Nguyen Thanh Son
Có thể nhiều người sẽ thất vọng khi chờ đợi những hành động quyết liệt hơn của Mỹ, nhưng thông điệp của Tổng thống Mỹ khá rõ ràng “Muốn có những thứ tốt đẹp thì các bạn phải tự làm lấy, chẳng ai làm thay cho các bạn được cả”…
Một bài phân tích về chuyến đi của ông Obama sang thăm Việt Nam rất hay, chất lượng của Nguyen Thanh Son- Chairman at SAGE Brand and Communications Academy and Director General at T&A Ogilvy. Xin được chia sẻ cùng các bạn !
(https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10153627517332686&set=a.10150406154537686.356175.563647685&type=3&theater)
Từ ba tháng trước, giới doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam đã nháo nhào cố gắng tìm ra một dự án đầu tư nào khả dĩ trong thời gian Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam. Kết quả là không tìm ra một dự án nào cả, có một vài dự án có khả năng thì cũng mới chỉ ở mức đàm phán chứ chưa thể ép đến ký kết gì. Cuối cùng, như mọi khi, nước chủ nhà lại phải lôi bạn Thảo ra “cứu giá”, và GE, một trong số rất hiếm doanh nghiệp Mỹ thực sự cắm rễ ở VN ký thêm một cái MOU “gỡ danh dự”. Doanh nghiệp Mỹ vốn thực tế, ở thời điểm này bảo đầu cơ thì họ OK, chứ đầu tư thì đến tổng thống cũng chả ra lệnh được.
Vậy thì món quà lần này ông Obama mang sang chủ yếu là cái lệnh dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí. Trước khi ông Obama sang, người ta đã đoán già đoán non, thậm chí nhiều tờ báo đã đoan chắc rằng lệnh bãi bỏ này đã bị hoãn lại vì áp lực của những người đòi hỏi gắn lệnh bãi bỏ này với những tiến bộ của chính phủ VN trong vấn đề nhân quyền, đặc biệt trong bối cảnh của những vụ trấn áp mới của chính quyền với những người bất đồng chính kiến. Cuối cùng thì NYT vẫn đoán đúng khi tổng thống Obama vừa sang đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận (dù thòng thêm một câu “căn cứ từng trường hợp cụ thể và (liên quan đến vấn đề tuân thủ) quyền con người”- chủ yếu để làm im miệng những người phản đối). Việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí bất kể thành tích nhân quyền của Việt Nam cho thấy chính phủ Mỹ rất kiên định trong chính sách “can dự” đối với Việt Nam-ưu tiên hàng đầu là khuyến khích Việt Nam tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương với Mỹ, tránh những nghi ngại của chính phủ Việt Nam về việc Mỹ có thể “chơi rắn” khi động đến những điểm nhạy cảm của Việt Nam như nhân quyền và phong trào dân chủ. Và tất nhiên, để làm “mềm hóa” quyết định gây tranh cãi này, thì việc gặp gỡ đại diện của các nhà hoạt động xã hội dân sự cũng như nhấn mạnh vai trò của quyền tự do dân chủ, quyền con người là một thủ tục cần thiết để có thể “trấn an” những cái “đầu nóng” ở quê nhà. Có điều, là một tổng thống “vịt què” (lame duck president) sắp nghỉ hưu, ông Obama cũng không cần phải diễn quá sâu, bằng cớ là ông cũng không quá tức giận khi an ninh Việt Nam chẳng buồn nể mặt ông mà ngăn cản một số nhà bất đồng chính kiến tới gặp, và nói về những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền bằng một lối nói hết sức khéo léo và nhún nhường, đủ làm vừa lòng vị chủ nhà tự ti và mặc cảm.
Do vậy, thành quả của chuyến đi này chủ yếu nằm ở ý nghĩa chính trị, chứ không phải ý nghĩa kinh tế. Lần đầu tiên sau nhiều năm, chính phủ Việt Nam phải chấp nhận sự hiện diện của Đội quân Hòa Bình, tổ chức thiện nguyện rồi sẽ đưa các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực của Hoa Kỳ tới các ngõ ngách của xã hội Việt Nam. Đối với chính phủ Việt Nam, cái tên của Đội quân Hòa Bình thường đồng nghĩa với khái niệm “gián điệp” và “cố vấn Mỹ” – cho nên, sự cho phép Đội quân Hòa Bình hoạt động ở Việt Nam là một quyết định dũng cảm, dũng cảm hơn nhiều so với quyết định cho phép trường đại học Fulbright được hoạt động độc lập. Với việc Đội quân Hòa Bình rồi sẽ gây ảnh hưởng đến quần chúng (mass) và đại học Fulbright gây ảnh hưởng đến giới học giả elite, có vẻ chính quyền Việt Nam hiểu rằng khi thay đổi là không thể tránh khỏi, thì “diễn biến hòa bình” có vẻ cũng dễ chấp nhận hơn “diễn biến bạo lực”. Các hoạt động của ông Obama ở Việt Nam với các doanh nhân trẻ và Phong trào thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á hoàn chỉnh bức tranh chung đó và cũng thể hiện rõ chính sách nhất quán của Mỹ nhắm đến việc thay đổi từ từ, từ bên trong và nhằm vào tầng lớp thanh niên năng động của Việt Nam.
Đó là một chính sách thông minh, ít mạo hiểm và đúng đắn, nhất là khi Mỹ muốn có thêm một đối tác trong khu vực nhạy cảm này của thế giới, một chính sách “ép từ từ” sẽ tạo ra một quốc gia thân thiện và hâm mộ những giá trị Mỹ, trong khi lại không cần đầu tư quá nhiều. Có thể nhiều người sẽ thất vọng khi chờ đợi những hành động quyết liệt hơn của Mỹ, nhưng thông điệp của tổng thống Mỹ khá rõ ràng “muốn có những thứ tốt đẹp thì các bạn phải tự làm lấy, chẳng ai làm thay cho các bạn được cả”.
Từ facebooker Nguyen Thanh Son
Nguồn: https://www.facebook.com/nguyenthanhson/posts/10153578454527143
* Tên bài do BVN đặt