Nhìn Hy Lạp ngẫm đến Việt Nam

Nhìn Hy Lạp

Biểu tình tại Hy Lạp do khủng hoảng kinh tế.

Biểu tình tại Hy Lạp do khủng hoảng kinh tế.

Làm ít tiêu nhiều chắc chắn sẽ thâm thủng công quỹ, sẽ mắc nợ và phá sản. Hy Lạp là một điển hình của tình trạng này, nền kinh tế đang bên bờ vực thẳm. Năm 1999, ở châu Âu có 11 nước bỏ đồng tiền cổ truyền của mình để sử dụng đồng tiền chung Euro, đến năm 2001 Hy Lạp mới chính thức tham gia sử dụng đồng tiền này. Phấn khởi, hân hoan trong niềm vui này, từ nhà nước đến nhân dân bắt đầu chuỗi ngày “vung tay quá trán”. Trong niềm phấn khích Hy Lạp đã vay “cấp tập” để chuẩn bị Thế vận hội 2004. Đền đài, nhà thi đấu, hệ thống an ninh, hậu cần… nhất nhất được ra sức thi công thả cửa. Thu ít chi nhiều, xuất ít nhập tràn lan… và vỡ nợ là đương nhiên sẽ đến.

Song hành với việc chi tiêu quá trớn, nạn tham nhũng, hối lộ và đặc biệt là việc trốn thuế hoành hành… Người ta đã làm thống kê đơn giản trong giới y tế, kết quá thấy rõ là “tiền thuê nhà cao gấp nhiều lần tiền lương các Bác sĩ khai báo”, tiền  tiêu xài  quá  lớn  so với  tiền  làm  ra. Tác  dụng “cộng” của  những  tệ  nạn này đưa Hy Lạp đến bờ vực thẳm.

Ngày 07 tháng 5 vừa qua, 16 nhà lãnh đạo khối dùng đồng Euro đã họp khẩn cấp và đến tối ngày 09 tháng 5 gói cứu trợ cấp cứu 80 tỷ Euro được duyệt chi và sau này bổ sung đến 120 tỷ Euro cho Hy Lạp với hy vọng chặn được cuộc khủng hoảng “rơi xuống vực”.

Chính nhà báo Hy Lạp Achiléa Hekimoglou, trong bài viết “Tàn một ảo mộng lớn” đã chỉ rõ chính những người ăn lương bình thường lại trưng diện toàn áo quần, thời trang “hàng hiệu”, sắm sửa xe hơi đắt tiền, đi du hý ở những thiên đường du lịch… đã là những người góp tay đẩy nhanh cỗ xe kinh tế Hy Lạp lao xuống dốc..

Ngẫm đến Việt Nam

Việt Nam ta vốn nghèo hơn Hy Lạp; nhưng mức độ chơi “chảnh”, chơi “ngông” chắc chắn là hơn xa, còn lâu dân Hy Lạp mới theo kịp. Nhiều du khách Âu, Mỹ, Úc… đến Việt Nam đều rất “choáng” với kiểu chơi ngông, “đốt tiền” của các công tử trẻ CÔCC (con ông cháu cha) trong các quán bar, vũ trường và giới kinh doanh cũng “chào thua” mức độ lãng phí tài nguyên, phá hại tiền của, tài sản công… của các đại gia chức sắc, “tiền chùa” mà !!!.

Những ngày gần đây, người dân Việt Nam cả ở trong lẫn ngoài nước khá “nín thở”, lo lắng theo dõi quốc hội đang họp bàn một dự án quốc kế dân sinh quá lớn: “siêu” dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam (ĐSCTBN) Đây là một dự án quá nhiều vốn, theo tính toán đến 56 tỷ USD chưa kể phát sinh, chủ yếu là vốn vay, dự kiến nếu trả đúng thì cũng phải cần 45 năm, một thế hệ là 25 năm tính sơ là nếu thuận buồm xuôi gió như dự toán thì cũng phải đến đời “cháu chắt”chúng ta mới trả xong món nợ khổng lồ này !!!

Ngoài xã hội, trên nghị trường quốc hội đang râm ran hai nhóm lập luận:

1. Những người cổ xúy, ủng hộ dự án ĐSCTBN, chủ yếu là các quan chức thuộc hai bộ GT-VT và KH-ĐT với các lý lẽ: (1) để xứng tầm thời đại, “bằng chị bằng em” với các nước bè bạn, trong khu vực… (2) để đi trước đón đầu sự phát triển giao thông vận tải quốc dân và (3) để tạo điều kiện phát triển tuyến đô thị Bắc-Nam của đất nước.

Xin trích một số ý kiến lạc  quan, “có cánh” của nhóm “ủng hộ” này:

+ Theo trình bày của ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng GT-VT, với tốc độ tăng trưởng 6,59% mỗi năm, thì đến năm 2030 nhu cầu hành khách tuyến Bắc-Nam sẽ đến 195 triệu lượt/năm trong đó có đến 57 triệu lượt dùng đường sắt; do đó dự án ĐSCTBN là rất cần thiết…

+ Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng KH-ĐT rất lạc quan thuyết phục: “Bài toán kinh tế, môi trường, công nghệ… chúng tôi đã tính hết, Quốc hội cứ quyết chủ trương đi”. Ông cho rằng đây là dự án để phát triển, dù hiện nay mình còn nghèo và ông ta còn lấy ví dụ nước Nhật cũng vay vốn làm ĐSCT, đến 40 năm sau mới trả hết…

+ Ông Trần Đình Long, P. Chủ nhiệm UB Pháp luật QH lý luận đơn giản: “Có vay mới có đầu tư cho phát triển, sau đó chúng ta lo trả nợ”.

