XUÂN DƯƠNG
(GDVN) – Cần gắn trách nhiệm các lãnh đạo địa phương đang “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư nước ngoài với những sự cố có thể xảy ra kể cả khi đã rời vị trí công tác.
Trước khi phân tích những tác hại khủng khiếp mà Formosa Hà Tĩnh gây ra cho môi trường và người dân Việt Nam (không chỉ là ngư dân bốn tỉnh miền Trung), xin nhắc lại một sự việc:
Công ty BP (Bristish Petroleum) là công ty dầu khí có trụ sở tại Luân Đôn, Anh quốc. Ngày 20/4/2010 một vụ hỏa hoạn trên giàn khoan biển của BP khiến dầu thô tràn ra vịnh Mêxico.
Sự cố đã khiến một số người thiệt mạng, gây ảnh hưởng nặng nề đến động thực vật hoang dã trong khu vực, đến ngành ngư nghiệp, du lịch và đời sống người dân ven biển.
Ban đầu tập đoàn BP đã phải chi 28 tỷ USD khắc phục hậu quả cũng như một số khoản bồi thường khác.
Phản ứng của người dân và chính quyền địa phương bị ảnh hưởng do tràn dầu khiến Bộ Tư Pháp Mỹ phải vào cuộc.
Làm cá chết hàng loạt, Formosa bồi thường 500 triệu USD
Thẩm phán Liên bang Mỹ đã chấp thuận khoản bồi thường tiếp 20,8 tỷ USD của BP, trong đó khoảng 5,5 tỷ USD chi cho khoản tiền phạt liên quan tới Đạo luật nước sạch của Mỹ.
Số tiền còn lại chi cho các bang vùng Vịnh như Alabama, Florida, Louisiana, Mississippi và Texas cùng 400 chính quyền địa phương nhằm đền bù những thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra. Tổng số tiền mà BP phải bỏ ra là gần 50 tỷ USD. [1]
Cần lưu ý rằng sự cố mà BP phải chịu trách nhiệm là sự cố kỹ thuật, nằm ngoài ý muốn của hãng dầu khí này, lãnh đạo BP không hề cố ý gây ra sự cố, nó khác về bản chất với hoạt động mà giới chủ Formosa gây ra tại Vũng Áng – Hà Tĩnh.
Dù là sự cố ngoài ý muốn, dù Anh quốc và Mỹ là đồng minh chiến lược thân cận nhất, BP vẫn phải ra tòa, vụ xử dân sự công ty BP và các công ty liên hệ khác đã mở ra tại New Orleans và BP phải đền bù số tiền lớn nhất trong lịch sử Tư pháp Hoa Kỳ.
Video Formosa Hà Tĩnh xin lỗi Nhà nước nhân dân Việt Nam
(GDVN) – Video này được phát công khai tại buổi họp báo chuyên đề của Chính phủ diễn ra cuối giờ chiều ngày 30/6.
Trở lại vụ Formosa Hà Tĩnh, có một số vấn đề cần làm rõ:
Vụ xả chất độc từ Formosa ra biển Vũng Áng liệu có phải là vô tình hay cố ý?
Vấn đề cũng phải cần làm rõ là Formosa chỉ nhằm tiết kiệm chi phí hay còn có chủ ý đẩy ngư dân Hà Tĩnh ra khỏi Vũng Áng và vùng biển miền Trung, khiến vùng biển này không còn sự hiện diện của ngư dân Việt Nam?
Những người đứng đầu Formosa có nhận thức được các chất xả ra biển là nguy hại tới môi trường, môi sinh của con người và sinh vật biển cũng như các hoạt động kinh tế liên quan hay không?
Formosa có phải là doanh nghiệp giữ chữ tín, các cá nhân chịu trách nhiệm của công ty này có phải là doanh nhân trung thực hay không khi sự cố xảy ra, trả lời báo chí ông Khâu Nhân Kiệt – Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường công ty Formosa từng nhấn mạnh: “Không có việc Formosa Hà Tĩnh chính là tác nhân dẫn đến hiện tượng cá chết ở bờ biển Việt Nam”.
Không những không chủ động nhận lỗi, khắc phục hậu quả, không đưa ra phương án đền bù mà tìm mọi cách chối bỏ trách nhiệm của mình như lời ông Khâu Nhân Kiệt:
“Tất cả các địa điểm xả thải và ống xả thải ở khu công nghiệp đều được lấy mẫu nước để xét nghiệm và hiện tại đang rất bình thường, đều đạt tiêu chuẩn của Bộ TN&MT Việt Nam”? (Vietnamnet.vn 22/4/2016).
