TP – Những người thạo tin ở Vũng Áng cho rằng: Việc Kế toán trưởng Formosa người Đài Loan, ông Tiết Minh Hồng bị đâm trọng thương mới đây do các băng nhóm xã hội đen gây ra.
Lao động Trung Quốc giờ tan ca tại cổng chính Formosa. Ảnh: Bảo Anh
Việc tập trung hàng nghìn lao động tại dự án Formosa, trong đó phân nửa là lao động nước ngoài khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn hết sức phức tạp: Trộm cắp, ẩu đả, tệ nạn xã hội, băng nhóm bảo kê có cả.
Hệ lụy từ lao động ngoại làm “chui”
Theo một thông báo của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, tại thời điểm tháng 1/2014, trên địa bàn tỉnh có 54 tổ chức và cơ sở sử dụng 3.250 lao động nước ngoài, trong đó 3.217 người tại Khu kinh tế Vũng Áng, tập trung chủ yếu làm việc cho Dự án Formosa và có đến 1.910 lao động ngoại làm “chui”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong số hơn 3.000 lao động ngoại có mặt ở Dự án Formosa, đa phần là người Trung Quốc. Họ tới làm việc ở Formosa bằng hai con đường: Nếu là chuyên gia, kỹ sư thì theo đường hợp pháp, còn đa số công nhân đi bằng đường du lịch rồi trốn vào công trường.
Theo một số lãnh đạo địa phương, lao động Trung Quốc một phần được ở trong khu nội trú do Formosa xây dựng, còn đa số họ phải ra ngoài thuê trọ, tập trung chủ yếu tại các xã Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh, trong đó Kỳ Liên đông nhất trên 1.000 người.
Việc lao động Trung Quốc ở lẫn lộn trong dân cư đang xảy ra nhiều tình huống phức tạp. Vào 4/2013, tổ công tác Đồn Biên phòng Đèo Ngang (Hà Tĩnh) đã bắt quả tang Jiang Su, quốc tịch Trung Quốc, trộm cắp sắt thép tại công trường Formosa.
Tháng 8/2013, một nhóm lao động Trung Quốc ẩu đả với người dân địa phương ở thôn Liên Phú, xã Kỳ Liên. Và mới đây nhất, ông Tiết Minh Hồng, người Đài Loan, kế toán đang làm việc cho Dự án Formosa bị đâm trọng thương tại khu nội trú.
“Lao động trái phép chủ yếu là người Trung Quốc, họ làm việc ngắn hạn, sang Việt Nam bằng visa du lịch. Họ ở rất nhiều địa điểm nên rất khó kiểm tra và xử lý”.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh
Không chỉ đánh lộn, trộm cắp mà các tệ nạn xã hội khác cũng đang lan rộng trong vùng. Lao động Trung Quốc ngoài thời gian làm việc tại công trường Formosa, thường tập trung ăn nhậu, vui chơi, giải trí tại các khách sạn, nhà hàng, hay quán karaoke đang mọc lên như nấm dọc theo Quốc lộ 1A.
Hàng trăm bảng hiệu quảng cáo bằng hai thứ tiếng Việt – Trung lẫn lộn. Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa huyện Kỳ Anh, dù đã nhiều lần xử phạt các trường hợp treo chữ Trung Quốc sai quy định nhưng không xuể.
Để thu hút khách Trung Quốc, ngoài việc treo biển hiệu có chữ Trung Quốc, các khách sạn, nhà hàng, khu massage được ông chủ đặt những cái tên rất mỹ miều như, khách sạn Tình Yêu. Theo người dân địa phương, thì trong những khách sạn nhà hàng kia, luôn thường trực các em “chân dài”, sẵn sàng phục vụ khi khách có nhu cầu từ A tới Z.
Bên ngoài, một khu vui chơi giải trí của người Trung Quốc rộng cỡ vài chục ngàn mét vuông có tên “Khu giải trí Hồng Thiên Hy” cũng tấp nập không kém. Đây được xem là thiên đường vui chơi và chỉ có người Trung Quốc, Đài Loan mới được vào.
Băng nhóm bảo kê
Như một quy luật, ở đâu xôm tụ là y như rằng ở đó có các băng nhóm bảo kê hoạt động, và vùng Vũng Áng cũng không ngoại lệ. Theo người dân địa phương, ở đây không chỉ nổi lên các băng nhóm người địa phương và các băng nhóm nơi khác như: Quảng Bình, Nghệ An, thậm chí đến cả Hải Phòng cũng tìm về xí phần làm ăn.
Ông Tiết Minh Hồng bị đâm trọng thương ngay tại khu nội trú và Formosa đã treo thưởng 200 triệu đồng để tìm ra thủ phạm.
Ngày trước, khi còn “hỗn quân, hỗn quan”, các băng nhóm thường xuyên đụng độ để chứng minh uy lực và tranh giành thị phần. Sau một thời gian, các ông trùm nhận ra việc tranh giành không mang lại lợi lộc gì, nên cùng ngồi lại bắt tay nhau hợp tác làm ăn.
