Trong một tuyên bố gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “Cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới phải hoàn toàn dân chủ…”. Muốn được vậy thì cần phải bỏ hẳn hai điều sau đây:
1/ Tổ Dân phố bình chọn một người có được ứng cử hay không
Theo thông lệ xưa nay dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, một người ra ứng cử đại biểu Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân phải được đưa về Tổ Dân phố nơi người đó cư trú để họp tổ bình chọn xem người đó có xứng đáng được ứng cử hay không. Thực tế, đây chỉ là một tiểu xảo để loại những người mà Đảng và Nhà Nước không muốn họ có mặt trong quốc hội hay trong Hội dồng nhân dân. Nếu đa số tổ viên biểu quyết (bằng cách giơ tay) là không thì người đó không được ứng cử. Điều này hết sức vô lý. Tổ Dân phố không phải là một đơn vị hành chánh, chỉ là một tổ chức dân sự, thử hỏi lấy quyền gì mà cho hay không cho một người ứng cử?
Trong lần bầu cử trước, trường hợp Luật gia Cù Huy Hà Vũ ứng cử đại biểu Quốc hội lại càng buồn cười hơn nữa: Vì uy tín của ông quá lớn, nếu cho ông ứng cử bình thường thì chắc chắn ông sẽ lọt vào Quốc hội và sẽ nói những điều làm cho Đảng và Nhà nước nhức đầu. Biết thế nên người ta cho họp đến bốn tổ Dân phố để cầm chắc số đông phản đối, để loại ông ra khỏi danh sách mới thật là phi lý. Những người ở các tổ khác thì biết gì về ứng cử viên này mà thuận hay không thuận. Đưa ứng cử viên về Tổ Dân phố biểu quyết chỉ là một ngón tiểu xảo để loại bỏ ứng cử viên mà Đảng và chính quyền không muốn mà thôi.
Trong lần bầu cử này, những ứng viên sáng giá như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Xuân Diện… bị loại bỏ ngay, không thương tiếc vì những vị này là những nhà trí thức có tài và nhiệt thành yêu nước, để họ vào Quốc hội, có thể họ sẽ làm phật lòng đồng chí “bốn tốt” thì biết ăn nói làm sao. Loại hết những người có tài và yêu nước, số còn lại vào Quốc hội chỉ là những nghị gật, cứ tháng tháng lãnh tiền là tốt, còn chuyện nước non còn mất nào có sá gì.
Thử xem ở các nước dân chủ thật sự như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật có nơi nào cho tổ dân phố làm như vậy hay không? Hoàn toàn không. Theo Hiến pháp Việt Nam, công dân đủ 18 tuổi thì có quyền bầu cử, đủ 21 tuổi thì có quyền ứng cử, ngoại trừ vài trường hợp như công dân đang ở tù hay bị bệnh tâm thần, cớ sao lại dùng Tổ Dân phố để hạn chế quyền ấy? Đây chẳng những là việc làm phi lý mà còn vi hiến nữa. Hãy để cho Tổ Dân phố ngồi chơi, để cử tri toàn quyền quyết định trong việc chọn đại biểu của mình vào Quốc hội hay trong Hội đồng Nhân dân mới thật là “dân chủ đến thế là cùng”.
Vậy điều này cần phải bỏ ngay trong các dịp bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân trong tương lai.
2/ Tổ trưởng Dân phố giục cử tri đi bỏ phiếu
Ở các nước dân chủ như Anh, Pháp, Mỹ, Úc, trong một cuộc bầu cử Quốc hội được 50% cử tri đi bầu là mừng lắm rồi, có nơi chỉ 40%. Đó là cử tri thực hiện cái quyền bầu cử của mình. Nếu thấy không có ứng cử viên nào xứng đáng thì cử tri có quyền không đi bầu.
Ở Việt Nam, cuộc bầu cử nào cũng thấy chính quyền khoe có đến 90%, thậm chí 99,99% cử tri đi bầu. Có phải dân Việt Nam yêu nước hơn các dân tộc khác, sốt sắng vì việc nước hay không? Không phải. Sở dĩ người ta đi bầu đông như vậy là vì cứ đến chín mười giờ sáng ngày bầu cử mà xem trong sổ thấy ai chưa đi bầu thì Tổ trưởng dân phố đến tận nhà nhắc nhở, nhắc một lần chưa đi thì nhắc lần thứ hai, thứ ba… kỳ đến khi nào chịu đi mới thôi. Để đỡ bị làm phiền, người ta đi bầu cho xong chuyện, chứ cái kiểu “đảng cử, dân bầu” thì thú vị gì mà đi cho mất công. Như thế mà không đạt 99,99% mới lạ!
Nên nhớ rằng đi bầu là quyền của cử tri. Hãy để cho cử tri tự do muốn đi bầu hay không tùy ý, Tổ trưởng Dân phố không được đến nhà nhắc nhở, thật ra là bắt buộc người ta đi bầu để có một tỷ số cao hòng khoe với thế giới. Như thế là xâm phạm đến quyền tự do của cử tri.
Vậy muốn cho dân chủ trong lần bầu cử sắp tới, dứt khoát phải bỏ hẳn hai điều vô lý trên đây.
Sau cùng, tôi nghĩ rằng cái Quốc hội vô tích sự như lâu nay gồm toàn những ông nghị gật thì nên bỏ quách đi để đỡ tốn tiền tỷ của dân trong việc tổ chức bầu cử và trả lương cho nghị gật.
N. X. H.
Tác giả gửi BVN.