Chủ tịch Hạ viện Ryan
Đảng Cộng hòa Mỹ sẵn sàng thách Trung Quốc chiếm biển Đông, vào lúc Trung Quốc gia tăng những hành động khiêu khích ở vùng biển này.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan là một trong những thành viên đảng Cộng hòa sẵn sàng thách Trung Quốc (TQ) dám chiếm biển Đông.
Tại một cuộc họp báo hôm 7.1, ông Ryan nói sự căng thẳng trên biển Đông khiến cần Mỹ duy trì một thế lực hải quân mạnh để ngăn chặn TQ. Ông phê phán tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã ra các đề xuất, mà theo ông Ryan, là giảm sức mạnh hải quân Mỹ:
“Chúng ta lẽ ra không có một tổng thống đề nghị hạ số tàu chiến xuống mức hồi Thế chiến 1. Điều này có nghĩa chúng ta cần có một quân đội mạnh, một hạm đội hải quân mạnh và một chính sách đối ngoại thật sự mà hiện chúng ta chẳng có”.
Chặn ý đồ bá chủ biển Đông của TQ
Tuyên bố của ông Ryan ra một ngày sau việc TQ thông báo một máy bay thử nghiệm đã hạ cánh trên đường băng ở đá Chữ Thập, một trong những đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đó là chuyến hạ cánh thứ hai (chuyến đầu ngày 2.1) của TQ. Nước này đang hung hăng tuyên bố độc chiếm 90% biển Đông, tranh chấp biển đảo với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Từ ngày 1 đến 8.1,TQ cũng có 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay TP.HCM (FIR Hồ Chí Minh) mà không thông báo trước, một hành động thách thức quy định hàng không thế giới, đe dọa an toàn hàng không.
Máy bay TQ đưa người đến đá Chữ Thập |
Từ cuối năm 2013, TQ đã xây trái phép 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. TQ nói các đảo nhân tạo được xây nhằm phục vụ tàu dân sự, ngư dân và cứu hộ thiên tai. Nhưng Mỹ nói TQ có ý đồ triển khai quân sự ở các đảo này, tiến tới lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
Ý đồ này nhằm để TQ kiểm soát, khống chế biển Đông, ngăn cản các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng không-hàng hải của Mỹ.
TQ xem sự hiện diện của Mỹ ở châu Á là nhằm kiềm chế TQ, theo Denny Roy, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Đông-Tây ở Honolulu. Ông nói Bắc Kinh xem việc đòi quyền và dùng lịch sử để tự khẳng định là một thế lực ở châu Á.
Ứng viên Tổng thống Mỹ Marco Rubio là thành viên khác của đảng Cộng hòa, nói nếu ông trúng cử, ông sẽ đưa tàu chiến Mỹ đến biển Đông, để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển, trên không của TQ.
Ông Rubio cũng nói sẽ hợp tác với các đồng minh trong khu vực, khi trả lời phỏng vấn của Fox Business Network hôm 7.1: “Chúng ta cần tăng cường sức mạnh cho đồng minh quân sự ở Thái Bình Dương, bắt đầu bằng việc Mỹ đầu tư nguồn lực cần thiết để tái thiết hải quân của chúng ta”.
Khi được hỏi nếu trúng cử tổng thống, ông có sẵn sàng can thiệp quân sự để chặn máy bay TQ hạ cánh xuống các đảo nhân tạo mà họ xây trái phép trên biển Đông hay không, ông Rubio nói Mỹ cần thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của TQ: “Chúng ta sẽ phản đối tuyên bố chủ quyền của TQ ở những khu vực này, và chúng ta nên tiếp tục đưa máy bay, tàu chiến đến tuần tra ở vùng biển đó”.
Đảng Cộng hòa đang muốn hất đảng Dân chủ khỏi Nhà Trắng, trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.2016. Đảng này chọn chủ trương đối ngoại của ông Obama làm chủ đề vận động tranh cử.
Các nghị sĩ Cộng hòa khác đã chỉ trích chính phủ Obama không tích cực tuần tra biển Đông.
Các sĩ quan hải quân Mỹ nói cuộc tranh chấp ở vùng biển này có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Hạm đội Thái Bình Dương có đủ sức trị TQ?
Trong khi đó, hãng tin AP nêu việc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ít tàu chiến hơn, đã làm dấy lên tranh luận về việc Mỹ và các đồng minh có đủ sức đối phó sức mạnh hải quân TQ hay không.
AP nêu việc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ít tàu chiến hơn, vào lúc Mỹ và đồng minh đối mặt với thách thức từ sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Các sĩ quan hải quân Mỹ nói các tàu chiến hiện đại hơn đang bù đắp số tàu thiếu hụt. Theo Đô đốc Scott Swift, câu hỏi Hạm đội Thái Bình Dương có đủ tàu chiến hay không phản ánh sự lo lắng của dư luận khu vực về thực lực của hải quân Mỹ.
Ông nói: “Tôi rất thoải mái với nguồn lực tôi có”. Ông nêu ví dụ là khu trục hạm mang tên lửa hành trình Benfold vừa được nâng cấp với tên lửa đạn đạo, hoặc 3 khu trục hạm mới DDG-1000 đang sắp được gia tăng cho hạm đội.
