I– MỘT TƯ TƯỞNG TỰ DO DÂN CHỦ XUYÊN SUỐT
Tháng 12 năm 2008, tại cuộc Hội thảo Việt Nam học tổ chức ở Hà Nội, GS. Yoshiharu Tsuboi, Đại học Waseda, Nhật Bản, đã thu hút sự chú ý của hàng trăm nhà nghiên cứu Việt Nam và nhiều nước với bài thuyết trình nhận định Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa cộng hòa chứ không phải cộng sản.
Giáo sư cho rằng: “Có lẽ giá trị mà Hồ Chí Minh coi trọng nhất trong suốt cuộc đời mình là những giá trị của nền cộng hòa”, “cơ sở lý luận là Tự do, Bình đẳng Bác ái”.
Tóm lược bài thuyết trình: Hồ Chí Minh coi mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước; không chỉ xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hòa mà còn xây dựng những con người đóng vai trò gánh vác quốc gia độc lập; không chỉ đất nước được độc lập, nhà nước có chủ quyền, mà phải thực hiện tự do của mỗi người dân. Người dân phải trở thành chủ thể xây dựng từ dưới lên trật tự của nền cộng hòa. Từng cá nhân suy nghĩ, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao. Hồ Chí Minh cho rằng mỗi người dân đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và phải chủ động, tích cực tranh đấu để giành được hạnh phúc.
Giáo sư khẳng định: “Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo chính trị duy nhất ở Đông Á nhận thức được một cách đúng đắn nhất tinh thần nền cộng hòa và ông đã cố gắng đưa nó vào Việt Nam”. Cuối cùng Giáo sư tỏ ý tiếc rằng: “Thông điệp của Hồ Chí Minh hầu như không được truyền bá và lý giải một cách đầy đủ và đúng đắn”.
Nhân kỷ niệm lần thứ 120 của người, xin được khơi lại vấn đề trọng đại này, bắt đầu từ “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” mà Nguyễn Ái Quốc đứng tên gửi tới Hội nghị Versailles tháng 1 năm 1919 gồm 8 điều:
(1) Tổng ân xá tất cả người bản xứ bị án tù chính trị.
(2) Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách để cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo pháp lý như người Châu Âu. Xóa bỏ hoàn toàn những tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực trong người dân An Nam.
(3) Tự do báo chí và tự do ngôn luận.
(4) Tự do lập hội và hội họp.
(5) Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương.
(6) Tự do học tập. Thành lập các trường kỹ thuật tại tất cả các tỉnh cho người bản xứ.
(7) Thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.
(8) Có đại biểu thường trực của người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp, để giúp cho Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ.
Năm 1922, cảnh sát Pháp thu được nhiều truyền đơn diễn ca nội dung 8 điều của bản yêu sách nói trên theo thể thơ lục bát, mang tựa đề Việt Nam yêu cầu ca (Tuyển tập văn học Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn học, 1995, tập 3).
Cũng trong năm 1919, Hồ Chí Minh viết nhiều bài đòi Tự do, Dân chủ cho nhân dân Việt Nam, như bài viết trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp, ngày 2 tháng 8 năm 1919, có đoạn:
“Rất ôn hòa cả về nội dung và hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi và nhằm vào những quyền TỰ DO mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn. Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền TỰ DO ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả”.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đọc bản Tuyên ngôn độc lập do chính người viết, mở đầu bằng những đoạn văn trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của Quốc hội Pháp năm 1789, với lời khẳng định rằng: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Ông Archimedes L. A. Patti, người chỉ huy công tác tình báo bí mật của cơ quan mật vụ Hoa Kỳ đã thuật lại việc ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nghe bản thảo Tuyên ngôn độc lập khi người vừa mới viết xong. Ông Patti đã kinh ngạc hỏi: “”Có thực Chủ tịch định trích Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ?”. Với nụ cười nhã nhặn, ông hỏi lại tôi một cách dịu dàng: “Tôi không thể dùng được câu ấy à?”. Tôi cảm thấy ngượng ngập, lúng túng. “Tất nhiên”, tôi trả lời “Tại sao lại không?”. Cố sức nhớ lại, tôi mới thấy các các danh từ đã được chuyển vị và nhận xét là trật tự các chữ “tự do” và “quyền sống” đã bị thay đổi. Ông Hồ nắm ngay lấy và nói: “Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do” (Why Vietnam?, NXB Đà Nẵng, 1995, trang 230).
Ba năm sau, mùa xuân 1948, trong rừng Việt Bắc kháng chiến với bút danh Trần Dân Tiên, người viết Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, cho biết: “Cụ Hồ không giấu nổi sự sung sướng”, bởi “trong đời cụ đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”. Và nhận định: “Thật vậy, bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản yêu cầu gửi cho Hội nghị Versailles mà cụ Hồ đã viết năm 1919” (trang 112).
Từ đó cho đến cuối đời, Hồ Chí Minh rất nhiều lần nói về Tự do, Dân chủ. Xin được nhắc lại những câu nói của người về dân chủ mà chúng ta cần phải nghiền ngẫm một cách nghiêm túc để hiểu đúng quan điểm của người.
1– Nói về địa vị của nhân dân
– “Có người nói rằng: Mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì Dân mà làm các việc và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, tập 5, trang 294, 295).
2– Về chính quyền dân chủ
– “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, 1985, tập 5, trang 299).
– “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, 1984, tập 4, trang 283).
3– Về pháp quyền
– “Hiến pháp đảm bảo được quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, 1987, tập 7, trang 594).
– “Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động” (Hồ Chí Minh, Nhà nước và Pháp luật, NXB Pháp lý, 1985, trang 85).
– “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, 1985, tập 5, trang 245).
4– Về quyền lập hội đoàn
– “Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên” (Bài nói về Dân vận, viết năm 1949).
– “Phải để cho công nhân chọn người mình tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Công đoàn” (Nói với lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước khi qua đời. Sách Hồ Chí Minh nói về công nhân và công đoàn, NXB Lao Động).
5– Về các quyền tự do, dân chủ
– “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do… Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, 1987, tập 7, trang 482).
– “Quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền phục tùng chân lý” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, 1987, tập 7, trang 482).
– “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, tập 4, trang 35).
6– Về chống tham nhũng quan liêu
– “Chống tham ô lãng phí quan liêu là dân chủ. Phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, 1986, tập 6, trang 271).
– “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, 1986, tập 6, trang 112).
– “Nguyên nhân của bệnh ấy [quan liêu] là xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, 1986, tập 6, trang 112).
7– Đảng và nền dân chủ
– “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, 1984, tập 6, trang 493).
– “Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thực thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho rằng không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, tập 5, trang 297).
***
Đã hơn một năm, các nhà lý luận Việt Nam không có ai bác bỏ kiến giải của GS. Yoshiharu Tsuboi, cũng không có ai tỏ ý kiến tán đồng. Chẳng lẽ một vấn đề lý luận vô cùng lớn lao như vậy không được giới học thuật nước ta quan tâm?
Mới đây, GS. TS. Dương Phú Hiệp – nguyên Viện phó Viện Triết học, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: “Nếu ai cũng sợ chụp mũ, nếu chỉ có một trung tâm độc quyền phát ra chân lý, nếu cấp dưới chưa có thói quen tranh luận với cấp trên, không dám suy nghĩ bằng cái đầu của mình vì sợ mất đầu, thì tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận ở nước ta sẽ còn kéo dài” (TuanVietnam.net ngày 3 tháng 3/2010).
