Từ Cộng sản đến Dân chủ – Bài học Ba Lan (Kỳ 3)

Tác giả: Sergio Bitar, Abraham F. Lowenthal

Người dịch: Phan Trinh

Phần 2 (Tiếp theo):

Phỏng vấn Aleksander Kwasniewski, Tổng thống Ba Lan 1995-2005

___

16. CẢI CÁCH KINH TẾ. 17. CẢI CÁCH HIẾN PHÁP. 18. HỆ THỐNG CHÍNH QUYỀN. 19. ẢNH HƯỞNG QUỐC TẾ. 20. THÀNH VIÊN EU. 21. ẢNH HƯỞNG CỦA LIÊN XÔ VÀ NGA. 22. VAI TRÒ CỦA MỸ. 23. BỐN LỜI KHUYÊN. 24. VAI TRÒ CÔNG AN VÀ QUÂN ĐỘI. 25. Ý NGHĨA VÀ SỨC HÚT CỦA DÂN CHỦ.

___

“Đầu tiên, tôi sẽ lặp lại rằng không có một con đường nào chung cho tất cả, không có một toa thuốc nào chung cho mọi căn bệnh. Tôi nghĩ sẽ là sai lầm nếu người ta đến từ nước khác và nói rằng “Điều này đã rất thành công tại Ba Lan, vì vậy ta phải làm theo và mọi sự sẽ ổn”. Không. Điều rất quan trọng là phải hiểu các yếu tố địa phương, hiểu tình hình địa phương. Nhưng tôi tin rằng các bạn trẻ đến với tôi là những người có hiểu biết về tình hình nước mình và họ có trách nhiệm hiểu những gì đang diễn ra. Vậy tôi sẽ nói rằng: “Được rồi, hãy nhìn vào tình trạng nước bạn. Cơ hội là gì? Hạn chế là gì? Chướng ngại vật nằm ở đâu?”

Thứ hai, tôi sẽ nói với họ rằng: “Bạn phải có một chiến lược, vì nếu bạn muốn thay đổi đất nước mình thì buộc phải có một mục đích. Và mục đích không chỉ gồm việc bạn muốn nắm quyền và muốn điều hành đất nước. Mục đích của bạn phải là tự do, mục đích phải là dân chủ, mục đích phải là công bằng xã hội, là nền pháp trị, là hòa bình, là quan hệ tốt với các nước láng giềng, vân vân”. Mục đích và chiến lược là cực kỳ quan trọng. Ba Lan may mắn vì chúng tôi có một chiến lược, và đó không phải là chiến lược của chỉ một đảng, mà là của đại đa số người dân, đó là tự do, đó là an ninh, là Châu Âu hóa, là hiện đại hóa đất nước, và dân chủ.

Điều thứ ba là phương pháp. Đối thoại là phương pháp làm chính trị tốt nhất. Phải áp dụng được nó, ngay cả với đối thủ, ngay cả với kẻ thù. Dĩ nhiên, việc đối thoại thì phe đối lập dễ dàng chấp nhận hơn, nhưng những người nằm trong chính quyền độc tài lại thấy không dễ chút nào, nhưng đối thoại phải dứt khoát là nền tảng của mọi việc, vì nếu không đối thoại, bạn sẽ không có cơ hội nào để đi tới.

Lời khuyên thứ tư của tôi là: Cần phải hiểu lập trường khác nhau của những người mà bạn đang tiếp cận. Bạn phải hiểu rằng, kể cả người trong nhóm, và đặc biệt là khi bạn bắt đầu nói chuyện với người khác, bạn sẽ gặp những lối suy nghĩ khác nhau, những kinh nghiệm khác nhau, những mức độ nhạy cảm khác nhau. Trong thế giới đa dạng phong phú này, chúng ta đều rất khác nhau, cần phải nhìn ra và tôn trọng tất cả những khác biệt này, cũng không nên kinh ngạc hay thất vọng vì những khác biệt của người khác với mình.

Nói cụ thể hơn, trường hợp của Cuba có lẽ gần với hiểu biết của tôi hơn, vì tôi biết chuyển đổi hậu cộng sản là thế nào. Cuba, tôi nghĩ tình hình cũng tương tự, ở mức nào đó, với những gì chúng tôi gặp ở nhiều nước Châu Âu, vì thử thách đầu tiên là phe đối lập cần phải đoàn kết hơn và đưa ra được một chiến lược.

Ý thức hệ của Castro đã từng tạo cảm hứng mạnh, không chỉ thu hút hàng triệu người Cuba mà còn tạo cảm hứng cho nhiều triệu người trên thế giới. Nhưng ngày nay, sau rất nhiều năm, ý thức hệ đó gần như lụi tàn. Tiền đồ của Cuba lệ thuộc rất nhiều vào việc họ có được những nhóm người cải cách bên trong hàng ngũ Đảng Cộng sản hay không, vì theo tôi, tất cả những gì sẽ diễn ta tại Cuba trong những năm kế tiếp sẽ là kết quả của những gì đang diễn ra bên trong nội bộ Đảng, chứ khó là kết quả những gì diễn ra trong quan hệ giữa Đảng và phía đối lập”.

“Công an mật vụ là lực lượng nguy hiểm nhất vì họ được tổ chức rất kỹ càng, được trả lương hậu hĩnh và được thúc đẩy chống lại sự thay đổi. Trong mọi nền độc tài, công an mật vụ chỉ có tấm vé một chiều đi tới, vì tay họ nhúng vào quá nhiều máu, và họ chỉ có thể đi tới bằng cách trở nên hung bạo hơn.

Nhưng quân đội thì lại có một tình trạng hoàn toàn khác. Quân đội là một tổ chức khổng lồ, và trong những quân đội đúng đắn thường có nhiều người biết suy nghĩ tích cực và thực sự quan tâm đến đất nước. Họ sẽ không thích thú gì khi phải can dự vào những hành động quân sự chống lại phe đối lập, nhưng họ thấy mình có phần trách nhiệm với tương lai và an ninh tổ quốc.

Ở hầu hết các nước, đại đa số binh sĩ của quân đội đều xuất thân từ những gia đình rất đơn sơ. Họ không phải là con cháu giới quý tộc, họ là những chàng trai con cái gia đình thường dân – là công nhân, nông dân, thư ký văn phòng. Kết quả tự nhiên là quân đội thường gần gũi hơn với đời sống bình thường của người dân. Quân đội trong các chế độ độc tài có thể giữ một vai trò rất tiêu cực nếu các lãnh tụ chính trị quyết như vậy. Kinh nghiệm của Ba Lan thì khác, vì trong quân đội chúng tôi tìm thấy rất nhiều người sẵn sàng ủng hộ cải cách và chuyển đổi.

Về một lời khuyên có ích cho các lãnh tụ đối lập, thì xin nói rằng ở Ba Lan chúng tôi có hai phương án: Nếu một ngày, đại diện của phe đối lập trở thành Thủ tướng hoặc Tổng thống mới của đất nước, ông ấy sẽ không thể thay đổi vai trò của quân đội ngay lập tức được. Ông ta không thể nói rằng: “Từ nay, quân đội cũ chấm dứt và tôi sẽ lập ra một quân đội mới”, hoặc nói rằng: “Công an đã hết việc và tôi sẽ tổ chức một lực lượng mới”. Chuyển đổi có nghĩa là cần phải tìm ra một sự cân bằng giữa chế độ cũ và chế độ mới, nhưng việc này không hề dễ dàng. Quan trọng là ngay từ ban đầu hãy nói rằng: “Này, điều đầu tiên chúng tôi muốn mọi lực lượng an ninh phải làm được là trung thành với Chính phủ mới, với Tổng thống dân cử mới”, và rồi sau đó, từng bước một ta sẽ có thể thay đổi và chuyển hóa những định chế này”.

