Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô1
Quốc sư Vạn Hạnh (1018)
Cuộc chiến quyền lực suốt một thời gian dài kết thúc đầy bất ngờ đã gây sốc cho không ít người, nhưng xem ra không có gì khó hiểu cả. Cái gì đến đã đến theo một hướng đã được tiên lượng về khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Và rồi cái khả năng đó đã trở thành hiện thực theo một logic nghiệt ngã của thảm hoạ đã được báo trước. Với một tầm nhìn của một chính khách cỡ lớn, lời cảnh báo của Nguyễn Cơ Thạch dạo nào sau sự kiện Thành Đô, đang phơi bày thật trớ trêu và tàn nhẫn. Nhưng đó là một hiện thực. Một hiện thực cũng nghiệt ngã như logic của hệ luỵ từ một đường lối sai lầm, đặt ý thức hệ xã hội chủ nghĩa lên trên tổ quốc, biến kẻ cướp nước thành đồng chí.
Thế là một kế hoạch hoàn hảo được soạn thảo công phu sau quá trình tầm sư học đạo từ phương xa và những kỳ tập huấn kỹ lưỡng của cán bộ tổ chức theo chương trình ký kết đã được thực thi trọn vẹn. Và rồi những đạo diễn tài ba đã cử người đến nghiệm thu ngay sau khi Đại hội kết thúc trong tiếng ca chào mừng “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”! Ai thắng đây?
Hãy nâng ly rượu đắng.
Gần như suốt cả nhiệm kỳ của ông Trọng, đặc biệt trong hai năm cuối, vấn đề nhân sự chiếm trọn thời gian và tâm huyết của cả một bộ máy tổ chức được thao túng đã hoạt động hết công suất. Từ những cuộc chuyển đổi công tác theo một quy trình đào tạo, thử thách cán bộ theo một quy hoạch đã được toan tính rất có bài bản đến Quyết định 244 bất chấp Điều lệ Đảng là một chuỗi mưu tính và cách thức tiến hành nhằm hướng tới một mục tiêu đã được xác định. Để rồi, “tôi cũng không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối” như lời ông Tổng trả lời nhà báo quốc tế. Thậm chí ông còn nói rằng là “dân chủ đến thế là cùng, không có dân chủ gì hơn nữa… cho nên tại sao Đại hội lần này tôi nói ngay là một đại hội biểu thị tinh thần dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ.” Mà đúng thế thật, “100% là hoàn toàn đúng với phương hướng công tác nhân sự”. Ông Trọng khẳng định “tôi xin bảo đảm”! Và ông đã đảm bảo thật.
“Cái gương nhân sự chiền chiền, Liệu thân này với cơ thiền phải nao?” (Nguyễn Gia Thiều)
Ông Trọng khoái chí nói với các nhà báo “Đại hội vỗ tay nhiều quá, vỗ tay dài quá… không khí rất hân hoan”. Nhưng rồi ông cũng tỏ ra khiêm tốn như dạo nào nói trước cử tri “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” mà rằng: “các nhà báo với đôi mắt tinh tường, đôi tai rất thính thì chắc hiểu biết hơn tôi nhiều”. Đúng vậy. Các nhà báo nhìn thấy những điều mà ông cố tình không thấy, nghe được những điều mà tai ông nghễnh ngãng vì tuổi tác không nghe được hay quyết không chịu nghe. Và có lẽ phải khó khăn lắm để họ không bật cười ra tiếng bởi niềm tự đắc ngây ngô của một “chính khách”: “dân chủ đến thế là cùng, không có dân chủ gì hơn nữa”.
Nghe ông nói mà cứ muốn than rằng “Trẻ tạo hoá đành hanh quá đáng. Chết đuối người trên cạn mà chơi”! (Nguyễn Gia Thiều). Các nhà báo không than, nhưng họ cũng không “thấy bất ngờ” như điều ông nói mà ông đã mào đầu rất chi là “thật thà” (?) “nghĩ sao nói vậy”. Vì, họ hiểu được nguyên nhân sâu xa niềm hân hoan bất ngờ “gần như 100% tuyệt đối” của ông. Họ biết rõ càng “tuyệt đối” bao nhiêu thì càng lột trần tính toàn trị của một thể chế phản dân chủ đã đẩy đất nước này lâm vào thế bế tắc, càng đi tới càng tụt hậu xa so với các nước trong khu vực. Chính sự “đảm bảo” của ông về “100% là hoàn toàn đúng với phương hướng công tác nhân sự” đã biến Đại hội Đảng lần thứ XII thành một Đại hội phản dân chủ tồi tệ nhất trong lịch sử của Đảng!
