hiểu biết này. Rằng Hán Nôm được giảng dạy tại Khoa Ngữ văn chỉ là một môn học của ngành Ngữ văn chứ không phải là một chuyên ngành. Nó không là ngoại ngữ mà là chữ viết và văn bản của cha ông trước thế kỉ 20.
May mà Hiệu trưởng nghe ra và cho thu hồi bản kết luận. Tôi nói thêm, nếu kết luận sai trái kia được mang ra thực thi, thì ở Việt Nam không có ai đủ tư cách giảng dạy môn học này. Và chẳng lẽ bỏ hẳn cái môn học đang giúp cho người học hiểu biết về quá khứ của cha ông?
C.M.L.
Nguồn: https://chumonglong.wordpress.com/2015/08/29/hoc-chu-han-sao-lai-khong/
Phụ lục III
PGS nói về đề xuất dạy chữ Hán: “Sao bắt con em ta học tử ngữ?”
Hoàng Đan
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt.
“Việc đề xuất dạy chữ Hán là thiếu căn cứ khoa học, sẽ gây tác hại khôn lường cho nhiều thế hệ, không chỉ gây ra tổn hại kinh tế mà còn đè lên vai trẻ gánh nặng quá sức chịu đựng”.
“Thiếu căn cứ khoa học”
Xung quanh ý kiến về việc có cần dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông hay không, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH QGHN).
PV: Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng, muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phổ thông phải học chữ Hán. Do vậy, cần phải đưa chữ Hán Nôm vào dạy sớm cho học sinh. Cá nhân PGS có đánh giá như thế nào về ý kiến này?
PGS TS Nguyễn Hữu Đạt: Tôi rất kính trọng những người giỏi, am hiểu chữ Hán, chữ Hán Nôm nhưng tôi không đồng tình với ý kiến trên.
Trước hết, chúng ta muốn dạy cho con em chữ gì thì phải xem mục đích của việc dạy nó để làm gì? Rất nhiều người có sự nhầm lẫn đáng tiếc, cứ cho rằng, dạy tiếng Hán là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng tôi cho rằng, đó là sai lầm.
Bởi họ chưa hiểu được bản chất của vấn đề. Đầu tiên, ta phải hiểu, chữ Hán là chữ của dân tộc nào, của ngôn ngữ nào? Và tại sao phải học chữ Hán mới dùng tiếng Việt được một cách trong sáng?
Chữ Hán vốn là chữ của dân tộc Hán chứ không phải là chữ của người Việt sáng tạo ra. Đây là loại chữ tượng hình, phức tạp và cho đến bây giờ, người Trung Quốc cũng không dạy chữ Hán văn ngôn mà dạy chữ Hán bạch thoại.
Có nghĩa là họ dùng loại chữ Hán giản thể, có cấu tạo đơn giản và dễ nhớ hơn chữ Hán ngày xưa. Vậy tại sao ta lại đặt vấn đề bắt con em ta phải học thứ chữ đã thành tử ngữ ấy? Thật quá vô lý!
Muốn phát triển thế hệ trẻ thì phải nâng cao năng lực ngoại ngữ của họ, giúp họ có phương tiện tiếp xúc với thế giới. Học sinh ngữ như tiếng Anh, Nga, Pháp… hoặc tiếng Trung hiện đại mới là nhu cầu cần thiết.
Chữ Hán có phải là sinh ngữ không? Xin thưa là không. Nó có phải là sản phẩm của tư duy người Việt không? Xin thưa là không.
Một buổi giảng dạy miễn phí chữ Hán Nôm của Giảng sư Lê Trung Kiên ở Hà Nội. Ảnh: Nhân dân.
Ai cũng biết rằng, trong lịch sử do chiến tranh, đô hộ, tiếp xúc văn hóa với phương Bắc mà ở Việt Nam, chữ Hán có một địa vị quan trọng trong việc lưu giữ các tài liệu cổ như văn bia, đình chùa, miếu mạo… Thậm chí ta còn có một nền văn học cổ được viết bằng văn tự Hán.
Thời phong kiến, trí thức Việt Nam được đào tạo theo kiểu giáo dục “văn chương cử tử” theo cách của người Trung Quốc, tức muốn làm quan lại, nho sĩ của thời đại phong kiến thì phải học chữ Hán.
Tuy nhiên, cách đây 7,8 thế kỷ, các bậc đại trí thức Việt Nam đã nhận ra mối hiểm họa lâu dài của dân tộc khi không có chữ viết riêng nên mới sáng tạo ra loại chữ của mình là chữ Nôm.
