Làm chi như thể phỉnh phờ nhau

Nhân dịp chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa 14, tôi xin chia sẻ với bạn đọc một số “thủ thuật” mà Đảng và Nhà nước Việt Nam thường áp dụng…

Sự lẳng lơ, nước đôi, nói vậy mà không phải vậy… trong quan hệ tình yêu lứa đôi là chuyện thường ngày ở huyện! Có vậy tình yêu mới thi vị, mới lãng mạn, mới phong phú, thêm hương, thêm sắc. Có vẻ các nhà thơ cũng khai thác triệt để lối nói nước đôi để sáng tác thơ tình. Riêng Lưu Trọng Lư thì ngược lại. Ông tỏ ra dứt khoát:

Yêu hay không yêu nói từ đầu

Làm chi như thể phỉnh phờ nhau…

Nhưng “cú pháp” nước đôi, nói vậy mà không phải vậy đem áp dụng cho mối quan hệ giữa đảng cầm quyền và các tổ chức xã hội, giữa nhà nước với công dân thì quả là tai hại khôn lường!

Cách đây đã mấy năm rồi. Đảng và Nhà nước Việt Nam tuyên truyền, kêu gọi các tầng lớp nhân dân cả nước tích cực đóng góp ý kiến, nhằm hoàn thiện dự thảo Hiến pháp 2013. Các tờ báo lớn, các đài truyền hình đều loan tải thông tin Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định với báo giới trong cuộc họp báo chiều 29/12/2012:“Mọi ý kiến đều sẽ được trân trọng, lắng nghe, phản ánh, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình…”

Ông còn nói như đinh đóng cột “Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả”.

Nghe ông nói vậy tôi mừng lắm. Lúc đầu chỉ dám mừng thầm! Sau đó mừng ra mặt! Bụng bảo dạ: Sao dạo này Đảng ta cởi mở thế nhỉ? Cởi mở đến thế là cùng, chứ còn gì nữa!

…Khoảng 5 giờ chiều, tổ trưởng dân phố đến gõ cửa nhà tôi, ông phát cho mỗi hộ gia đình trong con hẻm cụt (lối đi chung) một cuốn sách dày cộp. Trong đó ghi nội dung Hiến pháp 1992 và dự thảo Hiến pháp 2013. Sách được trình bày theo phương pháp song song để nhân dân dễ đối chiếu, so sánh. Phát xong, ông dặn:

– Chiều mai cũng khoảng giờ này, anh đến thu nhé!

Tôi há hốc mồm! Mình đâu phải là “đại bác học” hay “đại tiến sỹ” mà đủ trình độ trong vòng 24 tiếng đồng hồ (kể cả giờ ăn, nghỉ, ngủ) phải “duyệt” xong hai bộ hiến pháp! Cũng may tôi là luật sư, không nhiều thì ít cũng có chút kiến thức pháp luật để hoàn thành kế hoạch do tổ trưởng dân phố giao đúng tiến độ. Nhưng thương những người chân lấm tay bùn, những người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, những người buôn thúng bán mẹt không biết xoay xở thế nào. Chắc chắn họ chỉ còn một cách duy nhất là “phang đại”!

Tôi hí hoáy viết. Tư liệu góp ý hoàn toàn không dựa vào và không hề bị ảnh hưởng của “các thế lực thù địch”. Mà tôi nghiên cứu từ bài viết, từ quan điểm, từ bài trả lời báo chí của các ông Nguyễn Văn An (Nguyên ủy viên BCT, Nguyên Chủ tịch Quốc hội), tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng (Phó chủ nhiệm Văn phòng QH), giáo sư tiến sỹ Chu Hảo (nguyên thứ trưởng Bộ KHCN), giáo sư tiến sỹ Đặng Hùng Võ (Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT), Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Trần Phương (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng)… Đặc biệt tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Quan điểm này được đăng tải trên PLO (báoPháp luật TP.HCM). Thực ra bài viết góp ý xây dựng Hiến pháp của tôi chẳng có gì gọi là tiên phong, gọi là đột phá cả. Nó chỉ là sự lặp lại, sao chép quan điểm của một cán bộ cao cấp đương nhiệm mà bản thân mình thấy đúng và ủng hộ. Nộp “bài” xong tôi thấy vui vui. Bởi mình đã có đầu tư về thời gian, đã kịp đọc nhiều báo chí để tham khảo, thái độ làm việc nghiêm túc và có chút kiến thức ít ỏi hầu giúp Ban biên tập dự thảo HP có thêm nguồn để chỉnh lý, bổ sung. Tôi thầm nghĩ chắc phiên họp chi bộ tới đây mình sẽ được “biểu dương điển hình”. Phen này cầm chắc cái giấy khen, nếu không phải là của Quận ủy thì bét lắm cũng phải là giấy khen của .. Đảng ủy phường! Rõ là đếm cua trong lỗ!