Cần có sự đánh giá toàn diện về sự tàn phá môi trường biển, hậu quả để lại với con người và sinh vật biển, các di chứng có thể đối với sức khỏe ngư dân và thiệt hại của các ngành kinh tế liên quan như du lịch, nuôi trồng thủy sản ven bờ… như thế nào?
Cuộc chiến mà chính quyền Mỹ gây ra ở Việt Nam đã kết thúc hơn 40 năm song di chứng chất độc da cam quân đội Mỹ sử dụng thì nhiều thế hệ người Việt còn phải gánh chịu.
Một khi chất độc lắng đọng xuống các trầm tích đáy biển, tác hại của nó không thể chỉ là vài năm, không phải chỉ là cá tôm bị chết mà còn là toàn bộ hệ sinh thái biển.
Đài Loan có một viện nghiên cứu vào loại lớn nhất thế giới về san hô, tại đây người ta nuôi trồng san hô để hồi phục các rạn san hô bị hủy hoại vì sự tàn phá của con người.
Nếu các rạn san hô ven biển miền Trung bị chết vì chất độc thì cũng có nghĩa không còn môi trưởng sinh sống cho thủy sản ven bờ.
Người viết kiến nghị:
Thứ nhất: Cần phải truy tố Formosa về tội cố ý hủy hoại môi trường, môi sinh, phá hoại nền kinh tế Việt Nam, đe dọa an ninh quốc gia của Việt Nam khi ngư dân không thể ra biển bởi đây là hành động khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Thứ hai: Mức đền bù thiệt hai phải do Tòa quyết định chứ không phải do Formosa tự nguyện.
Thứ ba: Về mặt khoa học, cần tìm hiểu ảnh hưởng đối với môi trường biển, các rạn san hô, tảo biển, rong biển, các loại chim biển, rừng ngập mặn ven bờ…
Dự đoán phạm vi ảnh hưởng có thể xảy ra với các tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh) nếu dòng hải lưu ven bờ đổi hướng từ Nam ra Bắc, đặc biệt là ảnh hướng có thể đến Vịnh Hạ Long, di sản được Unesco công nhận.
Thứ tư: Cần đặc biệt quan tâm đến trầm tích đáy biển, tồn dư chất độc ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các rạn san hô như thế nào;
Cần kiểm tra ảnh hưởng của chuỗi thức ăn đến chất lượng sản phẩm biển khu vực miền Trung ví dụ chim biển, rong biển, yến sào…
Chính phủ nên làm việc với phía Đài Loan về việc phục hồi các rạn san hô đáy biển vì Đài Loan có viện nghiên cứu hiện đại về san hô, kinh phí cho hoạt động này Formosa phải chịu trách nhiệm.
Thứ năm: Trước mắt chấp nhận khoản tiền 500 triệu USD mà Formosa đưa ra như khoản đền bù ban đầu để giải quyết khó khăn cho ngư dân ven biển bị ảnh hưởng.
Cần yêu cầu Formosa chuyển ngay số tiền này vào tài khoản một Qũy hỗ trợ ngư dân, phong tỏa ngay số tiền này trong ngân hàng để chính quyền giải ngân cho ngư dân chứ không để Formosa nhỏ giọt mỗi năm một ít.
Thứ sáu: Không đặt vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp của ngư dân nếu không phải do chính ngư dân đề xuất.
Ngư dân Việt ra khơi ngoài mưu sinh cho gia đình còn là lực lượng khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Ngư dân cũng là lực lượng tham gia tích vào công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, vắng bóng ngư dân sẽ là thời cơ tốt cho những đoàn tàu cá vỏ sắt Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng biển nước ta.
Cũng là ý muốn của giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn đẩy người Việt khỏi Biển Đông, biến vùng biển đường lưỡi bò thành ao nhà của họ.
Thứ bảy: Bảo đảm sự công bằng, minh bạch đối với những gia đình ngư dân bị thiệt hại về kinh tế, hoặc thiệt mạng do sự cố xả thải gây ra.
