Video 1: https://www.youtube.com/watch?v=b601uiMqm7k&spfreload=10
Video 2: https://www.youtube.com/watch?v=F2NV49-eObs&spfreload=10
*
Ngư dân Quảng Bình phản ứng dữ dội, đổ cá ra đường, dựng lều làm tắc đường 1A
Hướng Thiện
Trưa nay, tại làng biển Cảnh Dương thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, người dân tiếp tục phản ứng dữ dội sau khi đi đánh bắt ở biển về không ai mua cá. Hàng tấn cá đã được đổ ra đường, hàng trăm người đã kéo ra đường và kéo tất cả ra đường quốc lộ 1A.
Công an, cảnh sát các loại đã tập trung đông như kiến. Nhưng tình hình hết sức khó vãn hồi trật tự vì sự phẫn nộ của người dân rất lớn.
Yêu cầu người dân đưa ra: Phải trả lại biển, tôm cá cho chúng tôi. Ai, Ai đã đưa chúng tôi vào cảnh này? Chúng tôi biết sống bằng cái gì khi không còn đường sống? Cảnh sát để làm gì, không cho chúng tôi kêu đói kêu khổ à?
Những câu hỏi của họ không được một ai giải đáp. Thậm chí cho đến giờ này, chưa có ai trả lời cho họ là những mẻ cá họ đánh bắt về có ăn được không?
Sau nhiều giờ tập trung, bà con ngư dân đã dựng lều ngay tại đường quốc lộ đòi câu trả lời của những công bộc của dân.
Hiện đường sá qua đây đang bị tắc, xe cộ đi đường tránh phía Trường Sơn. Sự bức xúc của bà con không được giải tỏa.
***
TÔI KHÓC*
Bắt đầu từ một con thuyền đánh bắt cá xa bờ của bà con xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình mang từ khơi xa về 1 tấn cá, cá khơi xa, bà con hy vọng cá khơi xa thì bán được, nhưng không ai mua, không ai mua, không ai mua.
Như phát điên lên, bà con đổ luôn trên đường quốc lộ, khóc.
Rồi cứ thế, nhiều người ra, dựng cả lều bạt giữa quốc lộ…
Đường ách tắc, náo loạn, cơ cực, đau đớn, xót xa, cả phía người dân và cả phía lực lượng công an.
Cần ngay một sự minh bạch thông tin, cần ngay một thông báo rõ ràng đi biển được chưa, đánh cá vùng nào thì bán được, ăn được, tìm ra địa chỉ gây độc cho biển chưa? Tìm ra rồi thì phải công bố, để kiện, để đền cho bà con, để chấm dứt..
Không thể u u mê mê như thế này được.
Hãy đứng trong lòng bà con vào lúc này mới hiểu được, đau lắm, rất đau.
Phó Thủ tướng đang vào Quảng Bình.
Bà con không cần động viên, đau đủ rồi, cay đắng đủ rồi, người dân Quảng Bình chịu hết gian nan, máu lửa, nghèo khó, đắng cay suốt nhiều thập niên rồi, chúng tôi cần sự minh bạch thông tin…
Minh bạch thông tin lúc này là sự cứu rỗi…
Hãy nhìn những con cá bà con đau đớn đổ ra đường kia kìa, đẫm cát và nước mắt đấy thưa các vị.
Bà con hiền lắm, thật lắm, không muốn dồn người, không muốn ngáng trở đường giao thông, chỉ muốn ra biển và đến chợ thôi,chỉ muốn ra biển và đến chợ, chỉ muốn ra biển và đến chợ, chỉ thế thôi, như bao đời nay, chỉ thế thôi, chỉ thế thôi thưa các vị.
Tôi khóc.
Nguồn: https://www.facebook.com/nvNguyenQuangVinh/posts/576805529147822
* Tên bài do BVN đặt
*
VOICE VIỆT NAM ĐANG PHÁT GẠO CỨU TRỢ DÂN KỲ ANH
Phạm Đoan Trang
VOICE – tổ chức dân sự đóng trụ sở tại Los Angeles và là kẻ thù không đội trời chung của an ninh Việt Nam – đang phải làm cái việc chính quyền các cấp lờ tịt đi không làm: cứu trợ cho dân.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện VOICE Vietnam trao quà cho bà con ngư dân xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 29/4/2016.
