Nguyễn Khoa Thái Anh dịch
Do thiếu vắng một cuộc nghiên cứu hay thống kê chính thức để tìm hiểu xem giới trẻ hải ngoại nghĩ gì về thân phận cũng như thời cuộc Việt-Mỹ, tôi xin mượn bài tiểu luận dưới đây, trích từ lời mở đầu trong quyển sách mới xuất bản:
“Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War/Chẳng có gì chết cả: Việt Nam và ký ức chiến tranh” của GS Nguyễn Thanh Việt (anh dạy Văn chương Anh văn, châu Mỹ và Sắc tộc học ở Đại học USC: University of Southern California ở Los Angeles) để giới thiệu một cái nhìn của một nhà văn, một học giả, một Giáo sư trẻ người Mỹ gốc Việt với bạn đọc Việt Nam. Nếu không hẳn là một người đại diện cho tiếng nói của đa số những người trẻ sinh trưởng ở Mỹ, Nguyễn Thanh Việt – năm nay khoảng ngoài 40 – ít ra là một tiếng nói tiêu biểu cho thành phần trẻ ‘phóng khoáng’ (liberal) tại đây.
Như nhiều người trẻ lớn lên ở Mỹ, Nguyễn Thanh Việt không mang hành trang tang thương của cuộc chiến như các bậc cha ông, nói thế không có nghĩa là anh không trĩu nặng khắc khoải trong những suy tư về gốc gác, thân thế, hay căn cước Việt-Mỹ của mình. Những gì anh nghe và chứng kiến trong cuộc sống ở Mỹ cũng như những năm thăm viếng Việt Nam – những tranh cãi trong cộng đồng cũng như ở học đường về cuộc chiến tranh Việt Nam – đã làm anh phân vân và thắc mắc về cuộc chiến cũng như thân phận bất cân xứng của một người 2 quốc gia – tuy sinh ra ở Việt Nam nhưng được đào tạo tại môi trường dân chủ phóng túng của Mỹ.
Vì lẽ đó, muốn biết lập trường và hướng đi của anh có lẽ nên nhìn qua một nhân sinh quan đã được hun đúc và tôi luyện phần lớn từ Đại học Berkeley với môn học Chủng tộc Thiểu số: Ethnic Studies. Một môn học vốn dĩ là phản ứng phản kháng của sắc dân thiểu số chống lại định chế chính quyền Mỹ chỉ được bắt đầu từ thập niên 60, song hành với trào lưu phản chiến Việt Nam, khi những phong trào xuống đường tranh đấu cho sự bình đẳng và dân quyền của người Mỹ da đen đã là ngòi nổ hỗ trợ và thúc đẩy cho những chống đối của các di dân thiểu số khác như Da đỏ, Mễ, Phi, Hoa kiều, v.v. Họ hoà hợp với nhau tạo nên sức mạnh của số đông qua những cuộc biểu tình, mít-tinh và ngồi vạ (sit-ins) đòi hỏi quyền lợi và môn học Etnic Studies.
Tại Berkeley sinh viên 4 năm (undergraduate) Nguyễn Thanh Việt được thừa hưởng di sản đấu tranh đó, lấy cảm hứng và khích lệ bởi các Giáo sư như Barbara Christian (quá cố), Elaine Kim (người đầu tiên viết sách về văn chương Á châu (gốc Hàn quốc). Ngày nay, với nhiều giải thưởng về văn chương qua ba tác phẩm văn học, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Việt với chức vị Giáo sư một đại học nổi tiếng và với biệt tài văn chương và hùng biện của minh, đã viết và truyền bá tư tưởng và tư duy về thân phận người Mỹ gốc Việt, qua website Diacritics và DVAN cùng những gì anh sáng tác như các cuốn tiểu thuyết đã được công bố: The Sympathizer / Cảm tình viên và Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War / Chẳng có gì chết cả: Việt Nam và ký ức chiến tranh”…(1)
Là một người trẻ lớn lên ở Mỹ, GS Nguyễn Thanh Việt lên án Mỹ về cuộc chiến VN vừa qua và mượn lời hoa mỹ của ông Martin Luther King Jr. mà anh cho là tiên tri (cũng như của Che Guevara khi Che cho rằng ̣chiến thắng của Cộng sản Việt Nam làm gương cho những cuộc chiến giải phóng), làm điểm tựa và bệ phóng cho sự hồ nghi về lý tưởng của Hoa Kỳ cũng như của chính mình về cuộc chiến tranh Việt Nam mà anh không am hiểu nổi. Anh mang tâm tư khắc khoải về hai cuộc cách mạng của cả Việt Nam và Hoa Kỳ và cho rằng chúng đã phản bội lý tưởng ban đầu của 2 cuộc cách mạng này.
