- Giám đốc đối ngoại Formosa:
PHẢI LỰA CHỌN, KHÔNG THỂ VỪA CÓ NHÀ MÁY THÉP VỪA CÓ NHIỀU TÔM CÁ!
Kênh Truyền hình VTC14
Trả lời VTC14 về việc gây ô nhiễm môi trường biển khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) khi xả thải ra đại dương bằng đường ống ngầm, cũng như băn khoăn của ngư dân địa phương đối với việc cá ở ven biển không còn kể từ khi nhà máy Formosa xả thải, Giám đốc đối ngoại của Formosa nói rằng người dân ở đây cũng như Nhà nước sẽ phải cân nhắc và lựa chọn, vì việc xả thải chắc chắn có tác động đến môi trường. Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá. Xem chi tiết trong các bản tin tiếp theo của #VTC14.
Nguồn: https://www.facebook.com/kenhvtc14/videos/894570330671960/
***
- Phân tích câu nói “Không thể được cả 2, phải chọn hoặc nhà máy, hoặc cá tôm”
Nguyễn Đình Bổn
Ông Chu Xuân Phàm là Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, còn Formosa là tập đoàn lớn trên thế giới, vì vậy câu nói này không phải là câu nói “hớ” mà đã chuẩn bị rất kỹ.
Vì sao ông ta phát ngôn thẳng thắn như vậy? Theo tôi vì các lý do sau đây:
– Các điều tra độc lập của một số tờ báo và dư luận đã bắt đầu tiếp cận sự thật. Câu phát biểu có thể “phải đào đường ống xả thải lên để kiểm tra” của ông Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam đã chạm đúng vấn đề này, và họ biết không thể chối bỏ.
– Formosa đã đủ tự tin để biết chắc mình nắm đằng cán, và cũng đủ tự tin nhận định rằng người dân sẽ khuất phục người cầm quyền nên không việc gì sợ mà không công bố sự thật.
– Với phát biểu này, Formosa Hà Tĩnh đã nói rõ: nhà nước các vị đã chọn chúng tôi, vì vậy trách nhiệm thuộc về họ.
Như vậy những diễn tiến tiếp theo của vụ việc là báo chí, dư luận, nhân dân có dám đối đầu với nhà cầm quyền, cụ thể những Bộ nào, viên chức nào của tỉnh Hà Tĩnh đã ký giấy phép đầu tư cho tập đoàn này.
Về nguyên tắc các vùng bị ảnh hưởng, ngư dân các tỉnh, người nuôi cá… đều có quyền khởi kiện Formosa Hà Tĩnh nếu như sự thật được bóc trần. Nhưng khi Formosa Hà Tĩnh đã phát biểu như vậy, thì ngụ ý là: nhà nước các anh đã chọn chúng tôi, muốn gì thì cứ “làm việc” với họ.
Dự đoán của tôi: Sẽ có dàn xếp không công bố để Formosa Hà Tĩnh tạm thời không xả chất độc và cá mới ngoài biển vào không chết để dân bớt phẫn nộ. Báo chí sẽ được lệnh im miệng.
Nhưng đó chỉ là chuyện “ngắn ngày”, về lâu dài thảm họa môi trường vùng ven biển này sẽ tiếp tục và tàn khốc hơn.
Lúc đó tôi không dự đoán được!
N.Đ.B.
***
- Vụ Formosa chắc sẽ bị chìm xuồng nhanh
Trần Vinh Dự
Đồng chí giám đốc đối ngoại của Formosa nói không sai, vấn đề là lựa chọn của mình thôi. Có nhà máy thép thì làm gì còn lúa (vì đã lấy đất ruộng làm nhà máy). Tương tự như thế cũng không nên kỳ vọng xây một khu công nghiệp nặng (thuộc loại ô nhiễm) lớn cỡ đó mà vẫn hi vọng quanh đó vẫn đầy tôm cá.
Nói cho công bằng, kỳ vọng các hãng công nghệ sạch, uy tín, ngon lành vào đầu tư ở VN là việc khó tại thời điểm này. Phần lớn giới đầu tư ở Mỹ vẫn dửng dưng với Việt Nam là một thí dụ. Intel vào Việt Nam mất bao nhiêu năm loay hoay vì kiếm không đủ người là một thí dụ khác.
Việt Nam có gì hấp dẫn với giới đầu tư nước ngoài? Người ta vẫn nói lao động Việt Nam rẻ. Nhưng có vẻ như giờ cũng không còn rẻ lắm nữa. Chất lượng thì lại kém. Ngoài cái đó ra, tài nguyên thì vừa ít vừa tản mát. Mình chỉ còn hai thứ là du lịch (biến thành chỗ ăn chơi cho người ta) và các ngành công nghiệp cũ kỹ gây hại cho môi trường (thí dụ sắt thép, nhuộm vải sợi) hoặc vét nốt các tài nguyên còn sót lại như dầu khí ở đáy biển, hoặc gỗ ở trên rừng (Việt Nam là nước xuất khẩu dăm gỗ (wood chip) lớn nhất thế giới.
