Nói thật không sợ mất lòng (kỳ 19)

Câu chuyện thứ 19: Đi tìm lại niềm tin đã bị đánh cắp!

Sắc Ly

Tôi có một anh bạn người Pháp, tên thường gọi thân mật là Pie, vốn là một giảng viên chuyên ngành Toán học ứng dụng, nhưng lại ham mê tìm hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam. Niềm ham mê này có lẽ bắt nguồn từ sự khâm phục và mối thiện cảm với Việt Nam gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ của chúng ta, mà bố anh đã từng tham gia phản chiến. Từ khi nghỉ hưu, anh thường hay sang Việt Nam du lịch, và Sầm Sơn là một trong những địa điểm anh thích nhất. Những lần vợ chồng anh về Sầm Sơn thì bao giờ cũng có vợ chồng tôi đi cùng. Anh Pie rất thích trao đổi với tôi về những kết quả mà anh tìm hiểu được, qua những chuyến đi này, về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Tôi nhớ có một lần gần đây, anh nói với tôi rất thân tình nhưng cũng rất thẳng thắn: Người Việt các cậu vốn có một Niềm Tin rất nhân văn, rất thánh thiện, rất cao đẹp, rất sâu sắc và mãnh liệt, nhưng bây giờ hình như Niềm Tin đó đã bị đánh cắp rồi thì phải?!

Kể từ ngày nghe lời tâm sự ấy, tôi cứ luôn suy ngẫm, và ngày càng thấy nhận xét ấy của anh là rất đúng, dù anh chỉ là một người nước ngoài. Tuy rất buồn, nhưng tôi lại thầm cảm ơn anh đã thức tỉnh tôi, đã tiếp thêm cho tôi một niềm tin về cái điều trăn trở đó, mà tôi cũng đã từng thai nghén, từng tự vấn! Và cho đến bây giờ, khi tôi tiếp tục đi sâu thêm vào các nội dung cơ bản của chủ đề này, thì quả thật là gặp bế tắc. Tôi đã từng không thể trả lời ngay được các câu hỏi như: Dân Việt ta ngày nay biết tin vào Điều Gì đây? Biết tin vào Ai đây? Biết tìm lại niềm tin ở đâu đây? Biết noi theo ai để mà sống tử tế, sống cho ra sống đây?…

Và, chả nhẽ dân Việt ta lại phải tiếp nhận, phải tiếp tục bị nhấn chìm trong một sự khủng hoảng tệ hại khác nữa: Khủng hoảng Niềm Tin?

Vâng, đúng là thế đấy, các bạn hãy cùng tôi đi tìm sự lý giải rõ ràng cho các băn khoăn cơ bản và chính đáng nêu trên đi!

Ai cũng đều hiểu, con người ta sống được thì ngoài việc ăn uống, hít thở,… để dung nạp nguồn năng lượng vật chất, thì còn luôn cần đến một nguồn năng lượng tinh thần nữa. Trong nguồn năng lượng tinh thần đó thì Niềm Tin bao giờ cũng là món ăn đầu vị, luôn có mặt trước hết và thường xuyên nhất trong các “thực đơn” hàng ngày. Không có hoặc không còn Niềm Tin thì con người sẽ chết thật, chết hoàn toàn, cả thể xác và tâm hồn! Nói rộng ra, một đất nước mà lâm vào khủng hoảng niềm tin thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp và khó lường, vì sẽ mất đi chất keo cố kết cộng đồng, sẽ suy giảm nghiêm trọng mọi động lực phát triển, trước mắt sẽ gây ra rối loạn, trì trệ, nhưng nếu cứ kéo dài thì cộng đồng sẽ phân rã, thể chế sẽ sụp đổ, nhân dân sẽ lầm than, điêu đứng! Nhưng mối nguy hại của cái chết này, với từng người cũng như với cộng đồng, lại khó nhận ra ngay, vì nó là cái chết từ từ! Và do đó mọi người thường chủ quan, coi thường, không cảnh giác để sớm tìm cách phòng chống!