+ Ông Trần Bá Thiều, Giám đốc CA Hải Phòng còn thoải mái hơn: “Người ta cho thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao Quốc hội không ủng hộ chính phủ? Tần Thủy Hoàng ngày xưa không quyết liệt thì làm sao để lại Vạn lý Trường thành”

2. Nhóm chưa đồng ý, lo lắng dự án ĐSCTBN, đa số là những nhà chuyên môn trong ngành đường sắt, những chuyên viên kinh tế. Những lý do họ quan tâm là: (1) với một dự án quá lớn, nhưng cách lập dự toán còn khá sơ sài, chưa nghiêm túc và còn nhiều thiếu sót… (2) thứ tự ưu tiên dự án ĐSCTBN đưa ra là không hợp lý và (3) so sánh với các nước đã đầu tư ĐSCT là khập khiểng.

Một số ý kiến tiêu biểu cho nhóm chưa đồng ý dự án này:

+ Ông Phương Hữu Việt, ĐB Bắc Giang cho rằng, theo tuần tự Chủ đầu tư phải trình xin QH cho phép lập dự án nghiên cứu tiền khả thi, chứ không phải báo cáo đầu tư. QH đồng ý mới tiếp tục lập dự án khả thi. Với báo cáo đầu tư này không thể quyết kiểu “ngẫu hứng chính trị”, cần nhớ bài học bấm nút xây đường Hồ Chí Minh và Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

+ Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành Ủy TP Đà Nẵng nói thẳng “..nếu bấm nút thông qua, con cháu chúng ta sẽ khổ”.

+ Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng Tính toán của chủ đầu tư chưa đầy đủ. Nhiều vấn đề quan trọng bị gạt ra ngoài như xử lý môi trường, địa hình, số rừng bị phá, việc tái định cư tái sản xuất.v.v…

+ Ông Đào Đình Bình, nguyên Bộ trưởng GT-VT, nguyên Tổng GĐ Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, cho rằng; “Nên tập trung làm đường bộ cao tốc hơn là ĐSCTBN vào lúc này vì nhu cầu hành khách, tiềm lực kinh tế của ta chưa có”…

+  Tiến sĩ Trần Đình Bá, Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam thì cho rằng: Đây là một phương tiện giao thông xa xỉ nhất thế giới với mỗi km đường tiêu tốn trên 34 triệu USD. Thế nhưng nó chỉ chở được duy nhất hành khách với xách tay, hoàn toàn không chở được hàng hóa do sức kéo đoàn tàu có hạng”

Lời bàn  thêm

1. Dự án ĐSCTBN theo tôi là quá lớn, quá sức với Việt Nam chúng ta hiện nay. Với GDP năm 2009 chỉ là 90 tỷ USD, chi phí chưa phát sinh của dự án đã là 2/3 tổng sản lượng quốc gia. Nước ta còn nghèo còn nhiều vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng khác như giáo dục, quốc phòng… cần phải đồng bộ giải quyết, chứ không thể dồn hết cho mỗi một vấn đề. Giấc mơ là nước thứ 12 trên thế giới sử dụng tàu cao tốc quá đẹp, quá hấp dẫn nhưng cũng “hoang tưởng”, như “những người thích đùa” của Azit Nêzin…

Xin trích một ví von dí dỏm của GS Trần Hữu Dũng trên viet-studies.info khi nói về cách các nhà đầu tư nài nỉ Quốc hội thông qua dự án ĐSCTBN

Mè nheo y như bồ nhí chân dài đi shopping với đại gia: “Em muốn cái xe Lamborghini này quá anh ơi!” — (Nghe người ta bảo: [khi nghe báo chí đưa tin nhiều người phản đối] chân dài sẽ dậm chân đành đạch, nũng nịu: Nhưng em muốn, em muốn! Anh lấy tiền học phí của con anh, tiền nuôi mẹ già của anh, mua xe cho em đi!)

2. Các nhà làm dự án cần nghiên cứu tham khảo hết sức nghiêm túc. Vừa qua tôi thấy so sánh Việt Nam với Nhật Bản hoặc Trung Quốc về đầu tư ĐSCT là khập khiểng: Nhật Bản trước chiến tranh đã chế tạo được tàu thủy, máy bay…ta cho đến hiện nay xe hơi chủ yếu vẫn là lắp ráp; còn Trung Quốc dự trữ ngoại tệ đến 2500 tỷ USD trong khi ta chỉ dự trữ chỉ 20 tỷ và còn có xu hướng “âm”…

3. Các vị Đại biểu QH, những đại diện của dân biểu quyết những vấn đề lớn cần thật sự “thay mặt” dân chọn lựa “nên hay không nên” sau khi cân nhắc cẩn trọng chứ không đơn thuần là “bấm nút” cho qua như kiểu các nghị “gật”.

Bàn về dự án ĐSCTBN, trên VNN ngày 22-5-10, Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật phân trần không “thuận” tai tý nào:“Tuy Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ đồng ý chủ trương nhưng có bắt Quốc hội làm ngay đâu… Chúng ta chấp hành ý kiến cấp trên nhưng phải căn cứ vào thực lực”.  Dù biết rằng, “trực ngôn nghịch nhĩ”, nói thẳng mất lòng, cũng xin phép thay mặt người dân thấp cổ bé miệng hỏi ông Thuận 3 điều: một là tam quyền phân lập là cái gì ông có biết không? hai là đại biểu Quốc hội làm việc gì, chấp hành cấp trên nào? và ba là theo ông đại  biểu  Quốc  hội sẽ biểu quyết cái gì? Người Việt có câu “cháy nhà lòi ra mặt chuột”; người Mỹ lại có câu “khi tấm màn nhung rơi xuống thì người phù thủy phía sau sẽ lộ nguyên hình”. Nhân dân thấy rồi nhé !!!

TBT

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.