Câu chuyện nó là vậy đấy. Cay đắng đấy, nhưng là sự thật phải nhìn nhận. Ai cũng muốn tốc độ tăng trưởng kinh tế phải thần kỳ cả. Nhưng có mấy ai tự hỏi vì cái gì?
Hàng ngày tôi gặp nhiều nhà đầu tư tài chính đến từ nhiều nước. Hỏi các anh muốn đầu tư gì? 10/10 đều nói muốn đầu tư vào những ngành cần ít tiền, dễ làm, phát triển nhanh, và chủ yếu để phục vụ thị trường trong nước. Tức là những ngành như ăn uống, bán lẻ, tương chao – mắm muối, rượu bia, bánh kẹo, đồ uống… Có mỗi thế thôi. Chả mấy ai quan tâm đến những ngành giúp xây dựng năng lực lõi ở Việt Nam về lâu dài.
Quay lại chuyện Formosa, tại sao nói nó sẽ chìm xuồng nhanh? Vì chọn người ta là lựa chọn của mình, của lãnh đạo mình. Mà nói đến lãnh đạo, có ai để ý hội trường mà cậu giám đốc đối ngoại Formosa đứng không? Đó là cái hội trường rất XHCN với cờ và tượng Hồ Chủ tịch. Người ta tâm lý như vậy đó chứ không phải dạng vừa đâu. À, đó là chưa kể bác Nguyễn Phú Trọng vừa đến thăm Formosa cách đây vài ngày.
Mời các bạn nghe thêm bài: Gia tài của Mẹ. con
https://www.youtube.com/watch?v=ROp_YuUN1tM
T.V.D.
***
- Formosa Vũng Áng đã ngả bài!!!
Lang Anh
Chưa có kết quả điều tra, nhưng Formosa Vũng Áng đã chơi bài ngửa:
Giám đốc đối ngoại của Formosa tuyên bố khi trả lời phỏng vấn của VTC14: “Không thể vừa có nhà máy, lại vừa có tôm cá”. Hiểu theo nghĩa cái dự án 28 tỷ USD này sẽ gây tàn hại môi trường một cách không thể tránh được: https://www.facebook.com/kenhvtc14/videos/894570330671960/?autoplay_reason=gatekeeper&video_container_type=0&app_id=2392950137
Tuy nhiên có nhiều điều ông Giám đốc người Tàu này lờ đi, là vấn đề không phải chỉ ở chỗ ít tôm cá đi, mà là những nguy cơ lâu dài đối với sức khỏe người dân dọc bờ biển miền Trung và thậm chí là cả miền Bắc. Vì vào mùa đông, hải lưu sẽ đưa nước thải từ Vũng Áng vào Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng và vào mãi phía Nam, còn mùa hè thì hải lưu sẽ đưa nước Vũng Áng ngược về Nghệ An, Thanh Hoá rồi ra mãi tận Hải Phòng hay Quảng Ninh. Khi chưa hoạt động, Formosa thải 12 nghìn m3 nước thải mỗi ngày. Vậy khi đã hoạt động rồi cái khu liên hợp khổng lồ ấy sẽ thải ra bao nhiêu m3 nước thải??? 50 nghìn, 100 nghìn hay 200 nghìn mỗi ngày??? Và cái thứ nước thải theo khẳng định của giám đốc đối ngoại Formosa thì dù được xử lý cũng chắc chắn làm chết tôm cá.
Kinh tế biển của Việt Nam rồi sẽ ra sao??? Ngư dân bỏ biển rồi lấy ai giữ hải phận Hoàng Sa, Trường Sa??? Và quan trọng là cái dòng nước mang độc chất chết tôm cá ấy sẽ hủy diệt thế nào sức khỏe của toàn bộ người Việt ở hai đầu Nam Bắc???
Công nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới đây sẽ thế nào và thị trường thế giới có chịu mua hải sản xuất khẩu của Việt Nam nữa hãy không? Liệu doanh thu xuất khẩu ngót 7 tỷ usd hàng năm thủy sản trong tương lai sẽ còn bao nhiêu???
Thế mạnh du lịch biển miền Trung và miền Bắc có còn không khi dòng hải lưu đưa theo dòng nước nguồn thải từ Vũng áng???
Người Việt đã chết dần bởi thực phẩm độc trên bờ, giờ thêm thực phẩm biển mang thương hiệu tác động dòng chảy Formosa Vũng Áng. Sẽ có thêm bao nhiêu căn bệnh hiểm nghèo, bao nhiêu ca ung thư? Tiền của để chữa bệnh của toàn xã hội rồi sẽ lớn tới đâu? Ai chi trả???
