Về mặt cứng cổ, người Việt Nam chắc chắn là hơn Tây Tạng rồi. Bị đô hộ đến hơn 1000 năm mà người Việt vẫn vùng dậy đòi lại đất đai lãnh thổ bị chiếm của mình và đòi bằng được. Vậy thì, có thể có cái viễn cảnh máy photocopy sẽ bị kiểm soát ở Việt Nam không và đến bao giờ (thật ra trước đây khoảng mươi năm đã bị kiểm soát chặt nhưng nay được âm thầm bãi bỏ)? Chưa thể nói trước. Cũng có thể bị kiểm soát bằng chính những người… gốc Việt cũng nên. Dẫu sao thì từ nay, bằng trăm tai nghìn mắt, xin đồng bào hãy soi xét thật kỹ lưỡng mọi hành vi “đi đêm” bất kỳ là của ai, đừng để nước đến chân mới nhảy.
Bauxite Việt Nam
Bắc Kinh – Các nhà chức trách đã xác định mối đe dọa mới đối với sự ổn định chính trị ở khu vực cứng cổ Tây Tạng: máy photocopy. Sợ rằng người Tây Tạng có thể sao chụp hàng loạt tài liệu gây bạo động, các quan chức công an có ý định kiểm soát chặt chẽ hơn các cửa hàng in ấn và photocopy, theo các báo cáo từ thủ đô Lhasa, Tây Tạng.
Một quy định hiện nay ở các nơi làm việc yêu cầu những người điều hành các cửa hàng in ấn và photocopy phải có giấy phép mới của Chính phủ, tờ Tin tức buổi tối Lhasa đưa tin trong tháng này. Họ cũng yêu cầu ghi lại thông tin nhận diện về khách hàng của họ và các văn bản cụ thể được in hoặc sao chép, tờ báo nói.
Một viên chức công an tại Lhasa, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết, quy định “đang được thực hiện ngay bây giờ”, nhưng trên cơ sở sơ bộ. Viên chức này gác điện thoại mà không cung cấp thêm chi tiết.
Các nhà hoạt động Tây Tạng nói rằng các lệnh kiểm soát mới là một phần trong nỗ lực lớn hơn để hạn chế trí thức Tây Tạng sau cuộc nổi dậy hồi tháng 3 năm 2008, đưa đến kết quả tử vong. Kể từ khi các cuộc bạo loạn xảy ra, hơn 30 nhà văn Tây Tạng, nghệ sĩ và trí thức khác đã bị giam giữ vì lời của các bài hát, các bài viết, các cuộc điện đàm, tin tức từ e-mail được xem như là mối đe dọa sự cai trị của Trung Quốc, theo báo cáo đưa ra trong tuần này từ một nhóm nhân quyền có tên Chiến dịch Quốc tế về Tây Tạng, có trụ sở tại Washington.
“Về cơ bản, mục đích chính là để truyền nỗi sợ hãi vào lòng người”, cô Woeser, một nhà hoạt động cũng giống như nhiều người Tây Tạng, chỉ có một cái tên. “Trước đây, các nhà chức trách đã cố gắng kiểm soát những người bình thường ở cấp cơ sở (cấp thường dân). Nhưng họ đã dần dần thay đổi mục tiêu sang trí thức, cố gắng kiểm soát tư tưởng”.
Cô Woeser nói cô cũng là mục tiêu của chính quyền về quan điểm của cô. Cô bị mất việc ở Lhasa sau khi viết cuốn sách Ghi chú về Tây Tạng, đã bị cấm vào năm 2003. Cô hiện đang sống ở Bắc Kinh, nhưng cô cho biết các nhà chức trách theo dõi cô một cách cẩn thận.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng mục tiêu duy nhất của họ là bảo đảm sự ổn định, đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống người dân Tây Tạng. Các quan chức nói rằng miễn là các nhà lãnh đạo ly khai bị hạn chế chặt chẽ, tiếp tục phát triển kinh tế sẽ thắng người Tây Tạng qua việc cai trị của Trung Quốc.
Tuy nhiên, báo cáo của Chiến dịch quốc tế về Tây Tạng cho rằng, chính quyền không chỉ trừng phạt các nhà ly khai, mà tất cả những người bất đồng chính kiến khác, những người dám chỉ trích Chính phủ và bảo vệ bản sắc văn hóa và tôn giáo Tây Tạng. Một nhà văn 47 tuổi, tên là Tragyal đã bị bắt hồi tháng 4 sau khi ông cho xuất bản cuốn sách kêu gọi người Tây Tạng bảo vệ quyền của họ thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa, báo cáo nêu rõ. Nơi ở của ông hiện không rõ, báo cáo cho biết.
Một ca sĩ Tây Tạng nổi tiếng, ông Tashi Dhondup, đã bị kết án 15 tháng ở một trại lao động hồi tháng 1 sau khi ông phát hành một CD mới, với một bài hát kêu gọi sự trở lại của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, theo báo cáo. Ông đã bị bắt vì bị nghi ngờ “kích động chia rẽ dân tộc”, báo cáo nêu rõ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chạy qua Ấn Độ vào năm 1959 sau một cuộc nổi dậy chống Chính phủ Trung Quốc bị thất bại. Ông nói rằng ông ủng hộ Tây Tạng có nhiều quyền tự trị hơn nhưng không ly khai. Trung Quốc nói mục đích của Đức Đạt Lai Lạt Ma là một Tây Tạng độc lập.
Các nhà chức trách ở Tây Tạng dường như xem các cửa hàng in ấn và photocopy là những nơi tiềm tàng về tình trạng bất ổn có thể lây lan. Một người Trung Quốc điều hành cửa hàng in ở Lhasa, người gốc Hán chứ không phải Tây Tạng, nói rằng chồng bà đã bị triệu tập tới một cuộc họp tuần trước về các yêu cầu mới.
“Bạn biết đôi khi có những người in văn bản bằng ngôn ngữ Tây Tạng, mà chúng tôi không hiểu”, người phụ nữ cho biết họ của bà là Wu, nói. “Những cuốn sách nhỏ này có thể là bất hợp pháp”.
Tanzen Lhundup, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tibetology Trung Quốc, do Chính phủ hậu thuẫn, thường nghe theo quan điểm của Chính phủ về Tây Tạng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, rằng “bản thân quy định đó thì không sai”. Nhưng ông nói rằng nó cần phải trình ra trước công chúng trước khi đưa nó ra thay thế [quy định cũ].
Ông nói: “Họ chưa bao giờ ban hành như một quy định như thế trước đây. Trên cơ sở nào mà họ muốn ban hành quy định này? Tôi nghĩ rằng công dân cần được tư vấn trước tiên”.
Zhang Jing đóng góp cho bài nghiên cứu.
Ngọc Thu dịch
Dịch từ: http://www.nytimes.com/2010/05/21/world/asia/21tibet.html?hpw