Ở Vũng Áng không có một hoạt động kinh doanh nào mà không có bóng dáng của xã hội đen, từ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm ăn chơi giải trí, đến việc cung cấp vật liệu xây dựng cho Dự án Formosa… Như một dạng luật ngầm, ai muốn mở mang làm ăn cái gì cũng đều phải nộp “thuế” cho các băng nhóm, bằng không sẽ khó yên ổn.
Có lẽ rõ nét nhất liên quan đến các hoạt động ngầm của “xã hội đen” là lĩnh vực vui chơi, giải trí. Nguồn gái cung cấp cho các tụ điểm ăn chơi, gần như nằm trong tay các băng nhóm bảo kê. Chúng dùng nhiều thủ đoạn, từ dụ dỗ, thuyết phục, ép buộc, thậm chí là bắt cóc để có được “hàng”.
Mơi đây một gia đình ở Quảng Bình đã phải tìm đến Công an huyện Kỳ Anh để cầu cứu cho con gái của họ, khi đang đi chơi với bạn tại TP Hà Tĩnh đã bị một băng nhóm bảo kê bắt cóc mang về giao cho một tụ điểm trên địa bàn Kỳ Anh. Một phụ nữ, chủ của tụ điểm này ra giá 20 triệu đồng mới cho dẫn con về. Bí quá, gia đình này đã phải nhờ đến cơ quan công an giải cứu.
Không dừng lại ở đó, bàn tay bạch tuộc của các băng nhóm còn vươn tới cả thị trường cung cấp vật liệu xây dựng cho Dự án Formosa.
Qua câu chuyện, nhiều ông chủ doanh nghiệp bỗng dưng được lợi, nhưng cũng không ít người phải ngậm đắng nuốt cay chung chi cho các băng nhóm. Chúng có rất nhiều chiêu thức để buộc các ông chủ phải chung tiền bảo kê, như: Quấy rối, gây hấn, trộm cắp, thậm chí đứng vai dân oan, hoặc xúi dân đi kiện để các doanh nghiệp không yên ổn làm ăn.
Chủ một doanh nghiệp chuyên khai thác đá cung cấp cho Dự án Formosa kể: Ông làm thủ tục xin cấp mỏ theo luật định và mọi thứ đã hoàn tất, nhưng không thể đi vào khai thác vì có vài hộ dân không chịu nhận đền bù.
Thương thuyết mãi không được vì các hộ dân chê ít, may mắn được người khác bày cho nên nhờ vả xã hội đen. Ông tìm gặp một ông trùm, mất 50 triệu đồng và chỉ 3 ngày sau các hộ dân chủ động gọi điện cho ông để nhận tiền đền bù mà không đòi hỏi gì thêm.
Một doanh nghiệp khác cho biết: Mỏ của ông vừa đi vào khai thác, thì có người tìm đến, nói là sẽ bảo kê cho hoạt động của doanh nghiệp ông. Điều kiện đưa ra là, mỗi xe chở vật liệu của ông mỗi ngày chung chi cho họ 50.000 đồng. Đổi lại, xe chở vật liệu của doanh nghiệp ông an toàn vào đến Formosa, tại khu vực mỏ không xảy ra trộm cắp, đặc biệt sẽ không có khiếu kiện của người dân liên quan đến chuyện khai thác mỏ.
Những người thạo tin ở Vũng Áng cho rằng: Việc Kế toán trưởng Formosa người Đài Loan, ông Tiết Minh Hồng bị đâm trọng thương mới đây cũng do các băng nhóm xã hội đen gây ra. Theo đó, nạn nhân có mâu thuẫn trong công việc và bị người ta thuê xã hội đen xử lí. Nhiều người biết tường tận vụ việc, nhưng vì sợ trả thù nên không dám báo để nhận thưởng theo cam kết của Formosa.
Để chứng thực những câu chuyện kể trên, chúng tôi vào vai một doanh nhân vừa xin được giấy phép khai thác mỏ cung cấp vật liệu cho Formosa và đã gặp được một số bảo kê trong các băng nhóm trên địa bàn.
Toàn bộ đường đi nước bước để vào cung cấp vật liệu cho Formosa đều được những người này mách nước, nhưng tất cả các công đoạn phải qua bàn tay của họ và đương nhiên chung chi đúng giá. Không biết thật giả đến đâu, các ông trùm còn hứa nhận bảo kê cho cả xe chở quá khổ, quá tải để qua các trạm chốt của CSGT.
Vào tháng 9/2013, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) phối hợp với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã kiểm tra, rà soát lao động thuộc một số nhà thầu, doanh nghiệp nước ngoài ở Khu kinh tế Vũng Áng, qua đó phát hiện hơn 570 người Trung Quốc không có giấy phép lao động. Trong năm, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cũng đã xử phạt 3 nhà thầu 35 triệu đồng, đề nghị cơ quan công an buộc xuất cảnh trước thời hạn 102 lao động Trung Quốc.
Nhóm PV Tiền phong
Nguồn: http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/bao-dong-an-ninh-trat-tu-o-sieu-du-an-formosa-694721.tpo