“Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ, có giải pháp bảo vệ để ngư dân được yên tâm hành nghề đánh bắt thủy sản, làm ăn sinh sống”, ông Võ Khôi, ngư dân huyện đảo Lý Sơn kiến nghị.
Những ngày qua, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng ở các địa phương tuyên truyền ngư dân thành lập tổ, đội tổ chức vươn ra khơi đánh bắt thủy sản bình thường.
Đại tá Bùi Phụ Phú, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết thêm: “Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trên biển Đông không có hiệu lực đối với vùng biển Việt Nam, do vậy ngư dân yên tâm tổ chức đánh bắt thủy sản trên vùng biển nước mình. Trong quá trình hành nghề nếu phát hiện bất thường trên biển hãy liên lạc sớm với cơ quan chức năng để có giải pháp can thiệp, bảo vệ kịp thời”.
Cầu mong tiếng nói của vị chỉ huy lực lượng vũ trang biên phòng Quảng Ngãi có cái rắn rỏi chứa đựng thực lực của người lính – chứ không như những lời “đánh võ mồm” của nhiều loại quan chức trước đây – để dân được nhờ.
Bauxite Việt Nam
Bến cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) sáng nay rộn rã tiếng máy nổ của hàng chục chiếc tàu chuẩn bị ra khơi. Trước lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc, ngư dân miền Trung chọn nhiều cách để bám biển.
Từ hôm qua 16/5, Trung Quốc bắt đầu thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông suốt ba tháng liền, trong đó bao gồm nhiều ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân miền Trung.
Lo ngại trước lệnh cấm này, các ngư dân miền Trung chọn nhiều hướng bám biển theo cách riêng. Họ đánh bắt trên vùng biển gần bờ: Vũng Tàu, từ khu vực Quảng Ngãi ra đến Thanh Hóa; hay thành lập những đội tàu thuyền tự quản từ năm đến mười chiếc cùng hỗ trợ nhau tiếp tục đánh bắt thủy sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Vừa mới từ ngoài khơi trở về, ông Nguyễn Hoàng, ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cho biết, ngư trường đánh bắt truyền thống của người Quảng Ngãi từ trước đến nay chủ yếu ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.
“Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt trên biển Đông, bao gồm một số vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam là quá vô lý. Chúng tôi vẫn tổ chức ra khơi hành nghề trên vùng biển nước mình bình thường như những phiên biển trước”, ông Vinh khẳng khái cho biết.
Ông Võ Thu, chủ đội tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, cho rằng: “Chỉ có vươn ra khơi xa đánh bắt thì mới mong làm giàu từ nghề biển. Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá suốt ba tháng liền trên biển Đông ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng chục nghìn ngư dân miền Trung”.
Ông Trung tính toán, nếu tàu cá của ngư dân không ra khơi đánh bắt được thủy sản thì cũng đồng nghĩa hàng loạt khu dịch vụ hậu cần nghề cá phải đóng cửa. Người lao động tại các cảng cá, làng chài cũng có nguy cơ rơi vào tình cảnh thất nghiệp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đồng nghiệp chuẩn bị ra khơi, ông Võ Khôi, ngư dân huyện đảo Lý Sơn than thở, làm ăn trên biển ngày càng gặp khó khăn, nhiên liệu không ngừng tăng giá, phiên biển nào cũng chi phí cả trăm triệu đồng nhưng mỗi khi trở về lãi chẳng được bao nhiêu. Đã vậy còn biết bao hiểm nguy rình rập như tàu lạ tông chìm, Trung Quốc vô cớ bắt giữ ngư dân, bây giờ lại là lệnh cấm ngư dân đánh bắt ngay trên một số vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
“Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ, có giải pháp bảo vệ để ngư dân được yên tâm hành nghề đánh bắt thủy sản, làm ăn sinh sống”, ông Khôi kiến nghị.
Dọc theo khu vực làng cá Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, một số tàu cá hành nghề đánh bắt cá ngừ ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đã đưa tàu về neo tại bến.
Trước lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông của Trung Quốc, để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến ra khơi, nhiều ngư dân nơi đây đã chuyển từ nghề đánh bắt cá ngừ đại dương sang đánh bắt thủy sản bằng lưới giã cào vùng biển Đà Nẵng, Quảng Bình.
Trong khi đó, một số chủ tàu đánh bắt xa bờ khác hoang mang, lo lắng đã đưa tàu về neo tại bến cảng, phủ bạt nằm bờ.
Ông Phan Hiển, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Phổ Thạnh lo lắng cho biết, xã có hơn 750 tàu thuyền, trong đó có hai phần ba tàu thuyền với hàng nghìn ngư dân hành nghề đánh bắt xa bờ. Mùa chính vụ đánh bắt thủy sản xa bờ của ngư dân vào giữa tháng 5 đến tháng 12. “Do vậy việc Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt trên biển Đông suốt ba tháng liền trong mùa chính vụ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế biển cho ngư dân”, ông Hiển nói.
Ngay sau khi nhận được thông tin Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký gửi văn bản kiến nghị Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối và có giải pháp can thiệp để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của ngư dân trên vùng biển Đông, đặc biệt là những vùng biển Hòang Sa, Trường Sa.
“Việc Trung Quốc đưa ra lệnh cấm ngư dân đánh bắt trên biển Đông bao hàm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là hành động vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Do vậy lệnh cấm của Trung Quốc không có hiệu lực đối với vùng lãnh hải Việt Nam. Tỉnh Quảng Ngãi đang kêu gọi ngư dân đoàn kết, thành lập tổ, đội tự quản tàu thuyền hỗ trợ lẫn nhau tiếp tục vươn ra khơi đánh bắt thủy sản”, ông Nhi khẳng định.
Những ngày qua, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng ở các địa phương tuyên truyền ngư dân thành lập tổ, đội tổ chức vươn ra khơi đánh bắt thủy sản bình thường.
Đại tá Bùi Phụ Phú, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết thêm: “Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trên biển Đông không có hiệu lực đối với vùng biển Việt Nam, do vậy ngư dân yên tâm tổ chức đánh bắt thủy sản trên vùng biển nước mình. Trong quá trình hành nghề nếu phát hiện bất thường trên biển hãy liên lạc sớm với cơ quan chức năng để có giải pháp can thiệp, bảo vệ kịp thời”.