Thư chào Ngài Barack Obama Tổng thống Hiệp chúng quốc Hoa kỳ

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, ít khi có dân thường dám viết thư chào hỏi những bậc quốc khách từ triều đình nước ngoài phần lớn là Bắc quốc đến. Thảng hoặc có những bậc đại nho được triều đình cử, tiếp, đưa sứ thần thì mới có một vài xướng họa. Ngoài ra cũng có vài truyền thuyết thú vị về tiếp đón sứ thần của Trung Hoa sang. Như chuyện nhà sư Pháp Thuận được giả làm lái đò đón sứ qua sông, Bà Đoàn Thị Điểm, Cung trung giáo thụ (thầy dạy cho phi tần cung nữ) được sai giả làm cô gái “bán hàng vỉa hè”, đều trong những trường hợp cần thiết để đối đáp với sứ giả Bắc quốc, thể hiện lòng tự trọng của dân tộc mình1.

Nay trong thời dân chủ, tôi, một kẻ thường dân có hiểu ít lễ nghĩa xin trân trọng gởi đến Ngài, vị quốc khách nhiều người trông đợi, lời chào quý mến, nhân chuyến ngài thăm Việt Nam.

Tôi phải thú nhận là từ nhỏ tôi đã được nhồi sọ rằng “Mỹ mà xấu”, “Đế quốc Mỹ là sen đầm quốc tế, là con hổ giấy…”. Khi tôi còn là một học sinh trung học, tôi đã đọc một bài báo trên Readers Digest: “Tại sao người Mỹ bị ghét khắp nơi”. Tôi cũng có kỷ niệm nhỏ, suýt chết vì máy bay Mỹ, khi đi xe đạp qua phà ở cầu Hàm Rồng. Nhà của cha mẹ tôi trong Thành nội Huế, năm 1968 bị trưng dụng làm một sở chỉ huy, khi mẹ tôi, một bà già 80 tuổi vừa đi khỏi liền bị pháo kích của Mỹ mà tan tành. Nhiều người Việt Nam giờ đây đã hài hước nói Mỹ không đưa được Việt Nam trở về thời đồ đá, nhưng chính mình lại đã đưa mình đến một thời đồ gì đó còn siêu hơn đồ đá! Tuy nhiên, khi mở lại mối quan hệ Việt Mỹ, chúng tôi lại rất mừng. Hôm khai trương văn phòng đại diện của Mỹ ở phố Sinh Từ, hai vợ chồng chúng tôi đã đến ngồi dựa vào tường Văn Miếu để đón chờ. Nhà báo Phạm Hồng nói, dư luận thế giới cho rằng quan hệ Việt Mỹ đi những bước chậm như rùa. Tôi bảo phương Tây họ coi rùa là biểu tượng của chậm chạp, nhưng phương Đông thì rùa lại là biểu tượng của sự chắc chắn, vững bền và nhất định đến. Thật sự thì có kẻ muốn phá, nhưng không thể ngăn cản được.

Nhân ngài là quốc khách, lại là một người nổi tiếng, tôi xin kể ngài nghe câu chuyện đối đáp giữa Mạnh Tử và Lương Huệ vương. Gặp Mạnh Tử, nhà vua hỏi: “Tẩu bất viễn thiên lý nhi lai, diệc tương hữu lợi ngô quốc hồ?” (Cụ không ngại xa xôi đến, chắc là có điều lợi cho nước tôi chăng?). Mạnh tử đáp: “Hà tất viết lợi, diệc viết nhân nghĩa nhi dĩ hỹ” (Sao lại nói chuyện lợi, chỉ nói nhân nghĩa mà thôi). Ngày nay, chúng ta phải tính đến lợi. Nhưng không thể bỏ nhân nghĩa.