Khi nói đến cuộc cách mạng Hoa Kỳ người ta hiểu ngay là cuộc cách mạng giành độc lập từ Anh quốc (1776-1812). Nhưng khi nói đến cuộc cách mạng ở Việt Nam có lẽ GS Nguyễn Thanh Việt không nói đến cuộc chiến thắng của Cộng sản Bắc Việt ngày 30 tháng 4, 1975 ở miền Nam mà nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) của Việt minh gây tiếng vang trên trường quốc tế. Mục đích của người dịch không phải để phân tích hay lý giải cuộc chiến Điện Biên Phủ có cần thiết hay không để giành độc lập cho Việt Nam trong xu thế của (giữa) thế kỷ 20 là lúc các nước Tây phương bắt đầu giao trả quyền tự trị cho các thuộc địa của họ. Cái mà tôi muốn lưu ý là những ám ảnh trong lòng Nguyễn Thanh Việt cũng như nhiều, rất nhiều người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ Nguyên Thanh Việt, tại Hoa Kỳ (hoặc ở nhiều nước khác: Úc châu, Canada, các nước thuộc cộng đồng Âu Châu…) là cho đến tận nay, sự tàn phá khủng khiếp của các cuộc chiến tranh kéo dài đối với đất nước và dân tộc Việt tận góc trời Đông Nam châu Á, làm cho đất nước nát tan và dân tộc chia rẽ đến không hàn gắn được, vẫn như một bóng ma vô thức đè trĩu lên lớp trẻ các anh. Và một câu hỏi: cả một dân tộc phải trả cái giá khủng khiếp như vậy có xứng chăng một Điện Biên Phủ được nhắc tới trong nhiều sử sách? Không nói cuộc chiến Nam Bắc suốt 20 năm về sau thì còn là một sự “bẻ quẹo” những gì mà Điện Biên Phủ đã gặt hái, nó gây ra một cuộc chia ly não nùng với những mất mát đau thương trên biển cả hình như chưa một dân tộc nào trong thời hiện đại này phải chịu, có chăng là cuộc chạy loạn gần đây của Trung Đông do IS gây nên. Điều Nguyễn Thanh Việt muốn nhắc nhở về “sự phản bội” của các cuộc cách mạng (Hoa Kỳ và Việt Nam) đối với thế hệ anh – những người Mỹ và cũng là người Việt Nam – chính là ở chỗ sâu xa ấy.
Nguyễn Khoa Thái Anh
Tôi sinh ra ở VN nhưng Hoa Kỳ đã tạo nên tôi. Tôi là một trong những người Việt Nam rất ngán ngẩm vì hành xử của Hoa Kỳ nhưng vẫn cố tin vào những tuyên dương của Mỹ. Tôi cũng cho rằng mình là một trong những người Mỹ không biết phải nhận thực Việt Nam như thế nào cũng không biết mình phải nghĩ gì về Việt Nam. Người Mỹ cũng như nhiều người khắp nơi trên thế giới thường lẫn lộn Việt Nam với cuộc chiến được vinh dự mang tên đó, hoặc xấu hổ vì danh xưng đó tùy theo nhãn quan của họ. Chắc hẳn bất định mơ hồ này đã khiến tôi có những suy tư không rõ ràng về chuyện làm người con của hai xứ sở, hay người đã được thừa hưởng hai cuộc cách mạng.
Tôi đã mất rất nhiều thời gian trong cuộc sống để tìm một hướng đi trong sự rối rắm này, rối rắm của riêng tôi và của thế giới, và lý giải gọn ghẽ nhất về ý nghĩa của cuộc chiến mà tôi đã tìm ra, chí ít cho người Mỹ, đã đến từ Martin Luther King Jr. “Nếu tâm linh của nước Mỹ bị ngộ độc hoàn toàn”, ông nói, “thì một phần đáp số cho của cuộc thử nghiệm này phải là Việt Nam”(2).
