Hiện tượng cá chết hàng loạt đang gây nên một cuộc khủng hoảng môi trường thực sự ở ven biển miền Trung.
Cá chết ở biển Vũng Áng.
Mối nghi ngờ còn lớn hơn khi Formosa đã thừa nhận việc nhập hóa chất tẩy rửa đường ốngCuộc sống của người dân bị đảo lộn, ngành thủy sản lao đao, ngành du lịch bị đe dọa ngay trước mùa hè. Mọi nghi vấn thì đang đổ về khu đại dự án Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Nhưng tác động về môi trường thì đã rõ, cơ quan công an cần phải mở chuyên án điều tra về hành vi gây ô nhiễm môi trường. Hành vi gây ô nhiễm môi trường đã được hình sự hóa theo quy định tại Điều 182, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009.
Việt Nam đã có lực lượng điều tra chuyên trách về môi trường, ở cấp Trung ương thì là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường và ở tỉnh thì có Phòng Cảnh sát môi trường, ở cấp huyện cũng có đội cảnh sát chuyên trách về môi trường.
Ở quy mô ô nhiễm đang lan rộng ra nhiều tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… thì có lẽ Bộ Công an nên mở chuyên án và yêu cầu sự phối hợp của cảnh sát môi trường các tỉnh nêu trên.
Trong quá trình điều tra chuyên án này, có 2 việc chính mà cơ quan công an phải làm rõ:
Đó là phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, phá hoại môi trường. Sau đó là xử lý các cá nhân, tổ chức bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường.
Đặt giả thiết nếu đúng là Formosa gây ô nhiễm, đương nhiên công ty này sẽ bị xử lý, nhưng các cơ quan chức năng, các cơ quan kiểm soát môi trường ở Hà Tĩnh cũng khó có thể tránh được việc phải chịu trách nhiệm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử PetroTimes, luật sư Trương Anh Tú – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Nếu phát hiện đúng sai phạm là do tác động của con người thì cần xử lý vi phạm theo Điều 160 Luật bảo vệ môi trường, theo đó:
“1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Cận cảnh đường ống xả thải của Formosa dưới đáy biển.
Việc để cho doanh nghiệp này làm ống xả thải ngầm đã là một thách thức cho việc giám sát. Có thể doanh nghiệp này có hệ thống xử lý chất thải nhưng không ai biết trên thực tế nó có hoạt động hay không hay chỉ hoạt động khi có đoàn kiểm tra.Việc một khu công nghiệp lớn như Formosa có ống xả thải ra môi trường, ra biển là việc đương nhiên. Tuy nhiên, các cơ quan kiểm soát môi trường địa phương phải kiểm tra, kiểm soát được việc xả thải của khu công nghiệp này.
Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, hệ thống xử lý chất thải công nghiệp cực kỳ đắt đỏ, đòi hỏi chi phí vận hành cực lớn. Việc xử lý 1 lít nước thải còn phức tạp và tốn kém gấp 3 – 4 lần kinh phí để làm ra 1 lít nước sạch sinh hoạt.
Và không ít doanh nghiệp đã sắm hệ thống xử lý xong thì để đó. Việc xử lý chất thải tốn kém cũng là nguyên nhân mà nhiều tập đoàn công nghiệp ở các nước tiên tiến thường tìm đến các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển để mở nhà máy, vì ở đó việc kiểm soát môi trường lỏng lẻo hơn, nên tiết kiệm được chi phí về môi trường.
Chúng ta tôn trọng chào đón những nhà đầu tư đến Việt Nam nhưng cũng sẽ xử lý theo quy định đối với những nhà đầu tư không chấp hành pháp luật Việt Nam, không tôn trọng đất nước, con người Việt Nam.
Xin được trích một đoạn được cho là tâm sự của một kỹ sư làm việc trong khu công nghiệp đang gây chấn động trên internet, viết về việc xả thải trong khu công nghiệp:
“Bộ phận em làm mỗi giờ cần 40.000 m3 nước làm mát thiết bị. Trên lý thuyết, bọn em sẽ xử lý, sau đó tái sử dụng tuần hoàn cho đỡ tốn kém. Nhưng vì phải bảo vệ các thiết bị kim loại và đường ống kim loại, bọn em phải thêm rất nhiều hóa chất vào đó.
Hóa chất sẽ có tác dụng chống ăn mòn kim loại, chống rêu mốc và khả năng đóng cặn làm tắc ống. Nói chung là, phải dùng nhiều hóa chất lắm.
Và bây giờ, em nói đơn giản cho anh hiểu. Việc dùng nước giống như anh ăn lẩu vậy. Càng về sau, nồi lẩu càng mặn và đặc quánh. Do đó, bọn em phải xả thải thứ nước đặc hóa chất đó ra biển đi, thêm nước mới vào hòa loãng nồng độ.
Việc tách hóa chất khỏi nước là điều vô cùng khó khăn và tốn kém. Người ta chỉ có thể lọc vật lý để làm trong nước thôi. Người không biết nhìn vào thấy nước trong tưởng sạch. Nhưng thực chất hóa chất còn nguyên.
Để đối phó với cơ quan chức năng, người ta bỏ tiền xử lý một lượng vô cùng nhỏ, rồi cho cá vào nuôi để qua mặt. Còn phần lớn là xả trộm qua một đường ống lớn chạy ngầm dưới biển anh ạ. Cơ quan chức năng có đến kiểm tra cũng không bao giờ biết được vì thấy họ nuôi cá bằng nước thải đã qua xử lý, cá vẫn sống ngon ơ. Với lại, cơ quan chức năng cũng không nắm được quy trình xử lý”.
Hiện chưa biết những dòng trên có phải được viết bởi một kỹ sư làm việc trong Formosa hay không, nhưng các quy trình, kiến thức đưa ra đã thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Và đã đến lúc, cơ quan chức năng cần vào cuộc, lập chuyên án để điều tra nghi án phá hoại môi trường biển ở các tỉnh miền trung, mà bắt đầu là khu vực lân cận Formosa, Hà Tĩnh.
Điều 182: Tội gây ô nhiễm môi trường
1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” |
H.C.T
Nguồn: http://petrotimes.vn/phai-mo-chuyen-an-dieu-tra-nghi-van-pha-hoai-moi-truong-o-formosa-411896.html