An ninh bám sát từng hoạt động của các bạn trẻ ở VOICE, gườm gườm, rình rập. Sự rình mò của họ lộ liễu đến mức đại diện của nhóm cứu trợ, Nguyễn Anh Tuấn, phải nhận xét: “Không thể đi đâu ở đây mà không có vài ba an ninh theo sát. Hệ thống an ninh địa phương thấy rõ rằng họ không thể cản được người dân biểu tình trước nỗi bức xúc dâng cao. Nhưng họ không muốn chấp nhận sự thật là dân biểu tình vì bức xúc, phẫn nộ với cách quản lý yếu kém và phản ứng chậm chạp của chính quyền đối với sinh kế. Họ muốn lý giải bằng một cách đơn giản hơn: Dân biểu tình là do bị xúi giục, kích động”.
An ninh vốn là lực lượng chậm tiến về tư duy cho nên suy nghĩ kiểu như vậy không có gì lạ. Về cơ bản, lãnh đạo cũng như an ninh cộng sản chỉ thích nghe những sự thật mát tai, có lợi cho họ, và thường ra sức chối bỏ, phủ nhận những sự thật bất lợi.
Điều tôi muốn nói ở đây là chuyện khác. Đó là:
XHDS Ở VIỆT NAM CẦN GẦN DÂN HƠN
Một trong những câu nói ưa thích của rất nhiều người trong cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản, là: Đừng sợ những gì cộng sản làm, hãy làm những gì cộng sản sợ.
Phát biểu này được nhiều người coi như tư duy chiến lược, và tôi nghĩ nó cũng đúng ở một mức độ nào đó. Nhưng nếu có thể, tôi muốn sửa một chút câu chữ để nó trở thành: Hãy làm những gì cộng sản không làm hoặc không làm được!
Với một nhà nước kém năng lực điều hành quốc gia như nhà nước công an trị ở Việt Nam, nói chung có rất nhiều điều họ không làm (hoặc không làm được). Nhưng có thể tóm gọn lại rằng, họ không làm những việc hướng tới người dân, tập trung vào phục vụ và bảo vệ quyền lợi của người dân.
Họ không làm, hoặc không làm được, do quá dốt nát mà lại không phải chịu sức ép thay đổi gì cả. Có vậy thôi.
Nhưng câu hỏi đặt ra cho chúng ta lúc này là: Đã đành nhà nước bất nhân, bất tài, bất lực, nhưng xã hội dân sự thì sao?
Vài năm qua, số lượng các tổ chức dân sự độc lập, không chịu sự kiểm soát của nhà nước và (tất nhiên) không được nhà nước công nhận, ra đời ngày càng nhiều. Đặc điểm chung của họ là đều coi việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người căn bản là sứ mệnh, và họ công khai tiến hành các hoạt động nhân quyền của mình mà không cần xin phép nhà nước. Do đó, tất yếu dẫn đến việc họ đều mâu thuẫn với chính quyền Việt Nam – vốn là một chế độ công an trị, không coi con người ra gì và xem quyền con người chỉ là “chiêu bài” mà “thế lực thù địch” mượn để chống phá Đảng và Nhà nước. Và cũng do đó, họ đều bị công an đàn áp, sách nhiễu. Khó khăn về tài chính, nhân lực, tóm lại là sự eo hẹp về nguồn lực, cũng hạn chế họ đáng kể.
Trong hoàn cảnh ấy, không thể phủ nhận rằng các tổ chức dân sự độc lập vẫn làm được rất nhiều việc. Họ đã tiến hành những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hừng hực khí thế, kết nối những người quan tâm đến vận mệnh đất nước lại thành phong trào. Họ giúp dân oan tổ chức tuần hành đòi đất, khiếu kiện trong các vụ oan sai. Họ làm thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ gia đình các tù nhân lương tâm, thương phế binh VNCH, tưởng niệm các liệt sĩ trong chiến tranh biên giới và hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa. Họ tích cực lên tiếng, làm truyền thông, tố cáo với dư luận trong nước và quốc tế về những vụ vi phạm nhân quyền của lực lượng công an và chính quyền các cấp. .
