Khi thông tin mập mờ, người dân sẽ hoang mang và cuộc sống sẽ nhuốm màu chết chóc

1. Cá chết: ‘càng công bố chậm càng bất lợi’

clip_image002

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho rằng càng chậm công bố nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt thì càng bất lợi cho chính quyền.

Càng trì hoãn công bố nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt, thì người dân sẽ càng ‘uất ức’ và chính quyền càng bất lợi, một nhà hoạt động xã hội từ Việt Nam nói với BBC vào thời điểm gần tròn hai tháng xảy ra vụ thảm họa ô nhiễm nghiêm trọng.

Bình luận về ý kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam về nguyên nhân vụ cá chết tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ hôm 02/6/2016, ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam, người vừa có một tháng tới huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, miền Trung Việt Nam để điều tra độc lập, nói:

“Tôi thấy rằng, kể từ khi ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Võ Văn Tuấn trả lời một phóng viên của VTV, khi chị phóng viên này nhắc đến chuyện kim loại nặng, ông bảo rằng hỏi như thế là gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, thì tôi đoán rằng có thể có một sự thật nào đó rất là lớn.

Thời gian càng kéo dài như thế này, người khổ nhất vẫn là người dân và những uất ức này nó vẫn cứ dồn nén lại dần, thì có thể nó còn gây ra những hệ lụy còn nghiêm trọng hơn. Do đó trước sau gì, tôi nghĩ họ cũng phải công bố nguyên nhân nào đó – Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn

“Nó có thể gây ra những ảnh hưởng, những biến động lớn và như vậy họ (chính quyền) kiên quyết, họ giữ đến cùng, dĩ nhiên là thời gian không đứng về phía họ.

“Thời gian càng kéo dài như thế này, người khổ nhất vẫn là người dân và những uất ức này nó vẫn cứ dồn nén lại dần, thì có thể nó còn gây ra những hệ lụy còn nghiêm trọng hơn. Do đó trước sau gì, tôi nghĩ họ cũng phải công bố nguyên nhân nào đó”.

‘Chưa có ngay niềm tin’

Theo nhà hoạt động, ngay cả khi chính quyền ngưng ‘trì hoãn’ và công bố nguyên nhân, thì có thể người dân chưa ‘có ngay một niềm tin’, ông Nguyễn Anh Tuấn nói:

“Tuy nhiên với cách làm của họ như hiện nay tôi nghĩ sẽ rất là khó để họ (người dân) có thể có một niềm tin ngay khi mà họ (chính quyền) công bố kết quả, bởi vì những chuyện đã qua, những chuyện cấm tin nhắn, những từ khóa nhạy cảm, ví dụ như là chặn Facebook, rồi chuyện như là chỉ đạo không cho báo chí về thực địa để khai thác những hướng thông tin liên quan tới thảm họa, dần nó xói mòn niềm tin trong công chúng.

“Cho nên tôi nghĩ là ngay cả khi bây giờ người ta công bố nguyên nhân thì cũng khó có thể thuyết phục được người dân cho lắm và thêm nữa ngay trong lý do mà họ đưa ra để trì hoãn việc công bố, thì tôi thấy nó cũng không ổn.

clip_image004

Người dân Việt Nam phản đối vụ ô nhiễm làm cá chết hàng loạt.

“Tức là nếu như anh cần sự phản biện, nếu như anh nghĩ rằng mỗi bộ ngành có những hướng phân tích khác nhau, thì vì sao anh không đưa hết tất cả những thông tin đó, buổi phản biện đó, anh tổ chức những buổi phản biện công khai, để cho báo chí vào dự, để cho mỗi bộ được trình bày quan điểm của họ, những hướng phân tích của họ?

“Tất cả mọi thứ công khai lên, dưới ánh sáng của sự công khai minh bạch thì nó mới có thể có niềm tin, còn bây giờ anh bảo rằng có nhiều quan điểm khác nhau cần phản biện, mà anh không công khai tất cả những quan điểm đó ra, thì tôi nghĩ đó chỉ là một cách nói để câu giờ, để kéo dài thời gian”.