Trước khi Ngài đến đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã “lập bô” về vấn đề nhân quyền, trong đó có đề cập đến nhân quyền ở Việt Nam. Ở Việt Nam từ rất lâu người ta đã có thói quen coi nhân quyền là quan niệm tư sản (vì thế nó phản động). Có lần, tôi và một vài bạn trí thức đặt một nồi lẩu dê để vừa ăn vui vẻ vừa trò chuyện nhân ngày Nhân quyền của LHQ. Chúng tôi đã bị những kẻ “lạ” đến ngăn cản, họ không cho nhà hang chúng tôi đã đặt món mở cửa, rồi sau đó chúng tôi đến ăn ở đâu cũng đều bị ngăn cản. Việt Nam có câu “Trời đánh tránh bữa ăn”, thế mà hôm ấy, chúng tôi đến quán nào, gọi thức ăn, thức uống xong, một lúc sau chủ quán lại lên xin lỗi không có hàng. Thành ra chúng tôi càng thấm thía vấn đề nhân quyền. Ngài nói ở Cuba rất đúng, mọi việc của mỗi nước, người nước ấy phải tự giải quyết. Chúng tôi sẽ làm cho nhân quyền được thực thi hoàn hảo như bất cứ xứ sở nào có văn hóa. Khi còn làm việc, tôi từng được mời dự một cuộc hội thảo “maraton” do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, làm suốt gần hai tháng, mỗi tuần một lần. Nhiều người bấy giờ vẫn còn cho nó là quan điểm tư sản chỉ có điều phe tư bản chúng dùng để công kích ta. Riêng tôi đã trình bày nhân quyền chính là của cách mạng Việt Nam, các nhà yêu nước tiền bối đã khẳng định “Nhân quyền là chước đổi dời non sông”. 90% dân Việt Nam thời 1945 là mù chữ vẫn say sưa hát “Tiến lên nền Dân chủ cộng hòa”. Chính nhân quyền là chỗ yếu kém của mình, nên họ nhằm vào mà công kích. Nay nếu mình có ý thức mình phải coi nhân quyền là của mình và phải làm cho thật thà cho có hiệu quả. Thật ra người Việt Nam không phải ai cũng lú lẫn. Nhưng đám tư tưởng gia cộng sản Nga, Tàu nó nhồi sọ cho lâu ngày nên não trạng có phần hư hỏng.

Lúc đầu những người cộng sản Việt Nam cũng biết lấy Nhân quyền làm mục tiêu để tập hợp dân chúng, họ cùng với Hồ Chí Minh đưa ngay câu nổi tiếng về nhân quyền trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, nghe nói là của ngài Thomas Jefferson khởi thảo: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Thượng đế cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Hơn 60 năm nay, nhận thức và thực tế về nhân quyền đã phong phú, mở rộng, cụ thể hơn nhiều. Điều bất hạnh là cho đến nay do tách khởi xu thế tiến bộ văn minh của nhân loại, chúng tôi cũng chưa “dùng được nhân quyền, hưởng được nhân quyền” như ở những quốc gia dân tộc tiến bộ trên thế giới. Vì thế nó vẫn là việc của chúng tôi, và chúng tôi biết đánh giá cao những góp ý nhân văn, tiến bộ và thiện ý của Mỹ cũng như của LHQ và các nước. Dẫu nước Mỹ ngày nay vẫn còn những vấn đề nhân quyền của mình. Nhưng chúng tôi không thể vin vào đó để biện hộ cho tình trạng còn thấp kém về nhân quyền của mình.

Tôi hy vọng Ngài sẽ bàn với những nhà lãnh đạo mới của Chính phủ Việt Nam những vấn đề lợi ích của cả hai nước. Chúng tôi cần nhiều những lợi ích vật chất: buôn bán, học hành, hợp tác khoa học, vũ khí, tín dụng, tài chính… Kể cả việc được công nhận cơ chế thị trường đầy đủ. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng cơ chế đầy đủ là do tự mình phải tạo ra, chứ không thể cứ nài nỉ với người mà được. Cái đuôi mọc ra trong thị trường của chúng tôi phải phẩu thuật, dẫu đau cũng phải nghiến răng làm, vì phàm lẽ đã mọc đuôi là đã đi đến thoái hóa như trong tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn của Marquez. Dẫu có nói nhiều về lợi, nhưng chúng tôi cũng cần nhiều hơn điều mà tôi gọi là “nhân nghĩa”. Nước Mỹ ngày nay hãy làm thật, xoay trục thật, đừng “tiếng kèn ngập ngừng”, chớ để bị hoài nghi “lại bán đứng Đồng minh” vì những lợi ích của chỉ riêng mình. Tôi không ám chỉ trường hợp quan hệ với Việt Nam Cộng Hòa. Bởi đây là vấn đề phức hợp cần nghiên cứu kỹ hơn nữa. Tại Hà Nội, chúng tôi đã cùng triết gia F. Jullien (Pháp) thảo luận yếu tố tích cực trong cái tiêu cực, để suy nghĩ về trường hợp này.