Khi cộng sổ tất cả các thiệt hại về ngành thủy sản xuất khẩu, về du lịch, và đặc biệt là sức khỏe và tính mạng người dân Việt vốn đã chịu đủ thứ đe doạ, giờ lại thêm nạn ô nhiễm không thể tránh được từ Formosa Vũng Áng, thêm vào đó là cả mối đe dọa mất chủ quyền khi ngư dân bỏ dần biển, cuối cùng so với số thuế thu được từ Formosa, liệu cái nào lớn hơn và quan trọng hơn ??? Việt Nam mất những gì và còn gì??? Câu hỏi này, xin chuyển tới những người đứng đầu Đảng và nhà nước Việt Nam. Các vị hãy trả lời.
Tôi phải nhấn mạnh là không có sự mâu thuẫn tuyệt đối giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 chứ không phải thời kỳ tiền công nghiệp vào thế kỷ 18. Có đủ công nghệ để xử lý nước thải và khí thải của các nhà máy luyện thép quy mô lớn. Vấn đề là các quan chức chính quyền có đủ kiến thức, có đủ tâm huyết và có đủ trong sạch để bắt buộc các nhà tư bản ngoại quốc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, hay lại mắt nhắm mắt mở hoặc vì những động cơ mờ ám mà để mặc họ kiếm lời và gây những tổn hại sinh tồn cho người Việt Nam. Thành tích quản lý của Việt Nam về môi trường vốn đã chẳng thuyết phục nổi ai khi để ô nhiễm tràn lan và thực phẩm bẩn giờ đã thành đại hoạ giết hại dần người dân trong nước. Trong khi đó bản thân tập đoàn Formosa vốn cũng lừng tiếng với những thành tích tàn phá môi trường. Sự kết hợp giữa một chính quyền quản lý kém và một tập đoàn khổng lồ ngoại quốc có lý lịch đen, sẽ đặt vận mệnh quốc gia trước một nguy cơ có tính sống còn.
Tôi đề nghị các lãnh đạo đứng đầu Đảng và nhà nước phải yêu cầu chủ đầu tư công bố công khai các số liệu sau:
1 – Số lượng nước thải và khí thải mà khu liên hợp Formosa sẽ thải ra môi trường mỗi ngày khi chính thức hoạt động, chi tiết theo từng giai đoạn.
2 – Công bố công khai hồ sơ thiết kế khu xử lý nước thải và các công nghệ áp dụng xử lý khí thải. Công bố công khai tổng số tiền chủ đầu tư bỏ ra để đầu tư các hệ thống xử lý khí thải và nước thải, công bố công khai toàn bộ các máy móc và công nghệ xử lý thải đã đầu tư để xã hội và các nhà khoa hoc giám sát. Formosa phải để báo chí và các cơ quan quản lý định kỳ kiểm tra trên thực địa sự vận hàng hệ thống xử lý thải của họ. Formosa có thể đầu tư 28 tỷ USD cho khu liên hợp, thì họ cũng buộc phải và có đủ khả năng đầu tư thêm ít nhất 2 tỷ USD (nếu cần) cho hệ thống xử lý thải để đảm bảo sinh mạng và sự an toàn cho người Việt Nam.
3 – Mọi đường thải ngầm và có nguy cơ nằm ngoài sự giám sát đều phải gỡ bỏ và đình chỉ hoạt động. Nguồn nước thải của Formosa trước khi chảy ra biển phải qua một trạm giám sát độc lập về chất lượng, đặt dưới sự quản lý của cơ quan môi trường, trạm này phải có những trang thiết bị đảm bảo đo được những thành phần đầy đủ nhất của mẫu nước thải, kết quả đo phải được lưu lại và thực hiện hàng ngày và phải đảm bảo công khai để xã hội và các nhà khoa học giám sát. Tương tự vậy, việc lấy mẫu và kiểm định khí thải của Formosa cũng cần thực hiện thường xuyên bởi các cơ quan quản lý. Cần có chế tài ngay lập tức và đủ mạnh khi Formosa vi phạm.
4- Định kỳ, cần tổ chức lấy mẫu nước biển tại Vũng Áng, lập hồ sơ theo dõi môi trường sinh vật biển tại khu vực để đánh giá về mức ảnh hưởng của dòng xả thải. Nếu có các tác động tiêu cực đến môi trường biển và đời sống con người, cần có chế tài mạnh để yêu cầu chủ đầu tư khắc phục.
Nếu Đảng và chính phủ Việt Nam thực sự thực hiện được các nội dung trên, thì không phải sự tồn tại của Formosa Vũng Áng sẽ là đại hoạ, dù phải nói thẳng thắn là các nhà tư bản ngoại quốc sẽ chẳng dễ chịu gì khi phải chấp nhận giảm khá lớn lợi nhuận cho các công nghệ bảo vệ môi trường. Tôi sẽ không bình luận rằng tôi có tin là quý vị sẽ làm được những điều đã nêu ở trên hay không vì niềm tin của tôi vốn chẳng còn bao nhiêu nữa. Tuy nhiên đây là một khế ước xã hội mà Đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam phải làm bằng được, vì nếu không thì người dân đóng thuế cho các vị là để làm gì???
L.A.
Nguồn: https://www.facebook.com/Langlanhtu/posts/10204747218560376