Cái thế lực thao túng bộ máy hoạt động của Đảng do ông đứng đầu đã dẫn dắt Đại hội từ bước chuẩn bị đến triển khai đại hội các cấp rồi đến Đại hội toàn quốc không đúng Điều lệ đảng, dẫn tới sự áp đặt của cấp ủy sắp mãn nhiệm đối với nhân sự của cơ quan lãnh đạo nhiệm kỳ mới bằng những thủ đoạn mà Jonathan Head của BBC News tường thuật từ Hà Nội gọi là “khéo léo áp dụng các quy tắc rối rắm để kiểm soát Đại hội”!
Cái gọi là “gần như 100% tuyệt đối” mà ông hân hoan công bố đã ra đời từ các quy tắc rối rắm đó. Chưa lúc nào mà cái quy luật từng được đúc kết “Quyền lực có xu hướng tha hoá. Quyền lực tuyệt đối thì sự tha hoá cũng tuyệt đối” (Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely – Lord Acton) lại bộc lộ một cách trắng trợn đến vậy.
Sẽ có nhiều điều cần phân tích về sự kiện không tiền khoáng hậu này, nhưng có lẽ chỉ nên nói đến một điều cốt lõi của cái “100% gần như tuyệt đối” này. Mà nói đến cái cốt lõi thì chỉ cần một từ “lợi”. Cái chữ lợi vừa thật đơn giản vừa rất phức tạp. Xin mượn lại cách diễn đạt trong một bài trước, lấy chữ “LỢI” đó mà “xuyên suốt mọi việc” thì “mọi xem xét đánh giá đều rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy”.
Với người vốn dĩ hay đội cái lốt đạo đức, “không tham quyền lực” thì e rằng phải mượn đến bậc Á thánh của đạo Nho đề cao đạo đức nhân nghĩa và miệt thị chữ “LỢI” để dẫn đến cái điều cốt lõi của cái gọi là “gần như 100% tuyệt đối” mà ông Trọng tự hào. Theo Mạnh Tử “vương diệc viết nhân nghĩa nhi dĩ hĩ hà tất viết lợi”, nhà vua chỉ cần nói đến nhân nghĩa, cần gì phải nói tới lợi. Nhà tư tưởng thời cổ đại lập luận rằng, trên dưới tranh nhau chữ lợi thì nước sẽ nguy. Nguy vì kẻ dưới sẽ vì lợi mà giết bề trên. Nói đến lợi trước mà nghĩa sau thì không đoạt hết của kẻ kia thì mình không vừa lòng, “bất đoạt bất yếm”! Vậy thì làm sao mà “đoạt”? Phải giành cho được quyền thì mới có thể “đoạt” được. Chẳng phải chỉ Mạnh Tử, Hàn Phi cũng từng nói về chữ lợi mà ông cho là “mọi cái cao quý, thiêng liêng đều quy về lợi hết”. Nhưng khác với Mạnh Tử, Hàn Phi “nêu cao uy quyền” (như chính tên gọi của một chương sách của ông) “Hoàng Đế có câu: Người trên kẻ dưới một ngày đánh nhau trăm trận… cho nên người trên nắm lấy quyền cân nhắc để tước bớt quyền lực của kẻ dưới. Bề tôi sở dĩ chưa giết vua là vì bè đảng chưa đủ”.