Trì hoãn, câu giờ?

clip_image005

Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo, với tiêu đề Tặng MC Phan Anh và MC Tạ Bích Loan

Theo nhà hoạt động, người vừa công bố hàng loạt clips mà ông và nhóm điều tra độc lập đã thực hiện khi phỏng vấn người dân ở huyện Kỳ Anh trong một tháng, thì chính quyền vẫn đang muốn ‘trì hoãn, câu giờ’ hay là ‘kéo dài thời gian’, ông Nguyễn Anh Tuấn nói tiếp:

Vụ cá chết là một sự cố môi trường nghiêm trọng. Dư luận quan tâm là hoàn toàn chính đáng. Chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm minh bạch thông tin – Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn

“Mà thực sự từ lúc cá chết đến bây giờ, mọi hành động đều có ý nghĩa là kéo dài thời gian. Khi mà họ càng dùng những cụm từ như là quyết liệt, thì cuối cùng mục đích cũng chỉ là trì hoãn càng lâu càng tốt thôi”, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nói với BBC.

Hôm thứ Năm, truyền thông Việt Nam đưa tin về cuộc họp báo của Chính phủ, trong đó có nội dung trả lời câu hỏi của truyền thông Việt Nam về vụ cá chết hàng loạt, báo Tuổi trẻ Online ngày 02/6 tường thuật:

“Về nguyên nhân cá chết chưa thể công bố, Bộ trưởng Thông tin – truyền thông Trương Minh Tuấn nói rõ thêm: các nhà khoa học nỗ lực tìm ra nguyên nhân và đã sớm tìm ra nguyên nhân. Nhưng việc điều tra cá chết là nhiệm vụ của nhiều cơ quan nên còn nhiều ý kiến khác nhau vì thế cần phải rốt ráo xác dịnh nguyên nhân.

“Các cơ quan phải điều tra đầy đủ các bằng chứng pháp lý về môi trường xem các tổ chức, cá nhân có vi phạm không. Quan điểm của Chính phủ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cho nên, cần phải có thời gian kỹ lưỡng để có kết luận xác thực.

“Vụ cá chết là một sự cố môi trường nghiêm trọng. Dư luận quan tâm là hoàn toàn chính đáng. Chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm minh bạch thông tin”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn được tờ báo mạng trích lời, nói.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/06/160602_nguyenanhtuan_massfishdeath

2. “Chúng tôi mong ngóng từng ngày tin tức từ chính quyền”

Chau Doan

clip_image007

Ông Hồ Hữu Sìa, 67, (bên phải), Quảng Bình nói cả đời ông làm ngư dân chưa bao giờ ông nhìn thấy hiện tượng lạ đến vậy. Nhà ông cách mép biển chừng một trăm mét. – “Từ cửa nhìn ra, những con cá to cứ nhao lên bờ, đớp đớp như thể chúng muốn trốn chạy khỏi nước biển”, ông nói. “Phải là người lớn lên cùng với biển cả thì mới hiểu được cảm giác của ngư dân chúng tôi những ngày ấy. Tôi cảm thấy một nỗi sợ chạy khắp người mình”.

Trước đấy mấy ngày ông Sìa nhìn thấy một dòng chảy màu hồng hồng, khác hẳn với màu nước thường ngày. Những con cá ấy ít khi bắt được vì là loài cá sống ở dưới tầng sâu dưới đáy biển.

Những ngày đầu, người dân gom những con cá to ấy để bán cho thương lái. Theo ông Sìa thì chỉ người có tiền và quan chức mới thường ăn loại cá “ngon” này.
Sau khi có hiện tượng cá chết, ông Sìa vẫn đi tắm biển. Gia đình ông nấu những con cá nhỏ hơn để ăn. Tới ngày thứ ba thì ông Sìa cảm thấy từ ruột tới cổ họng của mình như có lửa. Tuy nhiên, điều lạ là da ông không bị ngứa ngáy, nổi mẩn như nhiều người khác.

