Ngô Nhân Dụng
“Nếu Trung Cộng muốn bành trướng tại vùng biển Philippines, chắc họ sẽ chờ cơ hội khác. Nếu Bắc Kinh mua chuộc được chính quyền mới của ông Duterte, họ sẽ đạt được những mục tiêu của họ mà không cần làm gì ở Scarborough nữa! Sau khi đã “bỏ túi” cả chính quyền cộng sản Việt Nam, nếu mua thêm được Philippines, tham vọng đường lưỡi bò của Bắc Kinh có thể hoàn tất mà không cần dùng vũ lực!” Ông André Menras đã gọi Duterte là một “thằng trò hề” đó thưa ông Ngô Nhân Dụng. Đây xin đọc André Menras: “Duterte ăn cháo LHQ về phán quyết La Haye. Ăn xong, nó đá (thậm chí đ.. ) bát LHQ [để] lấy bát mới (có thể đồ gốm Bát Tràng mà TQ cướp) cho Tập đổ “wonton súp”. LHQ không cần những lãnh tụ độc tài tùy tiện như thế. Và sợ đồng minh Hoa Kỳ gần đây phải đương đầu với những sự cố bất ngờ và rất thảm hại từ phía thằng trò hề nguy hiểm ấy” (Nguồn ở đây). Còn chúng tôi thì cứ nghĩ đến ngón đòn thâm hiểm của Trung Cộng mà cảm thấy lo lắng. Chính lũ tội đồ ấy đang cố tình làm tha hóa nhân loại với đủ mọi mưu ma chước quỷ. Không phải chúng chỉ đầu độc thế giới bằng thực phẩm bẩn. Không phải chúng chỉ hãm nhân dân Trung Quốc vào thảm cảnh ăn thịt lẫn nhau – nghĩa đen – trong nhiều thập kỷ, nghĩa là đẩy dân Tàu xuống hàng thú vật mà hệ quả nhãn tiền là đến tận nay, trong bóng tối của đảng cộng sản, vẫn đang diễn ra những chuyện bắt cóc và giết người mổ cắp nội tạng như một kiểu kinh doanh đúng đạo lý và vô tội vạ. Mà bọn nó còn nuôi tham vọng, và hình như đã thành công đối với một số nơi, như ở Việt Nam, Campuchia… chẳng hạn – đó là làm biến chất những kẻ thuộc tầng lớp cai trị – của Đông Nam Á và cả thế giới nữa – để biến họ thành những anh hề không hơn không kém (đúng như lời André Menras). Và trước túi tiền rủng rỉnh sặc mùi máu của chúng nó, các vị này một lúc nào đó bỗng bị say ngây ngất, rồi cứ thế nhảy xổ ra diễn đủ mọi thứ trò, nói đủ mọi lời nhăng nhít, không còn nhớ gì đến nhân phẩm. Bauxite Việt Nam |
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi); Nhật Bản, Fumio Kishida; và Ðại Hàn, Yun Byung gặp nhau ở Tokyo. Một đề tài nóng được thảo luận là việc Mỹ đưa giàn phòng thủ chống hỏa tiễn tầm cao THAAD tới Ðại Hàn, được Nhật Bản hoan nghênh. Bên ngoài, THAAD nhằm bảo vệ Nam Hàn chống Bắc Hàn. Nhưng cả Nga và Trung Cộng đều lên tiếng phản đối. Ðề tài thứ hai nóng bỏng hơn là cuộc đối đầu giữa Tokyo và Bắc Kinh tại Senkaku, mấy hòn đảo nhỏ người Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư. Từ đầu Tháng Tám, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gửi thư phản đối 30 lần, mỗi lần tàu Trung Cộng đến gần Senkaku. Trung Cộng cũng xây dựng một cầu tàu mới trên một hòn đảo khác, bên ngoài thành phố Ôn Châu, nhòm ngó vùng tranh chấp, trong khi báo đài loan tin ồn ào và ca ngợi những ngư dân và chiến thuyền đang tiến đến gần Ðiếu Ngư biểu diễn màn “ái quốc” – nếu các ngư dân và chiến thuyền Việt Nam tiến sâu vào Hoàng Sa và Trường Sa thì dân Việt Nam cũng nức lòng như vậy!
Nhưng tại sao Tập Cận Bình lại ra lệnh gây ra cảnh trực diện đối đầu ở đảo Ðiếu Ngư, sau mấy năm biển lặng sóng yên và hai nước vẫn mua bán bình thường?
Họ Tập muốn dư luận dân chúng lục địa hướng về phía Bắc để họ quên bớt chuyện phía Nam, trong vùng biển Ðông Nam Á. Sau khi Tòa Trọng tài phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò của họ tại vùng này ngày 12 Tháng Bảy, nhiều người vẫn chờ coi Trung Cộng trả đũa Philippines ra sao. Bắc Kinh có thể “dạy Manila một bài học”, bằng một hành động quyết liệt để xác định chủ quyền, chứng tỏ Tòa Trọng tài chỉ là hư vị.