“Nếu bạn muốn làm cách mạng ngay từ đầu, tôi nghĩ sẽ không hiệu quả. Tại Ba Lan, chúng tôi có một nhóm rất mạnh các chính khách như Kaczynski [Tổng thống 2005-2010] và một số đồng nghiệp của ông, họ khẳng định hoàn toàn chắc chắn rằng sai lầm của Ba Lan là đã không thực hiện một cuộc cách mạng ngay sau Đàm phán Bàn tròn. Mọi cuộc chuyển đổi đều có ít nhiều yếu tố cách mạng, ít nhiều yếu tố trả thù ân oán cũ, ít nhiều khát khao trừng phạt đại diện của chế độ cũ để cảm thấy thay đổi thực sự đang diễn ra. Tôi rất chống lại lối suy nghĩ này. Theo tôi, sự tiệm tiến/diễn biến tuần tự (evolution), ngay cả khi nó mất thời gian hơn và đôi khi tốn kém hơn, thì vẫn tốt hơn là cách mạng (revolution). Nhất là hiện nay, với phương tiện truyền thông hiện đại, diễn biến có khả năng thành công cao hơn. Cuộc chuyển đổi theo phương pháp tiệm tiến có thể kiểm soát được và có thể cuối cùng tạo nên những kết quả rất tích cực”.

“Người dân Ba Lan và người dân các nước khác năm 1989 nói rằng: “Làm ơn đừng nói về mở rộng dân chủ chút ít rồi dừng lại, chúng tôi muốn dân chủ đích thực, chứ không phải ‘Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa’, chúng tôi không muốn một thứ dân chủ đại khái nào đó, mà muốn có dân chủ thật”. Quần chúng hiểu rất rõ bằng bản năng, dù họ không được học hành nhiều, rằng dân chủ có nghĩa là họ sẽ được bầu cử tự do, họ sẽ phải chấp nhận luật lệ dân chủ, họ sẽ có một nền truyền thông báo chí tự do, có quyền có thông tin, vân vân. Bạn có thể hỏi người bình thường nhất trên đường phố dân chủ là gì, và họ sẽ trả lời cho bạn nghe”.

Aleksander Kwasniewski

 

16.

Cải cách kinh tế

HỎI:

Trong mọi cuộc chuyển đổi thì động lực chủ yếu vẫn là chính trị, các nhà lãnh đạo đưa ra chính sách kinh tế dựa trên tác động có thể có của nó đối với chính trị. Tại một số nước thì cải cách kinh tế được thực hiện từ từ để tránh phản tác dụng, còn ở Ba Lan, chính quyền tiến hành liệu pháp sốc. Tại sao lại làm như vậy?

ĐÁP:

Đúng thời điểm là yếu tố quan trọng nhất, và quan trọng không kém là cần phải nhắc lại rằng không có một giải pháp chung cho mọi tình huống ở mọi nơi. Thực ra, cũng tốt nếu có được hai hoặc ba “bài thuốc”, như ta thường có khi ghé hiệu thuốc, để trao cho các nước như Cuba, Myanmar hoặc các nước khác, nhưng điều đó không thể có.

Tuy nhiên, để phân tích trường hợp Ba Lan thì rất cần nhớ rằng chúng tôi đã có một tình hình kinh tế cực kỳ tồi tệ, rất bi thảm, điều này khiến chúng tôi phải mạnh dạn đưa ra những quyết định có tính rủi ro. Chúng tôi lúc đó đang bị lạm phát phi mã và món nợ nước ngoài thì khổng lồ. Cải cách mạnh tay và nghiêm khắc là con đường duy nhất để cải thiện tình hình. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi may mắn vì có được một Chính phủ thấy rõ mình phải làm điều gì cho nền kinh tế. Và Chính phủ đã tìm ra đúng người, đúng đội ngũ. Có một đội ngũ khá đông đảo làm việc với Bộ trưởng Tài chính Balcerowicz, và họ đều là những nhà trí thức và chuyên gia sẵn sàng bắt tay vào việc.

Đôi khi cần phải tiến hành phẫu thuật sâu, nhưng nếu ta không có Bác sĩ giỏi thì kết quả có thể là bi kịch. Tại Ba Lan, chúng tôi đã tìm được những “bác sĩ” giỏi, những chuyên gia hết sức quyết tâm. Trong những tháng đầu tiên của nền dân chủ mới, sinh hoạt chính trị phải nói là đầy ắp sự hiểu biết lẫn nhau. Trong số có cả những cựu đảng viên cộng sản nay là dân biểu trong Quốc hội. Không khí đầy ắp tinh thần trách nhiệm, đầy ắp sự đồng thuận về nhu cầu hiện tại và về những việc cần làm cho tương lai.

Từ đó đến nay, chúng tôi đã có một số nhiệm kỳ Quốc hội được bầu cử hoàn toàn tự do. Nhưng nếu ta đi hỏi thăm nhiều người rằng nhiệm kỳ Quốc hội nào là tốt nhất thì câu trả lời sẽ là Quốc hội nhiệm kỳ 1989-91, tức Quốc hội đầu tiên và không được bầu cử hoàn toàn tự do, nhưng tốt nhất vì Quốc hội đó có được tinh thần đồng thuận và dấn thân hết sức đặc biệt.

Sự kết hợp những thay đổi trọng đại này trong hệ thống chính trị và những quyết định khá cứng rắn về kinh tế quả thực là chỉ có thể đưa ra trong hai năm đầu. Nếu lâu hơn sẽ hoàn toàn không thể đưa ra các quyết định tương tự.

Cuộc bầu cử Quốc hội hoàn toàn tự do đầu tiên năm 1991 được tổ chức mà không có quy định phải có 5% số phiếu để một chính đảng có ghế trong Quốc hội, vì vậy ngay cả một đảng chỉ dành được 1% phiếu cũng có ghế. Hậu quả là chúng tôi có đến 23 đảng phái chính trị khác nhau trong Quốc hội. Thử hỏi 23 đảng phái chính trị này có thể cùng ủng hộ một chương trình cải cách cứng rắn và phức tạp sẽ khiến nhiều người mất việc và một số địa phương nghèo hơn không? Dứt khoát là không thể. Chính vì vậy mà đúng thời điểm là rất quan trọng.

Ngày hôm nay, quần chúng trên đường phố các nước Bắc Phi, hoặc các nước khác, đang đấu tranh cho tự do, cho dân chủ, cho nhân phẩm, và cho mọi điều tốt đẹp khác. Dĩ nhiên, họ sẽ không sẵn sàng chấp nhận, hoặc thảo luận, những vấn đề kinh tế phức tạp. Và dĩ nhiên, khi chế độ thay đổi và họ lên nắm quyền, hệ quả đầu tiên thường thấy là sẽ có thêm các đảng phái chính trị trong khi đối thoại lại giảm bớt, và như thế xung đột sẽ xảy ra nhiều hơn.