Theo các tài liệu nghiên cứu thì người có công đầu tiên là cụ Hàn Thuyên Nguyễn Sĩ Cố [Hàn Thuyên và Nguyễn Sĩ cố là hai người chứ không phải một – BVN] (thế kỷ XIII). Về sau chữ Nôm còn được phát triển đa dạng ở các vùng miền. Chữ Nôm ở miền Bắc khác chữ Nôm ở miền Nam…
Chẳng hạn cùng là chữ “Tay” có nơi lấy “bộ thủ” kết hợp với chữ “tây”, có nơi lại kết hợp với chữ “tư”… thành ra, muốn biết chữ Nôm thì trước hết lại phải biết chữ Hán.
Chữ Nôm là sản phẩm của người Việt: dùng nguyên liệu chữ Hán để chế tác ra văn tự mới của mình theo qui luật ngôn ngữ của tiếng Việt. Vì thế, ngay cả người Trung Quốc cũng không đọc được chữ Nôm. Đó là một thực tế.
PV: Nếu học chữ Hán là sai lầm, vậy theo thầy, chúng ta nên dạy gì cho các em học sinh để giữ sự trong sáng của tiếng Việt?
PGS TS Nguyễn Hữu Đạt: Như tôi đã nói ở trên, chữ Hán là chữ của dân tộc khác, là của quá khứ. Hiểu biết nó chỉ có lợi trong nghiên cứu chứ không có lợi cho việc giao tiếp bằng tiếng Việt hiện đại.
Cá nhân tôi thấy có điều đáng bàn là để hiểu tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ta lại rất cần dạy từ Hán Việt cho học sinh. Chìa khóa ở chỗ này. Từ Hán Việt chứ không phải là chữ Hán mới là mục tiêu cần dạy cho học sinh.
Từ Hán Việt là gì? Là các từ có nguồn gốc từ tiếng Hán du nhập vào Việt Nam, nhưng được dùng theo cách của người Việt Nam từ cách phát âm, dùng nghĩa…
Đây là vốn từ ngữ phong phú góp phần làm nên sự giàu có, tinh tế của tiếng Việt. Nhưng dạy từ Hán Việt và dạy chữ Hán là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau mà đa số mọi người lầm lẫn trộn nó làm một.
Việc đề xuất dạy chữ Hán trong nhà trường là một hướng suy nghĩ thiếu căn cứ khoa học, sẽ gây ra nhiều tác hại khôn lường cho nhiều thế hệ bởi nó gây ra nhiều tổn hại kinh tế và đè lên vai trẻ thơ một gánh nặng quá sức chịu đựng.
Chưa kể, việc đề xuất dạy chữ Hán sẽ lại làm nảy sinh thêm một lượng lớn cán bộ, như giáo viên giảng dạy cho hàng chục ngàn trường phổ thông… Nó sẽ đè nặng lên ngân sách của Nhà nước trong khi không mang lại lợi ích phát triển kinh tế xã hội.
Đa phần bạn học chữ Hán Nôm viết tiếng Việt kém hơn học các ngoại ngữ khác
PV: Từ thực tế quá trình giảng dạy, tiếp xúc với những học trò học tiếng Hán Nôm, thầy có đánh giá như thế nào về năng lực của họ so với những người không học?
PGS TS Nguyễn Hữu Đạt: Thực tế qua 40 năm giảng dạy ở trường Đại học, tôi dạy rất nhiều thế hệ học sinh Hán Nôm thì thấy, cũng có những người rất giỏi nhưng đa phần các bạn học chữ Hán Nôm thì viết tiếng Việt thường kém hơn các bạn học các sinh ngữ như tiếng Anh, Nga, Pháp…
Thậm chí có Giáo sư nổi tiếng ngành Hán Nôm viết một cuốn chuyên luận mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo đọc xong phải viết một bài phê phán gọi là Giáo sư không “rành” tiếng Việt đăng trên báo Người Hà Nội cách đây vài năm.
Trước đây, ở Khoa Ngữ văn của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (cũ) có một thầy giỏi chữ Hán thuộc hạng nhất nhì nước mà ai cũng gọi là cây từ điển, bởi thầy có thể giải nghĩa được tất cả các chữ Hán một cách làu làu, thông tuệ. Vốn chữ Hán của thầy không mấy ai sánh được.
Nhưng viết một văn bản tiếng Việt hiện đại thì thầy bối rối vô cùng, thậm chí diễn đạt còn sai nữa… Điều đó, chứng tỏ, học chữ Hán là một cản trở lớn đối với tư duy tiếng Việt hiện đại.