Tôi nghĩ, sự lạc hậu về lý luận sẽ kéo theo sự lạc hậu của Đảng lãnh đạo, vậy là sẽ kéo theo sự lạc hậu của đất nước, tất nhiên kéo theo sự an nguy của Tổ quốc! Tôi không là nhà lý luận, nhưng từng là anh Bộ đội Cụ Hồ 10 tuổi quân, tôi xin thẳng thắn nói rằng mình rất tâm đắc kiến giải của GS. Yoshiharu Tsuboi.
Trong mấy bài viết trước đây, tôi từng cho rằng Cụ Hồ chỉ coi chủ nghĩa Lenin như là một trong những phương tiện để giành độc lập dân tộc. Chính các thế lực đế quốc buộc Cụ phải dựa hẳn vào phe xã hội chủ nghĩa. Tìm đọc một số tác giả khác, thấy nhiều người cũng có ý kiến tương tự GS. Yoshiharu Tsuboi.
Tác giả Williams J. Duiker trong cuốn “Hồ Chí Minh: A Life” có đoạn viết: “Nhiều người quen biết ngoại quốc của ông nhấn mạnh ông là một nhà yêu nước hơn là một người Mác–xít. Có vẻ ông Hồ thừa nhận quan điểm này năm 1961, khi ông tuyên bố công khai là niềm mong muốn cứu đồng bào của mình đã dẫn ông đến với chủ thuyết Lenin. Trong khi ông bày tỏ điều này trong nhiều trường hợp khác thì không gì rõ ràng hơn là ý kiến ông nói với viên sĩ quan tình báo Hoa Kỳ Charles Fenn vào năm 1945 rằng ông coi chủ nghĩa cộng sản như là phương tiện để đạt được mục đích quốc gia”.
Nhận xét quyển “Hồ Chí Minh: A Life”, ông Stanley Kutler cho rằng: “Trong tác phẩm của mình Duiker đã viết về một nhà cách mạng ái quốc gần với Thomas Jefferson hơn là với Lenin”.
Pierre Brocheux, Giáo sư diễn giảng danh dự Đại học Denis-Diderot, Paris VII trả lời phỏng vấn về công trình nghiên cứu Hồ Chí Minh của mình: “Thật ra tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò mà tôi gọi là “người chuyển tải giữa phương Tây và phương Đông”. Ông Hồ Chí Minh đã ứng dụng các học thuyết của phương Tây vào Việt Nam, nhưng vẫn giữ tính chất rất là Châu Á, rất là Việt Nam”.
Hồ Chí Minh chấp nhận nhiều tư tưởng khác nhau, người nói: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Marx có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách thích hợp với điều kiện nước ta… Khổng Tử, Giê-su, Marx, Tôn Dật Tiên, chẳng đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” (Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, NXB Khoa học Xã hội, 1993, trang 84).
Chắc chắn vì những lý do nói trên mà Stalin với cương vị lãnh tụ Quốc tế 3 Cộng sản đã dị ứng đối với Hồ Chí Minh, nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện và ghi nhận điều ấy. Sử gia Alain Ruscio trích dẫn một tài liệu lấy từ văn khố của Liên Xô cũ phổ biến năm 1990:
“Năm 1934, ông Hồ trở lại Moscou. Lúc này Stalin đã nắm chắc quyền lực và những cuộc thanh trừng lớn bắt đầu từ năm 1937. Có vẻ như con người sẽ trở thành Hồ Chí Minh tương lai là nạn nhân, vì từ ngày trở lại Moscou ông không được tin cậy, không được giao một nhiệm vụ nào. Không còn nghi ngờ gì nữa, người ta đã trách cứ ông ngả về tinh thần quốc gia trong cuộc chiến đấu chống thực dân thay vì phải có tinh thần cách mạng vô sản”.
Nghiền ngẫm lại những lời tâm huyết suốt đời của Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy ông chỉ có một tư tưởng tự do dân chủ xuyên suốt. Đó là tư tưởng giải phóng con người về mặt tinh thần trong dòng chảy của nền văn minh nhân loại. Từ chủ nghĩa Nhân văn thời Phục hưng lấy con người làm trung tâm thay cho thượng đế, với những tên tuổi khổng lồ như Dante, Leonardo de Vinci, Rablais, Montaigne, Cervantes, Shakespeare… Chủ nghĩa Nhân văn sau đó, được bổ sung chủ nghĩa duy lý của Issac Descartes, J. Locke với nhận thức: Mọi người có khả năng bẩm sinh như nhau trước tạo hóa thì phải có quyền bình đẳng như nhau trong đời sống. Đó là cơ sở ra đời chủ nghĩa dân chủ. Các nhà triết học và khoa học Thế kỷ Khai sáng Pháp, với Voltaire, Montesquieu, La Mettrie, Diderot, Helvetius, Holbach, Rousseau… không ngừng đề cao Tự do, Bình đẳng, Bác ái, không ngừng phát triển chủ nghĩa dân chủ, đòi thay thế xã hội thần dân bằng xã hội công dân, đòi thay thế nhà nước áp đặt quyền lực vô hạn bằng nhà nước pháp quyền, đòi thay thế chế độ thần dân phục tùng nhà nước bằng chế độ nhà nước phục tùng ý chí của công dân.
Khi nghe câu nói của Hồ Chí Minh: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, chúng ta sẽ liên tưởng đến một câu trong tuyên bố của Hội nghị Nhân quyền thế giới họp ở Vienna (thủ đô nước Áo), ngày 25 tháng 6 năm 1993:
“5- Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Cộng đồng thế giới phải xử lý các quyền con người theo phạm vi toàn cầu một cách công bằng và bình đẳng và được coi trọng như nhau…” (Các văn kiện quốc tế về Nhân quyền, NXB TP Hồ Chí Minh, 1997, trang 40).
Khi nghe câu nói của Hồ Chí Minh: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”, hoặc: “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”, chúng ta liên tưởng ngay đến câu:
“8 – …Dân chủ phải được xây dựng trên nền tảng ý chí bày tỏ tự do của nhân dân về sự lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa của mình và sự tham gia đầy đủ của họ vào mọi lãnh vực đời sống” (cũng trong tài liệu trên).
Tôi vô cùng kính phục một người suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, đã có câu nói nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập tự do“, lại chính là người đặt nhân quyền và các quyền tự do của nhân dân còn cao hơn cả chủ quyền đất nước.
Tôi càng tin rằng tư tưởng Tự do, Dân chủ của Hồ Chí Minh thuộc những giá trị phổ biến của toàn nhân loại, chứ đâu phải của riêng phương Tây. Nếu không xác định rõ điều này, chúng ta chẳng những phạm lỗi rất lớn đối với Hồ Chí Minh và còn có lỗi rất lớn đối với dân tộc, bởi vì điều ấy sẽ hạn chế tới nỗi không thể tìm thấy “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” như mong ước của Hồ Chí Minh và cả dân tộc!
II– CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU TRÊN LỘ TRÌNH DÂN CHỦ?
