Ông Võ Kim Cự đang là một… cascadeur?

Trần Thành – Thảo Vy

 Dư luận dường như đang quên mất rằng, dù 50 năm hay 70 năm, thì tại Vũng Áng hôm nay đã gần như là một đặc khu của người Trung Quốc.

clip_image002

Ông Võ Kim Cự đang là một… cascadeur?

Hai quyết định trong 4 năm của hai đời Thủ tướng

Báo chí đang đưa tin với mật độ khá dày về trách nhiệm pháp lý của ông Võ Kim Cự, trong việc cấp giấy phép đầu tư và cho thuê đất thời hạn đến 70 năm đối với Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Dư luận đang quên mất rằng, dù 50 năm hay 70 năm, thì tại Vũng Áng, ngay từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg, về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, thì ngay sau đó, dưới màu áo những nhà thầu, công nhân là người Trung Quốc đã đổ dồn về đây như là một đặc khu riêng dành cho họ.

Sở dĩ nói như vậy, vì 4 năm sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 19/2010/QĐ-TTg, thay thế Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg. Những ưu ái đầu tư kiểu như “cho thuê đất 70 năm” đã không còn nữa. Và lúc này, Vũng Áng đã kịp trở thành một công xưởng khổng lồ của Trung Quốc, trong đó có cả cảng biển nước sâu Sơn Dương mà trong quá trình nạo vét xây dựng cảng này, có nhiều bằng chứng cho thấy khối lượng cát biển nạo vét đã được Trung Quốc chở ngược ra phao số 0, và người ta nghi rằng số cát đó được dùng bồi đắp các đảo nhân tạo trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ trái pháp luật (nhóm tác giả sẽ có bài viết chi tiết về vụ việc nhiều nghi vấn ấy!).

Những giấy phép đầu tư cấp trước ngày 01-05-2010, vẫn tiếp tục hưởng tất cả nội dung ưu đãi đã ghi trong giấy phép. Nói một cách khác, Quyết định số 19/2010/QĐ-TTg đã “hạn chế” thu hút thêm nhà đầu tư vào Vũng Áng.

Ở Quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải, thì, “Các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng được hưởng các ưu đãi áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các Khu kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật hiện hành” (Điều 13, Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg). Bốn năm sau, nội dung của điều 13 này bị bãi bỏ bởi Quyết định số 19/2010/QĐ-TTg, các ưu đãi để thu hút đầu tư vào Vũng Áng không còn hấp dẫn nhà đầu tư nữa.

Thấy gì ở ngã ba Formosa?

Từ khi những công nhân Trung Quốc “đổ bộ” Formosa làm việc, cuộc sống của người dân các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) xáo trộn đến chóng mặt. Người người đua nhau xây nhà trọ, khách sạn cho thuê; hàng quán trương biển chữ Trung to tướng, để mời mọc những “thượng đế” người Trung Quốc. Đây cũng là câu chuyện với kịch bản tương tự đang xảy ra tại Nhà máy nhiệt điện ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (nhóm tác giả sẽ có bài viết về vấn đề này).

Kể từ thời điểm đó, để phục vụ cho nhu cầu ăn, ở, giải trí của công nhân ngoại quốc, người dân các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long đua nhau xây phòng trọ cho công nhân Việt, công nhân Trung Quốc thuê.

clip_image003

Lao động Trung Quốc tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh)

Những công nhân Trung Quốc làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng cũng tham gia giao thông bằng xe gắn máy và nhiều người cũng vi phạm luật giao thông chẳng khác gì người bản địa. Một người dân kể: “Công an thổi lại, nhiều ông không chịu ký vào biên bản, vì giữa hai bên không hiểu nhau. Sau này, mỗi lần thổi công nhân Trung Quốc lại, công an triệu một cô phiên dịch đến giải thích luật cho họ. Rồi thì họ cũng hiểu, cũng ký vào biên bản, sau đó lên huyện nộp phạt như người nhà mình”.

“Dân xã Kỳ Liên chưa được 3.000 người, trong khi công nhân đến hơn 4.000 mà toàn là đàn ông cả. Xa nhà, xa vợ rồi thì họ có nhu cầu massage, tẩm quất, cắt tóc nam nữ đủ kiểu, khiến việc quản lý của chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn”, một quan chức xã Kỳ Liên than thở.