Nơi được chú ý nhất là vùng bãi Scarborough Shoal, mà Trung Cộng đã chiếm của Philippines từ năm 2012. Nếu Trung Cộng muốn chứng tỏ họ “bất chấp” phán quyết của Tòa Trọng tài, họ chỉ cần biến vùng bãi Scarborough thành một căn cứ quân sự mới, sau những hòn đảo nhân tạo trên những tảng đá chiếm của Việt Nam.
Trong tháng qua Trung Cộng đã tăng số tàu hải giám có vũ trang vào vùng này, con số tăng từ hai, ba tàu lên tới hơn mười tàu. Trung Cộng giải thích hành động đe dọa xâm lược, nói rằng sau phán quyết của Tòa Trọng tài, dân Philipines đã tấp nập đến đánh cá trong vùng, khiến cho ngư dân của họ không được bảo đảm an ninh, cho nên phải tăng số tàu hải giám! Ngư dân đảo Hải Nam được xúi giục đem hàng trăm thuyền đánh cá tới hoạt động, được tàu chiến bảo vệ – quang cảnh được diễn lại sau đó ở đảo Ðiếu Ngư với 200 tàu đánh cá và bảy tàu chiến. Trung Cộng cũng cho một số pháo đài bay H-6K bay tuần tra và máy bay chiến đấu Su-30 lượn quanh vùng biển này.
Chính phủ Philippines đã đấu dịu, làm bộ quên vụ kiện thành công, gửi cựu Tổng thống Fidel Ramos qua Trung Quốc mở màn thương thuyết hòa bình. Nhưng ông Ramos chỉ được gặp Phó Oánh (Fu Ying, 傅瑩), một bà đại biểu sắc tộc Mông Cổ, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Quốc hội bù nhìn, hiện không nắm quyền quyết định nào cả! Cuộc gặp gỡ diễn ra ở Hồng Kông, nằm bên lề lục địa Trung Quốc! Ông Ramos không thành công bằng nhân vật thằng mõ của Hồ Hữu Tường, trong truyện Phi lạc sang Tàu.
Tại sao bãi Scarborough được dư luận chú ý? Vì những bãi nổi này ở một vị trí chiến lược trong vùng biển Ðông Nam Á. Scarborough nằm xa nhất về phía Ðông của “đường lưỡi bò” (Cửu đoạn tuyến), sẽ được nối liền với những phi trường và căn cứ quân sự đã dựng trên các hòn đảo nhân tạo ở các mỏm đá Chữ Thập, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn đã chiếm của Việt Nam từ năm 1988. Xây dựng phi trường trên Scarborough, vòng đai quân sự của Trung Quốc sẽ kéo dài thêm 1,000 cây số; sẽ bao bọc cả vùng biển đảo Luzon của Philippines và mở một cánh cửa vào Thái Bình Dương! Với căn cứ radar trong vùng bãi Scarborough, Trung Cộng có thể theo dõi sát các hoạt động của hải quân Mỹ, tới gần đảo Guam hơn.
Ngoài mục đích xóa ảnh hưởng tâm lý của phán quyết ngày 12 Tháng Bảy của Tòa Trọng tài, Trung Cộng còn những lý do khác để làm mạnh ở Scarborough: Một hành động phũ phàng ở đó sẽ đe dọa tất cả các nước Ðông Nam Á khác: Indonesia, Malaysia, Brunei, và Việt Nam. Một quốc gia nhỏ xíu cũng khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh muốn đe dọa là Singapore!
An ninh hàng hải trong vùng Biển Ðông là vấn đề sinh tử của Singapore. Nếu chiến tranh diễn ra, thành phố đảo này sẽ chết kẹt. Trong cuộc đi thăm nước Mỹ vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng ông muốn Mỹ tiếp tục tham dự tích cực trong vùng biển Ðông Nam Á – trong khi Trung Cộng luôn luôn kêu Mỹ là ngoại cuộc, không được dính líu! Ông Obama đã đáp lại, khen Singapore là một “cái neo” cho sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á, và cuộc hợp tác giữa Singapore và Mỹ vững như bàn thạch (rock-solid partners). Trước đây, các chính phủ Mỹ chỉ nói đến hai “cái neo” trong vùng Châu Á là Australia và Nhật Bản!
Trung Cộng có đủ lý do để “ra tay làm mạnh” ở Scarborough. Một cuộc “đầu tư” trên các bãi đá này không tốn kém bao nhiêu. Mặc dù dân Philippines hăng hái bảo vệ Tổ quốc nhưng hải quân của họ khó đương đầu với quân Trung Cộng. Tân Tổng thống Rodrigo Duterte lại đang muốn ve vãn Bắc Kinh để kiếm tiền xây dựng hạ tầng cơ sở. Bắc Kinh cũng có thể đánh cá rằng dân Mỹ không bao giờ muốn tham dự một cuộc chiến tranh với Trung Cộng chỉ vì mấy tảng đá tuốt bên bờ Tây Thái Bình Dương.