Từ cổ chí kim, con người ta thường tìm Niềm Tin ở đâu nhỉ? Chắc chắn là, ngoài sự tự tin vào bản thân, thì phải tìm Niềm Tin ở trong Văn hóa truyền thống của dân tộc, đã được hình thành và tích tụ từ hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là những lời răn dạy của cha ông về Triết lý Sống, về Triết lý Phát triển quốc gia, về Đạo lý Làm Người, về các giá trị Chân – Thiện – Mỹ,… Nhưng sống động hơn cả là ở các tấm gương Sống và Làm việc của các Nhân cách lớn của đất nước, của các bậc Hiền tài của dân tộc, của tầng lớp tinh hoa của cộng đồng xã hội qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử. Người dân cứ hướng về đó là tìm thấy Niềm Tin để Nghe theo, Học theo, và Làm theo, để biết sống tử tế, sống cho ra sống, và qua thực tiễn trải nghiệm đó thì Niềm Tin càng sâu sắc hơn, bền vững hơn.

Lịch sử dân tộc đã từng có nhiều thời kỳ như vậy, kể cả buổi ban đầu dưới chính thể mới do Cụ Hồ lãnh đạo, trong lịch sử Việt Nam cận – hiện đại. Và phải thừa nhận rằng, cái niềm tin khởi đầu này, tuy có nhiều điểm còn mơ hồ, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực mạnh mẽ để kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Người dân tin ở các mục tiêu kháng chiến và kiến quốc mà chính phủ của Cụ Hồ nêu ra. Người dân tin ở cái Tâm cái Đức của các đảng viên lớp trước, của các bậc chí sĩ tiền bối, của các quan chức chính phủ thuở khởi đầu, mà tiêu biểu là các bậc lão thành thứ thiệt, thể hiện trong nhiều việc làm ích nước lợi dân của họ. Người dân nghe theo họ và cùng làm theo họ để mang lại những kết quả thiết thực.

Nhưng, từ sau ngày thống nhất đất nước 1975, và nhất là khi đất nước bước vào Đổi mới, nhiệm vụ phát triển và bảo vệ đất nước đã có những thay đổi cơ bản. Nhưng hình như nội hàm của Niềm Tin truyền thống vẫn chưa tìm được một sự bổ sung, điều chỉnh, nâng cấp phù hợp? Thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội chưa trả lời đúng được hai câu hỏi cơ bản nhất chứa đựng trong Niềm Tin đó là Tin vào Điều gì, và Tin vào Ai? Những nét đẹp trong Niềm Tin truyền thống cứ mờ nhạt dần, cứ vơi dần, các nội hàm trong Niềm Tin ban đầu đó cứ mơ hồ thêm, khó hiểu thêm, và đến lúc này thì ai cũng giật mình, vì ngoảnh đi ngoảnh lại chả thấy cái niềm tin ấy đâu nữa rồi! Cái Niềm Tin mà dân Việt ta đã từng tôn thờ từ thuở ban đầu ấy, đã ra sức bảo vệ nó, đã trân trọng nâng niu nó,… thì bây giờ chỉ còn là một ảo ảnh xa vời, một thứ xa xỉ của cuộc sống hiện đại. Nội hàm của niềm tin đó đã bị nhiều lần đánh tráo, để đến hôm nay thì cái niềm tin ấy đã bị người ta đánh cắp nó gần như tất tật, đã tuột ra khỏi tay người dân chúng ta rồi! Trên thực tế, không còn đâu cái thiêng liêng, cao quý, cái giá trị vô địch của “Niềm Tin Việt Nam” đã từng một thời vang bóng, lẫy lừng!

Xin các bạn hãy thẳng thắn tự trả lời các câu hỏi được nêu ra ở trên đi, xem có thể tạo ra được một bài Tập Làm Văn hay, đáng giá điểm 9 hoặc 10 không nào? Hay chỉ được một bài Tập Chép quá tồi, chỉ đáng điểm 0, vì toàn chứa đựng những điều sai trái, dối trá! Này nhé:

