B. Obama, người hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt

Trọng Nghĩa

clip_image002

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại lễ đón tổng thống Mỹ tại Phủ chủ tịch (Hà Nội) ngày 23/05/2016. REUTERS/Hoang Dinh Nam/Pool

· Tải nạp chương trình này

Khi khởi sự chuyến công du Việt Nam vào hôm nay, 23/05/2016, ông Barack Obama đã trở thành vị tổng thống thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Hà Nội và Washington được cho là đang chia sẻ cùng một mối quan tâm chiến lược và ngày càng vun bồi lòng tin chiến lược trước một Trung Quốc hung hăng.

Đối với Việt Nam, vấn đề là làm sao bảo vệ chủ quyền biển đảo trên Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa, còn đối với Hoa Kỳ, mối quan tâm là đẩy mạnh chiến lược xoay trục qua vùng châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường trọng lượng của Mỹ tại Đông Nam Á, duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama khác biệt ra sao với các lần công du trước đây của hai người tiền nhiệm là Bill Clinton và G.W. Bush ? Liệu ông Obama có đáp ứng hay không yêu cầu của Việt Nam là gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí nhân dịp này, trở thành vị tổng thống Mỹ hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam khi giải tỏa cản lực cuối cùng trong địa hạt quốc phòng ?

Về các vấn đề trên, RFI đã được giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại Học George Mason (Hoa Kỳ) giải thích trong bài phỏng vấn sau đây, được thực hiện trước ngày tổng thống Mỹ lên đường qua Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại Học George Mason (Hoa Kỳ)23/05/2016 – Trọng NghĩaNghe

Bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ : Ba tổng thống Mỹ, ba lãnh vực

RFI : Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa bang giao (năm 1995) đến nay, ông Barack Obama là tổng thống đương nhiệm thứ ba của Mỹ đi thăm Việt Nam. Theo giáo sư, ý nghĩa chuyến công du này so với hai lần trước đây như thế nào ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Những chuyến thăm đó có hai đặc tính, thứ nhất là ý nghĩa biểu tượng : Mỗi khi Mỹ có tổng thống mới thì Việt Nam cũng muốn được ông ghé thăm để Việt Nam tăng uy tín. Về thực chất thì phải thấy là mỗi tổng thống Mỹ đều đi thăm Việt Nam vào những thời điểm khác nhau, với những nhiệm vụ khác nhau…

Ông Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên đi thăm Việt Nam vào năm 2000, sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Ông thăm Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ, khi cuộc bầu cử tổng thống mới ở Mỹ đã kết thúc, (nghĩa là không còn ở tư thế đưa ra những quyết định lớn), nhưng vì ông là người quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm năm trước đó, nên khi đến Hà Nội, ông được người dân Việt tiếp đón rất niềm nở.

Nhưng ngược lại, ông lại có một cuộc đối thoại khá gay gắt với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Khả Phiêu. Điều đó có nghĩa là vào giai đoạn đó, lòng tin chiến lược giữa hai bên còn thấp, và trong giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn sự nghi ngờ ý định của Hoa Kỳ.

Chuyến thăm của tổng thống Bush diễn ra tốt đẹp hơn. Ông thăm Việt Nam lúc còn ở đỉnh cao quyền lực, hai năm trước khi nhiệm kỳ chấm dứt. Ông thăm Việt Nam để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Chuyến thăm đó có thể được coi là thành công, vì trước đó tình trạng nhân quyền ở Việt Nam được coi là đã cải tiến đủ để chính quyền Mỹ rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước « Cần quan tâm đặc biệt » (về vi phạm tự do tôn giáo).

Rồi sau khi ông Bush về nước, Quốc Hội Mỹ đồng ý cấp cho Việt Nam quy chế « quan hệ mậu dịch bình thường » (Normal Trade Relations), tức là hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ kinh tế với Việt Nam.

Như vậy, ông Bill Clinton là người bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ông Bush là người bình thường hóa quan hệ kinh tế, còn bây giờ ông Obama cũng thăm Việt Nam, cũng vào cuối nhiệm kỳ, nhưng với nhiệm kỳ còn dài hơn ông Clinton, ông còn làm tổng thống 8 tháng nữa với đầy đủ quyền hành của một cường quốc mạnh số một trên thế giới.

Ông Obama đến Việt Nam trong khi tình hình Biển Đông căng thẳng và quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã đạt được tiến bộ trông thấy. Nhưng bởi vì có vụ « cá chết », rồi sự chống đối, và một số vụ bắt bớ, điều đó đã tạo ra một hoàn cảnh khá bất lợi cho việc hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ quốc phòng bằng việc Mỹ bãi bỏ toàn phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam…

Bỏ cấm vận vũ khí thể hiện bước đột phá

RFI : Có nhà phân tích gọi đây là một bước “đột phá” mới trong quan hệ Mỹ-Việt ? Ý kiến giáo sư ra sao ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Người ta rất kỳ vọng là ông Obama sẽ tuyên bố bãi bỏ toàn phần cấm vận vũ khí Việt Nam, tức là hoàn tất việc bình thường hóa quan hệ về mặt quốc phòng.

Nhưng mà như tôi nói, khung cảnh hiện nay tương đối khá bất lợi cho việc ông Obama làm chuyện đó. Dĩ nhiên ông Obama có quyền làm, nhưng ông sẽ phải trả giá chính trị rất lớn. Mà ông Obama lại đang trong giai đoạn để ý đến di sản mà ông để lại cho sau này.

