Hoàng Dung, thông tín viên RFA
Một cuộc cưỡng chế đập nhà xứ cũ của Đông Yên hồi năm 2014. Citizen photo
Tình trạng cơ quan chức năng lấy đất của người dân không phải vì mục đích công ích mà để trục lợi khiến đối tượng bị mất đất phản kháng. Lý do việc thu hồi đất không theo đúng qui định của pháp luật. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp chống lại biện pháp cưỡng chế của cơ quan chức năng đều kết thúc với bản án nặng dành cho dân.
Tòa kết án
Tám nông dân ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bị đưa ra tòa xét xử vào ngày 12 tháng 07 vừa qua. Tội danh bị quy kết là “gây rối trật tự công cộng” do phản ứng khi lực lượng cưỡng chế tiến hành biện pháp lấy đất mà người dân cho là khuất tất.
Tám người gồm các ông Nguyễn Văn Hoạnh, Vũ Thế Trường, Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Văn Ngự, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Phát.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Việt một người dân ở huyện Văn Giang thuộc diện cưỡng chế cho biết, trình bày lại vụ việc và lý do dân phản ứng:
Cái sai thứ nhất không có lệnh cưỡng chế, không có quyết định thu hồi đất, thứ 2 các lực lượng này cũng không phải lực lượng của chính quyền, cái sai thứ 3 là lúc 6h sáng họ tấn công vào các đồng ruộng hoa màu của người dân này.– LS Trần Vũ Hải
Anh Việt chia sẻ:
“Từ trước 2004 nhưng vụ cưỡng chế bắt đầu ngày 24 tháng 4 năm 2012 là bắt đầu mạnh, cái hôm 24 tháng 4 cưỡng chế cả công an, bộ đội linh tinh khoảng 2.000 quân, nhưng trong người dân không có gì, mà cưỡng chế mà không có 1 cái giấy tờ gì, mà trong khi trước 24 tháng 4 năm 2012 cưỡng chế họp báo cấm các nhà báo không ai được tham gia, thì hỏi rằng cưỡng chế đúng thì tại sao cấm các nhà báo vào quay phim chụp ảnh. Đền bù với giá rẻ mạt, giá mỗi 1 mét vuông 43 nghìn đồng thì làm cái gì.”
Khi nói về việc 8 người bị công an bắt lại bị khép tội gây rối trật tự công cộng anh Việt nêu ra điểm bất hợp lý:
“Cái hôm 5 tháng 10 năm 2014 lực lượng công an vào 2-3h sáng đến tận nhà dân bắt người ta, vừa rồi bản án người ta khép là gây rồi trật tự công cộng thì hỏi rằng 2-3h vào nhà người ta bắt thì hỏi là gây rồi cái gì. Họ không phạm tội nhưng chính quyền cộng sản lại khép tội không thành có, có thành không.”
Kết quả xử án ông Nguyễn Thanh Nhàn (69 tuổi) bị tuyên 3 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Quyền (47 tuổi), Nguyễn Văn Hải (49 tuổi), Vũ Thế Trường (60 tuổi) 3 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Văn Long (54 tuổi) và ông Hoàng Văn Ngự (48 tuổi) 4 năm tù giam.
Đối với hai bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt gồm ông Nguyễn Văn Hoạnh (77 tuổi), Nguyễn Văn Phát (73 tuổi), mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
Một trong những luật sư được mời bào chữa cho các bị cáo là luật sư Trần Vũ Hải. Ông cho biết đến gần ngày xử có đơn từ chối luật sư. Tuy nhiên ông vẫn đến dự tòa. Lúc đầu tòa không cho luật sư vào; tuy nhiên khi phiên xử còn 30 phút, họ cho vào. Lúc đó chỉ còn nghe tòa tuyên án, mọi việc đã được tòa làm xong.
Theo luật sư Trần Vũ Hải thỉ động thái vào phút cuối của các bị cáo không nhờ ông làm luật sư bào chữa mà nói có thể tự bào chữa, có thể do có sự thỏa hiệp giữa chính quyền với các bị cáo. Một chi tiết mà ông cho biết nữa là lúc đầu tòa dự kiến phiên xét xử sẽ diễn ra trong 2 ngày, nhưng cuối cùng chỉ xử trong 1 ngày.
Trong vụ án này, luật sư Trần Vũ Hải nêu ra 3 điều mà chính quyền làm sai, chính quyền không muốn ông có mặt để nêu ra cái sai của chính quyền.