Thực ra, rất khó để tìm được một cánh cửa cơ hội chóng vánh nhưng cần thiết để tiến hành những cải cách kinh tế đau đớn. Theo tôi, những cải cách này, trên thực tế và lý thuyết, chính là thử thách chủ chốt của các cuộc chuyển đổi qua dân chủ.

Vậy thì làm thế nào để kết hợp hai yếu tố này, làm thế nào để vừa xây dựng một thể chế chính trị – thường làm mọi người đầy ắp hy vọng (có khi thiếu thực tế) – vừa đưa ra những biện pháp kinh tế hết sức cụ thể? Làm thế nào để huy động được sự ủng hộ và hiểu biết của các lãnh tụ chính trị mới, của nhiều đảng phái mới và của quần chúng trên đường phố về những cải cách khó khăn này?

Điều tôi biết từ các nước khác trong khu vực này là khi họ chọn đường lối cải cách tiệm tiến và không dùng liệu pháp sốc (nhiều nhà lãnh đạo còn kiên quyết chống lại các chính sách gây sốc này), họ đã tạo ra rất nhiều vấn đề, vì dù sao thì vẫn cần phải đưa ra những chọn lựa đau đớn. Giống như phẫu thuật: Bạn sẽ dễ chấp nhận một cuộc phẫu thuật rủi ro và khó khăn nhưng nhanh gọn, trong khi bạn khó có thể chịu được một cuộc phẫu thuật ít đau nhưng kéo dài, gây khó chịu mỗi tháng một lần, suốt năm hoặc bảy năm. Tình hình này, phần nào, là những gì đang diễn ra tại Hy Lạp hiện nay chẳng hạn.

***

17.

Cải cách Hiến pháp

HỎI:

Trong hầu hết các cuộc chuyển đổi, xây dựng một Hiến pháp mới và một thỏa thuận xã hội mới là việc quan trọng. Tại Ba Lan, có một số thay đổi trong Hiến pháp năm 1989, và một số thay đổi nữa năm 1992 trong Hiến pháp Nhỏ (Hiến pháp tạm thời). Suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình, Walesa đã không thể thông qua những cải cách Hiến pháp trọng yếu, nhưng ông thì lại làm được năm 1997. Vậy ông đã trải qua quá trình nào, giúp Ba Lan đạt được đồng thuận để thông qua Hiến pháp mới?

ĐÁP:

Thông qua một Hiến pháp mới là tối quan trọng và rất khó khăn. Thành thực mà nói, Ba Lan cũng rất gần với tình trạng như tại Chi-lê (thiếu đồng thuận chính trị để thay thế Hiến pháp thời độc tài Pinochet). Chúng tôi có Hiến pháp cũ thời cộng sản với ngày càng nhiều những sửa đổi, vì thực ra rất khó huy động được hai phần ba đa số hiến định trong Quốc hội để thông qua Hiến pháp. Nhưng trên thực tế, huy động quần chúng ủng hộ thông qua trưng cầu dân ý thì dễ dàng hơn.

Tại Ba Lan lý do để đấu tranh cho một Hiến pháp mới rất rõ ràng, là vì Hiến pháp cũ của chúng tôi được dùng từ thập niên 1950, lúc đó phải gửi nó qua Liên Xô để Stalin xét duyệt. Vì vậy với đa số người dân Ba Lan, thay đổi một Hiến pháp đậm chất Stalin là việc hoàn toàn tự nhiên và cần thiết. Thay đổi nó quan trọng không chỉ về mặt chính trị, mà còn cần thiết vì nội dung nữa.

Người tiền nhiệm của tôi trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Cải tổ Hiến pháp tại Quốc hội là Giáo sư Geremek, một người vô cùng thông thái và đáng kính. Ông không thành công lúc bấy giờ vì rất khó hoàn thành công việc trong nhiệm kỳ Quốc hội các năm 1991-93, có quá nhiều các đảng phái chính trị với nhiều cái nhìn khác nhau.

Trong cuộc bầu cử năm 1993, chúng tôi chấp nhận tỉ lệ tối thiểu là 5% số phiếu để một đảng có ghế trong Quốc hội. Với tỉ lệ tối thiểu này cùng sự tan rã của các lực lượng cánh hữu [trong đó có Công đoàn Đoàn kết], nên đã không có đảng cực hữu nào có ghế trong Quốc hội. Liên minh Cánh tả Dân chủ của chúng tôi, cùng các đảng liên minh với chúng tôi là Đảng Nông dân Ba Lan (Polskie Stronnictwo Ludowe – PSL), chiếm được đa số tại Hạ viện. Và tôi (với tư cách là người lãnh đạo Liên minh Cánh tả Dân chủ) được giao nhiệm vụ đứng đầu Ủy ban Cải tổ Hiến pháp. Tôi lập tức mời một đảng đối lập rất quan tâm đến Hiến pháp, là đảng của Mazowiecki và Geremek, có tên là Liên đoàn Tự do, trở thành một phần của đa số hiến định nói trên, và chúng tôi bắt đầu làm việc với nhau.

Cũng cần biết là khi Quốc hội thảo luận các dự luật ngay trước khi hết nhiệm kỳ thì các dự luật đó có thể bị bỏ quên trong khóa họp tới, vì Quốc hội mới không buộc phải thảo luận các dự luật khóa trước để lại. Dự thảo Hiến pháp cũng vậy. Chúng tôi có năm hoặc sáu công trình đề xuất chỉnh sửa rất hữu ích, một số do các đảng theo khuynh hướng bảo thủ soạn thảo, nhưng chúng cũng không được mang ra bàn tại Quốc hội mới. Nhưng tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ cùng khởi động lại tất cả các công trình này.

Ý tưởng chính là thảo luận và có phản biện đối với mọi nội dung và đề xuất chỉnh sửa. Dĩ nhiên điều này rất mất thời gian, nhưng chúng tôi kiểm soát được tiến trình vì chúng tôi có đa số. Rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện với Giáo hội Công giáo, vốn là một nhân tố quan trọng. Những cuộc đối thoại diễn ra tốt đẹp với Giáo hội và cuối cùng chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị bản thảo Hiến pháp.

Tôi được bầu làm Tổng thống năm 1995. Năm 1997, chúng tôi đưa dự thảo Hiến pháp ra trưng cầu dân ý toàn quốc, và mọi người đã bỏ phiếu chấp thuận. Điều đó chưa từng xảy ra tại Ba Lan. Tôi nghĩ nếu chúng tôi đã không làm những việc đó trong những năm từ 1993 đến 1997 thì sẽ vô cùng khó khăn để đưa ra Hiến pháp mới, vì các nhiệm kỳ Quốc hội được bầu sau này đã không có được những đa số hiến định cần thiết.

***

18.

Hệ thống chính quyền

HỎI:

Có vẻ như Ba Lan là nước duy nhất tại Đông Âu theo “Bán Tổng thống chế” (Tổng thống chế một Nửa). Trong chính phủ thời ông, khi Jerzy Buzek làm Thủ tướng (1997-2001) thì đó là hình thức “đồng sinh” (cohabitation), tức Tổng thống và Thủ tướng thuộc về hai chính đảng khác nhau, hoặc hai liên minh khác nhau. Ông nghĩ thế nào về Bán Tổng thống chế? Hiện ông có hài lòng với hệ thống này không?

