Nguyên Đại
Người dân miền Trung xuống đường biểu tình sáng nay, 1/9/2016. Nguồn: FB Hiệp hội Ngư dân Miền Trung.
Hôm nay (1/9), nhiều ngàn người dân Hà Tĩnh xuống đường đi biểu tình, những chiếc nón lá, những bộ quần áo lam lũ trên con đường bụi, họ đi thành từng hàng tha thiết kêu gọi những đồng bào giàu có, sang trọng của họ hãy cho họ một con đường sống, đóng cửa Formosa, “Chọn Nhân Dân hay chọn Formosa”, và những người đó đã chịu những trận đòn dùi cui của CSCĐ đánh xuống người họ, không chút nương tay.
Hai hôm trước (30/8), Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng VN, ông Ngô Xuân Lịch đã ôm thân mật ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thường Vạn Toàn. Ông Lịch cảm ơn sự tiếp đón chu đáo mà phía Trung Quốc dành cho đoàn Việt Nam, rằng Nhà nước và ĐCSVN tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, đưa quan hệ Việt-Trung lên tầm cao mới và mục tiêu hàng đầu là “bảo đảm lợi ích tối đa của quốc gia, dân tộc”.
Lợi ích của ai, quốc gia nào? Câu hỏi vỗ vào mặt như muối xát. Dường như có hai đất nước. Một, có những bệnh viện với những bệnh nhân la liệt, hai bệnh nhân một giường, dưới gầm giường, dọc hành lang, đau đớn, thất thần; có những con thuyền điêu đứng quấn khăn tang bên cạnh những đàn cá quằn quại trúng độc; có những ngôi nhà ngập ngụa trong nước bẩn chỉ sau một cơn mưa; có những em bé tự tử để kết thúc một tuổi thơ rách rưới không có nổi một bộ quần áo lành lặn để đến trường, có những mạng người rẻ hơn mạng một con chó bị mất trộm. Và có một đất nước khác, với những biệt thự sừng sững nguy nga của các quan chức lớn nhỏ, những ngôi nhà với tất cả gỗ quý, những quan ông, quan bà với nhiều người hầu hạ chung quanh. Ông Lịch và các đồng chí của ông đang “bảo đảm lợi ích tối đa” cho cái đất nước “thứ hai” đó.
Ông Lịch cảm ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc cho “sự nghiệp giải phóng dân tộc” và “công cuộc đổi mới ngày nay”. Ngày 2/9/ãò45, có một người đã mượn những lời lẽ hùng hồn trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ về tự do và nhân quyền, rồi thì 71 năm sau, cũng đúng vào những ngày tháng này, sau khi bao thế hệ đã ngã xuống trong khói lửa chiến tranh, người Việt vẫn còn khao khát cái quyền được nói và được lắng nghe lời lẽ của chính mình. Giải phóng cho ai? Đổi mới được những gì? Vẫn là những câu hỏi đau đớn như tiếng nấc nghẹn ngào của những em bé đói lạnh, ngơ ngác trước những tượng đài bệ vệ đứng chông chênh trên những con đường xiêu vẹo, đứt gãy.
Ông Lịch nhất trí với ông Toàn rằng “quan hệ giữa hai quân đội đang trên đà phát triển tốt đẹp với những điểm sáng như đối thoại chiến lược, hợp tác biên phòng, tuần tra chung trên biển” trong khi những cơ sở quân sự, những hầm chứa máy bay không ngừng được xây dựng trên các đảo nhân tạo, và tên lửa được đưa tới các đảo trên biển Đông. Nếu sự “nhất trí” của hai ông Lịch-Toàn có giá trị tương đương những lời nói lảm nhảm của những kẻ bị bệnh tâm thần phân liệt, thì sự lo ngại về một cuộc chiến quy mô lớn lại là một điều hết sức rõ ràng. Trong khi ở Bắc Kinh ông Lịch cho rằng: “Hơn bao bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước”, thì ở Singapore, gần như trong cùng một ngày, ông Trần Đại Quang Chủ tịch nước phát biểu: “Nếu chúng ta cho phép bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp xung đột vũ trang, sẽ không có người thắng hay kẻ thua, mà tất cả đều thua”.