Luật sư Hải cho biết:
“Cái sai thứ nhất không có lệnh cưỡng chế, không có quyết định thu hồi đất, thứ 2 các lực lượng này cũng không phải lực lượng của chính quyền, cái sai thứ 3 là lúc 6h sáng họ tấn công vào các đồng ruộng hoa màu của người dân này.”
Cưỡng chế ở Đắc Lăk
5 người công an xã, huyện đến bắt 6 người trong gia đình tôi đưa về đồn để điều tra, cũng trong chiều nay họ đã thả 6 người này về, riêng Ho Lin Nie bị bọn chúng bóp cổ và ngất xỉu, nay đang nằm tại bệnh viện tỉnh Daklak.– Một người dân
Hai hôm sau vụ xử nông dân bị cưỡng chế đất ở Văn Giang, Hưng Yên như vừa nêu, vào ngày 14 tháng 07 năm 2016, tạị buôn Ea Nao – Đak Lak chính quyền và công an địa phương tổ chúc cưỡng chế đất của bà con đồng bào Ê Đê.
Thông tin cho biết trong quá trình cưỡng chế nhà cầm quyền ngăn cản không cho người lạ vào, phá sóng điện thoại và cấm người dân quay phim chụp hình. Có người bị ngất khi xảy ra xô xát với công an.
Một người dân cho biết:
“Tôi là người nhà của Ho Lin Nie, sáng nay có việc xô xát gây thương tích về việc tranh chấp đất đai, và sau đó 5 người công an xã, huyện đến bắt 6 người trong gia đình tôi đưa về đồn để điều tra, cũng trong chiều nay họ đã thả 6 người này về, riêng Ho Lin Nie bị bọn chúng bóp cổ và ngất xỉu, nay đang nằm tại bệnh viện tỉnh Daklak.”
Chú của nạn nhân cho biết sự việc vào sáng ngày 14 tháng 07 như sau:
“Buổi sáng các anh công an của tỉnh vô nhà phải ở nhà không được ra ngoài, nhưng đến buổi trưa người ta điện nói cháu tôi ngất xỉu tôi mới chạy qua bên chỗ bà chị, sau đó mới đi đến bệnh viện., vết thương của cháu do bên lực lượng chính quyền, và hiện cháu đang chuyền nước”
Một người dân ở địa phương cũng cho biết:
“Sự việc cũng chưa rõ lắm căn nguyên, sáng nay cũng có vụ cưỡng chế xuất phát từ đất đai, sáng nay thấy rất nhiều xe thùng chín chở ra, chở liên tục chở ra chở vào bấm còi liên tục chạy rất nhanh, chở người về công an tỉnh hay thành phố thì không rõ ”
Những người trong diện bị cưỡng chế nói rằng khu đất là đất do nông trường cấp lại và dân quản lý đã nhiều năm rồi. Nay chính quyền thu hồi mà không nêu rõ lý do.
Chuyện dài cưỡng chế đất
Chị Cấn Thị Thêu, ảnh minh họa chụp trước đây.
Tình trạng cưỡng chế đất đai không minh bạch, đền bù không thỏa đáng diễn ra hầu hết ở các tỉnh thành tại Việt Nam.
Hiện nay tại các cơ quan tiếp dân của Đảng và chính phủ ở Hà Nội, Sài Gòn cũng như ở các thành phố luôn có người khiếu kiện về vụ việc mà họ cho là bất công. Số người được gọi là ‘dân oan mất đất’ như thế dường như mỗi lúc một đông thêm.
Trong số họ có những trường hợp được nhiều người biết đến như bà Cấn Thị Thêu tại Dương Nội, Hà Đông, thành phố Hà Nội. Do kiên quyết phản đối biện pháp thu hồi đất của chính quyền địa phương mà bà phải đi tù. Sau khi mãn án bà tiếp tục đấu tranh và bị bắt lại vào ngày 10 tháng 6 vừa qua.
Có thể nói đó là một trường hợp tiêu biểu cho những người dân, mà đa số là nông dân, bị thu hồi đất mà chính quyền nói để làm dự án. Khi dân phát hiện ra mục tiêu không đúng như chính quyền nói mà thực chất là đất thu hồi để rồi bán đi với giá cao gấp nhiều lần so với giá đền bù; cũng như việc thu hồi không đúng qui định pháp luật thì người dân phản kháng.
Kết cục hầu như đều kết thúc với án tù như bà Cấn Thị Thêu hay 8 nông dân Văn Giang mới bị xử hôm ngày 12 tháng 7 vừa qua.
H. D.