Dân Việt ta bây giờ Tin vào Điều gì nào? Thể chế chính trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ư? Mục tiêu Giàu, Mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh ư?… Cái Thể Chế ấy làm gì có mà tin (ngay cả Tổng bí thư Trọng còn chưa biết đến bao giờ mới có kia mà), nó mới chỉ là cái áo khoác ngoài mới dựng, còn bên trong chưa có gì là xã hội chủ nghĩa cả, mà toàn là những thứ rác rưởi, vừa là của thể chế độc tài toàn trị mang danh cộng sản, vừa là của xã hội tư bản chủ nghĩa hoang dã hoặc thân hữu,…! Sau hơn 70 năm rồi mà chưa thấy bóng dáng của sự Dân Giàu, Nước Mạnh đâu cả? Đúng là rất, rất nhiều kẻ giàu lên thật, nhưng đó không phải là Dân, vì bộ phận nòng cốt nhất, đông đảo nhất trong Dân là công nhân và nông dân thì đang là tầng lớp nghèo khổ nhất, yếu thế nhất, bị bần cùng hóa và ngu dân hóa, rồi bị vô hiệu hóa vai trò, và bị đẩy xuống đáy tận cùng của xã hội! Còn Nước có Mạnh không thì chưa đánh giá ngay được, vì mới có sự đọ sức một phần, chưa đầy đủ và thật sự. Chỉ biết là Việt Nam vẫn thuộc tốp các nước nghèo, vẫn lạc hậu, chậm phát triển, và luôn bị xếp sau về nhiều mặt! Chỉ biết là Việt Nam ngày càng Hèn đi, yếu thế đi, luôn bị uy hiếp, đe dọa bởi kẻ bá quyền hàng xóm phía Bắc, bị bắt nạt nhiều lần, mà không dám ho he đáp lại một cách kiên quyết, dũng cảm, đàng hoàng, tự tin,… dẫn đến bị tổn thất nhiều thứ lợi ích dân tộc, cả vật chất lẫn tinh thần, cả kinh tế và chính trị! Sau hơn 70 năm rồi mà cái mục tiêu Cộng Hòa vẫn chỉ có mặt trên giấy, bởi vì Dân có được làm chủ thật sự đâu, thực tế thể chế này chỉ là một chế độ độc tài toàn trị, như là vẫn còn vua thời xưa, và còn tệ hơn cả thời có vua! Sau hơn 70 năm rồi mà Bất Công xã hội ngày càng nặng nề, thể hiện rõ nhất là sự phân cách Giàu – Nghèo ngày càng lớn và rất lớn, là cái sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự lên ngôi của đồng Tiền và sự Đểu cáng,… rồi từ đó mà luôn đẻ ra hàng loạt các tệ nạn phi pháp luật, phi đạo lý, phản văn hóa,… có mặt trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Cái được gọi là Sự “Phát triển” của đất nước trên thực tế là chả đi theo định hướng chính thống nào cả, và hầu như là đang đi ngược dòng với xu hướng chung của thế giới văn minh, nên dân ta gọi đó chỉ là Ngụy lý phản phát triển. Càng “phát triển” thì càng tàn phá môi trường, càng cạn kiệt tài nguyên, càng “phát triển” thì càng lệ thuộc nước ngoài, càng nợ nần chồng chất, càng “phát triển” thì càng bất công xã hội, càng mất dân chủ và không tôn trọng nhân quyền,…!

Như thế là dân Việt chúng ta đang thật sự bế tắc, thật sự đang lạc lối trong định hướng phát triển đất nước, không còn điều gì đáng gọi là chân lý mà tin cả!

Xin lại tiếp nhé, dân Việt ta bây giờ Tin và Ai nào? Tầng lớp tinh hoa nhất thì Đảng đã tự nhận, tức là các đảng viên cộng sản Việt Nam, càng cấp cao thì càng tinh hoa! Nhưng thực tế bây giờ phải là ngược lại mới đúng. Hầu như đa số các đảng viên cộng sản Việt Nam đếu hư hỏng về nhiều mặt, nhất là về đạo đức và lối sống. Hầu như đã thành một “quy luật” của thể chế chính trị hiện nay là, trước khi vào Đảng thì tốt, nhưng khi đã thành đảng viên rồi thì sẽ trở nên hư hỏng rất nhanh! Đông đảo nhất và điển hình nhất trong các tội phạm tham nhũng là đảng viên chứ không ai khác, từ cấp cao nhất đến cấp xã phường, và họ “ăn” bất kể thứ gì! Cũng đông đảo nhất và điển hình nhất của các “trí tuệ” bậc cao lại là đồ dởm, có học vị mà đầu óc thì rỗng tuếch, vì mắc tội không chịu học mà chỉ giỏi mua bán bằng cấp,… Ngay cả những vị tiêu biểu cho trí tuệ uyên bác, sáng tạo nhất nước, thì cũng đều một giuộc “mọt sách”, quen nếp tư duy bảo thủ, giáo điều, mù quáng với ý thức hệ cộng sản, lại bị cầm tù trong cái “lợi ích nhóm” bẩn thỉu, nên luôn có các sản phẩm trí tuệ sai lầm, làm hại nước hại dân,… và họ đều là các bậc đảng viên ưu tú, kể cả nhiều vị đang ngồi trên các ghế cao, và ghế cao chót vót. Đông đảo nhất và điển hình nhất của tội “sớm vác ô đi, tối vác về”, năng suất phục vụ dân rất thấp, “hành dân là chính”,… lại cũng là các công chức đảng viên. Tiêu biểu cho thái độ hèn nhất trước kẻ thù truyền kiếp, để không bảo vệ nổi lợi ích của dân, của nước,… lại cũng là đảng viên, trước hết là đảng viên cấp chiến lược!… Tiêu biểu cho lối sống hưởng lạc, lối sống xa dân, vô cảm trước nỗi khổ của dân, vô trách nhiệm trước nỗi lo và lợi ích của dân,… lại cũng là các đảng viên! (Ví dụ điển hình gần đây nhất là sự kiện Formosa và ô nhiễm môi trường biển miền Trung). Rõ ràng là ngày nay người dân Việt không thể tìm thấy tấm gương nào của đảng viên mà tin theo cả, dân không thể cứ suy nghĩ và hành động một cách ngu muội “đảng viên đi trước, làng nước bước theo” như một thời bị mê hoặc nữa rồi!

