Tản mạn ngày Phụ nữ Quốc tế

Ngày 8/3 là ngày quốc tế phụ nữ nhưng thực chất chỉ mấy nước đảng cộng sản lãnh đạo mới quan tâm ngày lễ này. Ngày này bắt đầu từ năm 1911 ở Mỹ, khi phụ nữ công nhân đòi quyền bình đẳng và quyền lợi lao động. Sau đó ở Nga năm 1917, phụ nữ Saint Pétersbourg đã dùng ngày này để làm biểu tình bãi công. 8/3/1921 Lê Nin đã ký sắc lệnh lấy ngày này làm Ngày Phụ nữ. Từ 1946 ngày 8/3 mới thực sự trở thành ngày quốc tế phụ nữ ở các nước Đông Âu và các nước cộng sản trong đó có Việt Nam.  Mãi đến 1977 Liên hiệp quốc mới chính thức công nhận ngày này, và ở Pháp chậm hơn 1982.

Ngày nay phụ nữ vẫn luôn luôn thiệt thòi và bị đối xử bất bình đẳng trên quả địa cầu kể cả các nước văn minh đã có truyền thống đề cao vai trò phụ nữ. Vừa qua báo Anh nhân dịp 8/3 đăng bài khá buồn, về một kết quả thống kê phụ nữ đi học lúc nhỏ đến trung học đông hơn và thậm chí xuất sắc hơn đàn ông, nhưng sau 18 tuổi, phụ nữ thua xa nam giới trên mọi lĩnh vực. Sức ép gia đình, và quan niệm xã hội vẫn còn phân biệt sự giữa phụ nữ và đàn ông. Lương phụ nữ luôn thấp hơn đàn ông. Vì thế ngày 8/3 là hình thức nhắc nhở người phụ nữ mãi mãi liên tục đấu tranh đòi quyền bình đẳng. Nhưng ở các nước XHCN đó là ngày lễ lớn, và đặc biệt ở Việt Nam là ngày đàn ông tặng quà cho phụ nữ với nhiều mục đích. Có người dùng ngày này để nhằm mục đích vụ lợi nịnh các phu nhân quan chức chứ thâm tâm không phải để giúp phụ nữ bình đẳng. Phụ nữ phải biết tôn trọng giá trị của mình.

Tuy nhiên ở Việt Nam có lẽ là nước không giống nước nào. Ngày 8/3 các mặt hàng phụ nữ ưa thích như hoa, trang sức, quần áo tăng giá vụn vụt. Nhiều chàng nghèo, hoặc keo muốn nịnh phụ nữ phải giả vờ đi công tác xa ngày đó, để tránh phải tặng quà, và chỉ mua quà ngày hôm sau khi hàng đã trở lại giá cũ và hoa rớt giá thảm hại. Ngày phụ nữ trở thành ngày «đầy đọa» của đàn ông khi túi tiền không rủng rỉnh.  Ngày lễ bình đẳng nhưng lại thành ngày để đút lót quan bà hay phu nhân của quan ông, và trở thành ngày thương mại ép giá.

Ở Pháp một số vùng trước kia đảng cộng sản thắng thế như Gentilly, Arcueil, Villejuif cũng tổ chức ngày 8/3. Tuy nhiên các buổi lễ chỉ tổ chức ăn uống giữa phụ nữ, không mời lãnh đạo đến ăn rồi nói dăm câu chúc sáo rỗng. Vô tuyến truyền hình hôm đó một vài kênh có chương trình ngắn phỏng vấn về một số phụ nữ quyền lực trên mọi lĩnh vực ở Pháp. Có kênh chiếu phim về chủ đề phụ nữ.

Khác với Việt Nam, đó là ngày một một số siêu thị lớn thông báo giảm giá để thu hút khách đến mua hàng tặng quà phụ nữ. Ngày 8/3 là ngày phụ nữ đấu tranh đòi quyền lợi, nhưng không phải là ngày nghỉ lễ, nên tất cả vẫn đi làm. Mọi người có thể tranh thủ đi mua hàng khi tan tầm. Các siêu thị thường phục vụ đến 20 giờ. Ở Siêu thị Auchan lớn ở Pháp quảng cáo 2 ngày 7 và 8/3 với chủ đề «Sắc Hồng xinh xinh», nhân ngày Phụ nữ, giảm 20% ngay lập tức tất cả các mặt hàng mỹ phẩm, vệ sinh, kem dưỡng da, một số phụ tùng làm đẹp…

Quảng cáo ở siêu thị Auchan nhân ngày Phụ nữ

La Redoute quảng cáo giảm 30% trên các hàng đồ lót kiểu

Một số cửa hàng quảng cáo son đỏ phấn hồng giảm giá nhân ngày này, lố bịch như quảng cáo đĩ điếm ở Pháp, đã bị lên án.

