1. Giáo trị
Luân Lê
Khi cô giáo Trần Thị Mỹ Hà bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo chỉ vì một phát ngôn rất đỗi đời thường của một con người bình thường, cô lại bị đám đông dư luận và quan trọng hơn cả là những kẻ cùng lợi ích xâu xúm vào để đè xé cô ra.
Một cô giáo, nói lên tiếng nói đời thường của một con người bình thường, mà bỗng trở thành con mồi của đám đông, của những định tắc bó hẹp của tổ chức mà rồi bị đem ra xử lý tức thì trước sự ngỡ ngàng đến bất bình của nhiều lớp người trong xã hội. Vậy thử hỏi rằng, nền giáo dục này rồi sẽ đi về đâu và hình thù của nó sẽ ra sao, với kiểu cách quản lý, điều hành mang đầy tính áp đặt chính trị và trói buộc khủng khiếp đến thế này?
Một chuyện nhỏ, nhưng không hề nhỏ đối với nền giáo dục của một quốc gia. Đặc cách cho vợ phi công hy sinh khi làm nhiệm vụ đã là một kiểu tiền lệ hiếm có, huống hồ lại xử lý một người có chính kiến cá nhân và cũng là cảm nghĩ của một thể lý bình thường về nhận thức! Chẳng lẽ họ cứ nhất nhất phải tuân theo, phải câm miệng lại và không được lên tiếng dù có bức xúc, không đồng tình với một điều gì đó trong cuộc sống, công việc, tổ chức chứa mình hay sao?
Bởi thế mà mới có tình trạng chạy công chức giáo viên, rồi kiểu luồn lách, quan hệ, nịnh bợ để tiến thân và dẫn đến nền giáo dục ngày càng tụt hậu, mất tự do tư tưởng là vậy. Mà một khi đã không có tự do tư duy và tự do biểu đạt chính kiến thì đó là nền giáo dục của sự hủ bại, kìm hãm con người, làm thui chột trí tuệ. Và nền giáo dục được dẫn dạy bởi những con người chỉ răm rắp theo lệnh, theo định hướng, chỉ biết đến giấy khen và thành tích, đến những khuôn mẫu, nguyên tắc định khung và kỷ luật, thì cũng chỉ tạo ra được những sản phẩm như là những cỗ máy vô tri, vô dụng mà thôi. Ở đó, nơi của mệnh lệnh và áp đặt, thì làm gì có cơ hội để cho con người suy nghĩ, chủ động tiếp nhận tri thức và khai phóng tiềm năng bản thân nữa?
Đó chính là lý do cho bức “Thư ngỏ và chương trình 4 điểm” tôi viết và gửi tới đích danh ông tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục với khẳng định chắc chắn rằng, phải tách bạch việc chính trị hoá ra khỏi giáo dục là yếu tố tiên quyết nếu muốn tạo ra một nền giáo dục thịnh vượng thực sự.
Nghĩ đến thôi, tôi đã thấy kinh hoàng cho một nền giáo dục bị áp chế quá nặng nề về chính trị, về đường lối và định hướng đầy tính quyền lực.
Tôi rùng mình cho nền giáo dục này. Thế hệ trẻ sẽ học thế nào và phải khai phá tài năng của mình ra sao hay sẽ bỏ xứ ra đi tìm vùng trời mới hoặc phải vùi chôn mình trong sự chán chường, tuyệt vọng?
Và các bạn hãy xem ông ấy nói, thanh niên có tâm là phải yêu chế độ. Chứ không phải gieo vào trong tâm thức họ tình yêu thương quê hương, Tổ quốc và giống nòi mình là điều tiên quyết.
Họ giáo dục phải được yêu thứ có tính tạm thời, giai đoạn và bó hẹp thay cho những giá trị thiêng liêng, cao cả và trường tồn rộng mãi.
Điều lạ lùng của đất nước tôi.
L.L.
Nguồn: FB Luân Lê
2. Nặng
Luân Lê
Tôi tin rằng, không một tấm bảng trao tặng nào lại khiến người ta đau xót và cảm thấy bị xúc phạm đến như này.
Những tấm bảng quá nặng so với vành tang trắng trên đầu của người vợ anh Khải. Nó đã khiến chính người đàn bà ấy phải thốt lên rằng: “chẳng có gì cơ hội hơn nữa” ngay tại trang cá nhân của mình.
Một mẹ, một con, một vành tang trắng, khóc thương thân xác anh vừa mới về với mây trời, khi mồ đất lạnh còn chưa yên mà người ta đã thi nhau diễn trò trên nỗi đau đớn và mất mát của người khác.
Các bạn có thấy và hãy nhìn sâu vào đôi mắt, đôi tay của người đàn bà khổ hạnh ấy để thấy cô ấy như muốn buông bỏ và trốn khỏi tầm ngắm của những ống kính chuyên nghiệp đang đứng chờ sẵn để sau đó chúng cho xã hội thấy rằng “lòng từ bi của họ” là miễn phí và đáng được tuyên dương.
Tự do còn không miễn phí (Freedom is not free), thì những điều như vậy chỉ khiến người ta cảm thấy bản thân đang mang nợ mà luôn coi đó là một gánh nặng trên đôi vai và trong nỗi đau còn chưa ngớt một giây khắc nào.
Chính người nhận còn thấy bị xúc phạm và đau đớn vì những điều này, và ngay sau đó người ta lại tiếp tục dậy sóng rồi xâu xé đòi xử lý đối với phát biểu của cô giáo Hà về việc không đồng tình đặc cách vợ phi công Khải vào trường Chu Văn An để dạy học sau cái chết của chồng. Vậy họ, những người mang nỗi đau của người khác ra mà “trưng lên” giữa bàn dân thiên hạ thế này có nghĩ đến cảm nhận, danh dự và cả tình cảnh của cô ấy không?
Bố thí, từ thiện hay cho đi lòng tốt, trợ giúp người hoạn nạn lúc khó khăn luôn là một nghĩa cử cao quý, nhưng hãy xem “mục đích” và “cách người ta làm” thì mới hiểu thực sự hành động đó trọn vẹn nghĩa tình và đẹp đẽ đến đâu. Nhưng tuyệt nhiên và chắc chắn rằng, nó sẽ không phải bằng và thông qua cách ồn ào, trưng diện ra để người ta biết.
Bởi đồng tiền giá trị là những đồng tiền không gây ra tiếng động. Và vì thế, hành vi ý nghĩa là hành vi của và trong sự thầm lặng.
Nước mắt gia đình phi công Khải còn chưa nguôi, mà người ta dồn dập làm những việc chỉ khiến cho người nhận lấy thêm đau đớn hơn mà thôi.
Tôi lại tự hỏi mình, bây giờ tình người sao mà nặng đến thế? Và đạo đức quả là một thứ gì đó quá xa xỉ và cũng rất dễ dàng để bị trục lợi.
L.L.
Nguồn: FB Luân Lê