Cuốn sách “Changing Worlds: Vietnam’s transitions from the Cold War to globalization” (Tạm dịch “Những cung đường thăng trầm: Sự chuyển tiếp của Việt Nam từ Chiến tranh Lạnh tới thời kì toàn cầu hóa”) của tác giả David Elliott (cựu giáo sư khoa học chính trị trường ĐH Poloma, Mỹ) được xuất bản năm 2012. Theo lời tác giả, cuốn sách chủ yếu “đánh giá những nỗ lực thích ứng của Việt Nam đối với những thay đổi lớn trong giai đoạn sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh và thời kì toàn cầu hóa”. Tác giả dựa vào các nguồn phỏng vấn, tài liệu, chính sách bằng tiếng Việt. Trong lời tựa cho lần tái bản cuốn sách năm 2014, ngoài việc nhấn mạnh quan điểm của ông trong cuốn sách, Elliott chủ yếu đề cập tới những đóng góp quan trọng của cuốn “Bên thắng cuộc” (BTC) của Huy Đức (xuất bản năm 2013). Lời tựa của cuốn sách có thể tìm thấy trên trang Viet-studies của GS Trần Hữu Dũng.
Đồng ý với nhiều chuyên gia kỳ cựu, tác giả Elliott cho rằng BTC là “một cuốn sách xuất sắc đã đưa ra ánh sáng nhiều chi tiết hiếm có về nội bộ giới chóp bu của chính trị Việt Nam”. Đặc biệt, ông nhận định rằng những chương sách của Huy Đức đã chứng thực (và trùng hợp) với hầu hết chứng cứ và phân tích độc lập của ông trong cuốn sách Changing Worlds. Không chỉ trùng hợp, ông cũng nhấn mạnh BTC có nhiều chi tiết quan trọng liên quan tới chủ đề mà ông theo đuổi nhưng rất tiếc ông chưa có được trong lần xuất bản đầu tiên. Về vấn đề về tính xác thực trong bản thân dữ liệu của BTC, Elliott cho rằng “chúng ta có thể tự tin về tính chính xác trong cuốn sách của anh, với tư liệu là những cuộc phỏng vấn trực tiếp, và những tư liệu hay những lời kể cũng có tính tin cậy đáng kể”, bởi vì “nó nhất quán hầu hết với những học giả và các nhà quan sát quốc tế đã ghi lại, và chứa đựng nhiều chi tiết giàu thông tin và sáng tỏ hơn thế”.
Nhưng Elliott cũng bày tỏ chút “thất vọng” rằng BTC còn nói rất sơ sài về thế hệ lãnh đạo mới ở chương cuối. Nhưng giá mà ông đọc FB của Huy Đức thì có khi ông sẽ nghĩ lại. Giá mà ông biết rằng sau 2007 thì Huy Đức không còn nhiều cơ hội để gặp các lãnh đạo chóp bu nữa (điều đó không có nghĩa là anh không có cách để tiếp cận thông tin). Chính trong chương cuối của “Quyền Bính”, Huy Đức cũng cho biết trong suốt gần 2 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có “hơn hai mươi lăm phóng viên của gần như đủ các tờ báo quan trọng nhất bị điều tra” và báo chí đã trở nên “gần như không còn nhuệ khí để phản biện các chính sách và đề cập đến các thông tin liên quan đến tham nhũng”. Quan trọng hơn, vì chương này viết về lịch sử đang diễn ra, nên nó chỉ có thể có tính gợi mở chứ không thể chi tiết như mong đợi của Elliott được.
Không hiểu khi phê phán khá khắc nghiệt những bài viết gần đây của Huy Đức, cho rằng anh đang có ý bênh vực “phe bảo thủ” và tấn công “phe cấp tiến” trong nội bộ Đảng, thì một số nhà văn, nhà báo, giáo sư, hay một số nhà hoạt động đã thực sự đọc cuốn “Quyền Bính” (phần 2 của “Bên thắng cuộc”) của anh chưa. Mà có khi chỉ cần đọc chương cuối cùng của cuốn sách cũng đủ. Bởi nếu thực sự đọc nó rồi, thì loạt bài viết những năm gần đây (đặc biệt sau 2012) của Huy Đức đều đơn giản là sự kéo dài của cuốn sách này. Từ đó sẽ hiểu vì sao những vấn đề về đất đai và các chính sách của TT Nguyễn Tấn Dũng lại là chủ đề chính trong nhiều bài viết của anh. Để thấy cán cân và môi trường quyền lực đã thay đổi ra sao sau 2006.
BTC của Huy Đức đã cho thấy sắc màu thực tiễn lịch sử và chính trị VN không đơn giản là 2 gam trắng-đen. Có những điều mà mắt thường không nhìn thấy được. Nếu chỉ dựa vào mắt thường trong môi trường chính trị không minh bạch, người ta rất dễ cực đoan, hoặc phán đoán dễ dãi, từ đó gây ra những tổn thương không đáng có cho nhau.
Như Elliott kết luận, cuối cùng thì cả cuốn sách của ông và của Huy Đức “chỉ giúp hiểu về quá khứ thay vì giúp định hướng tương lai” và “lịch sử Việt Nam hiện đại đã cho thấy không thể hiểu về hiện tại, chứ chưa nói tới tương lai, nếu không hiểu kỹ những lực ảnh hưởng nào trước đó đã gây ra”.
Melbourne, (Australia)
K.Q.
Nguồn: http://viet-studies.info/kinhte/KQ_Elliott_V_HD.htm