1. Thành tựu nổi bật nhất của 25 năm Đổi mới: Dân chủ!
Nhớ lại, lần học Nghị quyết Đại hội 4 của Đảng năm 1976 chúng tôi có rất nhiều điều băn khoăn trăn trở: Vì sao phải thay từ Dân chủ trong tên nước bằng từ Xã hội chủ nghĩa? Nghị quyết Đại hội ghi: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”, điều ấy liệu có trái với Marx: “Phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”? Có trái với Hồ Chí Minh: “Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”?
Ông Trần Quỳnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đặt ra cho các nhà báo chúng tôi câu hỏi: Vì sao Lenin nói “Chủ nghĩa xã hội là chế độ dân chủ gấp triệu lần hơn dân chủ tư sản”? Và ông dẫn giải rằng: “Nhà nước xã hội chủ nghĩa có kế hoạch phát triển kinh tế, quản lý từ công ăn việc làm đến phân phối sản phẩm cho nhân dân. Mậu dịch quốc doanh cung ứng cho nhân dân từ hạt gạo, hạt muối, đến cọng rau, viên thuốc… Xin hỏi các đồng chí: Có nhà nước dân chủ tư sản nào dám nhận tất cả mọi việc chăm lo cho nhân dân chi li đến như vậy?”.
Làm sao có thể nghi ngờ một nhà nước đặt cho mình mục tiêu cao cả vì con người như thế là không dân chủ? Nhưng lạ lùng thay, một nhà nước gánh vác mọi việc cho dân như vậy mà sao sản xuất xã hội cứ mỗi ngày một ách tắc, đời sống nhân dân càng ngày càng khó khăn?
Xin kể hai chuyện đau lòng xảy ra trong thời kỳ được gọi là “quan liêu bao cấp” ấy.
(1) Ở thành phố Hồ Chí Minh, bà Tuyết Minh – Giám đốc Công ty Giày Sài Gòn tận dụng phế liệu, sản xuất ngoài kế hoạch để có thêm thu nhập cho công nhân đủ sống, bởi vì tiền lương một ngày của công nhân chỉ đủ trả tiền vá hai lổ thủng săm xe đạp. Bà huy động vốn tư nhân từ những sĩ quan quân đội nhân dân, bạn của chồng bà. Chính vì việc này bà bị bắt và bị kết tội đi theo con đường tư bản, xâm phạm lợi ích quốc gia. Mặc dù giữa phiên tòa xử bà đã có hằng trăm công nhân đến cổng tòa án hô vang: “Giám đốc Tuyết Minh của chúng tôi vô tội!”. Bà Tuyết Minh đã chết trong tù mà không thể hiểu vì sao mình bị kết tội!
(2) Ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chẩn có sáng kiến đắp cao su lên lốp xe vận tải đã mòn lòi bố, đạt phẩm chất bằng 80% lốp mới, giải quyết cho hằng trăm xe bỏ xó vì không có lốp thay. Ông được anh em lái xe kính phục gọi là “Vua lốp”. Nhưng không lâu sau ông bị bắt và bị kết tội dám cả gan tổ chức sản xuất tư nhân theo lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa! “Vua lốp” bị tịch thu nhà cửa, sản nghiệp và bị xử tù!
Những năm đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã dám chọn “xé rào” (tức là xé bỏ các quy định của chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa) thay vì đóng cửa xí nghiệp. Ông che chắn cho việc làm trên bằng khẩu hiệu: “Đảm bảo hài hòa Ba lợi ích” – tức là lợi ích của Nhà nước, lợi ích tập thể xí nghiệp và lợi ích cá nhân người lao động. Lợi ích cá nhân người lao động là vấn đề đang bị kiêng kỵ, bởi ai cũng sợ nó trái với chủ nghĩa tập thể xã hội chủ nghĩa!
Xé rào, Ba lợi ích, chính là những tín hiệu đưa tới công cuộc Đổi mới ở Đại hội 6 – Đại hội Đổi mới, với tinh thần: “Nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, với quan điểm “Lấy dân làm gốc”, với khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “Đổi mới tư duy bắt đầu là tư duy kinh tế”, tất cả chính là trở về với tư tưởng tự do dân chủ của Hồ Chí Minh.
Qua 25 năm nhìn lại cứ tưởng như mơ bởi nhiều chân lý của quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa được suy tôn ngày đó nay đã bị đảo ngược. Anh hùng lao động của thời kỳ đổi mới hiện nay chính là những con người mang ý chí của ông “Vua lốp” trước kia: Tự do sáng tạo, làm giàu bằng bàn tay khối óc của mình, tạo ra của cải, việc làm cho xã hội.
Cả thế giới nhìn vào Việt Nam với những chúc tụng: Một nền kinh tế đang trỗi dậy, con hổ tương lai… Bởi chúng ta từ một nước nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực đứng thứ hai thế giới.
Động lực từ đâu vậy?
Mới đây ông Trường Lam tìm thấy tư liệu: Ngày 24 tháng 4 năm 1957, Hồ Chủ tịch nói ở Nam Định: “Làm kinh tế thì phải khoán. Khoán là ích chung, lợi riêng thì mới khuyến khích được sản xuất”. Mười năm sau, năm 1967, ông Kim Ngọc là người đầu tiên làm theo Hồ Chi Minh và bị kỷ luật. Nay “đổi mới tư duy”, chính là trở về Hồ Chí Minh!
Ngoài ra, còn những thành tựu khác của Đổi mới trong xây dựng kinh tế:
– Từ con số không – bởi bị đánh phá tan tành trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã phát triển nhanh chóng tạo 90% việc làm trong công nghiệp và 70% sản lượng công nghiệp. Tỉ trọng lao động trong nông lâm ngư nghiệp đã giảm xuống dưới 50%.
– Tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 8 đến 10%, thu nhập bình quân từ 300 USD tăng lên hơn 1000 USD và năm 2010 được coi là nước có thu nhập trung bình.
– Là thành viên của tổ chức WTO.
– Tỷ lệ giảm nghèo đói được Liên Hiệp Quốc đánh giá cao: Từ 58% năm 1993 xuống 20% năm 2004.
– Đô thị hóa nhanh chóng, đưa dân số thành thị từ dưới 15% lên 29%, theo dự đoán sẽ trên 40% vào đầu thập niên 2040.
– Cả nước hướng tới mục tiêu Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Dân chủ hóa trong kinh tế cũng đã kéo theo dân chủ hóa nhiều mặt của đất nước.
Năm 2009 có sự kiện lớn rất đáng ghi nhận về tự do phản biện. Đó là sự xuất hiện và tồn tại của trang mạng Bauxite Việt Nam. Sau khi tổ chức nhiều đợt lấy chữ ký của hơn 3000 trí thức trong ngoài nước, kiến nghị Nhà nước dừng các dự án hợp tác với Trung quốc khai thác bauxite Tây nguyên, GS. Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn, GS. TS. Nguyễn Thế Hùng chủ trương lập mạng Bauxite Việt Nam tiếp tục phản biện về vấn đề này. Trang mạng tập hợp hằng trăm bài viết có giá trị khoa học, tràn đầy tinh thần yêu nước, thu hút hằng chục triệu người truy cập. Dù bị đánh phá tàn bạo (và hiện nay vẫn bị đánh phá hàng ngày), trang mạng vẫn được giữ vững. GS. Huệ Chi đã bị tạm giữ ổ cứng máy tính và mời làm việc nhiều tuần, nhưng cuối cùng cơ quan an ninh đã công nhận đây là một trang mạng yêu nước.
