Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Công an bắc loa kêu gọi người dân đừng biểu tình trên một con phố gần đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 18 tháng 5 năm 2014. AFP photo
Sắc lệnh 31 của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù được ban hành từ năm 1945 về quy định tổ chức cho dân chúng biểu tình tới nay vẫn chưa có một đạo luật nào thay thế hay bãi bỏ. Tuy nhiên người dân biểu tình vẫn tiếp tục bị ngăn cấm, bất kể sắc lệnh 31 vẫn còn hiệu lực. Mặc Lâm phỏng vấn LS Lê Công Định để biết thêm nội dung cũng như tính hợp hiến của sắc lệnh này.
Nghĩa vụ của nhà nước
Mặc Lâm: Hiến pháp đã thừa nhận người dân có quyền biểu tình nhưng chính phủ lại trì hoãn Luật biểu tình khi trình cho Quốc hội thông qua, mục đích không cho người dân cơ hội thực thi cái quyền ấy. Xin luật sư cho biết khi chưa ban hành luật biểu tình thì những điều quy định trong Hiến pháp có giá trị thi hành hay không?
LS Lê Công Định: Có sự nhầm lẫn của chính quyền Việt Nam trong cách hiểu về việc ban hành Luật biểu tình bởi vì điều quan trọng là một khi Hiến pháp đã ghi nhận quyền biểu tình rồi thì dù có hay không có luật để thi hành bên dưới hiến pháp cũng không quan trọng mà điều quan trọng là quyền đó đã được ghi nhận trong hiến pháp thì người dân tự động hành xử cái quyền của mình.
Việc ban hành Luật Biểu tình để cụ thể hóa việc thực hiện quyền biểu tình của người dân là nghĩa vụ của nhà nước chứ không phải nghĩa vụ của công dân.
– LS Lê Công Định
Việc ban hành Luật Biểu tình để cụ thể hóa việc thực hiện quyền biểu tình của người dân là nghĩa vụ của nhà nước chứ không phải nghĩa vụ của công dân. Công dân không có nghĩa vụ gì trong việc ngồi chờ nhà nước ban hành Luật biểu tình thì mới được phép thực thi cái quyền đã được thừa nhận trong hiến pháp của mình. Một khi hiến pháp đã ghi nhận thì có quyền hành xử.
Nếu có Luật biểu tình công dân sẽ hành xử theo thể thức mà Luật biểu tình đặt ra, còn nếu không có Luật biểu tình thì người dân hoàn toàn có quyền hành xử quyền biểu tình của mình theo đúng từng câu từng chữ những điều mà Hiến pháp quy định không nhất thiết phải chờ đến khi có Luật biểu tình.
Mặc Lâm: Từ năm 1945 chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh 31 về tổ chức biểu tình, các chính phủ sau này tuy không chính thức bãi bỏ sắc lệnh này nhưng vẫn cấm đoán biểu tình, như vậy phải chăng họ đang cố tình vi hiến?
LS Lê Công Định: Sắc lệnh 31 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành vào ngày 13 tháng 9 năm 1945 ngay sau khi chính phủ Hồ Chí Minh được thành lập thì tôi thấy đây là một sắc lệnh hoàn toàn tiên bộ, nó phù hợp với tiêu chuẩn pháp lý và văn minh trên thế giới.
Sắc lệnh 31 là một sắc lệnh rất đơn giản, trong vòng khoảng 150 từ sắc lệnh này quy định từ ngữ về quyền biểu tình của người dân và kể cả thể thức thực hiện cái quyền đó. Trong thể thức đó chỉ cần người biểu tình đăng ký trong vòng 24 giờ trước khi cuộc biểu tình diễn ra cho các Ủy ban cơ sở tại những nơi diễn ra cuộc biểu tình là đủ. Một sắc lệnh với quan điểm tiến bộ như vậy và ngay trong sắc lệnh đó, cụ Hồ cũng đã ghi rất rõ rằng là tự do hội họp là một nguyên tắc căn bản của nền dân chủ cộng hòa, tức là ông thấy được quyền tự do hội họp là quyền công dân và nó cũng là nhân quyền mà một chính phủ chính danh không thể nào bác bỏ hay tước đoạt của người dân. Với một sắc lệnh rất đơn giản ông đã thực thi hóa quyền biểu tình của người dân.
Vì sao chính quyền sợ hãi?
Cảnh sát cơ động giữ trật tự tại một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 14 tháng ba năm 2016. AFP photo
Mặc Lâm: Quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân mặc nhiên tiếp tục cho phép kéo dài thêm hai năm nữa mà không thông qua Luật biểu tình, phải chăng chính phủ đang bị sức ép chính trị hay thế lực nước ngoài đe dọa làm việc cho phép người dân biểu tình bị trì hoãn bởi lo sợ sự bất ổn cho chế độ?