Tuy nhiên, thành thực mà xét thì các hình thức hoạt động của những tổ chức dân sự độc lập này nói chung chia sẻ một số nhược điểm: 1. Nghèo nàn, đơn điệu; 2. Không thực sự thúc đẩy những quyền lợi thiết thân, sát sườn của quảng đại quần chúng; 3. Vì hai nhược điểm trên, họ chưa thu hút được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Nói cách khác, có vẻ như họ cũng chưa lấy được lòng dân. Không tính đám dư luận viên và những cá nhân bị nhồi sọ quá nặng tới mức nhìn xã hội dân sự như kẻ thù, ngay cả trong những người ủng hộ dân chủ, vẫn có những ý kiến xa lánh, không tán thành và không tham gia các hoạt động của họ.
Nói “nghèo nàn, đơn điệu”, là bởi vì cho tới nay, các hoạt động chủ yếu của khối dân sự độc lập mới chỉ dừng lại ở hơn 20 hình thức, và vẫn tạo cảm giác nghèo nàn, bởi vì chúng không thực sự thúc đẩy những quyền lợi thiết thân, sát sườn của số đông người dân. Hay nói cách khác, chúng không thuyết phục được quảng đại quần chúng rằng họ có liên quan, rằng những tổ chức dân sự đó đang đấu tranh vì quyền lợi của họ, vì một xã hội tốt đẹp chung cho tất cả mọi người (chứ không phải cho riêng một tôn giáo, một cộng đồng sắc tộc, một thiểu số cá nhân nào).
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Quyền con người căn bản của tất cả các cá nhân trong xã hội đều cần được bảo vệ và tôn trọng; nhưng trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức dân sự hoạt động vì nhân quyền và dân chủ cần phải cho xã hội thấy được rằng mình đang đấu tranh vì những quyền lợi thiết thân, sát sườn, gần gũi và cụ thể, của số đông.
Bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, chống nạn thủy điện xả lũ vô trách nhiệm làm chết dân, nghiên cứu về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, v.v. Đó đều là những việc mà đảng Cộng sản không làm hoặc không làm nổi, và khối xã hội dân sự có thể tham gia.
* * *
Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Rất nhiều cái bẫy được giăng ra để đổ toàn bộ trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương vào những phiên toà chóng vánh của Điều 258 ‘Lợi dụng các ‘quyền tự do dân chủ’ cho những người lạ mặt từ địa phương khác đến. Rủi ro là nhãn tiền như vậy các bạn có sợ không? (Dành cho các bạn mới quen đang hỏi ý kiến mình về việc vào Kỳ Anh, Quảng Bình ngay bây giờ?)
Cơ mà những chỗ như thế, bạn không vào thì ai vào?”.
Còn tôi, tôi viết những dòng này khi đang không thể đi đâu trên đôi chân của mình.
Nếu bây giờ tôi… đứng được, chắc chắn tôi sẽ ở đó cùng các bạn trẻ, cùng Tuấn, cùng VOICE, và các tổ chức xã hội dân sự khác.
P.Đ.T
Nguồn: https://www.facebook.com/?q=#
***
Tôi lấy gì mà sống đây!*
“Tôi lấy gì mà sống đây!” – Tiếng thét xé lòng từ những người phụ nữ với gương mặt lam lũ đầm đìa nước mắt ở Quảng Bình trong các clip mà tôi vừa xem trưa nay có thể làm bất kỳ ai còn tình đồng loại cũng phải thấy xót xa, thương cảm! Có ai trong các vị lãnh đạo đã xem tới những hình ảnh này chưa ?
Đã nhiều ngày nay, ngư dân làng biển Cảnh Dương không thể bán được cá cho ai nên họ đã bức xúc mang cá đổ ra ngoài Quốc lộ 1. Việc Chính phủ phản ứng chậm chạp, để mặc người dân vùng biển miền Trung xoay xở đối mặt với thảm họa cá chết, bây giờ đang dẫn đến hậu quả là sự bùng vỡ những phản ứng phẫn nộ từ ngư dân.
Trong khi đó, những thông tin kêu gọi ngưng ăn cá biển và không đi tắm biển ở miền Trung vẫn như đốm mực loang lan truyền ngày càng rộng. Cũng không thể trách người tiêu dùng vì đến nay vẫn chưa ai trả lời cho họ rằng cá có ăn được không, biển có tắm được không, ngoài lời tuyên bố vô căn cứ của ông Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh (mà ông này cũng chưa hề dám tắm biển, chưa hề dám ăn cá cho dân xem!).