ĐÁP:

Có, khá là hài lòng. Tại sao có Bán Tổng thống chế? Đây là câu chuyện dài, nhưng tôi sẽ tóm gọn lại, chúng tôi đã có hai chọn lựa. Chọn lựa thứ nhất là thể chế đại nghị, nhưng đã có rất nhiều lập luận chống lại hình thức này vì tình trạng chia năm sẻ bảy của các đảng phái Ba Lan. Làm sao có thể giao quyền lực cho một Quốc hội và các chính đảng khi trong Quốc hội được bầu cử dân chủ đầu tiên của chúng tôi có đến 23 đảng phái chính trị? Chúng tôi cứ gặp khủng hoảng chính trị mỗi sáu tháng, và thay đổi Thủ tướng khá nhiều lần. Tình trạng đó thật hỗn độn.

Nhưng tại sao chúng tôi cũng không áp dụng Tổng thống chế toàn phần tại Ba Lan? Đầu tiên, chúng tôi đều sợ vì biết rõ, thông qua lịch sử nước mình và các nước láng giềng, về một Tổng thống chế tập quyền mạnh bạo, và thành thực mà nói, chúng tôi đã có một ví dụ không tốt về nhiệm kỳ Tổng thống của ông Walesa. Vì chất lượng nhiệm kỳ Tổng thống của ông ấy quá kém, nên chúng tôi thấy rằng giao cho một vị Tổng thống càng nhiều quyền hạn, càng nhiều quyền lực thì càng có thể nguy hiểm.

Với kinh nghiệm tại Ba Lan trong những năm từ 1993 đến 1995 như thế, chúng tôi đã quyết định đề xuất hệ thống Bán Tổng thống chế. Hình thức này không phải là chưa có; chẳng hạn hiện nó vẫn được áp dụng tại Pháp và Phần Lan. Theo nhận định của tôi, hệ thống này phù hợp; tôi chắc chắn rằng đó là hệ thống tốt nhất chúng tôi có thể mang lại cho Ba Lan. Tôi sẽ rất ngại nếu phải thay đổi nó. Bản thân tôi đã từng “đồng sinh” (cohabitation) với ông Buzek, và sự kết hợp đó khá hiệu quả và thoải mái. Thực ra, tôi còn có ấn tượng rằng [một Tổng thống] làm việc với một Chính phủ không cùng đảng với mình đôi khi còn dễ hơn là làm việc với một Chính phủ cùng đảng.

Chúng tôi cũng gặp một số xung đột ra trò, gồm cả cuộc xung đột trong vài năm vừa qua giữa Lech Kaczynski (Tổng thống 2005-2010) và Donald Tusk (Thủ tướng 2007-2014). Nhưng đây không phải là một vấn đề về Hiến pháp mà là xung đột chính trị giữa hai con người. Kinh nghiệm của tôi là nếu ta có những con người tốt và có trách nhiệm ở những vị trí cao nhất của nhà nước, thì ngay một Hiến pháp không hoàn hảo cũng chấp nhận được. Ngược lại, nếu có Hiến pháp tốt hàng đầu nhưng con người lại tệ hại thì cũng không ra gì. Chất lượng Hiến pháp là tối quan trọng, nhưng chưa đủ. Quan trọng là phải có được những quan hệ tích cực giữa những người gánh trách nhiệm với đất nước. Nếu họ muốn đấu đá nhau thì ngay cả một bản Hiến pháp tốt nhất cũng bó tay, vì họ sẽ dùng Hiến pháp theo kiểu họ muốn.

Tôi nghĩ rằng Bán Tổng thống chế là hoàn toàn chính xác cho Ba Lan. Nó tạo ra công cụ giúp kiểm soát và tạo cân bằng, tốt hơn là các hệ thống đồng chất. Khi có một chính phủ mạnh với đa số trong Quốc hội, thì Tổng thống không nhất thiết cần phải là người cùng đảng với họ. Yếu tố cân bằng này đôi khi cần thiết để ngăn chặn những ý kiến sai được Chính phủ đề xuất, vì Chính phủ trong thể chế của chúng tôi khá là nhiều quyền lực.

Theo Bán Tổng thống chế Ba Lan, vai trò của Chính phủ và của Thủ tướng đều mạnh ngang nhau. Chẳng hạn, Thủ tướng không thể bị truất phế chỉ vì bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trước khi một Chính phủ có thể bị hạ bệ, đối thủ của Thủ tướng phải bỏ phiếu để chọn ra ứng cử viên của mình, đây là một điều không dễ làm.

Ngân sách hoàn toàn là trách nhiệm của Chính phủ và đa số trong Quốc hội, Tổng thống không có quyền làm gì với ngân sách cả. Tổng thống có thể phủ quyết một dự luật, nhưng quyền phủ quyết lại có thể bị tước bỏ bởi 3/5 đa số trong Quốc hội. Vẫn có thể thay đổi một vài điểm trong Hiến pháp hiện nay, và có lẽ một số điều nên thay đổi, nhưng nói chung, Hiến pháp này rất hiệu quả. Nó giúp ổn định hóa tình hình chính trị và nhà nước Ba Lan.

Thông điệp tôi muốn gửi đến các nghị viên mới trong Quốc hội là nếu họ muốn thay đổi điều gì trong Hiến pháp thì họ nên tìm hiểu xem thay đổi thì tốt hơn hay đấu tranh cho sự tiếp tục và ổn định thì tốt hơn. Dù sao thì sự ổn định của Hiến pháp, bản thân nó, cũng là một giá trị. Chẳng hạn ở Ukraina, họ thay đổi Hiến pháp xoèn xoẹt, cứ ba hoặc bốn tháng một lần. Hiến pháp của họ có lẽ chỉ là một mớ giấy lộn, chứ không phải Hiến pháp. Điều quan trọng là quần chúng tôn trọng Hiến pháp, và có một văn hóa Hiến pháp như ta thấy tại Mỹ. Ta chỉ có thể xây dựng một văn hóa như thế nếu biết tự chế, không phải cứ mỗi năm hoặc mỗi nhiệm kỳ là lại thay đổi Hiến pháp.

***

19.

Ảnh hưởng quốc tế

HỎI:

Ông đã đưa Ba Lan trở thành thành viên của NATO và EU. Một vài năm trước đó, Tổng thống Felipe Gonzalez (1982-96) đưa Tây Ban Nha tham gia Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (tiền thân của EU), và tiếp tục ở trong NATO. Có phải kinh nghiệm của Tây Ban Nhà là một hình mẫu cho ông noi theo không?

ĐÁP:

Felipe Gonzalez là một nhà tư vấn rất có ích cho tôi. Tôi đã gặp ông lần đầu tiên cùng Rakowski, trong những ngày cuối cùng của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Chúng tôi đến thăm Gonzalez, tôi nghĩ vào năm 1988 và rồi năm 1989 khi ông là Tổng thống Chính phủ, nói chuyện với ông mở ra cho chúng tôi nhiều điều. Sau đó tôi gặp ông một số lần khi tôi là chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội và là Tổng thống Ba Lan.