LS Lê Công Định: Tôi ngạc nhiên vì những nhà lãnh đạo Việt Nam hiện giờ một mặt họ nói rằng họ là những người kế thừa tư tưởng cách mạng của cụ Hồ nhưng ngược lại thì họ không thực hiện đúng tư tưởng của cụ. Họ nói hàng ngày rằng học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng thực tế họ chỉ nêu ra những gì mà cụ Hồ nói có lợi cho họ thôi còn những gì có lợi cho nhân dân thì họ hoàn toàn phớt lờ đi.
Tôi rất ngạc nhiên khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng nếu biểu tình có thể gây rối loạn xã hội thì biểu tình trở nên không tốt. Tôi muốn đặt bối cảnh ra đời của sắc lệnh 31 mà cụ Hồ ký thì chúng ta thấy vào cái thời điểm đó đất nước cực kỳ rối ren, Việt Nam không chỉ có vấn đề trong nội bộ vì lúc đó có rất nhiều đảng phái và tiếng nói khác nhau về các vấn đề chính trị xã hội và kinh tế có nhiều tương phản.
Có thể nói chúng ta bây giờ ổn định hơn vậy thì tại sao lấy lý do gì để mà sợ hãi, nói rằng biểu tình sẽ dẫn đến rối ren xã hội. Tôi rất là ngạc nhiên trước lập luận này.
– LS Lê Công Định
Việt Nam lúc ấy cũng phải đối diện với cuộc ngoại xâm, thù trong giặc ngoài rất nhiều. Ngoại xâm thì quân đội Pháp lăm le trở lại Việt Nam, ở phía Bắc thì Tưởng Giới Thạch tràn qua biên giới để vào nắm giữ một số địa phận của Việt Nam, chi phối rất nhiều hoạt động kinh tế cũng như gây những ảnh hưởng chính trị rất lớn của Việt Nam lúc đó.
Tôi nghĩ trong bối cảnh lịch sử ở xã hội cực kỳ rối ren như vậy mà cụ Hồ vẫn can đảm ký một sắc lệnh thừa nhận và đồng ý thực thi quyền biểu tình của người dân thì rõ rằng tầm vóc của cụ Hồ nếu so với các nhà lãnh đạo Việt Nam bây giờ hơn quá xa. Xã hội Việt Nam bây giờ là xã hội hòa bình và sự mâu thuẫn bên trong xã hội Việt Nam nếu so sánh vào thời điểm năm 1945-1946 hoàn toàn khác xa nhau. Có thể nói chúng ta bây giờ ổn định hơn vậy thì tại sao lấy lý do gì để mà sợ hãi, nói rằng biểu tình sẽ dẫn đến rối ren xã hội. Tôi rất là ngạc nhiên trước lập luận này.
Mặc Lâm: Trong nhiều luật ban hành luôn có câu: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Theo LS mục đích của đoạn văn này nhắm tới điều gì?
LS Lê Công Định: Cái câu thòng mà anh vừa nói hoàn toàn vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền của chính chế độ này vì có trong quy định của Hiến pháp hoặc là trong quy định ở trong những đạo luật luôn luôn có ghi rằng thực thi những đạo luật đó phải căn cứ vào quy định của pháp luật.
Bởi vì họ quan niệm như thế này: Quốc hội ban hành hiến pháp và luật là một lẽ nhưng thực thi lại là do chính phủ bằng những nghị định cấp bộ, bằng những thông tư quy định thể thức thi hành thì họ sẽ dùng các nghị định của chính phủ, thông tư của các Bộ để một là hạn chế các quyền đã được công nhận trong hiến pháp và trong luật, hai là họ có khả năng tước đoạt luôn cả cái quyền đó chẳng hạn như luật biểu tình và lập hội.
Họ luôn luôn nói rằng việc thực thi quyền biểu tình đó chờ sự quy định của luật pháp, cho nên bây giờ họ bắt dân phải chờ cho đến ngày Luật biểu tình ra đời nhưng họ quên một điều rất quan trọng, chúng ta quay trở lại với sắc lệnh 31 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sắc lệnh này được ban hành vào ngày 3 tháng 9 năm 1945 tới giờ vẫn còn hiệu luật pháp lý và cho tới giờ vẫn chưa có bất kỳ một văn bản nào đã thay thế hoặc hủy bỏ nó cho nên về phương diện pháp lý sắc lệnh 31 của cụ Hồ ký vẫn còn hiệu lực cho đến ngày hôm nay.
Nếu căn cứ vào sắc lệnh 31 thì tất cả người dân đều có quyền biểu tình và chỉ cần đăng ký hoặc thông báo trước cho UBND sở tại 24 giờ trước khi cuộc biểu tình diễn ra, đơn giản là như vậy và ngoài ra chúng ta không cần phải làm điều gì khác hết.
Bởi vì nếu mà nói quyền biểu tình của hiến pháp phải chờ quy định của luật pháp thì chính sắc lệnh 31 đó là quy định của luật pháp để thực thi quyền biểu tình của người dân.
Mặc Lâm: Xin cám ơn LS Lê Công Định.
M. L.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-the-edicts-31-still-legal-ml-08092016083850.html