Phán quyết của Tòa Trọng tài và hệ lụy

TS. Vũ Cao Phan

Nhà nghiên cứu, Đại học Bình Dương

clip_image002

Trung Quốc rất quan tâm đến tiến trình cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Liên hiệp quốc, chứ không phải là ngược lại, theo TS. Vũ Cao Phan. BBC

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã đứng ngoài vụ kiện của Philippines.

Họ khẳng định Tòa Trọng tài không có quyền phán xử vụ này hoặc nếu cứ lập đàn tố tụng thì mọi kết quả đều vô giá trị. Như một sự nhất quán, ông Bộ trưởng Ngoại giao nước này mới đây gọi vụ kiện là một “trò hề” và yêu cầu “cần chấm dứt ngay”.

Một người tiền nhiệm của ông, trong vai trò dẫn dắt một hội thảo còn tuyên bố, “các phán quyết cũng chỉ là một tờ giấy bỏ” mà thôi.

Lô-gíc của lập trường này tất phải cho ra một thái độ dửng dưng, hoặc khoanh tay đứng nhìn hoặc bỏ đi chỗ khác chơi.

Nhưng không, người ta đã không làm vậy, ít nhất là cho đến gần đây, khi ngày phán quyết đã tới gần và nhiều dấu hiệu cho thấy, phán quyết này sẽ nghiêng về bên thưa kiện.

Tận dụng mọi diễn đàn, mọi cơ hội, người ta đề cập đến vụ kiện với tất cả sự phủ định có thể. Cả một chiến dịch được thực hiện để lôi kéo, tập hợp lực lượng khá nhọc công, mệt sức.

Thậm chí, một cuộc dàn binh diễn trận thị uy ngay trước giờ G trên một khu vực trọng yếu ở Biển Đông. Vân vân và vân vân…

Tất cả những điều đó chứng minh điều ngược lại: Trung Quốc rất quan tâm đến tiến trình cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.

Muốn gây sức ép

Tại sao? Khó có thể nhận định, bằng tất cả sự phản ứng quyết liệt của mình, Trung Quốc muốn gây sức ép lên năm vị thẩm phán Tòa Trọng tài.

Nhưng dù là nước lớn, Trung Quốc cũng không thể một mình chống đỡ cả thế gian. Và một điều rất quan trọng khác là họ cần trấn an, cần giải thích, cần hướng dẫn dư luận cho cả tỉ thần dân trong nước.

Từ cách thức phản ứng của Trung Quốc, nhiều nhà quan sát đã đưa ra dự báo về những kịch bản có thể, một khi có phán quyết chính thức của Tòa Trọng tài.

clip_image003

Thái độ và ứng xử của Philippines dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Rodrigo Duterte ‘là có thể hiểu và chấp nhận được’, theo tác giả. Reuters Image

Tuy nhiên trong vấn đề này, có lẽ nên tìm đến một sự nhìn nhận bình tĩnh. Phản ứng như những ngày qua của Trung Quốc mang tính nhất thời, vì những mục đích cụ thể. Còn phản ứng trước phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ mang tính chiến lược, có tác động lâu dài đến vị trí của Trung Quốc và quan hệ quốc tế mà quốc gia này theo đuổi.

Một quốc gia tuyên bố trỗi dậy trong hòa bình, một quốc gia đang nổi lên với tất cả sức mạnh của mình, một quốc gia không dấu giếm tham vọng được nhìn nhận như một siêu cường chia sẻ vai trò lãnh đạo thế giới sẽ biết cần phải phản ứng như thế nào để không những không bị chê cười mà vẫn dành đủ đất trống cho cuộc chơi.

Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ rút ra khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chưa phê chuẩn (như Mỹ) là một việc, còn rút khỏi Công ước lại là một việc hoàn toàn khác.

Chưa nói Trung Quốc đã tham gia rất cẩn thận và chi tiết (dường như tiên lượng trước tương lai?) trong quá trình hoàn chỉnh Công ước này.

Khả năng Trung Quốc có thể lập ADIZ trên Biển Đông… rõ nhất với quần đảo Hoàng Sa vì nơi này không có tranh chấp và nằm dưới quyền kiểm soát thực tế của Trung Quốc nên cả ASEAN và các nước lớn sẽ không thể có phản ứng gì? Việt Nam nghĩ sao?

Việc thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) cũng vậy, chưa đề cập phản ứng quốc tế, mà ngay việc xác định tính pháp lý của phạm vi khu vực nhận diện và quản lý nó cũng không hề là một công việc dễ dàng. Trung Quốc sẽ phải cân nhắc giữa được và mất.

Thái độ Philippines

Thái độ và ứng xử của Philippines trước ngày phán quyết là có thể hiểu và chấp nhận được.

Tổng thống mới của nước này, ông Duterte chọn cách im lặng trước lời kêu gọi của Trung Quốc gạt bỏ vụ kiện để bắt đầu đàm phán giữa hai nước về các tranh chấp ở Biển Đông.

Những tuyên bố của Tổng thống cho thấy, ông tỏ ra khá mềm dẻo, chấp nhận đàm phán, nhưng là trên cơ sở những gì mà Philippines nhận được qua phán quyết của Tòa Trọng tài. Cũng là trên cơ sở những gì là di sản của Aquino để lại.

Vấn đề Biển Đông không phải là tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng rõ ràng là một vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, một trong ba trụ cột mà ASEAN tuyên bố trong ngày ra mắt Cộng đồng kinh tế (AEC) của mình, 22/11/2015.

ASEAN có thể tránh né các tranh chấp chủ quyền nhưng không thể tránh né trước những nguy cơ bất ổn về an ninh khu vực do tranh chấp biển đảo gây ra. Hy vọng ASEAN sẽ ra được tuyên bố chung về vấn đề này sau phán quyết của Tòa Trọng tài, ít nhất cũng tại cuộc gặp gỡ giữa họ cuối tháng bảy này tại thủ đô Viên Chăn (Lào).

clip_image004

Tác giả đặt câu hỏi liệu Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở khu vực Hoàng Sa, mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974, thì Việt Nam sẽ làm gì?

Tôi không bình luận về những gì Việt Nam sẽ nhận được hay không nhận được từ phán quyết của Tòa Trọng tài, đơn giản vì việc này chưa diễn ra.

Nhưng trước lời kêu gọi “tha thiết” của Trung Quốc về đàm phán song phương tại sao Việt Nam không kiên quyết nắm lấy và bắt đầu ngay với Hoàng Sa? Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu đàm phán về quần đảo này. Được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tổ chức tập trận ở Hoàng Sa, tờ Hoàn Cầu bình luận:

“Họ làm theo thông lệ” thôi. Cũng có thể hiểu tờ báo này muốn ám chỉ từ “chiếu lệ”.

Đề cập đến khả năng Trung Quốc có thể lập ADIZ trên Biển Đông, một giáo sư từ Học viện Hành chính công Đại học Quốc gia Singapone cho rằng, khả năng ấy sẽ đến rõ nhất với quần đảo Hoàng Sa vì nơi này không có tranh chấp và nằm dưới quyền kiểm soát thực tế của Trung Quốc nên cả Asean và các nước lớn sẽ không thể có phản ứng gì?

Việt Nam nghĩ sao?

V.C.P.

__________

Bài viết phản ánh văn phong và thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học Bình Dương, Việt Nam.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/07/160710_vucaophan_pca_china_philippines

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.