Chính quyền đầu tiên trên của Đảng CS xuất hiện một năm trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất hoàn toàn chấm dứt, và các chính quyền CS khác xuất hiện ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai. Các đảng CS lợi dụng chiến tranh để cướp chính quyền, thì bây giờ đến lượt họ lại sợ mất chính quyền, nếu chiến tranh xảy ra. Trong chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam, kẻ thực sự bại trận là dân tộc Việt Nam, sự mất mát đến với toàn bộ các gia đình ở cả hai miền Nam-Bắc Việt, và kẻ thực sự thắng lợi đó là làn sóng cộng sản được nối dài tới cực Nam của nước Việt, và biên giới của nước Trung Hoa Cộng sản được trải tới Hoàng Sa và (một phần) Trường Sa.
Nếu “tất cả đều thua” nói về những đau thương mà đất nước dân tộc phải chịu trong một cuộc chiến; và bởi vì thế mà cần phải tránh chiến tranh, thì lẽ ra Đảng CSVN, phải dừng lại, như nước Đức, mà không phải lao vào mục tiêu “thống nhất” bằng xương máu của cả một dân tộc trong suốt hơn hai mươi năm khói lửa và tang tóc. Chưa bao giờ Đảng CS đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của Đảng.
“Diễn biến hòa bình” là từ ngữ mà Đảng CS dùng để đặt những khát vọng tự do dân chủ vào thế đối nghịch với họ, để đặt những đồng bào, cùng tiếng nói, cùng quê hương với họ vào thế tử thù. Thực chất, chính những “đồng chí” của họ ở bên kia biên giới mới là những tay chơi “diễn biến hòa bình” tinh vi nhất, thành công nhất, và tàn độc nhất. Họ hiện có những vùng đất tự trị trên toàn cõi Việt Nam. Formosa ở Hà Tĩnh chỉ là một trong những khu vực “tự trị” đó. Không ai được phép vào khu vực thành phố bên trong của nhà máy, ngoài việc vài tháng một số viên chức CSVN rảo bước lấy lệ để gọi là kiểm tra, và vì thế đã tạo nên thảm họa biển chết miền Trung, việc xả độc đã “diễn biến” một cách rất “hòa bình”, trước khi hàng trăm ngàn tấn cá chết dạt vào bờ trong suốt mấy tháng liền.
Nhiều ngàn “công nhân” Trung Quốc đang có mặt trên khắp các tỉnh thành Việt Nam, việc chiếm đất di dân đã được thực hiện một cách hết sức mềm mại, ngọt ngào. Các quan chức CSVN duy trì, nuôi dưỡng các diễn biến rất hòa bình này, miễn là họ có thời gian để thâu tóm, vơ vét và chuẩn bị hậu sự cho họ và gia đình của họ ở một nơi nào đó ngoài VN. Tại sao ngoài các công trình giải trí, khu nghỉ dưỡng hoành tráng, thì tất cả các dự án quan trọng của Việt Nam như Vinashin, PVC,… đều thua lỗ và phá sản. Đồng bằng Sông Cửu Long điêu đứng, ngư nghiệp dường như chết lịm, nông nghiệp Việt Nam phập phồng theo nhịp tay của các thương lái Trung Quốc, giáo dục loay hoay không lối ra, y tế trở thành một thảm trạng… Tất cả những điều đó không đến từ các “thế lực thù địch” bên kia bờ Thái Bình Dương, mà nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp đến từ các “đồng chí anh em” ở phía bắc biên giới.
Ông tổ của người CS là Karl Marx, đã viết: cuối cùng thì quan hệ sản xuất quyết định thắng lợi. Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người và người trong quá trình sản xuất. Marx kêu gọi một quan hệ sản xuất tốt đẹp hơn, không còn cảnh “người bóc lột người”; nhưng thực chất các nhà nước cộng sản đã phá hoại tất cả các quan hệ sản xuất khả thi mà lịch sử xã hội loài người có thể kiến tạo, để thay bằng một thứ… “quan hệ quan chức”. Những quan chức cộng sản không có lý tưởng cộng sản, một lý thuyết không tưởng và bất khả thi, như Marx; họ chỉ đơn thuần là những kẻ dối trá, tàn ác và tham lam. Các nhà nước cộng sản ở Âu châu đã sụp đổ không vì chiến tranh, mà vì sự thiếu vắng những quan hệ sản xuất hiệu quả kéo theo một sự sụp đổ kinh tế và bất ổn xã hội.
Còn vài phút nữa là sáng ngày 2/9/16, đọc lướt qua tờ Quân đội Nhân dân để kiểm lại những trích dẫn, và chợt thấy dòng chữ “Đảng CSVN lãnh đạo Nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử”. Tôi chợt rùng mình… 71 năm qua, đã quá dài cho một cuộc mộng du.
N.Đ.
Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2016/09/01/9829-qua-dai-cho-mot-cuoc-mong-du/