An toàn thực phẩm bị đe dọa khi có những kẻ vô lương tâm vẫn lén lút chở cá chết ở vùng biển miền Trung vào tiêu thụ tại các tỉnh, thành khác. Người ta cũng bắt đầu rủ nhau mua trữ cả mắm, muối để phòng ngừa tất cả các loại thực phẩm chế biến từ tài nguyên biển.
Thảm hoạ môi trường sẽ còn khủng khiếp hơn khi hàng trăm tấn cá chết dạt trên biển và cá chết do không tiêu thụ được bị để mặc cho phân rã tự nhiên ở mọi nơi mà không có các biện pháp tiêu hủy và xử lý ô nhiễm.
Tôi khẩn thiết đề nghị một lần nữa tới những người có trách nhiệm với dân, với nước : Xin hãy công bố ngay thảm họa môi trường quốc gia và ban hành tình trạng khẩn cấp để xử lý các vấn đề liên quan tới dân sinh, kinh tế và môi trường. Muộn còn hơn là không làm gì cả và để mặc dân tự chòi đạp trong thảm hoạ!
Đừng lo bàn chuyện lễ lạt và bắn pháo hoa mừng chiến thắng nữa! Xin các vị – những người đã tuyên thệ phục vụ nhân dân mới đây – hãy ngó xuống dân và đến với dân đi, để biết dân đang cùng cực thế nào! Đó là những người mẹ, người chị phải phơi nắng đội mưa để bươn chải kiếm sống hàng ngày, nay đã bị đẩy đến sự cùng quẫn tột bậc, chứ không phải những kẻ phản động hay “thế lực thù địch” nào đâu!
Tôi không thể kiềm chế được nữa khi đọc một status của bạn Anh Son Tran Duc sáng nay với cái tựa : “Câm như xác chết, lặng như nấm mồ”.
Vâng, đất nước chúng ta không thể trở thành một nấm mồ với những xác chết biết đi!
Ngày mai là 41 năm rồi.
Nguồn: https://www.facebook.com/oanh.nguyenthi.96/posts/1012344895467668
* Tên bài do BVN đặt
***
CÂM NHƯ XÁC CHẾT, LẶNG NHƯ NẤM MỒ
Trần Đức Anh Sơn
- Mùa đông năm 1997, tôi đang du học ở tỉnh Shimane (Nhật Bản). Có một chiếc tàu chở dầu của Nga bị nạn ở gần bờ biển vùng Trung bộ Nhật Bản, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường của 5 tỉnh Trung bộ Nhật Bản là Hiroshima, Yamaguchi, Tottori, Shimane và Okayama. Chính quyền 5 tỉnh này liền phối hợp với nhau ứng cứu chiếc tàu và đối phó nguy cơ tràn dầu ra biển. Tuy nhiên do sóng lớn nên tàu đã bị đánh chìm và vỡ một phần. Dầu tràn ra biển, lan tới bờ biển 5 tỉnh trên. Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Hashimoto Ryutaro lập tức đến hiện trường thị sát, nhanh chóng ban hành những biện pháp rốt ráo, huy động mọi nguồn lực từ trung ương đến địa phương để cứu nguy môi trường. Chính quyền địa phương cử lực lượng chức năng hút dầu ra khỏi tàu chìm và làm vệ sinh bờ biển, còn người dân ở vùng Trung bộ Nhật Bản thì tình nguyện ra biển giúp dọn dầu loang, làm sạch bờ biển. Khi đó nhiệt độ ngoài trời thường xuyên từ -6 đến 1 độ C. Có vài người Nhật lớn tuổi do không chịu nỗi cái rét và thời tiết khắc nghiệt và do nhiệt tình làm việc “lau dọn” bờ biển nên kiệt sức và qua đời. Vậy là chính quyền địa phương yêu cầu người trên 65 tuổi không được tham gia công tác tình nguyện này. Ai có tiền sử tim mạch, chịu lạnh kém, cũng không được tham gia. Vậy nhưng từng đoàn người Nhật vẫn ngày ngày đổ ra bãi biển dọn cặn dầu loang trên cát, lau chùi từ mỏm đá. Nhờ vậy mà đến cuối tháng 2/1998, sự cố này đã được cơ bản khắc phục.