Điều này một mặt ghi nhận tính chính đáng của những người chủ trương và quần chúng yêu nước tập hợp quanh trang mạng Bauxite Việt Nam. Đồng thời cũng phải ghi nhận rằng Nhà nước Việt Nam đã có một bước tiến rất đáng hoan nghênh trên tiến trình dân chủ.
2. Dân chủ còn ách tắc ở đâu?
Từ Đại hội 6 đến nay, Nghị quyết nào của Đảng cũng nhấn mạnh “dân chủ”. Văn kiện Đại hội 10 ghi rằng: “Ở đâu có dân chủ, ở đó có đoàn kết, đồng thuận và phát triển” (trang 344). Nghị định, thông tư nào của Chính phủ cũng nhắc nhở việc tiến hành phải “dân chủ”. Tuy nhiên, nhiều việc, nhiều nơi, đều phản ảnh đã xảy ra những hậu quả xấu bởi thiếu dân chủ.
a. Sức khỏe của nền kinh tế
– Đài Loan suốt 20 năm phát triển liên tục họ chỉ cần một nửa số vốn của Việt Nam để làm thêm một đơn vị tăng trưởng! Rất nhiều bài viết của nhiều tác giả trong và ngoài nước “khám sức khỏe“ cho nền kinh tế Việt Nam đều thống nhất nhận định rằng: Chỉ số ICOR (tức là số đồng vốn đầu tư để tăng thêm một đồng GDP) của Việt Nam cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi các nước trong khu vực! Do đó hàng hóa Việt Nam không nâng được sức cạnh tranh. Năm 2006 Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) xếp năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hạng 64, năm 2007 xếp hạng 68, năm 2008 xếp hạng 70.
Nguyên nhân bởi đâu? Mọi chẩn đoán đều quy cho bệnh tham nhũng, bòn rút và chuyển mục đích sử dụng quỹ đầu tư công. Bệnh kéo dài là do không dùng thuốc đặc trị đã được Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ”!
– Chế độ đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân là sự tiếp tục không công nhận quyền sở hữu của người dân, tạo điều kiện cho nạn tham nhũng đất đai lan tràn không ngăn chặn nổi. Có thể ghi một danh sách đen bất tận, từ vụ án ăn đất ở Đồ Sơn, đến Phú Quốc, lòng hồ Trị An, đất rừng Long An…
– Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung cho rằng 25 năm qua chúng ta phát triển kinh tế theo chiều rộng: khai thác khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên, phát triển sản phẩm thô, duy trì công nghệ lạc hậu, sử dụng lao động cơ bắp giá rẻ, giá trị gia tăng rất thấp. Cái giá phải trả cho hủy hoại môi trường tự nhiên và môi trường xã hội rất cao, tích tụ nhiều ách tắc, mất cân đối. Phát triển không bền vững, càng ngày càng tụt hậu so với các nước trong vùng.
– Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ vốn/lao động của các doanh nghiệp nhà nước cao gấp 3 lần doanh nghiệp dân doanh, nhưng doanh số trung bình của một công nhân tạo ra ở doanh nghiệp nhà nước chỉ bằng 44% so với doanh nghiệp dân doanh. Trong khi đó các doanh nghiệp nhà nước luôn luôn được ưu tiên chăm sóc, được bảo hộ và ưu đãi về vốn, đất đai… so với doanh nghiệp dân doanh.
– Về nông nghiệp: Từ tháng 7 năm 2008, Hội nghị Trung ương 3 đã có Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, GS. TS. nông học Đào Thế Tuấn đã có bài viết vạch ra nhiều điều bất công đối với nông dân, làm cho họ không thể thoát nghèo.
Đầu năm 2010, GS. TS. nông học Võ Tòng Xuân có bài viết đặt câu hỏi: Bao giờ nông dân mới giàu? Ông gợi ra những bất cập từ chính sách, đến điều hành sản xuất và xuất khẩu. Người đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra hạt gạo lại là người thua thiệt đủ đường. Vùng trọng điểm làm ra hạt gạo xuất khẩu của quốc gia là vùng nghèo nhất, học vấn thấp nhất.
Do đó mà xảy ra tình trạng đau lòng: Hàng ngàn em gái vị thành niên sang Campuchia bán thân, hàng trăm cô gái đẹp chen chúc chờ một anh Hàn quốc già nua, khuyết tật xem mặt! Phải chăng là do chưa có việc “ở nông thôn nông dân thực sự nắm chính quyền” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh)?
Nhiều dự án lấy đất mà không đền bù thỏa đáng cho nông dân để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp liên miên.
Trong lần góp ý với Hội đồng lý luận Trung ương, ông Đặng Quốc Bảo có nhận xét: “Đã có những dấu hiệu đổi mới cải cách đang trượt dài sang không phải chủ nghĩa tư bản hiện đại mà là chủ nghĩa tư bản xấu xí, chủ nghĩa tư bản sơ khai với những đặc trưng cực kỳ man rợ, với 2 đặc trưng:
– Kinh tế ngầm lộng hành, mafia cộng với thoái hóa.
– Bộ máy công quyền hư hỏng, vô cảm, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, thiếu chuyên nghiệp, ít hiểu biết, xa rời nhân dân, dị ứng với dân chủ”.
Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng có nhận xét tương tự. Họ cho rằng đã xuất hiện ở Việt Nam “Chủ nghĩa tư bản thân chủ”. Đó là những kẻ có các mối quan hệ trong hệ thống nhà nước, họ nắm được thông tin, không cần chất xám, không cần vốn liếng, vẫn nhanh chóng trở thành đại gia. Tức là làm giàu nhờ môi trường xã hội không minh bạch, không công khai, không dân chủ.
Qua 25 năm đổi mới, mặc dù mức thu nhập của nước ta còn kém xa Hàn quốc, Đài Loan, nhưng phân phối thu nhập giữa người nghèo và người giàu đã chênh lệch hơn nước họ. Trong bài báo có tựa là Công bằng đăng trên báo Lao Động, ông Đan Tâm – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho rằng khoảng cách giàu nghèo ở nước ta hiện nay là 13/1 và đã có những trường hợp phân phối thu nhập chênh lệch nhau hằng trăm lần.
b. Cải cách chính trị không theo kịp đòi hỏi của phát triển
Từ Đại hội 6 đến nay, các kỳ Đại hội đều thừa nhận cải cách chính trị không theo kịp đòi hỏi của phát triển kinh tế xã hội.
Xin điểm qua đôi nét hiện trạng của vấn đề này trước thềm Đại hội 11.