Nhà xã hội học thế kỷ XIX Max Weber từng đưa ra một đúc kết giúp làm sáng tỏ vấn đề cốt lõi nói trên. Đúc kết đó là: “quyền lực đẻ ra sở hữu”. Nói nôm na là chữ quyền gắn làm một với chữ lợi, như hình với bóng. Với mệnh đề lý luận của Lord Acton vừa dẫn, thì trong tiếng Anh, “corrupt” còn được hiểu với nghĩa là “tham nhũng”. Và thực tiễn đã chứng minh rằng sự tham nhũng quyền lực là sự tham nhũng đáng sợ nhất, nham hiểm nhất và cũng là ghê tởm nhất vì nó là cội nguồn của mọi sự tham nhũng khác. Điều này thì chính người đã từng đảm đương trọng trách “Trưởng ban Tổ chức Trung ương của Đảng Cộng sản” Nguyễn Đức Tâm đã thẳng thừng chỉ ra cách nay 10 năm: “Chạy chức chạy quyền không chỉ ở cơ sở mà trên nữa. Chức thấp tiền ít. Chức càng cao tiền càng lớn. Đã bỏ ra, có chức có quyền rồi thì người ta phải thu về. Mà thu về thì phải có lãi. Càng lãi nhiều càng tốt. Mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền là một nguyên nhân làm tha hóa cán bộ”2. Hơn nữa, mở rộng quyền lực vô hạn độ là xu hướng mang tính phổ biến. Bằng mọi cách để giữ lấy quyền lực là một đòi hỏi vừa thầm kín vừa trắng trợn bất chấp mọi thủ đoạn. Lừa mị, dối trá, bạo lực, trấn áp đều có thể vận dụng tuỳ lúc, tuỳ nơi hoặc là đồng bộ cùng một thời điểm khi cần thiết.
Đặc biệt là quyền lực trong một thể chế toàn trị phản dân chủ mà nhân dân chỉ còn là vật lót đường với tấm áo khoác mỹ miều “nhà nước của dân, do dân và vì dân” khi cái nhà nước ấy, về thực chất, là công cụ bảo vệ quyền và lợi của một giai cấp mới đã được hình thành, đang củng cố và phát triển theo chiều tăng tốc nhằm “ngoạm một miếng rồi chuồn” như chính Lênin chứ không phải ai khác đã từng cảnh báo cách nay ngót 100 năm.
Xin dẫn ra đây sự lý giải về khái niệm “giai cấp mới” này của Milovan Dijlas, nhà lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Nam Tư, từng là Phó Tổng thống Liên bang Nam Tư, tác giả của Giai cấp mới, một tác phẩm viết trong tù bí mật gửi ra nước ngoài và được in ở New York năm 1957: “Đảng sinh ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự phát triển bằng chính nguồn lực của mình và sử dụng đảng như là cơ sở… Ở đây, muốn trở thành chủ sở hữu hay đồng sở hữu thì cần phải len được vào hàng ngũ của bộ máy quan liêu chính trị”. … “Giai cấp mới giống như một hình kim tự tháp: đáy to, càng lên trên càng hẹp dần. Để đi lên, chỉ ý chí không chưa đủ, còn cần phải hiểu và “vận dụng lý luận nữa”, cần phải quyết liệt trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, phải cực kỳ khôn khéo khi xảy ra các cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng, phải nắm được nghệ thuật, thậm chí tài năng trong việc củng cố vị trí cho giai cấp nữa.” Vì thế, “cùng với việc củng cố giai cấp mới, khi bộ mặt của nó càng thể hiện rõ, thì vai trò của đảng cũng ngày càng giảm đi. Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng cũng như của bộ máy nhà nước. Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động đầy sáng kiến, thì nay, đối với những người cầm đầu của giai cấp mới, đảng đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới và đẩy những người vẫn còn tin vào lý tưởng ra”.3
Có lẽ cũng nên nói thêm rằng trong Ban Chấp hành Trung ương mới và hơn nghìn đại biểu dự Đại hội vẫn còn không ít “những người vẫn còn tin vào lý tưởng” mà họ từng ấp ủ từ buổi họ gia nhập Đảng. Họ hiện chưa bị “đẩy ra” như tác giả của Giai cấp mới viết, cho nên họ cũng phải tham gia vào vở diễn bi hài vừa kết thúc. Màn diễn không chỉ trên sân khấu ở Mỹ Đình, mà trên mặt báo chí, truyền thông lế phải, lề trái với không thiếu những vai tuồng mà nếu với ngòi bút tài ba như Chekhov, thì sẽ cho ra đời những siêu tác phẩm như Con kỳ nhông của văn hào Nga.