Ông Sìa bảo xương cá nấu xong, thường trắng giờ thành đen sì, cả đời chưa bao giờ ông nhìn thấy điều ấy. Những con mực, trông ngoài bình thường nhưng nội tạng đã bị hoại tử.

Hồ Thị Đào, 32 tuổi (bên trái), là con gái ông Sìa. Cô cũng ăn cá nhưng bị nhiễm độc nặng hơn. Nôn mửa, tiêu chảy nhiều, phải nhập viện để tiếp nước.
Đào cho một cô bạn hai con cá bằng bàn tay để hấp cơm. Một con được ăn, con còn lại vẫn để trong nồi cơm. Sáng hôm sau, con cá ấy tự nát ra. Cô bạn của Đào cũng phải đi cấp cứu.

Bà Hương, 63 tuổi, một người cùng làng nói:

“Chúng tôi mong ngóng từng ngày tin tức từ chính quyền, chậm ngày nào là đời sống ngư dân chúng tôi khổ ngày ấy. Cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào biển, giờ biển thể này, chúng tôi sống bằng gì? Nhiều ngày, chúng tôi chỉ biết nhìn ra biển mà khóc!”

Từ ngày biển có vấn đề, mỗi ngư dân từ lúc xảy ra cá chết được ủng hộ duy nhất một lần 50,000 Đ và 7 kg gạo. Người dân đi tàu trung được đánh cá trở lại nhưng đánh cá về không dám ăn. Trong làng này số thuyền cỡ trung chỉ chiếm 30%. Cá đánh về chỉ người già như vợ chồng bà Hương ăn. Ba người con trai, con dâu và các cháu không dám ăn mặc dù rất thèm. Kể cả những con mực tươi nguyên cũng không dám. Có thương lái mua nhưng giá chỉ bằng 45 % trước kia.

Tầu nhỏ để câu mực thì nằm bất động, được phủ bạt che nắng. Bởi mực gần bờ không còn để đánh. Trên biển, những bẫy mực đóng bằng gỗ bày la liệt, phơi nắng.
Bà Hương không biết thương lái sẽ đổ hàng ở đâu. Câu hỏi được nêu ra với nhiều người khác nhưng họ đều lắc đầu. Hỏi sao không hỏi thương lái, họ bảo có hỏi nhưng thương lái không trả lời.

Vậy câu hỏi đặt ra là số lượng cá đấy được tiêu thụ ở đâu nếu không phải là làm mắm? Cơ quan nào sẽ kiểm định độ nhiễm độc của lượng cá này?
Đây là câu hỏi cứ ám ảnh tôi suốt và tôi nghĩ nó cũng sẽ ám ảnh tất cả chúng ta. Giờ đây những thứ gần gũi được dùng hàng ngày như nước mắm cũng là một mối lo.

Tôi nghĩ chính quyền nên có một chiến dịch truyền thông thật tốt để yên lòng người dân. Thay vì bưng bít thông tin, chính quyền nên cho người dân biết điều gì đang xảy ra.

Và sự chậm trễ này càng khẳng định Formosa là thủ phạm. Nếu là nguồn ô nhiễm sinh ra từ tự nhiên thì chính quyền sẽ không dại gì mà có thái độ mập mờ như hiện nay.

Khi thông tin mập mờ, người dân sẽ hoang mang và cuộc sống sẽ nhuốm màu chết chóc.

Người dân có quyền được biết điều gì đang diễn ra. Chính quyền không nên độc quyền về thông tin như hiện nay. Có thể cá đánh được đã an toàn, nhưng khi thông tin mập mờ, thương lái sẽ tận dụng điều này để hạ giá, bắt chẹt người dân.

C.D.

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10154175992878965&set=a.10150708808583965.425780.704543964&type=3&theater

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.