(1) Quốc hội hình thức và còn nhiều “nghị gật”
Trong hai ngày 8 và 9 tháng 10 năm 2009, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo “Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước khi Việt Nam là thành viên của WTO“ tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đây là một số ý kiến của các đại biểu tại hội nghị:
– Ông Trần Văn Đa, nguyên Đại biểu HĐND TP HCM từ khóa 1 đến khóa 5 cho rằng: “Hiện nay HĐND và Quốc hội đã có nhiều cải tiến, nhưng thực tế các Đại biểu HĐND cũng như Đại biểu Quốc hội vẫn là “Nghị gật”, “Nghị ừ”! Mỗi người dân có đến 4–5 ông đại diện (HĐND xã, phường, quận, huyện, tỉnh, Quốc hội). Nhưng nhiều chuyện của dân vẫn không giải quyết được, kiện thưa hoài không ai xử. Cho nên phải làm rõ quyền lực của Quốc hội tới đâu và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tới đâu”.
– PGS. TS. Đặng Văn Thanh, chuyên gia cao cấp của Quốc hội nói: “Không ít quyết định của Quốc hội không được thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện không nghiêm túc, khiến cho vai trò của Quốc hội ít nhiều mang tính hình thức”.
– Nhà sử học Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội, đồng ý với ông Thanh và bổ sung: “Quốc hội có tới 92% là đảng viên mà đã là đảng viên thì khi quyết định các vấn phải tuân thủ theo định hướng của tổ chức. Vì thế Quốc hội của chúng ta chưa chuyên nghiệp”.
– Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp nói: “Ở các nước, thông qua gói kích cầu phải mấy vòng mới quyết định được, ở ta thì không! Quy định chuyển mục đích sử dụng rừng từ 1000 ha phải xin ý kiến Quốc hội, nhưng nhiều nơi chuyển đổi 100.000 ha cũng chẳng báo cáo Quốc hội!”.
– GS. TS. Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu Lập pháp cho rằng: Hiện nay nhiều vấn đề mang tầm cỡ của quốc gia đều do Bộ Chính trị quyết định trước, nhờ đó Quốc hội thông qua nhanh chóng, nhưng nhược điểm của cách làm như vậy là thiếu dân chủ. Ông nhấn mạnh: “Để quyết định của Nhà nước dân chủ hơn thì phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề có ý nghĩa tiên quyết. Phương thức lãnh đạo của Đảng phải đổi mới một cách căn bản mới phát huy được sức mạnh của Nhà nước. Bản thân Đảng cũng nhờ đó sẽ mạnh lên”.
Vai trò của Quốc hội chỉ có tính hình thức như các đại biểu miêu tả ở trên đã thành nếp, cho nên ông Trần Đình Đàn trong cuộc họp báo 2 ngày trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội mới có thể phát biểu chắc như đinh đóng rằng:
“Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn này. [Ông nói về chủ trương khai thác Bauxite đang có kiến nghị phản biện của các bậc lão thành cách mạng và hàng ngàn trí thức]. Như tôi đã nói từ đầu, chủ trương này đã được Đảng và Nhà nước ta nói ngay từ Đại hội 9, Đại hội 10 của Đảng… Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ”.
Câu nói của ông Đàn được dư luận xã hội xem là một trong những câu nói ấn tượng nhất trong năm 2009. Thực ra ông Đàn chỉ sai về “nguyên tắc”, vì “cầm đèn chạy trước ô tô”, làm lộ rõ vai trò “nghị gật” của Quốc hội, gây bất lợi trong dư luận, chứ ông đã cho trước rất chính xác kết quả cuối cùng!
(2) Mua quan bán chức
Trong nhân dân hiện đang lưu truyền “tục ngữ” mới: “Đảng cử dân bầu”!
– Khi ở Cà Mau xảy ra chuyện chạy chức, dư luận xã hội cho rằng Cà Mau không phải là cá biệt. Trả lời báo chí, nhiều cán bộ có trách nhiệm xác nhận dư luận xã hội là đúng. Ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng nói: “Vụ chạy chức ở Cà Mau không phải là cá biệt. Có thể nói cái sự “chạy” nơi nào cũng có, cấp nào cũng có, Trung ương cũng có, tỉnh có, huyện có, các bộ ngành đều có… Và chạy ở mức 100 triệu đồng chưa là cái gì! Tôi biết có trường hợp chạy lớn hơn nhiều” (Báo Tuổi Trẻ ngày 27 tháng 4 năm 2008).
Sở dĩ có tình trạng trên là vì “Công tác cán bộ nằm trong tay một người hoặc một nhóm người và tiến hành trong vòng bí mật” (Ông Nguyễn Đình Hương, TuanVietnam.net ngày 28 tháng 7 năm 2009).
Ông Nguyễn Đình Hương còn cho rằng cần có biện pháp để chống “chạy chức, chạy quyền, khắc phục tệ thân quen cánh hẩu, cục bộ địa phương, cha làm quan đưa con vào lãnh đạo, dẫn đến sử dụng cán bộ không đủ tiêu chuẩn, uy tín thấp, làm việc kém hiệu quả, dân mất niềm tin”.
– Ngày 6/10/2009, qua TuanVietnam.net, ông Đặng Tiến gửi thư cho Ban chấp hành Trung ương Đảng hưởng ứng ý kiến của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: “Phải đánh giá đúng hạn chế yếu kém, tình hình tổ chức cán bộ”. Ông Tiến viết: “Sắp xếp cán bộ theo kiểu cứ có chân trong Đảng ủy, trong Ban chấp hành thì có thể làm bất cứ lãnh đạo gì, bất cứ ngành nào!”. Ông nhắc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về cách làm đó: “Chẳng khác gì thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao”.
(3) Cấp ủy chỉ đạo tòa án
– Vụ luật sư Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2009 cho thấy chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu “Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
– Tháng 6/2009 Phó Chủ tịch UBND Hà Nội ban hành văn bản với nội dung: “Có biện pháp xử lý nghiêm đối với Văn phòng Luật sư Tạ Định vì “đã gây cản trở việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị mới Tây – Nam hồ Linh Đàm””. Ông Phó Chủ tịch gọi là “gây cản trở” chỉ vì Văn phòng luật sư này đã hỗ trợ pháp lý cho 200 hộ dân bị ép buộc giao đất với giá bồi thường không đúng luật pháp. Tình trạng o ép người dân như thế này có tính phổ biến chứ không phải chỉ ở Hà Nội.
– Nhiều vụ án tham nhũng, tòa xét xử đã chiếu cố giảm án bởi “nhân thân tốt” (tức là cán bộ đảng viên có công) đã gây bất bình trong nhân dân.
– Thành ủy thành phố Cần Thơ chỉ đạo cơ quan điều tra về nội dung khởi tố, về tổ chức họp báo công khai đối với Vụ án bà Ba Sương ở Nông trường Sông Hậu. Trước khi qua đời cố Thủ tướng Võ văn Kiệt đã có thư góp ý:
“Việc này phải do cơ quan điều tra, hoặc Viện Kiểm sát tiến hành. Tôi không rõ có lý do gì bên trong để các đồng chí giải thích cho việc này: Cơ quan Đảng chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố án?”.
– Một số vụ công dân bị gọi đến đồn công an rồi được đưa đến bệnh viện với nhiều thương tích, có người đã chết.
– Một số vụ côn đồ đánh đập nạn nhân trước mặt công an mà công an không ngăn chặn. Nhiều vụ nhà báo đang hành nghề bị hành hung mà cơ quan hữu trách không khởi tố những kẻ hành hung đó. Vụ chó bẹc-giê cắn chết người ở Lâm Đồng, cơ quan điều tra đã đe dọa những người làm chứng trung thực.