Nguyên nhân của việc này chính là do chữ Hán Nôm là chữ tượng hình, nhiều nét, nhiều chữ nên người học phải trầm ngâm, suy nghĩ, phải nhớ, phải học… mất rất nhiều thời gian trong khi tiếng Việt hiện đại – chữ Quốc ngữ lại giản tiện về nét viết nên thông thoáng, tư duy nhanh hơn nhiều.
PV: Có ý kiến cho rằng, ở Nhật, người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 chữ Hán, đến hết ĐH thì phải biết khoảng 3.000 chữ. Trung Quốc cũng yêu cầu số lượng tương tự. Hàn Quốc thì hết phổ thông, học sinh phải biết khoảng 1.000 chữ. Chỉ có Việt Nam là không đặt ra yêu cầu này?
PGS TS Nguyễn Hữu Đạt: Tôi nghĩ là đây là hai vấn đề khác nhau, cách đi của mỗi nước khác nhau và phải xem xét bởi đang có sự nhầm lẫn.
Người Việt dùng chữ Quốc ngữ là thứ văn tự được xây dựng theo hệ chữ cái La-tinh từ thế kỷ thứ 17, gọi là chữ viết ghi âm, nhưng người Hàn Quốc và người Nhật hiện nay vẫn dùng chữ khối vuông – loại chữ tượng hình [Xin xem lại, chữ Nhật hiện nay là sự phối hợp ba kiểu chữ: Hán tự hay Kanji và hai kiểu chữ đơn âm mềm Hiragana và đơn âm cứng Katakana, còn chữ Hàn Quốc là chữ ký âm Chosongul, không phải chữ tượng hình – BVN].
Chữ khối vuông của Hàn và Nhật mượn nét của chữ Hán vẫn còn nhiều, thậm chí nhiều chữ vẫn để nguyên theo chữ Hán như hai chữ “Nhật Bản” chẳng hạn. Vì vậy, họ có yêu cầu phải biết bao nhiêu chữ [Hán] để đọc văn bản hiện đại của họ.
Còn chữ chúng ta là chữ Latinh chẳng có liên quan gì đến nét chữ của chữ Hán thì cần gì phải bắt con em ta nhớ hàng nghìn chữ để khổ ra và không có tích sự gì cả. So sánh như thế là râu ông nọ cắm cằm bà kia, ông chẳng bà chuộc chứ không phải là so sánh trên cơ sở khoa học.
Cũng cần nói thêm, ở Nhật hay Hàn Quốc họ phát triển đâu phải do chữ Hán, mà là do họ tiếp xúc sớm với văn minh phương Tây.
Nếu áp dụng theo cách Nhật Bản hay Hàn Quốc, ta có thể theo cách thế này: người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 từ Hán Việt, đến hết ĐH thì phải biết khoảng 3.000 từ Hán Việt.
Nhất thiết, chúng ta không nên lấy con trẻ của mình ra làm cuộc thí nghiệm. Không cẩn thận, chính chúng ta sẽ dẫn con mình đến chỗ khốn đốn nếu học chữ Hán.
Trong tương lai, theo chiến lược của Nhà nước, chúng ta dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai giống như Singapore. Phấn đấu được như vậy là rất tốt. Nếu bắt học trò học thêm chữ Hán nữa thì có phải là quá nặng và rất quá sức với lớp trẻ không?
Còn nếu có dạy chữ Hán thì cũng chỉ nên dạy ở một số trường đại học trong một số chuyên ngành thôi. Hãy làm một thống kê thử xem, bao thế hệ sinh viên ngành Ngữ văn học chữ Hán suốt cả 3 – 4 năm nhưng đến nay số thực tế sử dụng được chữ Hán là mấy, thì sẽ rõ ngay.
Tôi cũng xin cung cấp thêm, khi tôi sang giảng dạy ở Trung Quốc thì PGS TS Phùng Siêu, ở Bộ môn Việt ngữ học, Trường ĐH Ngoại ngữ Thượng Hải cũng nói là người Trung Quốc từ năm 60 đã có nhiều Hội nghĩ bàn về cách Latinh hóa chữ Hán nhưng không được.
Trong khi ta lại muốn làm ngược lại. Chả lẽ ta muốn quay ngược bánh xe lịch sử sao?
H.Đ.
Nguồn: http://vietnamvn.net/pgs-noi-ve-de-xuat-day-chu-han-sao-bat-con-em-ta-hoc-tu-ngu-20160902.html