…Lại một buổi chiều! Tôi nhận cuộc điện thoại của bí thư chi bộ, “rủ” có rảnh thì qua uống trà chơi! Tôi nhận lời. Tôi cuốc bộ tới nhà riêng của bí thư. Tiệc trà đã chuẩn bị sẵn. Ngoài tôi và Bí thư, còn xuất hiện một vị vừa lạ, vừa quen – Ủy viên thường vụ Đảng ủy Phường. Nếu được mời dự tiệc trà, thì trà phải là tâm điểm, phải là “nội dung chính” của bữa tiệc. Nhưng chỉ kịp hớp một ngụm, ông Ủy viên đặt vấn đề: “Vừa rồi phường ta đã hoàn thành công tác lấy ý kiến nhân dân đóng góp, xây dựng Hiến pháp mới. Tuyệt đại đa số đều ghi “đồng ý”. Riêng bài của anh là một trong số ít viết khác đi”. Tôi hiểu nội dung bữa tiệc trà chính là đây. Tôi nói: Sở dĩ đa số các hộ gia đình đều ghi “đồng ý” là họ không có thời gian nghiên cứu. Đảng và Nhà nước bố trí cả năm trời cho Ban biên tập dự thảo HP để chuẩn bị mà chưa ăn ai, huống chi người dân lao động còn phải bươn chải cuộc sống, và chỉ có 24 giờ đồng hồ để nghiên cứu đồng thời cả hai bộ HP, thì chỉ còn nước “phang đại cho xong” thôi anh ạ. Ông ủy viên thừa nhận “khuyết điểm”: Đúng là bất hợp lý thật! Nhưng do “trên” chuyển xuống trễ rồi lại muốn thu ngay thì phải vậy thôi. Nhưng “tâm điểm” bữa tiệc không phải là việc bất hợp lý về “thời gian làm bài của thí sinh” mà là nội dung bản góp ý của tôi. Ông ủy viên nói tiếp: Trong bản góp ý của anh có viện dẫn một số quan điểm, lời nói của các ông nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước, nhưng vừa rồi Trung ương đã có chấn chỉnh, như trường hợp của ông Nguyễn Đình Lộc (cựu Bộ trưởng Tư pháp). Ngay cả cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Bộ chính trị cũng có ý kiến về đạo đức, lối sống… Ông ta “làm” một thôi, một hồi liên tục. Thông điệp mà ông ủy viên muốn truyền đạt (tôi hiểu) là: Cho dù cán bộ to cỡ nào, khi đã được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu thì chỉ là… cán bộ hưu trí. Không phải muốn tin họ là được! Tôi thầm nhủ: Dành ít phút của bữa tiệc để “tranh tụng” với ông này xem sao. Tôi nói: Thế theo anh (chúng tôi gọi nhau là anh, chứ không gọi đồng chí) đâu là quan điểm của Đảng ta? Giai đoạn 1979, 1980 tôi được các giảng viên bộ môn chính trị (Trường Qỹ quan Hải quân) truyền đạt quan điểm của Bộ Chính trị về việc xác định kẻ thù của cách mạng Việt Nam. Mỹ được “xếp hạng” là kẻ thù số 1, còn Trung Quốc được đưa vào danh sách “ngoại hạng”, là kẻ thù truyền kiếp. Theo Từ điển tiếng Việt, “truyền kiếp” là có tính bền vững, đời này qua đời khác. Quan điểm đó còn “dùng” được không, Vì sao? Nếu có quan điểm mới hơn thì quan điểm đó là gì? Giữa quan điểm “cổ điển” và quan điểm “hiện đại” cái nào đúng, cái nào sai, hay cả hai đều đúng? Đảng viên có được quyền tin tưởng vào “lời dạy” của “Bộ Chính trị đã nghỉ hưu” hay bắt buộc phải nói và làm theo “Bộ Chính trị đương chức”?… Tôi cũng “làm” một thôi một hồi! Thuận mồm, tôi “đá” qua một chút về cơ chế bầu cử trong Đảng. Tôi nói: Giả sử Điều lệ đảng cho phép đảng viên bầu trực tiếp Tổng bí thư và Bộ Chính trị (với tiến bộ của công nghệ thông tin, việc này hoàn toàn có thể làm được, mỗi thẻ đảng tương ứng với một lá phiếu và bầu qua mạng Internet) thì các vị trong Bộ Chính trị hiện nay liệu có trúng cử cả không? Nhiều khả năng có người trúng, kẻ trượt, và dĩ nhiên không loại trừ khả năng trượt hết. Vậy, theo anh, đâu là quan điểm của Đảng ta?

Cuộc “tranh tụng” thiếu phần “đối đáp”. Bên này nói thì bên kia nghe, vậy thôi. Chẳng đối. Chẳng đáp. Cuối cùng ông ủy viên chốt lại: Đảng ủy yêu cầu anh viết lại bản góp ý xây dựng Hiến pháp. Tôi đồng ý. Chúng tôi chia tay trong bầu không khí hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, có pha chút…ấm ức! Tôi bắt tay để tạm biệt hai người đồng chí rồi không quên nói thêm: Tôi sẽ viết lại tức thì. Tư liệu tôi vẫn còn lưu trong laptop. Chỉ việc xóa đoạn mà Đảng ủy yêu cầu, rồi điền vào đó hai từ “đồng ý” là xong. Tôi sẽ nộp ngay. Tuy nhiên, cũng mong anh hiểu cho: Đây là ý Đảng chứ không phải ý dân!

C.X.B.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.