– Nhiều vụ án tham nhũng kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc. Các vụ án tham nhũng có liên quan với nước ngoài, phía người ta đã xử xong, nhưng bên chúng ta vẫn còn ngâm đó: Vụ Đại lộ Đông Tây, vụ in tiền polime, mới đây Hoa Kỳ khởi tố 3 doanh nhân Mỹ gốc Việt hối lộ quan chức Việt Nam để có hợp đồng…
Tổ chức Tư vấn rủi ro chính trị kinh tế (PERC) xếp Việt Nam đứng thứ 3 về tham nhũng ở Châu Á (sau Indonesia, Campuchia).
(4) Hội, Đoàn chưa phải là tổ chức của hội viên
Nghị quyết 8b–NQ của Hội nghị Trung ương 6 (khóa 6) có ghi: “Trong giai đoạn mới cần thành lập các Hội đáp ứng yêu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống nhân dân, hoạt động theo hướng ích nước lợi nhà, tương thân tương ái. Các tổ chức này thành lập theo nguyên tắc tự nguyện và tự trang trải về tài chính trong khuôn khổ pháp luật”.
Đối chiếu yêu cầu đó với thực tế hoạt động của các đoàn thể hiện nay, tức là sau 20 năm, vẫn còn một khoảng cách quá xa!
– Đoàn thể quan trọng nhất là Công đoàn, nếu làm đúng như Nghị quyết 8b–NQ (cũng là làm đúng ý kiến Hồ Chí Minh) thì đã không có tình trạng hơn 2500 cuộc đình công (tính tới giữa năm 2008) không có sự chỉ đạo của Công đoàn theo Luật định! Khi tôi viết đến đây thì có tin: “ngày 7 tháng 4/2010, 18000 công nhân Công ty Pouchen VN ở thành phố Biên Hòa đã tự tổ chức đình công đến ngày thứ 5 đòi tăng lương và cải thiện bữa ăn”.
– Hội Liên hiệp Phụ nữ thì sao? Cả nước còn nhớ chuyện cháu Bình bị chủ cửa hàng phở hành hạ tàn nhẫn nhiều năm ròng mà Chi hội Phụ nữ khu phố không hay biết. Năm ngoái, ở Hà Giang có vụ án cưỡng bức các cháu nữ học sinh bán trinh kéo dài, Hội Phụ nữ cũng không biết. Gần đây, có vụ bà Chắn ở Tây nguyên bị chó bẹc-giê cắn chết; những người phụ nữ đứng ra làm chứng đã bị đe dọa, cũng không thấy Hội Phụ nữ lên tiếng!
– Ông Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đảng giao cho nhiệm vụ vận động nhân dân phản biện các chính sách của Đảng, nhưng suốt mấy năm vẫn không làm được tốt.
– Hội Nhà báo, tổ chức của những nhà ngôn luận của đất nước, có một Hội viên là phóng viên nhiếp ảnh của cơ quan truyền thông lớn nhất nước là Thông tấn xã Việt Nam đã bị con rể một đại gia đánh vào mặt giữa tiệc mừng thắng lợi cuộc thi Hoa hậu thế giới trước mặt quan khách trong và ngoài nước. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam có công văn (đã đăng trên các báo trung ương và địa phương) đòi phải nghiêm trị kẻ phạm pháp để bảo vệ hội viên. Nay đã qua 2 năm qua, sự việc không được nhắc lại.
(5) Báo chí ngày càng thụ động
– Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí quy định trong luật pháp Việt Nam so với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc mà chính phủ chúng ta đã gia nhập từ ngày 24/9/1982 và cam kết thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa được các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc hoan nghênh. Năm nào chúng ta cũng bị các tổ chức quốc tế xếp ở gần cuối bảng xếp hạng!
– Dư luận trong và ngoài nước không hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của ông Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông là báo chí phải đi đúng “lề phải” để được tự do.
– Nghị định 97/CP của Thủ tướng Chính phủ đối với IDS bị dư luận coi là một bước lùi so với ý kiến của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tuyên bố ngày 24 tháng 1 năm 2009: “Tôn trọng những ý kiến khác biệt”. Nghị định này đã gây phản ứng tiêu cực trong giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm việc IDS tự giải thể. Cuối cùng ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm của Thủ tướng không được chấp hành, nhưng cũng không rút lại, làm cho uy tín của Thủ tướng bị giảm sút, mà tự do phản biện cũng không vì thế mà được phục hồi!
– So với hai thập niên 80, 90 thì báo chí chúng ta hiện nay có vẻ thụ động hơn nhiều. Xin nêu 2 chuyện:
1– Năm 2009 có cuộc Hội thảo về Biển Đảo được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tham luận rất bổ ích cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, nhưng có lẽ do quen chờ chỉ đạo cho nên chỉ duy nhất tờ báo của tỉnh Bình Dương đưa tin.
2– Tháng 6 năm 2008, nhiều đài báo nước ngoài đưa tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời. Các cơ quan báo chí Việt Nam cũng đã biết tin, nhưng còn chờ chỉ đạo! (Bởi vì trước đây có một tờ báo đưa tin nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh qua đời khi chưa được chỉ đạo đã bị phê bình).
***
Đổi mới đã đưa đất nước ta vượt qua hơn nửa chặng đường dân chủ.
Những tình trạng khiếm khuyết kể trên là do hệ thống chính trị vẫn còn giữ gần như y nguyên mô hình xô viết: Đảng trên nhà nước; các đoàn thể là công cụ chính trị của Đảng để tập hợp quần chúng; Hồng (là ý thức hệ) trên Chuyên…
Vì sao tư tưởng Hồ Chí Minh đã không được thực hiện?
Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chính vì hệ thống chính trị theo mô hình xô viết chỉ thích hợp cho yêu cầu cải tạo xã hội tiến tới còn một giai cấp, chứ không thể dung nạp được tư tưởng cộng hòa đề cao tự do cá nhân công dân, coi uy quyền nhà nước là do xã hội công dân trao cho.
Rất nhiều trí thức trong ngoài nước nhất trí cho rằng, tiếp tục đổi mới phải là cải cách chính trị. Trong bài viết Niềm tin vào tương lai, GS. Trần văn Thọ, kiều bào ở Nhật, đã tán thành ý kiến của GS. Nguyễn Lân Dũng trong nước: Chúng ta có những tiềm năng to lớn không kém các nước đã giàu có, sở dĩ chúng ta nghèo, ngày càng tụt hậu là do chưa có thể chế phát huy được tiềm năng dân tộc. Giải quyết vấn đề này, vai trò quan trọng nhất phải là của những nhà lãnh đạo chính trị.
***
III– DÂN CHỦ – LÀ Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN?
1. Khó cưỡi nhất là con ngựa dân chủ
Các Nghị quyết của Đảng, các bài nói của lãnh đạo đều nhấn mạnh phải thực hiện dân chủ. Nhiều nhà nghiên cứu lý luận, cán bộ và nhân dân đều nói đến sự cấp bách phải thực hiện dân chủ. Như vậy dân chủ là nơi ý Đảng gặp lòng dân. Vậy thì tại sao tiến trình dân chủ của nước ta cứ ngập ngừng và nhiều lúc như dẫm chân tại chỗ?