Nhưng tại sao từ gần hai tháng nay Trung Cộng chưa làm gì cả?
Trước mắt, lý do gần nhất là Trung Cộng sắp đóng vai chủ nhà tiếp đón hội nghị G-20 gồm 20 nước kinh tế phát triển nhất thế giới. Cuộc họp không diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, hay Thượng Hải, một trung tâm kinh tế, thương mại. Họ chọn Hàng Châu, một thành phố đầy thắng cảnh vẫn thu hút du khách ngoại quốc – với những dấu chân của các thi sĩ Bạch Cư Dị, Tô Ðông Pha, và con sông Tiền Ðường nơi cô Thúy Kiều tự trầm, chấm dứt quãng đời tục lụy.
Chọn Hàng Châu, Cộng sản Trung Quốc muốn tự trình bày với một bộ mặt hiếu hòa, chỉ chăm lo việc phát triển kinh tế. Họ muốn cả thế giới quên các hành động xâm lăng vùng Biển Ðông. Ðặc biệt, họ không muốn ai trong hội nghị G-20 nói tới phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc Tế vừa qua.
Nhưng trong tháng trước, tại hội nghị G-7 mà Trung Cộng không được dự, Mỹ, Nhật Bản và các nước Châu Âu đều nêu vấn đề an ninh vùng Biển Ðông và bản án của Tòa Trọng tài. Những quốc gia này sẽ khó mà giữ im lặng trên đề tài “nhạy cảm” này. Chúng ta chưa biết được họ sẽ nói câu chuyện đó nhiều và mạnh đến mức nào, để không làm mất mặt nước chủ nhà.
Nếu Trung Cộng mất mặt – lần nữa, sau khi thua kiện – thì chắc Bắc Kinh sẽ phản ứng mạnh hơn. Tàu chiến có thể kéo tới Scarborough, xây dựng ngay phi trường và căn cứ quân sự, đặt thế giới trước một sự đã rồi.
Tháng Mười tới là một thời điểm thuận lợi cho Trung Cộng, vì dân Mỹ sắp đi bầu Tổng thống. Cả nước Mỹ sẽ bận rộn với “chuyện nội bộ” và Tổng thống Obama sắp mãn nhiệm có thể không muốn dính vào một cuộc chiến tranh giữa Philippines và Trung Cộng, ngoài tầm quan tâm của trăm triệu cử tri Mỹ! Trung Cộng có thể đánh cá rằng ông Tổng thống Mỹ sẽ chỉ lên tiếng phản đối cho đúng phép, sẽ huy động hạm đội Thái Bình Dương tới gần làm bộ bảo vệ Philippines, nhưng đến quá trễ! Hạm đội Mỹ cứ diễu hành chung quanh, máy bay qua lại trên trời, nhưng lính Tàu cứ tiếp tục xây cất các hòn đảo nhân tạo mới!
Nhưng đánh cá như vậy cũng hơi nguy hiểm. Bởi vì chính năm nay là một năm bầu cử nên ông Obama sẽ phải phản đối/ứng [quyết] liệt hơn. Nếu ông Obama phản ứng yếu, dân Mỹ sẽ thấy “quả nhiên” đảng Dân chủ yếu ớt trước các vấn đề quốc phòng (như đảng Cộng hòa vẫn nói vậy)! Kết quả là bà Clinton sẽ thua. Hơn nữa, ông Obama cũng không thể nào xóa sạch những thành tích của tám năm cầm quyền bằng một di sản đen tối để lại cho người kế vị ông, dù thuộc đảng nào. Nếu Chính phủ Mỹ dự đoán Trung Cộng có thể “đánh trộm” ở Scarborough, thì mạng lưới tình báo, vệ tinh của họ có thể biết trước mấy ngày, thời gian đủ để họ phản đối mạnh mẽ bằng hành động. Chính phủ Philippines có đủ lý do để cầu cứu nước Mỹ, nhân danh các hiệp ước an ninh có sẵn. Và thế giới sẽ đứng về phía Philippines!
Nếu Trung Cộng muốn bành trướng tại vùng biển Philippines, chắc họ sẽ chờ cơ hội khác. Nếu Bắc Kinh mua chuộc được chính quyền mới của ông Duterte, họ sẽ đạt được những mục tiêu của họ mà không cần làm gì ở Scarborough nữa! Sau khi đã “bỏ túi” cả chính quyền cộng sản Việt Nam, nếu mua thêm được Philippines, tham vọng đường lưỡi bò của Bắc Kinh có thể hoàn tất mà không cần dùng vũ lực!
N.N.D.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trung-cong-se-lam-gi-o-scarborough/