Họ tham gia vì chính họ đã và đang gia nhập vào cái giai cấp mới này. Dù muốn dù không, họ là những người đang có quyền lực. Mà vì có quyền lực nên họ đang sở hữu một khối lượng giá trị vật chất tuỳ theo quá trình thực thi quyền lực của họ. Họ cần một sự ổn định cần thiết để bảo vệ quyền và lợi mà họ đang có. Muốn vậy thì cần tránh những xáo động mà họ chưa hình dung được rồi sẽ ra sao. Có thể họ cũng đã lờ mờ nghe câu “Điều duy nhất mà ta phải sợ là chính là nỗi sợ hãi”, câu của Roosevelt mà bà Aung San Suu Kyi của Myanmar từng nhắc đến như một phương châm hành động dẫn đến một thắng lợi vang dội có sức cổ vũ lớn lao không chỉ ở Miến Điện mà còn ở nhiều nơi khác, đặc biệt là với cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ đẩy tới quá trình dân chủ hoá ở nước ta.
Thế nhưng, đáng buồn thay, với nhiều lý do khác nhau, họ chưa vượt lên được chính mình. Cùng với những thủ đoạn của thế lực thao túng Đảng “khéo léo áp dụng các quy tắc rối rắm để kiểm soát Đại hội” mà nhà bình luận của BBC News đã vạch ra, thì bên cạnh những lý do phức tạp và tế nhị khác chưa tiện nói ra lúc này, những lý giải nói trên là điều cốt lõi dẫn đến kết thúc đầy bất ngờ của cuộc chiến quyền lực đã gây sốc cho không ít người. Bất ngờ nhưng hiểu được. Lịch sử đang chứng kiến một bước trớ trêu, người ta giương cao ngọn cờ vô sản của cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” để bảo vệ cho một tầng lớp “hữu sản” trong một “giai cấp mới” đang được củng cố và phát triển trên một đất nước mà máu đã chảy thành sông, xương từng chất cao như núi!4.Và càng hiểu ra càng xót xa cho thân phận một nước với gần trăm triệu dân nhưng do sự hèn kém, khiếp nhược của một thế lực cầm quyền thần phục ngoại bang đã biến thành một nước “không chịu phát triển” khi mà vận hội đã mở ra. Càng phẫn uất hơn khi nghĩ về những toan tính trong trò chơi của những nước lớn đang khai thác cái thế yếu của bộ máy lãnh đạo để biến đất nước “không chịu phát triển” này thành một quân cờ trên bàn cờ khu vực và quốc tế.
Bỗng nhớ đến hai câu thơ của một người từng ở trên đỉnh cao trong bộ máy quyền lực nay trở lại với cuộc sống thường nhật của người dân đã thành thật thốt ra:
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Vâng. Nhưng chúng ta phải nắm lấy vận mệnh của chúng ta chứ không thể là ai khác.
Những gì ta yêu phải cứu thoát ra
Tự mình ta, tự mình ta, tự mình ta
Câu này tôi đã viết trong Mênh mông thế sự 25 trong một cảm khái bi phẫn nay vẫn muốn nhắc lại để tự động viên mình tiếp tục dấn bước với niềm tin không lay chuyển về xu thế của tiến trình dân chủ hoá tuy bị chậm lại nhưng không sao đảo ngược được. Ý chí khẳng định “tự mình ta” trong lời thơ của Louis Aragon (soi-même) giàu sức biểu đạt với nhiều chiều cạnh cảm xúc, song trong cảm nhận riêng mình, tôi nghĩ nhiều về vận mệnh dân tộc phải do chính dân tộc mình quyết định. Không thể bị động mong chờ vào bất cứ một ai. Càng không thể tự biến mình thành một quân cờ trong tay người khác. Tự do không là sản phẩm ban phát mà là phải đủ sức giành lấy. Không tự lực tự cường thì không có được bạn đồng minh tin cậy. Càng không thể liên minh nếu mình không đủ ý chí và thực lực mặc dầu liên minh là để tăng thêm sức mạnh giữ nước. Chính trên cái nền đó mà phát huy sức mạnh của mỗi con người tự khẳng định trách nhiệm công dân của chính mình.