GS. Đinh Xuân Lâm nói: “Trong Di chúc Bác vẫn để chữ dân chủ trước chữ giàu mạnh. Không dân chủ thì cũng khó mà giàu mạnh được”. Giáo sư giải thích: “Càng mở rộng dân chủ thì càng tăng sức mạnh của Đảng”. “Phát huy dân chủ thì chúng ta mới tạo điều kiện cho mọi từng lớp nhân dân đóng góp ý kiến rộng rãi cho xây dựng và phát triển đất nước”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói: “Dân chủ là dân chủ thật, chứ không phải hỏi cho có vẻ ta đây cũng đã hỏi ý kiến”.
Văn kiện Đại hội 10 ghi nhận: “Ở đâu có dân chủ ở đó có đoàn kết, đồng thuận và phát triển”.
Tất cả những điều ấy đều là cái ngọn của dân chủ, tức là sự vận dụng dân chủ vào các hoạt động của những tổ chức và thiết chế chính trị.
Nếu dân chủ chỉ là những việc như vậy thì ông Đặng Quốc Bảo (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng) đã không phải dè chừng: “Khó cưỡi nhất là con ngựa dân chủ hóa xã hội”, không phải vì thiếu hiểu biết – nhân loại đã tích lũy được rất nhiều kiến thức bổ ích – mà là vì nó rất “tế nhị” và “nhạy cảm”. Ông nhận định: “Nếu không dám cưỡi cũng như cưỡi thiếu bản lĩnh, tôi ngại sớm muộn sẽ gặp phải tai họa không lường được”.
Vì sao mà “không dám cưỡi”? Vì sao mà “gặp phải tai họa”?
Đó là vì ông Đặng Quốc Bảo muốn nói đến cái gốc, cái cốt lõi của dân chủ mà Hồ Chí Minh đã nói là: “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra” và “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”, hoặc “Dân chủ phải được xây dựng trên nền tảng ý chí bày tỏ tự do của nhân dân về sự lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của mình và sự tham gia đầy đủ của họ vào mọi lĩnh vực đời sống” (Tuyên bố Vienna và chương trình hành động của Hội nghị Nhân quyền thế giới, 25/6/1993).
Chính vì dân chủ là “con ngựa khó cưỡi nhất” và có thể gây ra “tai họa”, cho nên có rất nhiều người góp lời bàn về cách thực hiện, điều kiện và thời điểm thực hiện… Các tác giả ngoài nước nặng chỉ trích thể chế Việt Nam, còn các tác giả trong nước thì thường nhấn mạnh về ý nghĩa và tầm quan trọng mà ít nói cụ thể.
Tôi được đọc hai bài Con đường dân chủ Việt Nam và Tính tất yếu của dân chủ của một tác giả trong nước có nhiều kiến giải cụ thể, đáng bàn. Trên cơ sở các khái niệm Huntington đưa ra, tác giả này cho rằng Trung Quốc và Việt Nam thuộc chế độ độc tài một Đảng, lãnh tụ suốt đời, nay đã được cải tiến thành chế độ một Đảng, lãnh tụ hai nhiệm kỳ. Từ đó, tác giả “Hình dung về một chặng đường dài mang tính chu trình, không ngừng tự tiến hóa và va đập với các xu hướng khu vực lẫn toàn cầu”.
Trong hai bài viết đó, có hai điều tôi chưa có thể đồng ý với tác giả:
1– Tác giả cho rằng ý tưởng chia Đảng cầm quyền tại Việt Nam thành hai Đảng của luật sư Trần Lâm là “không mới và về bản chất, do yếu tố căn cước vùng miền rất nặng nề trong cơ cấu chính trị, đảng cầm quyền tại Việt Nam có thể nói là đã bao gồm ít nhất ba phân nhánh (Bắc, Trung, Nam)”.
Nếu căn cước vùng miền nghiêm trọng đến mức đó thì Nguyễn Ái Quốc không dễ thống nhất các tổ chức cộng sản vùng miền thành một Đảng. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy những cuộc đấu tranh nội bộ đều là về quan điểm chính trị chứ không có tính chất vùng miền. Trong nhiều giai đoạn, đứng đầu Ban lãnh đạo Đảng bộ Nam kỳ là người miền Bắc, miền Trung. Hiện nay, cơ cấu Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị chia đều các vùng miền, vừa là để nhân dân thấy có người của địa phương mình, nhưng quan trọng hơn là để Ban lãnh đạo dễ dàng bao quát được thực tiễn cả nước.
Những khi Việt Nam xảy ra tranh chấp vùng miền là do Nhà nước trung ương thoái hóa, suy nhược, hoặc do sự can thiệp của ngoại bang. Điều ấy cũng từng xảy ra ở nhiều quốc gia.
Cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn là bắt nguồn từ tranh chấp quyền lực giữa anh rể với em vợ. Ranh giới phân chia là từ thế đất với lời sấm “Hoành sơn nhất đái…”, chứ không phải chia rẽ bởi lòng dân.
Cuộc phân chia ở vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương là từ áp lực bên ngoài. Chính quyền Sài gòn nhằm chỗ yếu của miền Bắc là ý thức hệ. Hà Nội đánh lại bằng thế mạnh của nguyện vọng Độc lập dân tộc, chống ngoại bang. Đã có một cố vấn Mỹ thắc mắc: “Tại sao cũng là người Việt Nam mà phía cộng quân chiến đấu kiên cường hơn?”. Nếu cuộc chiến là do căn cước vùng miền thì không có câu hỏi đó! Trong quyển sách Khi đồng minh tháo chạy, tác giả Nguyễn Tiến Hưng rút ra bài học thứ nhất cho Việt Nam Cộng hòa là quá lệ thuộc Mỹ cho nên thua. Theo tôi, đó chỉ là bài học thứ hai. Bài học thứ nhất là: Từ 1945, sau cuộc Cách mạng Tháng 8, dân tộc đã đứng về phía cộng sản. Việt Nam Cộng hòa không chứng tỏ được mình là “quốc gia”, cho nên không có sức thuyết phục dân tộc, do đó mất Sài gòn thì không có đường nào khác là phải sang Mỹ!
Thực dân Pháp đã không hiểu lòng dân Nam Kỳ cho nên đã xúi Nguyễn Văn Thinh đòi: “Xứ Nam Kỳ của người Nam Kỳ!”. Lập tức, Sài Gòn và cả Nam Bộ nổi lên phong trào Thống nhất, khiến Nguyễn Văn Thinh phải tự tử. Sau đó, Nam Bộ đón hàng ngàn chiến sĩ Nam tiến từ Bắc vào và chăm sóc như con em ruột thịt. Rồi năm 1954, hàng triệu người miền Nam tập kết ra Bắc và hàng triệu người Bắc di cư vào Nam. Họ có ý thức hệ và tín ngưỡng khác nhau, bị những tác động trái chiều nhau, nhưng không hề bị chia rẽ bởi “căn cước vùng miền sâu đậm”.
Do đó, nếu lấy yếu tố căn cước vùng miền để cho rằng “khả năng một cuộc nội chiến nồi da xáo thịt” tiếp bước “cách mạng dân chủ đẻ non” e rằng không có cơ sở. Chỉ có thể đồng ý với tác giả là “đẻ non” thì không tốt!