Kinh nghiệm Tây Ban Nha gây cảm hứng mạnh vì có một số điểm tương đồng với chuyện của chúng tôi. Chúng tôi đều đã có một thể chế độc tài, rồi chúng tôi chuyển đổi trong ôn hòa, và bây giờ chúng tôi có dân chủ, nền dân chủ này được xây dựng và phát triển một cách rất hòa bình, không có trả thù. Gonzalez giải thích cho tôi làm thế nào điều này xảy ra được ở Tây Ban Nha. Chẳng hạn, ông kể tôi nghe về Thỏa thuận Moncloa (một thỏa thuận năm 1978 giữa các chính đảng, các nghiệp đoàn, và các tổ chức kinh doanh để cùng giải quyết nạn lạm phát, thất nghiệp, thoái vốn ra nước ngoài và nhờ vậy giúp cuộc chuyển đổi diễn ra hiệu quả).

Tôi nhớ chúng tôi cũng thảo luận với Gonzalez về lý do tại sao ông không quan tâm đến việc mở lại đống bầy hầy của quá khứ, xét lại những vụ đụng độ giữa phe Cộng hòa và những phe phái khác trước đây trong chế độ cũ.

Chúng tôi cũng bàn về việc tham gia EU. Với chúng tôi, đó là một nguyên nhân quan trọng khiến chúng tôi nể trọng Tây Ban Nha. Lúc đó, thập niên 1990, Tây Ban Nha có lẽ là quốc gia thực sự tốt nhất Châu Âu. Gonzalez cho tôi một lời khuyên quan trọng. Chúng tôi nói về điều EU gọi là “làm bài tập ở nhà”, tức những cải cách mà mọi quốc gia ứng cử vào EU đều phải làm để được là thành viên. Chúng tôi nghe rất nhiều lần phải “làm bài tập, làm bài tập, làm bài tập”, khiến chúng tôi thấy mình cứ như trẻ con ấy, và đâm ra ghét cách dùng từ này. Có lần tôi bảo Gonzalez “Felipe này, chúng tôi quá mệt mỏi về vụ làm bài tập này rồi. Ai cũng nói về bài tập!” Và ông bảo tôi một điều rất quan trọng, ông nói: “Đó là điều hoàn toàn đúng, tôi hiểu anh. Anh có thể mệt mỏi, nhưng này, nếu anh làm bài tập ở nhà tốt, thì quyền lợi sẽ đến với anh sớm hơn và anh sẽ có thêm nhiều quyền lợi khác khi là thành viên. Còn nếu anh làm bài tập kém, anh sẽ gặp rất nhiều vấn đề khi phải vay tiền hoặc các khoản trợ cấp, tức những thứ sẽ đến sau khi anh là thành viên EU”.

Và ông đã rất đúng. Đó là một trong những lý do Ba Lan khấm khá như hôm nay, vì chúng tôi đã làm bài tập ở nhà gần như đến mức hoàn hảo. Trong sáu năm đầu từ khi là thành viên EU, chúng tôi đã nhận được 30 tỉ Euro. Và hiện nay chúng tôi đang chờ 30 tỉ Euro kế tiếp, đó là một khoản hỗ trợ tuyệt vời cho chúng tôi, cho việc hiện đại hóa, cho mọi thứ. Và đó là lời khuyên quan trọng của Gonzalez. Những gì đang diễn ra tại Hy Lạp là kết cuộc của việc làm bài tập kém dẫn đến hậu quả kém.

Nếu bạn không chuẩn bị sẵn sàng, thì hệ thống sẽ không đủ sức thích ứng, và bạn sẽ không có cơ hội để trở nên thành viên thực thụ của EU.

***

20.

Thành viên EU

HỎI:

Tư cách thành viên EU đã ảnh hưởng thế nào lên quá trình chuyển đổi dân chủ của Ba Lan?

ĐÁP:

Tư cách thành viên EU rất quan trọng vì mang đến nhiều kết quả cho nền kinh tế, cho việc hiện đại hóa Ba Lan, cho việc mở cửa biên giới và giao thương. Nhưng, từ góc độ chính trị thì tư cách thành viên EU cũng có nghĩa là cuối cùng, sau bao nhiêu năm trời, Ba Lan nay là một phần của Châu Âu. Đã cần rất nhiều nỗ lực: Thỏa thuận Thành viên được ký vào năm 1991, rồi chúng tôi tổ chức trưng cầu dân ý năm 2003, qua đó 75% dân chúng chấp thuận việc tham gia EU, và cuối cùng tư cách thành viên đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1/5/2004.

Tư cách thành viên giúp chúng tôi củng cố quá trình chuyển đổi dân chủ. Một yếu tố quan trọng khác là vị trí của chúng tôi trong khu vực, vì mọi việc chung quanh Ba Lan đều đã thay đổi. Từ chỗ có ba nước láng giềng, chúng tôi thành ra có bảy nước láng giềng, và cũng có một cuộc xung đột kịch liệt ngay sát cạnh chúng tôi, tại các nước bán đảo Balkan. Chúng tôi trăn trở làm thế nào để có được mối quan hệ tốt nhất với mọi nước láng giềng, ký được những hiệp ước mới, và nói chung tạo được không khí cảm thông hiểu biết, hữu nghị và hợp tác, một khu vực của những láng giềng tốt.

Tôi nghĩ một trong những thành công là tôi đã xây dựng được những quan hệ tốt đẹp với láng giềng, trong số dĩ nhiên có cả Đức, Lithuania, Ukraina và các nước khác. Chúng tôi vẫn còn trục trặc với người Nga, nhưng đó là câu chuyện khác.

Mục tiêu sắp tới của chúng tôi là làm sao điều phối tình trạng trong khu vực, tạo ra những quan hệ và lan tỏa sự ổn định. Trong giai đoạn đầu sau chuyển đổi, khu vực của chúng tôi là một ví dụ tuyệt vời về việc đối thoại, hợp tác với nhau và ổn định. Nhưng điều đó thực ra cũng không quá dễ dàng hoặc đến một cách tự nhiên đâu, nếu bạn bay từ Warsaw (thủ đô Ba Lan) qua Belgrade (thủ đô Nam Tư cũ), bạn sẽ thấy vào đầu thập niên 1990, cuộc chiến tại vùng Balkan với đủ thứ kinh hoàng như thanh lọc chủng tộc và hàng ngàn nạn nhân bị giết hại. Vì vậy, có thể thấy tuy hai khu vực rất gần nhau và cả hai trước đây đều là một phần của khối Xô-viết, nhưng cả hai lại có hiện trạng hoàn toàn khác nhau: Bên đây là ổn định và quan hệ tốt với láng giềng, còn bên kia là chiến tranh và bi kịch.

***

21.

Ảnh hưởng của Liên Xô và Nga

HỎI:

Trong lịch sử, Nga luôn là nước quan trọng và có ảnh hưởng lớn đối với Ba Lan, vậy Liên Xô trước đây và Nga sau này đã ảnh hưởng đến cuộc chuyển đổi của Ba Lan ra sao?

ĐÁP:

Về mặt chiến lược, Gorbachev rất quan trọng đối với chúng tôi và quan trọng vì nhiều lẽ. Đầu tiên là về an ninh. Tại Ba Lan, an ninh là cực kỳ nhạy cảm vì lịch sử của chúng tôi là lịch sử của những cuộc chiến tranh. Thành thực mà nói, một nước nằm giữa Nga và Đức là điều không dễ chút nào.