Thế lực cầm quyền nào muốn không tự cáo chung một cách vội vã thì cũng phải miễn cưỡng tuân theo quy luật lịch sử, cố tìm giải pháp thuận lòng dân cho dù là lừa mị và đã từng phải tìm cứu cánh từ bên ngoài để đoạt quyền. Thuận lòng dân lúc này không thể gì khác là phải đổi mới chính trị để cơ cấu lại nền kinh tế theo một luật chơi mới với TPP vừa ký kết. Luật chơi mới ấy đòi hỏi phải thực thi những quyết sách và giải pháp của tiến trình dân chủ hoá cho dù vừa làm vừa run khi đất nước đã lâm vào “thế đất lở” như Lê Quý Đôn từng nói đến (đã dẫn ra trong Mênh mông thế sự 26 và 27).
Vả chăng, tuy đã nằm trong giai cấp mới, như Milovan Dijlas phân tích, phải “cực kỳ khôn khéo khi xảy ra các cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng, phải nắm được nghệ thuật, thậm chí tài năng” để giấu kín tư tưởng, bọc kỹ chính kiến mà tồn tại nhằm giữ được quyền và lợi, nhưng không ít người trong họ cũng chưa hoàn toàn nguội lạnh tình yêu đất nước. Bất cận nhân tình vơ đũa cả nắm không hề là một cách nhìn thích hợp đối với những ai muốn làm điều tốt đẹp cho đất nước cho dù lời khuyến cáo của Martin Luther King “điều làm tôi kinh hãi, không phải là sự đàn áp của kẻ ác, mà là sự thờ ơ của kẻ thiện” vẫn đủ sức thức tỉnh lương tâm và gọi dậy lương năng lương tri của ai đó. Hơn nữa, cũng chính từ điểm quy chiếu về điều cốt lõi của quyền và lợi thì một bộ phận không nhỏ những người thức thời trong “giai cấp mới” đó không phải là không hiểu ra rằng khó có thể giữ được quyền và lợi của chính họ trong nỗi tủi nhục của thân phận một nước chư hầu.
Thì chẳng phải thế lực quân phiệt cầm quyền Myanmar đã cho thấy điều đó khi trên thực tế đất nước họ đã từng rơi vào địa vị chư hầu của Trung Quốc để sớm tìm lối thoát đó sao? Chẳng thế mà The Economist ngày 30.1.2016 đưa ra nhận định “ban lãnh đạo mới của Việt Nam có thể sẽ làm chậm lại tiến trình tự do hóa kinh tế, nhưng sẽ không đảo ngược tiến trình này, cũng như cũng không đẩy lùi quan hệ với Mỹ. Hội nghị cuối cùng Ban Chấp Hành Trung Ương khóa cũ cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP”. Tờ tuần báo Anh này cho rằng “những người kế nhiệm có thể sẽ là các nhà kỹ trị được đào tạo ở phương Tây. Họ hiểu rằng sự tồn vong của Đảng là dựa trên việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như dựa trên việc thuyết phục giới trẻ Việt Nam rằng Đảng bảo vệ quyền lợi của họ”. Thuyết phục không thể bằng tiếp tục dối trá và lừa mị mà phải bằng những hành động cụ thể và thiết thực nhằm triển khai những quyết sách và những giải pháp. Và cũng nên nhớ rằng, thế giới đã biến đổi quá nhiều đến mức những công thức để thành công trong ngày hôm nay hầu như chắc chắn sẽ là những công thức để thất bại trong ngày mai!
Những ai định làm tội đồ của lịch sử cần hiểu rằng, khi dòng sông chảy xiết, đặc biệt là vào những khúc quanh, bèo bọt rác rưởi nổi lên trên mặt, nhưng tốc độ tuỳ thuộc vào sức cuộn chảy từ bên dưới, càng sâu bao nhiêu càng ít ồn ào bấy nhiêu, nhưng đó mới địch thực là sức mạnh không gì ngăn cản nổi. Cái gì cần phải đến tất sẽ đến.
T. L.
Tác giả gửi BVN.
__________________
(1) Ngẫm và hiểu hiểu cái lý của thịnh suy lòng không sợ hãi. Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ.
(2) Báo Pháp luật TPHCM ngày 16.4.2006.
(3) Tương Lai, “Cảm nhận và Suy tư”. 2015.
(4) Tương Lai, “Chân lý là cụ thể. 2000.” 30.1.2016