Người Mỹ biết đến ông King phần lớn từ những giấc mơ của ông, nhưng đây chính là lời tiên tri của ông, và nó tiếp tục bằng cách này: “Chiến tranh Việt Nam chỉ là một triệu chứng của một căn bệnh tinh thần hiểm nghèo hơn của người Mỹ. Nếu chúng ta bỏ qua sự thật phũ phàng này, chúng ta sẽ thấy mình vận động cho thế hệ sau giúp họ kết hợp thành những ủy ban gồm các chức sắc tôn giáo và người dân quan tâm đến vấn đề này. Họ sẽ lo ngại về Guatemala và Peru. Họ sẽ bắt đầu quan tâm đến Thái Lan và Cam-bốt. Họ sẽ quan tâm đến Mozambique và Nam Phi. Chúng ta sẽ thi nhau xuống đường cho những quốc gia này và hàng chục các địa danh khác và sẽ có vô số các cuộc tụ tập, mít-tinh, trừ phi có những thay đổi đáng kể và sâu xa trong cuộc sống của Hoa Kỳ”. Đúng một năm sau khi thốt lên những lời này ông đã bị ám sát.
Ông không nhắc đến Iraq và Afghanistan, nhưng từ bài diễn văn của ông, nhiều người Mỹ đã nêu lên mối quan hệ giữa những cuộc xung đột đó và chiến tranh Việt Nam. Mặc dầu Việt Nam không phải là Iraq mà cũng chẳng phải là Afghanistan, người Mỹ vẫn tiếp tục có những sự so sánh. Chuyện khơi dậy Việt Nam như một bãi lầy, một hội chứng, một cuộc chiến tranh không nói lên thực tế của Việt Nam hay những vấn đề nan giải ở Iraq hay Afghanistan. Nhưng nó nói lên mối lo sợ của Hoa Kỳ. Người Mỹ cho rằng sự thất trận trong những cuộc chiến này là điều tệ hại nhất, trong khi chuyện thắng trận ở Iraq hay Afghanistan hôm nay chỉ có nghĩa là sẽ có nhiều điều tương tự như thế sẽ xảy ra trong tương lai: Somalia, Pakistan, Yemen, v.v..và v.v… Đây là lý do quan yếu nhất đối với người Mỹ khi nhắc lại cái gọi là chiến tranh Việt Nam, nó là thực trạng của một cuộc chiến trong một chuỗi các cuộc chiến tranh thảm khốc nhất đã xảy ra trước và sau nó. Diện mạo của cuộc chiến này, và thực vậy, diện mạo của bất kỳ cuộc chiến nào – không thể tách bạch khỏi chân dung của chiến tranh. Đối với ông King, “vấn đề kỳ thị chủng tộc, vấn đề bóc lột kinh tế, vấn đề của chiến tranh đều có liên hệ chặt chẽ với nhau”. Sự tiên tri của ông không phải lúc nào cũng là những lời nói suông. Ngôn ngữ đó chỉ đôi khi mang tính thánh kinh, chẳng chỗ nào tỏ ra hứng khởi. Ông khuyên chúng ta đừng ngước mắt nhìn lên đỉnh núi nhưng hãy cúi xuống nhìn đồng bằng, hãng xưởng, đồng áng, ruộng nương, các khu xóm nghèo, những người xếp hàng xin lương thất nghiệp, hay nhập ngũ, hoa sen nở trong sình lầy, phong cảnh Việt Nam, mà ngay cả lính Mỹ cũng khen đẹp, và Hoa Kỳ, mà người Việt gọi là một nước hoa mỹ! Đây là những chốn mà hồi ức chiến tranh tọa lạc. Chuyện rắc rối nhất là thế nào mới là ký ức chiến tranh, nó không chỉ xảy ra ở bên nớ (VN) mà còn xảy ra bên ni, bởi vì chiến tranh không chỉ là chuyện bắn nhau nhưng là những người làm ra đạn dược và chuyên chở đạn dược, và quan trọng nhất, chi trả cho số đạn dược đó, họ là những người công dân bị chia trí, đồng lõa trong chuyện mà ông King gọi là một “liên minh bạo tàn” kết hợp giữa các anh em da trắng và da đen.