Tôi thật thú vị và cũng chịu ơn nền Văn hóa Mỹ, ở đó cổ kính và hiện đại, hậu hiện đại (cả siêu hiện đại – ý niệm của riêng tôi) đan xen tồn tại và phát triển. Tôi muốn nhấn mạnh đến lĩnh vực “Minh Triết-WISDOM”. Từ 20, 30 năm nay nhiều học giả Mỹ dày công nghiên cứu minh triết, ở Mỹ đã có nhiều Wisdom University, rất nhiều công trình về minh triết. Từ 2010 họ đã quả quyết một thời đại mới Age of wisdom với nhiều dấu chỉ đã xuất hiện, họ đang cổ vũ cho một xã hội và một nền kinh tế minh triết (wisdom society and wisdom economy). Tôi nghĩ rằng nhân loại và cả từng dân tộc đều trưởng thành từ đa văn hóa. Việt Nam từng nếm trải thua thiệt vì từng có thời kỳ và cũng đang duy trì một trạng thái độc nguyên văn hóa. Cho nên tôi khâm phục và biết ơn Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ đã cống hiến cho nhân loại những kết quả của một xã hội đa văn hóa. Trở lại vấn đề minh triết, Việt Mỹ quả nhiên có những gặp gỡ rất thú vị. Khi nghiên cứu minh triết, chúng tôi bắt gặp một câu nói nổi tiếng của Th. Jefferson, là một triết lý rất sâu sắc, giá trị rất bền vững và phổ quát: “Nếu biết hòa nhập minh triết vào quyền lực, sẽ ít dùng quyền lực mà hiệu quả to lớn”. Trong Văn miếu Quốc tử giám ở Hà nội cũng có đôi câu đối ý nghĩa tương đồng.

Dục anh tài nhi sử năng, Quốc tử giám cao huyền mô khải.

Dưỡng minh triết dĩ kế trị, Thăng Long kinh trường tụ tinh hoa.

Nghĩa:

Dạy dỗ anh tài để sử dụng năng lực của họ, Quốc Tử giám nêu cao mẫu mực.

Nuôi dưỡng minh triết để nối tiếp cuộc trị bình, kinh đô Thăng Long hội tụ tinh hoa.

Hy vọng Ngài cũng sẽ quan tâm đến sự tương đồng này trong văn hóa Việt Mỹ và có sự thúc đẩy cho một quá trình hợp tác thiết thực và bổ ích.

Tôi cũng nghĩ rằng Ngài sẽ bàn với những người lãnh đạo mới của Việt nam những vấn đề của Biển Đông. Nhiều người Việt Nam đánh giá cao những động thái của Mỹ. Cố nhiên cũng có những đòi hỏi cao. Nhưng chúng tôi biết nếu không có hành động và tiếng nói của Mỹ và nhiều nước trong khu vực chắc chắn không thể kềm tay của Trung hoa đang hưng phát với màu sắc bá quyền đại Hán. (Chắc chắn không phải là chủ nghĩa xã hội “au couleur Chinois”).

Cách đây hơn 500 năm, nhà văn hóa lớn của Việt Nam Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã có hai câu thơ, mà chúng tôi cho là dự báo chiến lược địa chính trị thiên tài:

Biển Đông vạn dặm dang tay giữ,

Nam cực muôn năm vững trị bình.

Nguyên văn chữ nho là:

Vạn lý Đông minh quy bả ác,

Ức niên Nam cực điện long bình.

Đông Minh là Biển Đông. Minh có nghĩa là vùng biển sâu, nước rất đen tối. Nam cực nguyên nghĩa chỉ nước Nam (Việt Nam) như cha ông chúng tôi vẫn nói Nam quốc, Nam Thiên. Ngày nay nên hiểu rộng ra là cả Việt Nam và Đông Nam Á.