Tin vào các đoàn thể xã hội trong hệ thống chính trị ư, tin vào các cơ quan dân cử mang tên Hội đồng nhân dân hoặc Quốc hội ư? Nhưng tất thảy đều hoặc là tay chân, hoặc là người được Đảng bố trí theo phương thức “Đảng cử dân bầu” để chỉ biết “gật”, chỉ biết thừa hành mệnh lệnh của Đảng, chứ về thực chất đâu có phải là đại biểu của dân, đâu có quan tâm đến nguyện vọng và lợi quyền của dân!

Hiện nay người dân Việt chúng ta tuy đông, nhưng vẫn như là đang đơn độc, đang bị cô lập, đang bị bơ vơ giữa ngã ba đường, không có hậu thuẫn, không có lực lượng mũi nhọn dẫn dắt, đưa đường, dân không biết dựa vào ai, không biết tin vào ai nữa!

Như thế là, chỉ cần xét qua hai điều cơ bản “Tin vào điều gì đây, Tin vào ai đây?”, thì quả đúng là dân Việt ta đang thật sự mơ hồ và bế tắc, đang thật sự đơn phương, bơ vơ, không biết đâu là chân lý mà tin, không biết dựa vào ai, không biết tin vào ai mà theo! Niềm Tin của dân Việt chúng ta đang mất dần, đã và đang bị đánh cắp, đã là một hiện thực đau đớn và phũ phàng!

Đến đây thì tôi chợt nhớ đến một gợi ý của anh Pie, tưởng nhỏ nhưng có lẽ lại là đúng và cần thiết, trong câu chuyện trao đổi với tôi về chủ đề này. Anh nói: Nhiều chục năm gần đây ở Việt Nam xuất hiện việc phục hồi quá tràn lan dịch vụ (service, như anh đã dùng) Lễ Hội, và kèm theo đó là chú ý nhiều hơn đến nghiên cứu văn hóa tâm linh, thậm chí còn có cả xu hướng thả nổi cho tệ nạn mê tín, dị đoan nữa. Đó là một hiện tượng bất thường trong đời sống tinh thần của một nước vốn mang danh xã hội chủ nghĩa vô thần. Ngoài lý do thương mại hóa để vụ lợi, thì cậu thử tìm hiểu thêm và nghiên cứu xem về cái lô gích giữa hiện tượng này với chủ đề chúng ta.

Bây giờ ngẫm lại điều gợi ý trên, tôi càng thấy anh Pie đã rất tinh nhạy, và đã tìm hiểu khá sâu. Không cần phân tích thêm nhiều, chúng ta cũng thấy ra vấn đề cần nghiêm túc nhìn lại để có cách khắc phục. Đã có một mối quan hệ tất yếu xảy ra, khi niềm tin trần thế bị lấy mất thì người dân phải tìm đến một niềm tin khác, niềm tin siêu nhiên trong cõi tâm linh sâu kín, dù biết là không đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Thay vì phải mang trả lại cho dân Niềm Tin khoa học và thánh thiện vốn có, thì giới cầm quyền lại buông trôi để cho tiêu cực phát triển thỏa sức, nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của họ! Và, tất nhiên là nhiều hệ lụy đã đến để giáng thêm xuống đất nước này!