Nhưng chuyên gia Peter Jennings ở Viện nghiên cứu chiến lược Úc nói vấn đề trong thời bình là liệu có đủ tàu chiến Mỹ để trấn an đồng minh và bạn bè. Ông cho rằng đây là một điều cần giải quyết về lâu dài.
Hạm đội Thái Bình Dương hiện có 182 tàu chiến, gồm tàu chiến đấu như tàu sân bay, các tàu tiếp liệu, hỗ trợ, theo người phát ngôn của lực lượng này. 20 năm trước, hạm đội này có 192 tàu chiến.
Hải quân TQ có hơn 300 tàu nổi, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra, theo báo cáo Chiến lược an ninh hàng hải châu Á-Thái Bình Dương (thuộc Lầu Năm Góc) công bố hồi tháng 8.2015.
AP cho biết vì Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ít tàu chiến hơn, nên hải quân Mỹ phải triển khai lâu, phải hoãn chuyện bảo trì để duy trì sự hiện diện với ít tàu chiến hơn.
Một hậu quả của việc ít tàu chiến là tàu phải hoạt động nhiều hơn. Đô đốc về hưu Zap Zlatoper, từng chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương thập niên 90, nói việc triển khai tàu quá 6 tháng khiến hải quân Mỹ khó giữ chân được thủy thủ.
Nhưng các tàu chiến hiện được triển khai mỗi đợt trung bình từ 7 đến 9 tháng, dù hải quân Mỹ tính giảm xuống còn 7 tháng.
Điều kiện hoạt động của tàu chiến cũng gặp khó khăn. Hồi đầu năm 2011, chiếc Essex phải bỏ cuộc tập trận với Úc, qua năm sau cũng hủy tập trận với Thái Lan do máy móc trục trặc, sau một thời gian bị hoãn bảo trì và bị yêu cầu tiếp tục hoạt động trên biển.
Nhà nghiên cứu Bryan Clark của tổ chức nghiên cứu Center for Strategic and Budgetary Assessments nói đó là các dấu hiệu của sự nguyên trạng không thể bền vững.
Trong báo cáo tháng 11, ông nêu các giải pháp: đóng thêm nhiều tàu chiến, dù việc này cần tiền nhưng có thể quốc hội Mỹ không duyệt cho hải quân; hoặc ít triển khai hơn, điều mà Lầu Năm Góc có thể miễn cưỡng chấp nhận ít sự hiện diện hải quân trên biển hơn.
Các lựa chọn khác: giữ tàu chiến ở các căn cứ nước ngoài, nơi mà chúng gần vùng hoạt động hơn; hoặc chỉ cử ít tàu hộ tống một tàu sân bay.
Hải quân Mỹ cần được tăng cường “cú đấm hạt nhân”
AP nêu ý kiến của Đô đốc John Richardson, rằng hải quân Mỹ cần được tăng cường sức mạnh bằng cú đấm hạt nhân, nhằm đề phòng những mối đe dọa không thể biết trước của các nước, như CHDCND Triều Tiên hôm 7.1 đã tuyên bố thử nghiệm thành công quả bom nhiệt hạch đầu tiên.
Ông đặt ưu tiên số 1 là phải có một hạm đội tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân mới, lặn thật yên tĩnh dưới biển. Hải quân Mỹ tính thay 14 chiếc lớp Ohio hiện nay (bắt đầu phục vụ từ năm 1981) bằng 12 chiếc thế hệ mới.
Đô đốc Richardson nói: “Đấy là nền tảng cho sự tồn tại của đất nước chúng ta”. Nhưng đấy cũng là một khoản chi “khủng”, ước tính tốn 100 tỉ USD. Ngay cả thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, người rất ủng hộ kế hoạch trên, phải thốt lên rằng “đó là một con số làm chóng mặt”.
Đấy là một trong 3 nỗ lực mà Lầu Năm Góc muốn hiện đại lực lượng hạt nhân: tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa mới hoặc được nâng cấp và phóng từ trên bộ, cùng máy bay ném bom tầm xa.
Tổng khoản chi cho 3 nỗ lực này, cùng sự nâng cấp và thay thế, từ năm 2024 có thể lên tới 348 tỉ USD.
Đô đốc Richardson xác nhận khoản chi này quá lớn, nhưng xứng đáng với nhiệm vụ bảo vệ hòa bình thế giới mà Mỹ gánh vác. Hồi cuối năm 2015, ông nói rằng theo quan điểm an ninh ngày nay, thì một khả năng hạt nhân tầm cỡ thế giới là cần thiết để được xem là một cường quốc. Nếu không thì “chúng ta có thể bị các nước khác đe dọa, bắt nạt. Đó là các nước có treo mối đe dọa hạt nhân trên đầu chúng ta”.
Ý ông Richardson ám chỉ Nga và TQ đều đang hiện đại hóa lực lượng hạt nhân.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William J.Perry (từ 1994 đến 1997) nói Mỹ có thể ngăn chặn một đòn tấn công hạt nhân bằng một số ít tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân và máy bay ném bom hạt nhân. Ông ủng hộ loại bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của không quân Mỹ. Những người khác nói nên kết hợp tàu ngầm với ICBM.
Theo The Age
B.V
Nguồn: http://motthegioi.vn/quoc-te/dien-bien-bien-dong/dang-cong-hoa-my-thach-trung-quoc-chiem-bien-dong-276592.html