Như thế một chiến lược để có Hòa bình, Công lý cho Biển Đông phải được đặt ra, vừa chung tay bảo vệ hòa bình, an ninh hàng hải, vừa bảo vệ chủ quyền hợp lý hợp pháp của Việt Nam và các nước Nam Cực, vừa tổ chức sự hợp tác nhằm nghiên cứu, bảo vệ và khai thác một cách minh triết những nguồn lợi của Biển Đông, vừa buộc Trung Hoa phải tự kềm chế, không thể tiếp tục chính sách quân sự hóa, cướp bóc, dùng sức mạnh quân sự ức hiếp các nước nhỏ ở chung quanh Biển Đông. Thật là thú vị khi nhân loại đã tìm thấy một giá trị minh triết trong triết lý win-win, cùng nhau thành đạt, nó minh triết hơn hẳn triệu lần cái quan niệm đấu tranh một mất một còn trong khẩu hiệu “ai thắng ai’’ từng xuất hiện ở Việt Nam và những nước cộng sản.

Điều thật đáng buồn cho chúng tôi, mà còn cho cả nền văn minh mới trên Thế giới, khi một Đại hội của toàn thế các thành viên của LHQ rất lo lắng về những vấn nạn của những thảm họa môi trường, nhân loại đang đi tìm những mô hình và phương thức phát triển kinh tế trong mối hài hòa của “Trinite’” Thiên-Địa-Nhân” mới, thì một thảm họa môi trường trên biển ở miền Trung Việt Nam đã xảy ra do một thái độ vô trách nhiệm của tập đoàn Formosa. Điều trớ trêu là tập đoàn này đã mang tên một hòn đảo từng là một thành viên cổ kính của nền văn hóa Á Đông. Tôi cũng hy vọng, Ngài sẽ quan tâm vấn đề này trong trường hợp mới của Việt Nam và hãy giúp chúng tôi những kinh nghiệm của Chính phủ cũng như của xã hội dân sự về pháp lý, về khoa học và chính sách nhân sinh… trong vấn đề này.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Ngài, tôi thành tâm chúc Ngài thu được nhiều kết quả tích cực trong hội đàm với Nhà Nước VN. Nhưng trong khái niệm nhà nước của Việt Nam thì vừa có thành tố Nước có nghĩa là triều đình, là chính quyền. Còn Nhà chính là thành tố nhân dân, xã hội. Chúc Ngài và quý phu nhân cùng hai vị kiều nữ những ngày thật vui vẻ, khám phá được nhiều điều thú vị trong cảnh sắc, trong văn hóa và tâm hồn vẫn còn nhiều nét đôn hậu cổ kính của đất nước và con người Việt Nam.

Tôi thấy những người lãnh đạo Trung Hoa và Việt Nam hay tặng nhau những bình sứ rất quý và đẹp. Khi sang thăm Mỹ năm ngoái họ cũng tặng quý Ngài những bình như vậy. Chắc là có ngụ ý rằng cố giữ bình đừng để đánh chuột mà vỡ. Chúng tôi có một cái bình rất quý đó là chủ quyền, là lợi và nghĩa của nhân dân, là danh dự của Tổ quốc nên không thể tùy tiện trao tặng cho bất cứ ai. Nhưng tôi có một bức thư pháp viết hai câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, xin Ngài đừng từ chối tấm lòng của chúng tôi. Bởi văn hóa khi trao đi, nó vừa không bao giờ mất, lại còn được nhân lên gấp bội. Chúng tôi xin nhờ Quý Sứ quán ở Hà Nội nhận và chuyển đến Ngài.

Xin chúc vạn an,

Ngày 30-4-2016.

Nguyễn Khắc Mai

Người già ở Ô Đồng Lầm Thăng Long.

TB. Tôi chờ cho đúng cái ngày định mệnh này mới gởi những lời quê mùa tới Ngài, mong được thông cảm. Chúng tôi trân trọng đề nghị Quý Sứ Quán ở Hà Nội chuyển dịch ra tiếng Anh để gởi tới Ngài, và sẽ nhờ các mạng thông tin xã hội đăng tải để mọi người được biết về những tình cảm của chúng tôi trong lá thư này.

Chú thích:

1. Chuyện kể bà Điểm khi ngồi bán hàng giả vờ vô ý để lộ cái “tỉnh tình tinh” của mình, sứ thần trêu, đọc một vế đối tỏ ý khinh thị: An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh, nghĩa là một tấc đất An Nam (cái của ấy) biết bao người canh tác. Bà Điểm điềm nhiên đáp: Bắc quốc chư trượng phu giai do thử đồ xuất! Tất cả trượng phu quân tử của Bắc quốc cũng chui từ đấy mà ra.

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.