Vào đầu thập niên 1990, có nhiều tranh luận về con đường Ba Lan phải chọn: Hoặc trung lập như Phần Lan hoặc tham gia NATO? Lúc đó Liên Xô vẫn còn, và họ chống lại ý tưởng Ba Lan là thành viên NATO. Vấn đề còn phức tạp hơn vì, trong cuộc đàm phán giữa các siêu cường năm 1989-90 về việc thống nhất nước Đức, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, Tổng thống Pháp Francois Mitterand, Tổng thống Mỹ George Bush và các lãnh tụ khác đã hứa rằng sẽ không mở rộng NATO cho quốc gia thành viên mới. Nhưng may mắn là tình hình đã thay đổi lớn và chọn lựa “trung lập hoặc NATO” đã được quyết định bằng lá phiếu của đa số người dân Ba Lan.

Chúng tôi đã quyết định trở thành thành viên NATO vì hiểu rằng với chúng tôi, ở phần đất này của thế giới, trung lập có nghĩa là rơi vào một vùng nhập nhằng màu xám, không có gì bảo đảm, cũng chẳng có đồng minh. Với Phần Lan, trong nhiều năm, đó là câu chuyện khác, vì Phần Lan không nằm ở vị trí chiến lược, và một nước Phần Lan trung lập cùng một nước Áo trung lập là rất hữu ích cho cả Liên Xô lẫn Mỹ. Nhưng vào thập niên 1990, trung lập có nghĩa là gì khi Liên Xô không còn nữa?

Khi chúng tôi quyết định trở nên thành viên NATO, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất khó khăn với Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Chúng tôi lập luận rằng có thể mở rộng NATO vì Liên Xô đã sụp đổ và mọi hứa hẹn của các siêu cường trước kia đã được thực hiện xong rồi. Giờ thì Liên Xô không còn nữa, nên chúng tôi có thể nói đến việc mở rộng NATO. Dĩ nhiên, nước Nga vẫn chống đối mạnh mẽ điều này. Nhưng Mỹ và các nước Châu Âu đã có lập trường rất cương quyết rằng mở rộng NATO là khả thi và cần thiết. Ba Lan thuộc nhóm những thành viên mới đầu tiên của NATO mở rộng, cùng Hungary và Cộng hòa Séc.

Tôi có dự một phiên họp tại Điện Kremlin năm 1997. Phòng ở Điện Kremlin thì lớn, và giọng nói của Yelstin cũng oang oang. Ông nói bằng tiếng Nga rằng:

“Tại sao anh lại muốn vào NATO? Anh không cần NATO! Tôi có thể cho anh mọi bảo đảm anh muốn cơ mà. Tại sao anh lại muốn thế?”

Tôi giải thích lý do tại sao, và đó là một cuộc tranh luận rất kịch tính. Cuối cùng, tôi nói:

“Ông Boris Nikolayevich này, ông hãy nói tôi nghe, quan hệ của ông với nước Đức là như thế nào?”

Yeltsin đáp:

“Rất tốt”.

“Còn với nước Ý?”

“Tuyệt vời”.

“Với nước Anh thì sao?”

“Rất đẹp”.

“Còn với Hà Lan, Đan Mạch, và các nước khác?”

“Quá tốt”.

“Với Ba Lan, Cộng hòa Séc, và Hungary thì sao?”

“Tệ hại, vì tất cả các cậu đều muốn vào NATO. Tại sao các cậu thích vào NATO?”

Tôi đáp:

“Vâng, thưa ông Yeltsin, tôi đã nhắc đến tất cả các thành viên NATO và ông bảo có mối quan hệ ‘rất tốt… tuyệt vời… rất đẹp… quá tốt’ với họ, và ông chỉ có trục trặc với Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc thôi. Tôi hứa với ông, nếu chúng tôi vào NATO, chúng tôi cũng sẽ có những quan hệ ‘rất tốt… tuyệt vời… rất đẹp…’ và ‘…quá tốt’ với ông!”

Thế là ông cười ha hả và cuối cùng chấp thuận chúng tôi có thể theo đuổi việc tham gia NATO.

Tôi kính trọng ông Yeltsin rất nhiều vì ông là một trong rất ít lãnh tụ Nga có bản năng dân chủ thực sự. Ông rơi vào một tình huống căng thẳng đến cực đoan, và khi ông phải chọn lựa tiến hành dân chủ mạnh hơn nữa thì thường là ông sẽ chọn hướng dân chủ mà đi. Về việc vào NATO, ông đã giúp chúng tôi rất nhiều.

Và vậy là vào năm 1999, Ba Lan đã trở nên thành viên NATO, điều này cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi, vì ba lý do. Thứ nhất là lý do an ninh, vì tư cách thành viên NATO là bảo đảm tốt nhất, từ những quốc gia mạnh mẽ nhất trên thế giới, cho an ninh của nước chúng tôi. Thứ hai là hình ảnh của Ba Lan trên trường quốc tế: Là thành viên NATO giúp chúng tôi thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn. Và yếu tố thứ ba là về mặt lịch sử, đó là sau một ngàn năm, Ba Lan và Đức được ở cùng trong một liên minh chính trị và quân sự. Nếu bạn biết về lịch sử, những cuộc chiến tranh, xung đột, chiếm đóng, và tất cả các vấn đề giữa Ba Lan và nước Đức, bạn sẽ thấy đây là một sự kiện rất trọng đại.

***

22.

Vai trò của Mỹ

HỎI:

Vai trò của Mỹ trong chuyển đổi dân chủ tại Ba Lan là gì?

ĐÁP:

Sau khi Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc thì chúng ta có một thế giới đơn cực, với nước Mỹ ở vị trí dẫn đầu. Tôi biết có rất nhiều chỉ trích nhắm vào chủ nghĩa độc tôn và những chính sách hơi ngạo mạn của nước Mỹ, với những hành động quân sự tại Iraq và Afghanistan, vân vân, nhưng nhìn từ vị trí của Trung và Đông Âu, thì giai đoạn đó lại rất tích cực.

Người Mỹ đã giúp đỡ chúng tôi từ trước đó, hỗ trợ cho Công đoàn Đoàn kết và ủng hộ khát vọng dân chủ của chúng tôi. Và rồi, sau cuộc chuyển đổi, người Mỹ hỗ trợ chúng tôi bằng những dự án đầu tư vào Ba Lan, giúp chúng tôi gia nhập NATO, và mạnh mẽ khuyến khích các nước đồng minh Châu Âu – nhất là những đồng minh quan trọng như Anh Quốc, Đức và Pháp – mở rộng EU đón thành viên mới.

Điều đó không dễ dàng vì đây là việc mở rộng đón nhận thêm đến 10 quốc gia thành viên mới, và 7 trong số là từ khối Xô-viết cũ. Tình trạng ở các nước Baltic còn phức tạp hơn nhiều. Ba Lan là nước cựu cộng sản, nhưng Lithuania, Latvia, và Estonia đều là các nước cựu cộng hòa Xô-viết, các nước này trước đó không độc lập mà là một phần của Liên Xô. Để các nước này gia nhập NATO và EU, với sự phản đối mạnh mẽ của Nga, hoàn toàn là một thành công của Mỹ. Khi là Tổng thống, Bill Clinton đã giúp đỡ rất nhiều. Ông có Ngoại trưởng Madeleine Albright trong đội ngũ của mình, bà là người biết rất rõ về khu vực này và vai trò của bà cũng hết sức quan trọng.