Nhưng, có lẽ cũng còn một cơ may có thể hóa giải cho dân ta về những khó khăn vừa nêu trên. Đó là, chúng ta còn cả một kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc, rất bản sắc, rất uyên thâm, trong đó chứa đựng các giá trị vô giá về triết lý Dựng Nước và Giữ Nước,… Đó là, trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một khuyến cáo rất có giá trị cho tất cả các quốc gia, là Triết lý Phát triển Bền Vững. Đó là, trong cộng đồng người Việt ta, cả trong và ngoài nước, còn có cả một lực lượng hùng hậu những người con ưu tú, đáng mặt tinh hoa của dân tộc, họ là các trí thức thứ thiệt, là các đảng viên tử tế, là các bậc lão thành,… Họ vừa có tâm huyết, vừa có trí tuệ vượt trội, có thực tiễn của cả Việt Nam và thế giới, họ có thể đảm trách nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng cho nhân dân trong tiến trình phát triển. Họ rất xứng đáng để làm chỗ dựa cho dân, để dân có thể tin cậy, thế mà lâu nay họ thường bị vô hiệu hóa!… Vậy thì xin thẳng thắn hỏi: Giới chức lãnh đạo Việt Nam (Đảng) có chịu đón nhận và khai thác hiệu quả cơ may còn lại đó không, hay lại để cơ may đó vuột mất, bắt dân phải tiếp tục bị các vị đánh cắp Niềm Tin?…

Và để làm được việc có ích này thì giới lãnh đạo (Đảng) phải tự sửa mình, tự đổi mới, trở lại làm người tử tế, rồi vươn lên vị trí tinh hoa của dân tộc, như đã tự nhận!

Sau khi chúng ta vừa tự trả lời các câu hỏi trên, nếu suy ngẫm tiếp thì chắc là các bạn phải đặt thêm một câu hỏi lớn nữa, đó là: Dân Việt ta phải đòi lại Niềm Tin bị đánh cắp đó như thế nào?

Có người đã lý giải như sau, các bạn thử tham khảo và trao đổi tiếp.

Đánh cắp vốn bị coi là một hành vi bẩn, đê tiện, vì nó không dựa trên chính nghĩa, nên luôn phải thực hiện bằng các thủ đoạn lừa bịp đen tối. Mục đích của hành vi đánh cắp là lấy đi tài sản (vật chất hoặc tinh thần) của đối tác để gây khó khăn, tổn thất cho đối tác. Nhưng ở đây có hai điều khác với chuyện đánh cắp thông thường. Một là thủ phạm không cần giữ lại thứ đánh cắp được (Niềm Tin của dân) để biến thành sở hữu của mình, vì hai thứ niềm tin đó hoàn toàn khác biệt, mà chính là nhằm thay thế Niềm Tin sạch của dân bằng niềm tin bẩn của họ. Hai là, nạn nhân (người dân) không biết ngay là mình bị đánh cắp, mà dần dần mới nhận ra thì đã muộn, sau khi đã bị thủ phạm áp đặt phải theo niềm tin ngụy tạo, lừa đảo của họ. Và trên thực tế, đã có một bộ phận người dân phải chấp nhận (không tự giác) niềm tin giả dối đó! Từ đây, chúng ta cũng đã nhìn ra tương đối rõ về thủ phạm đánh cắp, chẳng ai khác ngoài giới lãnh đạo đương quyền, đầy tà tâm, nhằm mục đích xiết chặt hơn nữa ách cai trị độc tài của họ.

Để đòi lại cho được Niềm Tin đã bị đánh cắp, và giữ gìn nó thật chắc cho khỏi bị tái đánh cắp, thì người dân Việt chúng ta phải biết đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh đổi mới chính trị, dân chủ hóa thể chế chính trị. Chúng ta đấu tranh để giành lại cho được Niềm Tin trong sáng, khoa học và thánh thiện, bằng chính trí tuệ và đạo lý Việt Nam. Chúng ta làm việc này một cách ôn hòa, công khai, đàng hoàng, rất văn hóa, chứ không cần dùng thủ đoạn bẩn thỉu như thủ phạm đã làm. Trong cuộc đấu tranh gian khó này thì cộng đồng xã hội, cũng như mỗi người dân, phải biết khai thác tốt nhất những lợi thế và cơ may đã nêu ở trên, và phải biết giữ vững Niềm Tin của chính bản thân mình (Tự Tin).

Tháng 7 năm 2016

S. L.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.