Tuy nhiên, nếu hai bên dàn xếp được – tôi thấy có những bước, thí dụ như vụ thả cha Lý – để tiến đến việc ký kết các cam kết quan trọng trong cộng tác quốc phòng giữa hai nước, hay là đến tuyên bố bỏ toàn phần cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, thì người ta có thể coi đó là môt bước « đột phá ».

Từ Clinton đến Obama, lòng tin chiến lược ngày càng nẩy nở

RFI : Việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai bên thường được nhắc đến như là chìa khóa để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương Mỹ-Việt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần hậu thuẫn của Mỹ để đối phó với các thủ đoạn bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Giáo sư nhận xét sao về vấn đề này ? Có thuận buồm xuôi gió hay không ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Tôi nghĩ là có tiến bộ trong việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước. Khái niệm lòng tin chiến lược đã được thủ tướng trước của Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đưa ra rất nhiều lần và được Việt Nam nhắc lại nhiều lần.

Một chỉ dấu đầu tiên cho thấy lòng tin chiến lược được tăng tiến là khi ông Obama bỏ qua các thủ tục ngoại giao thông thường để đặc biệt đón tiếp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Mỹ. Việc này được Việt Nam coi là một tiến bộ lớn trong việc xây dựng lòng tin chiến lược.

Với hành động này, người Mỹ cho Việt Nam cái chỉ dấu rằng họ nhìn nhận không chống lại thế chế chính trị của Việt Nam, và cũng không có ý định can thiêp vào nội bộ chính trị của Việt Nam.

Tuy nhiên sự khác biệt về thể chế và giá trị chính trị luôn luôn là cản lực không cho hai nước đi đến « lòng tin chiến lược » hoàn toàn.

Gần đây, ngoài việc ông Trọng, còn có một cuộc phỏng vấn cựu đại sứ (Việt Nam tại Mỹ) Lê Văn Bàng, trong đó ông ấy nói đến « hội chứng Mỹ » của Việt Nam, tức là nếu phía Mỹ có « hội chứng Việt Nam », thì bên Việt Nam cũng có « hội chứng Mỹ », tức là tâm lý rất nghi ngờ ý định của Mỹ. Nhưng theo ý ông Bàng,chuyện đó đã bớt đi nhiều, mà chỉ còn một bộ phận còn nghi kỵ thôi.

Và ông Bàng nghĩ rằng nếu hai nước muốn tiến lên hơn nữa thì phải đẩy mạnh lòng tin chiến lược, mà ở Việt Nam thì phải bỏ bớt cái « hội chứng Mỹ ».

Nhân quyền vẫn là cản lực

RFI : Phải chăng nhân quyền tiếp tục là cản lực trong tiến trình xây dựng lòng tin chiến lược đó ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Điều đó đúng. Thật ra, những người có trách nhiệm về vấn đề nhân quyền của hai nước đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xử lý vấn đề nhân quyền.

Nhưng trong khung cảnh hiện tại, với những diễn biến tôi vừa nói (bầu cử Quốc Hội, sự bắt bớ một số người,vụ chết cá ở miền Trung, các cuộc biểu tình chống đối…) thì vấn đề xử lý nhân quyền trong khung cảnh hiện tại gặp nhiều khó khăn hơn, và sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì một số lý do như sau đây :

(1) Trào lưu thời đại đã biến nhân quyền thành một vấn đề không thể hoàn toàn gạt bỏ trong quan hệ quốc tế ; (2) càng ngày càng có thêm các đoàn thể, cá nhân, quan tâm và hoạt động cổ vũ cho vấn đề nhân quyền ; (3) các tiến bộ kỹ thuật khiến việc vi phạm nhân quyền không những khó giấu kín, mà còn được khuếch đại và phổ biến rộng rãi và nhanh chóng qua internet, blog, facebook, và text messages (tin nhắn)…, làm cho vấn đề khó giải quyết ; (4) tiến bộ kỹ thuật này cũng khiến cho chính quyền gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn những lời kêu gọi hoặc tổ chức những cuộc biểu tình chống đối, hoặc có quy mô lớn, hoặc có tính cách du kích.

Mỹ : Đối trọng khả tín duy nhất cho Việt Nam

RFI : Theo giáo sư, Mỹ có thể mang lại cho Việt Nam điều gì trong đối sách kháng lại bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Nga có dấu hiệu « về hùa » với Trung Quốc trên hồ sơ này ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Mỹ đã tuyên bố rõ rằng sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ và cũng đã cung cấp cho Việt Nam ngân khoản và tàu để gia tăng khả năng cảnh sát biển Việt Nam.

Trong bối cảnh gần đây chúng ta thấy Nga có thể nói một cách nào đó là « về hùa » với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, thì Mỹ ngày càng trở nên một đối trọng quan trọng cho Việt Nam. Mà ngay cả trước khi Nga có dấu hiệu đó, thì Mỹ vẫn là một đối trọng khả tín duy nhất trước sức mạnh của Trung Quốc.

Nhưng việc Mỹ giúp đỡ Việt Nam tới mức độ nào, và việc cộng tác quốc phòng giữa hai nước đi đến đâu, thì còn tùy thuộc rất nhiều vào sự tính toán và các hành động cụ thể của Việt Nam nhằm đẩy mạnh sự giúp đỡ ấy.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160523-obama-nguoi-hoan-tat-tien-trinh-binh-thuong-hoa-quan-he-my-viet

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.