***

23.

Bốn lời khuyên

HỎI:

Hãy tưởng tượng nếu ông gặp mặt ba lãnh tụ trẻ từ Cuba, Jordan và Myanmar (Miến Điện), và họ đều đến với ông vì danh tiếng của ông chẳng khác gì Filipe Gonzalez (Tổng thống Tây Ban Nha 1982-96), đã từng trải qua một cuộc chuyển đổi, đầy hiểu biết và thông thái. Họ đến, nói với ông rằng: “Chúng tôi biết ông không phải là chuyên gia về Cuba hoặc Jordan hoặc Myanmar, nhưng ông là chuyên gia về chuyển đổi dân chủ, và chúng tôi muốn biết, ở mức độ chung nhất, ông sẽ khuyên chúng tôi điều gì về trách nhiệm của chúng tôi khi tiến hành chuyển đổi?” Với câu hỏi như thế, ông sẽ trả lời ra sao, và ông có nói với mỗi người trong họ cùng một điều tương tự không?

ĐÁP:

Đầu tiên, tôi sẽ lặp lại rằng không có một con đường nào chung cho tất cả, không có một toa thuốc nào chung cho mọi căn bệnh. Tôi nghĩ sẽ là sai lầm nếu người ta đến từ nước khác và nói rằng “Điều này đã rất thành công tại Ba Lan, vì vậy ta phải làm theo và mọi sự sẽ ổn”. Không. Điều rất quan trọng là phải hiểu các yếu tố địa phương, hiểu tình hình địa phương. Nhưng tôi tin rằng các bạn trẻ đến với tôi là những người có hiểu biết về tình hình nước mình và họ có trách nhiệm hiểu những gì đang diễn ra. Vậy tôi sẽ nói rằng: “Được rồi, hãy nhìn vào tình trạng nước bạn. Cơ hội là gì? Hạn chế là gì? Chướng ngại vật nằm ở đâu?”

Thứ hai, tôi sẽ nói với họ rằng: “Bạn phải có một chiến lược, vì nếu bạn muốn thay đổi đất nước mình thì buộc phải có một mục đích. Và mục đích không chỉ gồm việc bạn muốn nắm quyền và muốn điều hành đất nước. Mục đích của bạn phải là tự do, mục đích phải là dân chủ, mục đích phải là công bằng xã hội, là nền pháp trị, là hòa bình, là quan hệ tốt với các nước láng giềng, vân vân”. Mục đích và chiến lược là cực kỳ quan trọng. Ba Lan may mắn vì chúng tôi có một chiến lược, và đó không phải là chiến lược của chỉ một đảng, mà là của đại đa số người dân, đó là tự do, đó là an ninh, là Châu Âu hóa, là hiện đại hóa đất nước, và dân chủ.

Điều thứ ba là phương pháp. Đối thoại là phương pháp làm chính trị tốt nhất. Phải áp dụng được nó, ngay cả với đối thủ, ngay cả với kẻ thù. Dĩ nhiên, việc đối thoại thì phe đối lập dễ dàng chấp nhận hơn, nhưng những người nằm trong chính quyền độc tài lại thấy không dễ chút nào, nhưng đối thoại phải dứt khoát là nền tảng của mọi việc, vì nếu không đối thoại, bạn sẽ không có cơ hội nào để đi tới.

Lời khuyên thứ tư của tôi là: Cần phải hiểu lập trường khác nhau của những người mà bạn đang tiếp cận. Bạn phải hiểu rằng, kể cả người trong nhóm, và đặc biệt là khi bạn bắt đầu nói chuyện với người khác, bạn sẽ gặp những lối suy nghĩ khác nhau, những kinh nghiệm khác nhau, những mức độ nhạy cảm khác nhau. Trong thế giới đa dạng phong phú này, chúng ta đều rất khác nhau, cần phải nhìn ra và tôn trọng tất cả những khác biệt này, cũng không nên kinh ngạc hay thất vọng vì những khác biệt của người khác với mình.

Nói cụ thể hơn, trường hợp của Cuba có lẽ gần với hiểu biết của tôi hơn, vì tôi biết chuyển đổi hậu cộng sản là thế nào. Cuba, tôi nghĩ tình hình cũng tương tự, ở mức nào đó, với những gì chúng tôi gặp ở nhiều nước Châu Âu, vì thử thách đầu tiên là phe đối lập cần phải đoàn kết hơn và đưa ra được một chiến lược.

Ý thức hệ của Castro đã từng tạo cảm hứng mạnh, không chỉ thu hút hàng triệu người Cuba mà còn tạo cảm hứng cho nhiều triệu người trên thế giới. Nhưng ngày nay, sau rất nhiều năm, ý thức hệ đó gần như lụi tàn. Tiền đồ của Cuba lệ thuộc rất nhiều vào việc họ có được những nhóm người cải cách bên trong hàng ngũ Đảng Cộng sản hay không, vì theo tôi, tất cả những gì sẽ diễn ta tại Cuba trong những năm kế tiếp sẽ là kết quả của những gì đang diễn ra bên trong nội bộ Đảng, chứ khó là kết quả những gì diễn ra trong quan hệ giữa Đảng và phía đối lập.

Kinh nghiệm của chúng tôi là cần phải làm việc với các nhóm trong nội bộ chính quyền và Đảng, tức những người cởi mở hơn và sẵn sàng chấp nhận một số cải cách và chuyển đổi. Có lẽ sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu người kế vị Castro là một trong những tướng lĩnh trẻ và cũng có thể là một nhà cải cách mạnh mẽ. Cộng đồng người Cuba ở hải ngoại cũng có thể có một vai trò. Nhưng tôi rất thận trọng với cộng đồng hải ngoại, vì theo suy nghĩ của tôi, cuộc chuyển đổi trước hết sẽ do những người đang sống trong nước quyết định. Cộng đồng hải ngoại có thể hỗ trợ một số việc, nhưng không thể thay thế người trong nước được.

***

24.

Vai trò công an và quân đội

HỎI:

Trong hầu hết các trường hợp chuyển đổi dân chủ, quân đội thường giữ một vai trò quan trọng. Điều gì có thể rút ra từ kinh nghiệm của Ba Lan về vai trò của quân đội và công an trong quá trình chuyển đổi?

ĐÁP:

Cơ cấu quân đội là một thế mạnh của chế độ độc tài. Nếu chế độ trở nên yếu kém về kinh tế và ý thức hệ, thì sức mạnh của các lực lượng an ninh, đặc biệt của công an mật vụ, lại gia tăng. Đó là lý do ta thấy có sự gia tăng số lượng các tướng lĩnh trong mọi cơ quan chính trị, chẳng hạn như Bộ Chính trị. Điều đó cũng xảy ra khi tình hình kinh tế trở nên tồi tệ và quần chúng bất mãn hơn. Khi có tình trạng vô tổ chức ở nhiều bộ phận xã hội, thì quân đội và các guồng máy an ninh khác cho thấy họ là một đối trọng, vì họ là lực lượng có trật tự, có kỷ luật, có những người làm việc cần mẫn.