Ở ngã ba Formosa ngày trước, vào những tối thứ bảy, chủ nhật, người ta chẳng lạ gì những chuyến xe buýt chở hàng chục công nhân Trung Quốc đi hàng chục cây số ra “động” Voi (địa điểm mại dâm gần như công khai ở xã Kỳ Phong, kéo dài đến thị trấn Voi của Kỳ Anh) vui vẻ. Bây giờ thì nạn mại dâm đã bắt đầu bùng phát ở nơi đây, quanh Khu kinh tế Vũng Áng.

Họ mua chuộc rất giỏi

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, nói rằng hiện nay, những nhà quản lý đã tỏ ra quá dễ dãi với các nhà thầu Trung Quốc và Việt Nam cũng đã phải chịu những hậu quả đau đớn.

Tổng kết mới đây của cục Giám sát xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nhà thầu Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay đang ở tình trạng “ba không”. Thứ nhất, Việt Nam cần họ đưa vào những lao động có kỹ năng nhưng họ lại đưa vào những lao động không có kỹ năng. Thứ hai, Việt Nam muốn họ sử dụng những công nghệ hiện đại thì họ sử dụng những công nghệ lạc hậu. Thứ ba, Việt Nam muốn họ làm nhanh, hiệu quả thì họ làm chậm, không hiệu quả. Tuy tổng kết này không phải là con số tuyệt đối, nhưng nó cho thấy chất lượng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam tệ như thế nào.

Ông Nguyễn Mại nói rằng đằng sau chuyện có quá nhiều lao động Trung Quốc ở Việt Nam sẽ kéo theo không biết bao nhiêu chuyện, đặc biệt là liên quan đến an ninh quốc gia. Vì thế, lỗi chủ yếu vẫn nằm ở các cơ quan quản lý, mà cụ thể là sở Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương không giám sát, kiểm tra một cách chặt chẽ (như bằng cấp, khả năng tay nghề của lao động Trung Quốc…). Chính vì vậy mới có tình trạng lao động Trung Quốc làm việc chui, làm việc dưới danh nghĩa kỹ sư có tay nghề cao nhưng lại là lao động phổ thông…

Ông Nguyễn Mại thẳng thắn: “Trung Quốc tỏ ra rất giỏi trong vấn đề mua chuộc, lấy lòng những đối tác của mình. Chỉ cần vài mưu mẹo nhỏ (mà ai cũng biết) là họ có thể mua chuộc và thực hiện được những điều mình cần. Chính vì thế, đừng nói tới chuyện người ta gây sức ép, mà quan trọng nhất vẫn xuất phát từ chính chúng ta.

Tôi cho rằng, có ba yếu tố quyết định sự thành công của một doanh nghiệp Việt khi tham gia đấu thầu. Thứ nhất là tinh thần dân tộc, ý thức độc lập tự chủ của đơn vị đứng ra tổ chức đầu thầu. Thứ hai là chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp trong nước. Thứ ba là khả năng hợp tác, đoàn kết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nước (yếu tố này rất quan trọng vì có hợp tác lại với nhau thì nhiều doanh nghiệp mới đủ sức đáp ứng các tiêu chuẩn thầu). Vì thế, nguyên nhân lao động Việt, doanh nghiệp Việt “thất trận” ngay trên sân nhà là do không được tạo điều kiện để đấu thầu (nguyên nhân thì rất nhiều, trong đó có vấn đề “lại quả”) và không biết cách hợp sức lại với nhau. Hơn nữa, việc giao thầu cũng đòi hỏi tinh thần dân tộc rất cao, nếu chỉ vì đồng tiền thì với khả năng luồn lách của nhà thầu Trung Quốc, doanh nghiệp Việt thua là phải thôi”.

Có lẽ những nhận xét liên quan đến mua chuộc của ông Nguyễn Mại còn đúng cả với các cấp quản lý cao hơn, như trường hợp ông Võ Kim Cự đang được báo chí coi là “tội đồ” trong vụ việc Formosa Hà Tĩnh. Công tâm, một mình ông Võ Kim Cự sẽ chẳng làm được gì. Ông Cự dường như đang phải đóng vai thế thân – cascadeur cho một ai đó đang có, hay từng giữ chức vụ to lắm trong bộ máy nhà nước.

T.T. – T.V.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/07/vntb-ong-vo-kim-cu-ang-la-mot-cascadeur.html

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.