Mặc dù ông King nói đến Hoa Kỳ, điều ông nói cũng có thể ám chỉ Việt Nam, cả hai quốc gia được hun đúc bằng cách mạng nhưng lại không sống đúng theo tiêu chí của các cuộc cách mạng đó. Trong khi Hoa Kỳ được cho là một thành đô nằm cao trên ngọn đồi, giờ đây đa phần chỉ là một ước vọng hão huyền, ngay cả chiến cuộc Việt Nam giờ có lẽ cũng nằm sâu trong dĩ vãng. Việt Nam đã là một quốc gia mà Che Guevara đã có thể ví von: “Tương lai có thể sáng láng và gần gũi biết bao nếu hai ba hay nhiều nước Việt Nam được nở rộ trên mặt địa cầu”. Ông ta đã nói về cách mà chiến tranh Việt Nam chống sự chiếm đóng của Hoa Kỳ đã mang lại niềm hưng phấn cho những ai mơ ước được độc lập và giải phóng ở các châu Mỹ, châu Phi, và châu Á. Hôm nay những cuộc cách mạng của Việt Nam và Hoa Kỳ đã tạo ra những ký ức chỉ để xá tội cho những động mạch bị xơ cứng của họ. Đối với chúng ta, những người tự cho là mình được thừa kế một hay cả hai cuộc cách mạng trên, hay được chúng chi phối một cách nào đó, chúng ta phải biết mình đã tạo ra hay quên đi những ký ức này bằng cách nào để chúng ta có thể kích thích hầu cấp cứu cho những con tim này đập trở lại”.
(1) Thành tựu về văn chương của Nguyễn Thanh Việt:
Ngoài một số những truyện ngắn viết vào những năm đầu, Nguyễn Thanh Việt là tác giả quyển Race and Resistance: Literature and Politics of Asian America/Chủng tộc và Phản kháng: Văn học và Chính trị của người Á châu ở Mỹ (Oxford University Press, 2002) và cuốn tiểu thuyết Người thân Cộng (Cảm tình viên), NXB Grove/Atlantic (2015). Người thân Cộng (Cảm tình viên) đoạt giải Tiểu thuyết đầu tay (First Novel Prize) của Trung tâm dành cho tiểu thuyết, và Huân chương Carnegie cho Tiểu thuyết sáng giá nhất của Hiệp hội Thư viện Mỹ, và giải thưởng Á châu/Người Mỹ Thái Bình Dương/Văn học hư cấu của Hiệp hội Thư viện Mỹ-Thái Bình Dương Châu Á. Nó cũng vào được chung kết giải thưởng PEN/Faulkner dành cho tiểu thuyết, một giải Edgar Best First Novel của các nhà văn về Chuyện bí mật của Mỹ, và Robert Bingham giải PEN/W. cho Debut Fiction. Cuốn tiểu thuyết cũng đã được chọn vào hơn ba mươi danh sách Quyển sách nổi tiếng nhất trong năm, trong đó có danh sách của các báo như The Guardian, The New York Times, The Wall Street Journal, Amazon.com, Slate.com, và The Washington Post.
Cuốn sách vừa được Đại học Harvard xuất bản vào tháng Ba năm 2016 là “Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War/Chẳng có chuyện gì chết bao giờ: Việt Nam và Ký ức Chiến tranh” là bookend quan trọng đối với một dự án sáng tạo mà bookend hư cấu chính là quyển “Cảm tình viên”. Quyển “Không có gì chết” phân tích Chiến tranh Việt Nam được ghi nhớ như thế nào đối với nhiều quốc gia và dân tộc, từ Mỹ đến Việt Nam, Lào, Campuchia, và Hàn Quốc. Nhà điểm sách Kirkus gọi cuốn sách này ”một sự phản ánh mạnh mẽ về cách chúng ta chọn để nhớ và quên”.
(2) Xin xem: The Prophecy of Martin Luther King, Jr., From Vietnam to Iraq (http://lithub.com/the-prophecy-of-martin-luther-king-jr-from-vietnam-to-iraq/)
N.K.T.A.
Tác giả gửi BVN