Cũng có một yếu tố tâm lý được dùng thường xuyên để cho thấy quân đội thực sự là rường cột chế độ, là rường cột nhà nước, tức rường cột của tất cả. Công an mật vụ là lực lượng nguy hiểm nhất vì họ được tổ chức rất kỹ càng, được trả lương hậu hĩnh và được thúc đẩy chống lại sự thay đổi. Trong mọi nền độc tài, công an mật vụ chỉ có tấm vé một chiều đi tới, vì tay họ nhúng vào quá nhiều máu, và họ chỉ có thể đi tới bằng cách trở nên hung bạo hơn.

Nhưng quân đội thì lại có một tình trạng hoàn toàn khác. Quân đội là một tổ chức khổng lồ, và trong những quân đội đúng đắn thường có nhiều người biết suy nghĩ tích cực và thực sự quan tâm đến đất nước. Họ sẽ không thích thú gì khi phải can dự vào những hành động quân sự chống lại phe đối lập, nhưng họ thấy mình có phần trách nhiệm với tương lai và an ninh tổ quốc.

Ở hầu hết các nước, đại đa số binh sĩ của quân đội đều xuất thân từ những gia đình rất đơn sơ. Họ không phải là con cháu giới quý tộc, họ là những chàng trai con cái gia đình thường dân – là công nhân, nông dân, thư ký văn phòng. Kết quả tự nhiên là quân đội thường gần gũi hơn với đời sống bình thường của người dân. Quân đội trong các chế độ độc tài có thể giữ một vai trò rất tiêu cực nếu các lãnh tụ chính trị quyết như vậy. Kinh nghiệm của Ba Lan thì khác, vì trong quân đội chúng tôi tìm thấy rất nhiều người sẵn sàng ủng hộ cải cách và chuyển đổi.

Về một lời khuyên có ích cho các lãnh tụ đối lập, thì xin nói rằng ở Ba Lan chúng tôi có hai phương án: Nếu một ngày, đại diện của phe đối lập trở thành Thủ tướng hoặc Tổng thống mới của đất nước, ông ấy sẽ không thể thay đổi vai trò của quân đội ngay lập tức được. Ông ta không thể nói rằng: “Từ nay, quân đội cũ chấm dứt và tôi sẽ lập ra một quân đội mới”, hoặc nói rằng: “Công an đã hết việc và tôi sẽ tổ chức một lực lượng mới”. Chuyển đổi có nghĩa là cần phải tìm ra một sự cân bằng giữa chế độ cũ và chế độ mới, nhưng việc này không hề dễ dàng. Quan trọng là ngay từ ban đầu hãy nói rằng: “Này, điều đầu tiên chúng tôi muốn mọi lực lượng an ninh phải làm được là trung thành với Chính phủ mới, với Tổng thống dân cử mới”, và rồi sau đó, từng bước một ta sẽ có thể thay đổi và chuyển hóa những định chế này.

Nếu bạn muốn làm cách mạng ngay từ đầu, tôi nghĩ sẽ không hiệu quả. Tại Ba Lan, chúng tôi có một nhóm rất mạnh các chính khách như Kaczynski [Tổng thống 2005-2010] và một số đồng nghiệp của ông, họ khẳng định hoàn toàn chắc chắn rằng sai lầm của Ba Lan là đã không thực hiện một cuộc cách mạng ngay sau Đàm phán Bàn tròn. Mọi cuộc chuyển đổi đều có ít nhiều yếu tố cách mạng, ít nhiều yếu tố trả thù ân oán cũ, ít nhiều khát khao trừng phạt đại diện của chế độ cũ để cảm thấy thay đổi thực sự đang diễn ra. Tôi rất chống lại lối suy nghĩ này. Theo tôi, sự tiệm tiến/diễn biến tuần tự (evolution), ngay cả khi nó mất thời gian hơn và đôi khi tốn kém hơn, thì vẫn tốt hơn là cách mạng (revolution). Nhất là hiện nay, với phương tiện truyền thông hiện đại, diễn biến có khả năng thành công cao hơn. Cuộc chuyển đổi theo phương pháp tiệm tiến có thể kiểm soát được và có thể cuối cùng tạo nên những kết quả rất tích cực.

***

25.

Ý nghĩa và sức hút của Dân chủ

HỎI:

Ông nghĩ điều gì đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi dân chủ tại các nước khác hẳn nhau, như Ba Lan và Chi Lê, Tây Ban Nha và Nam Phi, Indonesia và Brazil?

ĐÁP:

Tôi có nhiều lần nói chuyện với Gorbachev trong thời gian ông còn tin chắc rằng perestroika (tái cấu trúc) là một ý tưởng tuyệt vời và rằng Liên Xô sẽ tiếp tục tồn tại. Quả không sai khi cho rằng ông là người cuối cùng tin tưởng vào Liên Xô. Có lần tôi nói: “Thưa ông Mikhail, nếu nói chuyện với dân chúng thì ông sẽ thấy rằng điều họ quan tâm chính là tự do, dân chủ và nhân phẩm. (Thực ra perestroika là về tất cả những giá trị này). Ông chỉ có hai chọn lựa, một là đóng cửa, hai là mở cửa. Nếu ý của ông là mở cửa cho tất cả những giá trị vừa kể, cho tất cả những kỳ vọng này, cho tất cả những nhu cầu này của người dân, thì ông sẽ phải mở cửa cho rộng rãi. Ông không thể nào chỉ mở một ít. Sau một thời gian, ông sẽ phải mở ra hoàn toàn vì nếu không nhân dân nước ông sẽ bung cửa mà đi, vì những giá trị kia hết sức mạnh mẽ. Những giá trị kia sẽ kích hoạt quần chúng, đặc biệt là giới trẻ”.

Rồi chúng tôi nói chuyện hồi lâu về tất cả những khủng hoảng trong Đảng Cộng sản Ba Lan. Chúng tôi đồng ý rằng Ba Lan cần được dân chủ hóa hơn nữa. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Người dân Ba Lan và người dân các nước khác năm 1989 nói rằng: “Làm ơn đừng nói về mở rộng dân chủ chút ít rồi dừng lại, chúng tôi muốn dân chủ đích thực, chứ không phải ‘Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa’, chúng tôi không muốn một thứ dân chủ đại khái nào đó, mà muốn có dân chủ thật”. Quần chúng hiểu rất rõ bằng bản năng, dù họ không được học hành nhiều, rằng dân chủ có nghĩa là họ sẽ được bầu cử tự do, họ sẽ phải chấp nhận luật lệ dân chủ, họ sẽ có một nền truyền thông báo chí tự do, có quyền có thông tin, vân vân. Bạn có thể hỏi người bình thường nhất trên đường phố dân chủ là gì, và họ sẽ trả lời cho bạn nghe.

(Hết phỏng vấn Aleksander Kwasniewski.)

[Còn tiếp 1 kỳ]

P.T.

___

NGUỒN: Chương 7, “Poland” (Ba Lan), cuốn Democratic Transitions – Conversation with World Leaders (Chuyển đổi dân chủ – trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới), của Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, do “Viện Quốc tế vì Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử” tại Stockholm (International Institute for Democracy and Electoral Assistance – Stockholm) và Nhà Xuất bản Johns Hopkins University Press, Baltimore, Hoa Kỳ, phát hành năm 2015.

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Sử Liệu. Bookmark the permalink.