Khoản tiền 500 triệu USD chỉ nên xem là khoản đền bù cho ngư dân, tiếp theo phải là quyết định của Tòa án về các khoản khác liên quan đến môi trường, môi sinh, các hoạt động kinh tế biển…
Thời gian qua xu hướng xuất khẩu công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc vào Việt Nam trở nên đáng báo động, có thể thấy qua một số bài báo:
Lo Việt Nam thành bãi rác công nghệ Trung Quốc (Plo.vn – 17/11/2015)
Trung Quốc “đẩy” lạc hậu sang nước khác để… cứu mình [2]
Cảnh giác với công nghệ lạc hậu khi Trung Quốc đầu tư dệt may tại … [3]
Các vụ vi phạm của doanh nghiệp và công dân từ vùng lãnh thổ Đài Loan vào Việt Nam đã trở nên ngày càng nghiêm trọng, bên cạnh hai vụ xả thải tai tiếng của Vedan, Formosa, xin nêu một số vụ đã bị xử lý:
Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (100% vốn Đài Loan) đã bị niêm phong 7 lần vì gây ô nhiễm môi trường.
Doanh nghiệp sắt thép Đài Loan, Công ty TNHH Sắt thép Sun Steel, năm 2002 từng bị Công an Bình Dương điều tra về tội trộm cắp cước viễn thông quốc tế và bị buộc phải bồi thường 500.000 USD, kẻ chủ mưu Liao Chi Yuan, đã bỏ trốn về Đài Loan. [4]
Năm 2010, Công an TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện nhóm người Đài Loan thuê nhà lập ba điểm trộm cước viễn thông tại quận 2 và quận Tân Bình, 8 người Đài Loan đã bị bắt tại Kenya vì sử dụng thiết bị viễn thông trái phép lừa đảo người dùng. [5]
Một vài ví dụ nêu trên không nhằm mục đích đánh giá về giới doanh nhân Đài Loan hay công dân vũng lãnh thổ này mà chỉ nêu lên một thực tế, rằng không phải tất cả những nhà đầu tư đến từ Đài Loan đều tôn trọng pháp luật nước sở tại và công pháp quốc tế.
Đầu tư nước ngoài là cần nhưng không thể vì thu hút đầu tư mà ưu ái quá mức, cũng không thể vì nguồn vốn nước ngoài mà chấp nhận biến Việt Nam thành bãi thải công nghiệp cho các nước tư bản phát triển.
Chính quyền Trung Quốc hay Đài Loan cũng không thể vì quyền lợi của mình mà dung túng cho doanh nghiệp hay công dân phá hoại nền kinh tế nước khác.
Hậu quả mà Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung gánh chịu hôm nay có phải xuất phát từ căn bệnh thành tích, đua nhau thu hút đầu tư bằng mọi giá hay còn vì một số người có trách nhiệm chấp nhận rủi ro rất lớn để đổi lấy lợi ích nho nhỏ?
Câu chuyện Formosa, Vedan liệu có lặp lại với nhà máy giấy không lồ Lee & Man bên bờ sông Hậu hay khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên?
Không thể để chủ đầu tư nước ngoài định hướng cho nhà nước Việt Nam nên làm gì và làm như thế nào?
Chủ trương không đánh đổi sinh kế của người dân, sức khỏe của giống nòi lấy cái lợi nhỏ trước mắt liệu đã được quán triệt nghiêm túc từ trung ương tới địa phương?
Ở tầm vĩ mô, cần xem xét căn bệnh đua nhau thu hút đầu tư bằng mọi giá tại các địa phương, không thể chấp nhận rủi ro lớn, lâu dài để đổi lấy lợi ích nhỏ trước mắt.
Cần gắn trách nhiệm các lãnh đạo địa phương đang “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư nước ngoài với những sự cố có thể xảy ra kể cả khi đã rời vị trí công tác.
Cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền Hà Tĩnh đến đâu khi không kiểm soát được vụ xả thải này, vì sao thời gian hoạt động của Formosa lên đến 70 năm, vượt quá quy định của pháp luật hiện hành?
Tài liệu tham khảo:
[2] baodatviet.vn/kinh…/trung–quoc-day-lac–hau-sang-nuoc-khac-de-cuu-minh-3102894..
[3] www.baomoi.com/Canh-giac-voi-cong–nghe–lac–hau…Trung–Quoc.
[4] http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Cong-ty-sat-thep-Sun-Steel-trom-cuoc-vien-thong/10786165/218/
[5] http://news.zing.vn/chinh-quyen-dao-dai-loan-to-trung-quoc-bat-coc-cong-dan-post641105.html
X.D.