Việt Nam có lẽ là nước sướng nhất thế giới. Số ngày lễ nhiều hơn ở các nước phương Tây. Việt Nam du nhập đại trà không cần chọn lọc các lễ hội của phương Tây như  lễ Tình nhân, lễ Halloween, Ngày nói dối,… Người Phương Tây không tổ chức Tết, lễ Phật đản, lễ truyền thống phong tục nước khác. Người châu Á ở Pháp muốn tổ chức Tết phải xin phép.

Ở Việt Nam Tết ta, Tết Tây, Giáng sinh đều làm rất long trọng. Phật giáo là truyền thống dân tộc, nhưng Việt Nam đón Giáng sinh tưởng như truyền thống Việt. Khách nước ngoài sẽ có cảm giác cả nước Việt theo Thiên chúa giáo vì hầu hết các thành phố lớn như Nghệ An, Đà Nẵng, Hải phòng, TP HCM, Hà Nội giăng đèn Giáng sinh cây thông rực rỡ khắp đường phố. Giáng sinh ngày nay còn tổ chức trang hoàng lộng lẫy hơn ngày lễ văn hóa dân tộc, lễ tổ Hùng Vương. Báo chí đăng tải liên tục về lễ đón Giáng sinh hoành tráng ở các tỉnh Việt Nam. Trong khi Tết châu Á, báo Pháp chỉ có vài dòng nhắc đến.

Việt Nam hiện nay có  trào lưu tìm cội nguồn và nhân danh bảo vệ bản sắc dân tộc. Các làng quê thi nhau khai thác truyền thống văn hóa dân tộc, tổ chức lễ hội cứ na ná giống nhau từ trang phục, đến vũ điệu. Nhiều lễ hội cổ hủ man rợ, sát sinh, mê tín cũng được khôi phục lại như lễ rước và chém ông lợn. Lên đồng là văn hóa tín ngưỡng thời xưa, ngày này nhiều nơi biến thành nơi để xem quẻ thẻ, bói toán kiếm tiền như nước. Trong khi đáng ra phải đầu tư vào việc xây trường học, vào giáo dục thì nhiều nơi xây chùa, đền thờ lớn nhất Đông Nam Á, nhất Việt Nam… Các đại gia sau khi kiếm tiền tỉ dễ dàng, quay ra đua xây mồ mả, tin bói toán, chăm đi chùa, đốt vàng mã. Có đại gia đốt cả tỉ tiền vàng mã ở ven sông Hồng. Số tiền vàng mã đốt hàng năm có thể thay đổi cuộc sống  trẻ em đi học ở vùng xa xôi còn chân đất, rét run trong lớp học dột nát, đu dây qua sông đến trường.

Việt Nam còn có cả ngày Hiến chương các nhà giáo. Trước kia giáo viên, cụ đồ sống vốn thanh bạch, chỉ lo truyền kiến thức, nên học sinh nhớ đến Tết thầy cô để tỏ lòng cám ơn công thầy cô dạy giỗ. Giờ đây các nhà giáo đã được dạy thêm liên tục. Những lò tiếng Anh, luyện thi đại học thành lò hút tiền. Ngày Nhà giáo, ngày Tết, Giáng sinh, ngày Phụ nữ…. trở thành gánh nặng cho học sinh nghèo. Giá trị mỗi món quà tương đương tỷ lệ tăng điểm trong học bạ.

Trong quá trình hội nhập vào thế giới, đa dạng văn hóa là điều đáng quý, nhưng không phải cứ cái gì của Tây cũng đẹp, còn của ta thì kém. Việc du nhập văn hóa, lễ hội nước khác là đáng khuyến khích, là minh chứng mở cửa, nhưng phải biết chọn lọc. Các nước người ta tổ chức lễ hội không phải để thành nơi mê tín, bói toán và móc tiền du khách và không phải là dịp để hối lộ quan chức, và đút lót.

Các cụ xưa có câu «phú quý sinh lễ nghĩa». Việt Nam chưa phải là nước tiên tiến, đứng xếp hạng gần cuối trong bảng những nước đang đà phát triển nhưng sinh nhiều lễ. Càng sinh lắm ngày lễ càng sinh ra đút lót và càng làm cho nhiều người, nhiều gia đình lâm vào cảnh cháy túi.  Điều kì lạ các cửa hàng ở Việt Nam lợi dụng ngày lễ để lên giá vô tội vạ mà không bị sở thuế sờ gáy như ở các nước phương Tây.

Ngày 8/3 là ngày Phụ nữ. Ở VN các cửa hàng hầu như phụ nữ đứng bán hàng rất nhiều. Vậy những người phụ nữ làm thương mại đòi bình đẳng bằng cách tăng giá hàng? Lễ hội truyền thống văn hóa biến thành nơi dịch vụ thương mại với những quán hàng tự phát mở, tự phát tăng giá.

Với đà tăng giá và hối lộ này có lẽ lễ hội văn hóa, ngày lễ Phụ nữ, ngày Nhà giáo… nên đổi là ngày lễ đại tăng giá, lễ đút lót, ngày sát sinh truyền thống có lẽ hợp tên chăng?

T.T.D.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.