2. Ngày 5/8/2010, đường hầm chính dẫn vào khu mỏ vàng và đồng San Jose ở miền bắc Chile sụp xuống, khiến 33 thợ mỏ kẹt dưới độ sâu gần 700 mét. Tổng thống Chile Sebastian Pinera khi đó tuyên bố nước này sẽ tìm mọi cách để cứu các thợ mỏ. Nhưng Bộ hầm mỏ nước này cho rằng khả năng tìm thấy các công nhân còn sống là rất thấp vì các mũi khoan thám sát đều không có kết quả. Tuy nhiên, thân nhân những thợ mỏ và đất nước Chile không từ bỏ hy vọng, và họ đã tổ chức một cuộc cứu hộ “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử sụp hầm mỏ trên thế giới.
Chiến dịch giải cứu này đã thành công. Đêm 12/10 giờ Chile, cả thế giới đã xúc động khi chứng kiến giây phút thợ mỏ đầu tiên trong số 33 người mắc kẹt là Florencio Avalos được kéo lên mặt đất an toàn và được đích thân Tổng thống Chile Sebastian Pinera chào đón và ôm hôn thắm thiết. 32 thợ mỏ kế tiếp lần lượt được đưa lên mặt đất và Tổng thống Chile chào đón, thăm hỏi, động viên từng người. Kể từ khi bị mắc kẹt đến khi bắt đầu được giải cứu, các thợ mỏ Chile đã sống sót 69 ngày dưới lòng đất, lâu hơn bất cứ sự kiện tương tự nào trong lịch sử thế giới. Cuộc cứu hộ này trở thành niềm tự hào của Chile và là tác nhân thúc đẩy sự đoàn kết của người dân nước này. Đặc biệt người dân Chile và cộng đồng quốc tế đánh giá cao nổ lực của chính phủ Chile và của cá nhân Tổng thống Sebastian Pinera trong vụ giải cứu hy hữu này.
3. Rất nhiều quốc gia trên thế giới, khi gặp thảm họa (thiên tai, tai nạn, môi trường…), dù trong phạm vi địa phương hay một vùng, thì lãnh đạo quốc gia/người đứng đầu chính phủ đều ngay lập tức tới tận hiện trường để thị sát, xử lý tình hình và có những tuyên bố làm yên lòng dân. Thậm chí họ còn hủy bỏ hoặc cắt ngắn những chuyến công du quan trọng ở nước ngoài để đến hiện trường chỉ đạo giải quyết sự cố. Đó là vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện văn minh ứng xử, vừa để bảo vệ giá trị của thể chế. Vì thế mà người dân các nước này mới tin vào lãnh đạo và “chịu sự lãnh đạo” của họ.
Vậy mà ở nước tôi, sự cố cá chết, người chết và biển đang chết ở 4 tỉnh miền Trung (và có nguy cơ lan rộng) diễn ra đã hơn 3 tuần qua, nhưng “tứ trụ triều đình” không một ai nói một câu “tiếng Huế, tiếng Quảng, tiếng Nam, tiếng Bắc” nào cả. Tất cả đều “câm như xác chết, lặng như nấm mồ””.
Họ sai vài ba thuộc cấp ra trước dư luận, nói những lời nhăng cuội, vừa dối trá, vừa ngu dốt… để chọc giận dư luận. Còn họ thì “lặn không sủi tăm” luôn. Trong khi chỉ một (vài) tháng trước đó thì họ vừa giơ tay lên thề là “sẽ trung thành với tổ quốc, sẽ phụng sự nhân dân”. Đúng là “thề như cá trê chui ống”.
Hành xử như vậy mà đòi nhân dân phải “giữ vững lòng tin và trung thành” với sự lãnh đạo của họ!!!
Nói như dân nước Huệ là “tin cái lờ”; hay nói như dân xứ Quảng là “trung thành cái con kẹc”.
NGƯỜI NƯỚC HUỆ (từ New Haven, Connecticut)
T.Đ.A.S
Nguồn: https://www.facebook.com/anhson.tranduc/posts/10205287140412622