Getty Image caption. Đại hội XII vào ngày 20-28/1 tới
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức cuối tháng này, cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà quan sát nước ngoài.
Tiến sỹ Jonathan London từ trường City University of Hong Kong, người theo dõi chính trị Việt Nam lâu nay, vừa có bài phân tích giai đoạn nước rút của cuộc chạy đua vào các vị trí cao cấp nhất tại Ba Đình.
Ông London cho rằng, trong khi kết quả của cuộc chạy đua này còn chưa rõ, trong bối cảnh “nền kinh tế đang phát triển còn yếu kém về thể chế và chính sách ngoại giao đông cứng trong căng thẳng khu vực đang gia tăng”, lớp lãnh đạo kế cận của Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng không chỉ cho sự phát triển trong nước mà còn trong cả khu vực.
Theo ông, câu hỏi quan trọng nhất phải trả lời là “hướng đi của chính trị Việt Nam sẽ như thế nào?”
Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét cuộc tranh giành quyền lực hiện tại ở các cấp cao nhất trong tương quan các diễn biến đang xảy ra.
“Tứ trụ”
Getty Image caption Bốn vị trí cấp cao nhất sẽ là những nhân vật nào?
Vào tuần tới, Đảng CSVN sẽ phải chốt lại bốn vị trí lãnh đạo tối cao là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
Trong cuộc ganh đua hiện tại, theo TS Jonathan London, người ta chú ý nhất tới sự đối đầu giữa Tổng Bí thư hiện tại, ông Nguyễn Phú Trọng, và Thủ tướng hiện tại, ông Nguyễn Tấn Dũng.
“Nỗ lực tranh chức Tổng Bí thư của ông Thủ tướng nhận được ủng hộ từ giới thân cận mà ông vun đắp trong hai nhiệm kỳ của mình từ các nhân vật có địa vị trong nhiều lĩnh vực”.
TS London cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn là nhân vật gây tranh cãi.
Một mặt, ông được ca ngợi như người tiên phong trong cải cách thị trường và dân chủ, yêu nước và đấu tranh chống Bắc thuộc. Mặt khác, ông bị chỉ trích vì tham nhũng và điều hành kinh tế yếu kém.
Ông còn bị một số người cho là “cải cách giả hiệu”, bịt miệng giới chỉ trích trong khi vẫn lớn tiếng về dân chủ và nhân quyền.
“Thế nhưng cho dù như vậy, ông thủ tướng vẫn có một hấp lực bí ẩn nào đó”.
Theo ông tiến sỹ, phe bảo thủ trong Đảng, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn giữ một số đòn bẩy thủ tục quan trọng mà họ đang sử dụng để chặn đường Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy không được ở lại thêm nhiệm kỳ nữa, đã có tiền lệ [Tổng Bí thư Đỗ Mười ở lại thêm 1 năm rưỡi], ông Tổng Bí thư có thể tiếp tục thêm hai năm nữa và trong thời gian đó ông có thể tiếp tục gây dựng nhân sự và tiến cử người kế nhiệm theo ý mình.
Cho dù không tỏ ra năng động về trí tuệ, sự bền bỉ và quyết tâm của ông Trọng đã đặt nhiều người vào thế kẹt. Thí dụ như quy định mà ông đưa ra về đề cử và ứng cử ủy viên Trung ương phải được Bộ Chính trị giới thiệu hoặc không bầu trực tiếp vị trí Tổng Bí thư.
Thế nhưng dường như phương án ông Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm 2 năm không được nhiều người ủng hộ.
Giải pháp thỏa hiệp
Người dân Việt Nam không còn thờ ơ chính trị
TS Jonathan London phân tích rằng bài toán về lớp kế nhiệm của lãnh đạo Đảng CSVN không chỉ giới hạn trong cuộc ganh đua giữa hai ông Dũng-Trọng.
Sau nhiều năm giằng co phe phái trong nội bộ, chính trị nhóm lợi ích đã hình thành và ngày càng ảnh hưởng tới các chính sách nhà nước.
“Thực tế có khả năng là Việt Nam sẽ nói lời chia tay với cả hai ông Dũng và Trọng. Điều này có thể xảy ra như một thỏa hiệp không mấy thỏa mãn của hai phe”.
Một kịch bản khác, hơi khó xảy ra, là có một cuộc “đảo chính về thủ tục”, cho phép lựa chọn trực tiếp các vị trí chủ chốt của Đảng và nhà nước.
Dù nói gì, thì cuộc đấu tranh quyền lực hiện thời cũng gây quan tâm đặc biệt trong các tầng lớp.
“Trong những năm gần đây, văn hóa chính trị ở Việt Nam đã ngày càng đa dạng, với hơn 30 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook và vô số các blog về chính trị”.
Theo TS London, người dân Việt Nam ngày càng cởi mở và tự tin bàn luận chuyện chính trị của đất nước và có một khát vọng to lớn trong người dân về tách bạch nền chính trị ra khỏi giới có địa vị và tư ích.
Những tuần vừa qua, rất nhiều các văn bản nội bộ của giới lãnh đạo Đảng được tung lên mạng để “đánh” lẫn nhau, trong khi nhiều người cũng nhân cơ hội này mà kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê và cải cách thể chế.
“Chính trị Việt Nam phát triển nhanh hơn là giới lãnh đạo Đảng thừa nhận. Khác với Trung Quốc, cả từ bên trong lẫn bên ngoài hệ thống nhà nước đang có các kêu gọi trật tự xã hội đa nguyên và dân chủ hơn”.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/01/160108_jonathan_london_congress