2– Trong bài Tính tất yếu của dân chủ, tác giả cho rằng: “Ở Việt Nam, tranh cãi về dân chủ nhiều khi bỏ qua yếu tố văn minh đô thị. Nó thu nhỏ trong sự xung đột giữa ý chí thị dân và sức ỳ của nền văn hóa nông nghiệp thượng phong”. Và “nói vụ án Nhân văn là một phong trào dân chủ không sai, song thiếu đầy đủ. Phe dân chủ dường như đã tự bịt mắt để vào trận quyết đấu sống còn cho một cái bánh dân chủ mà 90% người dân Bắc Việt đói rách khi ấy chưa thể tiêu hóa nó”. Chỗ này tác giả đã nói quá, những đòi hỏi của nhóm chủ trương Nhân văn không thể gọi là “vào trận quyết đấu sống còn” mà rất khiêm tốn, chỉ là thực hiện phần ngọn của dân chủ, hoặc theo cách nói của tác giả ở cả hai bài viết này: “Chỉ có ngòi bút là vũ khí”, “để thảo luận một cách thành thật và cầu thị”. Trình độ đô thị hóa của Bắc Việt năm 1956 và cả nước năm 1986 cũng không cách xa nhau nhiều lắm. Vậy thì yếu tố đô thị hóa dù rất quan trọng đấy, nhưng chưa hẳn đã là tất yếu mà quyết sách của chính đảng cầm quyền có khi lại rất quyết định. Năm 1921, Thụy Điển là một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, dân trí thấp, nhưng Đảng Xã hội Dân chủ đã thực hiện phổ thông đầu phiếu dân chủ và các quyền tự do. Nhờ đó mà Thụy Điển nhanh chóng trở thành nước phát triển. Ở Việt Nam, Đổi mới năm 1986, cũng là một quyết sách sáng suốt của Đảng cầm quyền dù rằng có áp lực của nhân dân.
“Nhại một kiểu nói văn hoa của quan chức, tôi tự hỏi có thể đi tắt, đón đầu dân chủ hay không? Chả có gì là không thể! Nhưng nó đòi hỏi phải thoát ly dân tộc tính. Khi nào? Khi trên diễn đàn hướng đến tri thức của những trí thức và cả trên truyền thông chính thống, không còn những cây bút tự khoe sự yếu đuối của mình bằng võ chửi, bằng con bài tẩy chụp mũ đầy cảm tính, ngụy biện, mị dân và lôi kéo bầy đàn”.
Tác giả đặt ra câu hỏi và trả lời như trên. Có lẽ do bị những ẩn ức nào đó mà tác giả đã quy tật xấu của một số người thành dân tộc tính Việt Nam? Và nếu “thoát ly dân tộc tính” đó thì chẳng cần làm gì nữa cũng “có thể đi tắt đón đầu dân chủ”?
Nói chung ai cũng cho rằng phải cưỡi con ngựa dân chủ, nhưng người thì lo sẽ gây hiểm họa nếu vụng cưỡi, người thì răn đe cạm bẫy đang giăng dưới chân ngựa!
Ở vị thế của Đảng cầm quyền, chắc chắn rằng nếu chủ động, có bản lĩnh thì con đường dân chủ sẽ xuôi thuận, sớm tới đích, còn nếu chần chừ, cưỡng lại thì rất có thể lâm vào thế bị động, đối đầu với nhiều hiểm họa!
2. Đảng phải thuần phục con ngựa dân chủ!
Muốn giàu mạnh phải dân chủ là một chân lý hiển nhiên không phải bàn cãi.
Nhà kinh tế Daron Acemoglu, được Huy chương Clark của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đặt câu hỏi: “Nếu bạn là nhà lãnh đạo và muốn đất nước mình trở nên giàu có thì bạn phải làm gì?”. Và ông trả lời: “Có một giải pháp đơn giản: Đó là bầu cử tự do”.
Ông chứng minh điều này bằng dẫn chứng hết sức đơn giản: Thành phố Nogales bị chia đôi bởi biên giới Mexico và Hoa Kỳ. Hai bên có mọi điều kiện giống y nhau: chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, thời tiết, gió mưa, các thứ bệnh tật… Nhưng bên phía Hoa Kỳ có thu nhập bình quân là 30000 USD/năm còn phía Mexico là 10000 USD/năm. Điều gì gây ra sự khác nhau đó? Ấy là thể chế, một bên tôn trọng các quyền tự do, khuyến khích minh bạch, còn bên kia dung túng độc đoán, hối lộ, tội ác…
Nước ta cũng không thiếu những thức giả chiêm nghiệm sâu sắc về dân chủ.
Ông Nguyễn Trung cho rằng dân chủ hóa sẽ làm cho nhân dân nhận thấy “Chế độ chính trị và Tổ quốc là một, quốc gia ấy là vô địch”.
Ông Nguyễn Trần Bạt, trong buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương đã cho rằng: “Nếu khóa 11 này Đảng thừa nhận và bắt đầu tổ chức quy trình cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa xã hội, thì sau 10-15 năm nữa Việt Nam sẽ phát triển một cách không ai ngăn chặn được. Và chúng ta ở cạnh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cách tốt nhất để đối phó với sự lấn át của một nước lớn là chúng ta phải trở thành một quốc gia phát triển”.
Vậy điều gì cản ngại việc thực hiện dân chủ?
Ông Đặng Quốc Bảo cho rằng không phải vì thiếu kiến thức mà vì vấn đề “tế nhị” và “nhạy cảm”.
Ông Nguyễn Trung cho rằng thách thức lớn nhất của dân chủ hóa là “cám dỗ chính trị rất lớn của quyền lực và lợi ích cá nhân, lịch sử hiếm hoi ghi lại được các chiến công đánh bại cám dỗ này”!
Bởi những thách thức ghê gớm như vậy, cho nên lại một lần nữa phải viện dẫn, và kêu gọi thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh để có đủ ý chí và trí tuệ vượt đến đích:
1– Hồ Chí Minh cho rằng dân tộc đã sinh ra Đảng, cho nên Đảng phải đặt dân tộc, Tổ quốc lên trên: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (HCM toàn tập, NXB Sự Thật, 1984, trang 463).
2– Nhân dân là người thầy lớn có trí tuệ siêu việt, cho nên: “Đảng phải gần dân, hiểu biết dân, học hỏi dân” (HCM toàn tập, NXB Sự Thật, tập 5, trang 420). “Có nhiều việc những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra, nhưng quần chúng biết cách giải quyết rất dễ dàng” (Sửa đổi lề lối làm việc). “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ, tổ chức của ta” (HCM toàn tập, NXB Sự Thật, tập 5, trang 298).
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ các nội dung của dân chủ, lại chỉ rõ phải dựa vào dân để thực hiện. Trung thành vô hạn với tư tưởng của người, nhất định Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ ghi vào lịch sử một trường hợp hiếm hoi chiến thắng “cám dỗ chính trị rất lớn của quyền lực và lợi ích cá nhân” để đưa sự nghiệp dân chủ hóa đất nước tới đích, như đã từng chiến thắng những thế lực đế quốc lớn nhất của thời đại.
TVC
HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập